Bùi Trường Thanh nói cho cô biết, người đàn ông tên Triết Nha này vốn dĩ là người của trại Bộc Tử nằm ở phía tây Long Thành, nhiều thế hệ chế tạo binh khí. Anh ta thiên tư hơn người, tài nghệ cao siêu, chế tạo ra đao sắc có thể thổi cắt được cọng tóc. Tù trưởng tặng anh ta một nữ nô, nữ nô này sinh cho anh ta một cô con gái. Triết Nha rất hạnh phúc, đặt tên cho con gái là A Nhung, ý nghĩa là tháng bảy hoa nở rực núi rừng, không ngờ rằng mấy ngày sau khi mở mắt ra, cô bé lại có đồng tử đôi, tộc nhân cho rằng điềm xấu, nữ nô cũng rất sợ hãi, muốn dìm chết cô bé. Triết Nha không nỡ, khổ sở cầu xin tù trưởng. Bởi vì tài năng của anh ta, tù trưởng cuối cùng đã đáp ứng, nhưng A Nhung vẫn bị coi là vật lạ, không một người nào trong trại chịu đến gần cô bé.
Mấy năm trước khi A Nhung năm tuổi, có mấy bộ lạc của trại Bộc Tử liên tiếp xảy ra thiên tai, tộc nhân rất hoảng sợ, vu sư cầu khấn, nói phải hiến tế A Nhung mới trừ được thiên tai. Triết Nha nghe được tin này đã mang theo A Nhung chạy trốn khỏi Mã Bình. Lẽ ra anh ta muốn chạy trốn đến nơi xa hơn, chỉ là lúc ấy A Nhung bị ốm nặng, hơi thở thoi thóp, anh ta lại không có tiền, rơi vào đường cùng, Triết Nha đã phải bán cây đao tùy thân của mình. Mấy tên lưu manh nhìn trúng đã mua đao nhưng không trả tiền, Triết Nha vì giành lại mà bị đánh, đúng lúc ấy Bùi Trường Thanh đi ngang qua đánh đuổi mấy tên lưu manh đi, cũng nhìn trúng cây đao kia, đã mua ngay tại chỗ. Hắn lại thấy hai cha con đáng thương liền ra tay hỗ trợ. Sau khi A Nhung khỏi bệnh, Triết Nha định cư ở đây, mở cửa hàng rèn. Bởi vì tay nghề xuất chúng, dần dần mọi người trong vùng đều tìm đến anh ta để làm rèn, cuộc sống cũng bắt đầu ổn định.
Hai mắt của A Nhung khác hẳn người bình thường, Triết Nha sợ bị người ta nhìn thấy sẽ gặp thị phi, rất ít cho con gái ra ngoài. Bùi Trường Thanh và A Nhung lại rất hợp nhau, hắn thường xuyên sẽ đến thăm cô bé. Trong mắt cha con Triết Nha, Bùi Trường Thanh giống như ân nhân tái tạo, lúc nào cũng cảm kích hắn.
– Người Bộc Tử rất hung hãn, lại không có kiến thức. Mười năm trước tin vào người Phiêu quốc mà làm phản, muốn đánh tới Long Thành. Hiện tại đã thành thật, chỉ là vẫn ngu xuẩn như cũ, thiên tai khó tránh khỏi nhưng lại không biết cách phòng tránh, chỉ biết đổ hết lên đầu A Nhung, thật sự là nực cười!
Nhắc tới những trải qua của hai cha con Triết Nha, Bùi Trường Thanh vẫn rất bất bình.
Mai Cẩm nói:
– Chuyện này chàng làm rất đúng. Vô tri sinh ra sợ hãi. Nói là đồng tử đôi là điềm xấu, chỉ là trại dân không biết nguyên do trong đó mà nói những điều vô căn cứ. Trên thực tế thϊếp nghe nói xưa nay có không ít thánh nhân cũng có đồng tử đôi trời sinh.
Bùi Trường Thanh nói:
– Thì ra là như vậy! Ta thấy nàng cũng biết nhiều, vậy thì để ta bảo với mẹ để A Nhung đến nhà chúng ta cũng được. Mẹ ta cũng sợ nhìn thấy A Nhung. A Nhung cả ngày bị nhốt trong gian phòng nhỏ kia, không dám đi đâu cả, đáng thương lắm.
Mai Cẩm đáp ứng.
Hai người cứ đi, không hề thấy mệt, có điều mặt trời dần lên cao, nắng rất gắt, trên trán Mai Cẩm bắt đầu phủ một lớp mồ hôi mỏng.
– Nàng nóng không? Vừa rồi ra ngoài quên mất mang mũ cói rồi. Ta lau mồ hôi cho nàng nhé! – Bùi Trường Thanh đưa tay đến muốn dùng tay áo lau mồ hôi cho cô.
Mai Cẩm hơi nghiêng đầu tránh đi, tự lau mồ hôi, hỏi:
– Hồi Xuân Đường còn xa không ạ?
Tay của Bùi Trường Thanh khựng ở giữa chừng, hơi ngẩn ra, sau đó thu về, cũng không để ý nhiều, chỉ về phía trước nói:
– Nàng có thấy cái mành lớn nhất đằng trước không? Là đó đó.
Mai Cẩm nhìn theo hướng hắn chỉ.
Quả thực có một cặp biển hiệu được dựng cao ở cuối đường, cờ hiệu phấp phới theo gió, thoáng có thể nhìn thấy dòng chữ thêu màu vàng kim trên đó, rất bắt mắt giữa những tấm biển treo trên một dãy nhà. Trước cửa tiệm đang tụ tập rất nhiều người, không biết đang xảy ra chuyện gì.