Chương 146: Kiếp Thứ Tư

Editor: Tô Mộc Y

“Cô nương xem này, tuyết rơi rồi!”

Xe ngựa đang đi trên quan đạo trước thành Lương Châu, người đánh xe nói với khách bên trong có tuyết rơi, nha hoàn Hồng Hạnh vừa vén màn lên xem, quả nhiên thấy bầu trời có bông tuyết lặng lẽ rơi. Hồng Hạnh và chủ tử đều là người Tô Châu, rất ít khi nhìn thấy tuyết, đặc biệt là bông tuyết lớn.

“Cô nương, người tới xem đi.”

Không có tiếng đáp lại, Hồng Hạnh quay đầu, thấy cô nương đang bọc áo choàng dựa vào một góc xe, hàng mi dài rũ xuống làm nổi bật khuôn mặt nhỏ trắng như bạch ngọc tinh xảo đến mức không giống người thật, mà lại giống búp bê sứ đẹp đẽ nhất được nặn ra.

Cô nương đang ngủ, Hồng Hạnh đành tự mình ngắm tuyết, không lên tiếng quấy rầy nữa.

Thật ra Trần Kiều đã tỉnh, chỉ là nàng không có hứng thú với tuyết, hay nói cách khác, bây giờ nàng chẳng có hứng thú với điều gì cả. Dù sao thân thể này cũng mới mười hai tuổi, ngày lấy chồng còn xa, Trần Kiều không vội suy xét đến hôn sự, cũng không vội tìm một người đàn ông nào đó để gả. Châu ngọc ở trước, Trần Kiều càng ngày càng không muốn miễn cưỡng mình.

Có lẽ Bồ Tát đã nhận ra, nên ngài cho nàng nhiều thời gian hơn một chút.

Buổi trưa, ba chiếc xe ngựa dừng trước dịch quán.

Biết người ngồi trong xe là Nhị gia phủ Bình Tây Hầu, dịch thừa tự mình ra nghênh đón.

Lục nhị gia là quan văn, là người tao nhã lịch sự, chiêu hiền đãi sĩ, rất khách khí với dịch thừa. Sau khi trò chuyện, Lục nhị gia đến trước chiếc xe ngựa thứ hai, dịu dàng nói:

“Kiều Kiều, ra đi.”

Trần Kiều đã chuẩn bị xong, Hồng Hạnh vén màn xe cho nàng cúi đầu bước ra ngoài.

Tiểu cô nương mười hai tuổi, đi đường mệt mỏi nên khuôn mặt tái nhợt lộ ra vẻ tiều tụy, dáng vẻ điềm đạm đáng yêu này càng khiến người ta đau lòng. Lục nhị gia nhìn cháu gái cực kỳ giống em gái kia, lòng càng thêm thương tiếc, tự mình cầm tay cháu đỡ xuống dưới. Khi Trần Kiều bước xuống đất, ông còn sửa lại áo choàng giúp cháu, sợ tuyết lọt vào.

“Cảm ơn cữu cữu.”

Trần Kiều nhẹ giọng nói.

Lục Nhị gia mỉm cười, cùng cháu đi vào phòng nghỉ cho khách.

Sau khi ăn trưa xong, đoàn người tiếp tục xuất phát, chuẩn bị đến thành Lương Châu trước khi trời tối.

Trong xe ngựa, Trần Kiều cầm lò sưởi tay, yên lặng suy nghĩ về kiếp thứ tư của nàng.

Vậy phải nói từ phủ Bình Tây hầu.

Phủ Bình Tây hầu có tổng cộng có ba người, ngoài Hầu gia kế thừa tước vị là con vợ cả, gọi là Lục nhị gia, hai người còn lại thì đều là con vợ lẽ. Mẫu thân Trần Kiều là thứ nữ em ruột của Lục nhị gia. Tình cảm của hai anh em vô cùng sâu đậm, nhưng tính cách lại khác nhau. Lục nhị gia một lòng đọc sách, dựa vào thực lực có được một chức quan văn, còn mẫu thân Trần Kiều tuy là thứ nữ nhưng lòng dạ cao hơn trời, ỷ vào dung mạo xinh đẹp của mình muốn trèo cao tới vị quý nhân nào đó. Kết quả quý nhân không nuốt trôi kiểu này của nàng, mẫu thân Trần Kiều cũng phí công vô ích, vừa khiến bản thân mất mặt, vừa khiến Hầu phủ mất mặt. Cuối cùng nàng bị gả đi vội vàng cho một vị cử nhân, cũng chính là phụ thân Trần Kiều.

Phụ thân Trần Kiều học rất giỏi, đỗ tiến sĩ rồi được điều đến Tô Châu làm quan. Mẫu thân Trần Kiều rời xa quê hương, hơn nữa vẫn luôn cảm thấy mình bị gả thấp nên không cam lòng, sinh Trần Kiều không lâu thì mất. Cha Trần không cảm thấy thương tâm, lại nhân cơ hội ấy cưới con gái của quan trên, từ đó mọi bề đều thuận lợi, một mạch lên tới chức Tri phủ Tô Châu.

Cha Trần vẫn còn muốn thăng tiến nữa. Ông nghĩ tới cô con gái Trần Kiều mới mười hai tuổi. Trần Kiều thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ, lại chỉ có hơn chứ không kém. Nghe nói đại thái giám bên người hoàng thượng thích trinh nữ, cha Trần thấy con gái còn nhỏ nên cũng có thể coi là trinh nữ, định bụng cuối năm đưa nàng vào kinh.

Nguyên thân cũng rất nhanh trí, biết ý định của phụ thân thì nhanh chóng viết thư cho cữu cữu ruột ở Lương Châu. Lục nhị gia biết tin, giận tím mặt, sau khi bàn bạc với huynh trưởng Bình Tây hầu, y liền dẫn theo hai mươi gia binh Hầu phủ cường tráng theo, tự mình tới Tô Châu đón cháu gái.