Thẩm Gia mỉm cười lắc đầu: “Không cần đâu, những thứ Viễn Sơn ca săn được có thể đổi lấy ít bạc, đừng tiêu hết cho ta, chẳng phải sẽ khiến ta càng cảm thấy áy náy hơn sao?”
Nụ cười ngọt ngào của Thẩm Gia như có một sức hút kỳ lạ, khiến Hầu Viễn Sơn bỗng trở nên bối rối: “Ta vốn sống một mình, bạc nhiều cũng chẳng có gì để dùng, mua cho cô vài bộ quần áo cũng tốt.”
Thẩm Gia nghe vậy, trong lòng cảm động, khóe mắt hơi nóng lên, nhìn anh: “Viễn Sơn ca, huynh thật tốt với ta.” Bao năm bôn ba bên ngoài, tuy rằng nàng đã gặp không ít người tốt, nhưng có người nào đối xử chân thành với nàng như Viễn Sơn ca đâu.
Hầu Viễn Sơn bị ánh mắt ấm áp của nàng nhìn đến mức ngượng ngùng, mặt cũng dần đỏ lên.
“À… ta đi dọn bàn đây.” Hắn vội vàng tìm cớ, quay người đi nhanh như gió.
Thẩm Gia thấy vậy thì không nhịn được liền bật cười, nàng cảm thấy Viễn Sơn ca thật dễ thương, đôi khi còn dễ ngượng ngùng hơn cả con gái.
Khi cả hai ăn cơm tối xong, thím Viên ở nhà bên đã bảo Diệp Tử đến dẫn Thẩm Gia về nhà mình.
Diệp Tử là một cô bé mười bốn tuổi, da ngăm, dáng người gầy nhỏ nhưng đôi mắt to tròn rất linh động, ánh lên vẻ tinh anh.
Ngay từ lần đầu nhìn thấy Diệp Tử, Thẩm Gia đã cảm thấy cô bé rất hợp ý mình.
Tới nhà thím Viên, Thẩm Gia thấy chỗ ở của cả gia đình thím cũng không lớn hơn mấy so với sân nhà mà Hầu Viễn Sơn sống một mình.
Trước cửa là căn chòi dựng bằng thân cây ngô khô, hàng rào quanh nhà làm từ tre đan khá thưa, đứng ở bên ngoài đã có thể nhìn thấy rõ khung cảnh bên trong.
Đối diện cổng chính là ba gian nhà lợp ngói xếp sát nhau, mái ngói có phần lỏng lẻo, tuyết phủ lên càng làm chúng trông như có thể sập bất cứ lúc nào. Bên trái là hai gian nhỏ, một phòng là chỗ ngủ của Diệp Tử, một phòng dành cho em trai cô bé là Lai Hỉ. Phía bên phải là một gian bếp dựng từ tường đất nén, sát bên bếp là một chuồng heo quây lại, bên trong có hai chú lợn nhỏ đang ngủ say sưa.
Khi Diệp Tử dẫn Thẩm Gia vào phòng mình, nhị tẩu Nguyệt Nương đang giúp các nàng trải giường. Thấy Thẩm Gia bước vào, nàng mỉm cười nói: “Cô nương đến rồi, nhà chúng ta đơn sơ, cô đừng để bụng, ít ra vẫn là chỗ có thể che mưa chắn gió.”
Nguyệt Nương là một người phụ nữ trắng trẻo, gương mặt trái xoan, mày lá liễu, trông rất xinh đẹp. Hiện bụng tỷ ấy hơi nhô lên, có lẽ đã mang thai được ba, bốn tháng, nhưng tay chân vẫn nhanh nhẹn, nhìn qua cũng biết là người tháo vát.
Thẩm Gia nói: “Sao tẩu lại nói vậy, các người đã cho ta tá túc, ta còn không hết lòng cảm kích, nào dám kén chọn. Tẩu cũng đừng gọi ta là cô nương nữa, chỉ cần gọi ta là Tiểu Gia là được rồi.”
Nguyệt Nương mỉm cười ngại ngùng, thấy giày thêu và gấu váy của nàng vấy đầy bùn liền nói thêm: “Tiểu Gia chắc hẳn không có quần áo để thay, đồ của Diệp Tử thì e là cô mặc vào sẽ hơi nhỏ, để ta lấy tạm hai bộ của ta cho cô mặc đỡ nhé.”
Nói xong, tỷ ấy quay sang bảo Diệp Tử: “Muội đi ra bếp mang nước nóng vào cho Tiểu Gia tắm rửa. Trời lạnh nhưng thùng tắm nhà mình cũng khá lớn, ngâm người vào sẽ không cảm thấy bị rét.”
Thẩm Gia đã mặc bộ đồ này được một thời gian, cũng đã sớm muốn thay ra, nay thấy Nguyệt Nương chu đáo như vậy thì không khỏi cảm động: “Đa tạ tẩu.”
Sau khi tắm rửa xong, Thẩm Gia cảm thấy cả người thoải mái hơn nhiều. Bộ quần áo của Nguyệt Nương mặc lên người nàng cũng rất vừa vặn, chiếc áo hoa nhí nền nã phối với quần bông xanh xám, vừa ấm áp vừa dễ chịu.
Sau khi chỉnh trang xong xuôi, nàng chuẩn bị làm lễ nhận cha mẹ nuôi. Lễ nhận con nuôi ở đây cũng không có nhiều thủ tục phiền phức, Thẩm Gia chỉ cần quỳ gối trước mặt Viên Nhị Ngưu và Viên Lâm thị, dâng trà, gọi một tiếng “cha, mẹ” là đã hoàn thành.
Viên Nhị Ngưu vì chân tay không còn linh hoạt, nên từ đầu tới cuối ngồi trên ghế dựa, đối với Thẩm Gia cũng rất lạnh nhạt, suốt buổi không nói một lời, trà nàng dâng lên cũng chỉ nhấp một ngụm rồi đặt xuống. Ngược lại, Viên Lâm thị nhiệt tình đỡ nàng đứng dậy, nói: “Con ngoan, từ giờ con đã vào nhà họ Viên, chúng ta là một gia đình cùng chia ngọt sẻ bùi, những gì Diệp Tử có, con cũng sẽ có một phần.”
Nghe những lời ấy, sống mũi Thẩm Gia không khỏi cay cay. Từ khi nhũ mẫu qua đời, ở cái thời đại xa lạ này, thực sự chưa từng có ai đối đãi với nàng tốt như thím Viên và Viễn Sơn ca.
“Con sẽ luôn hiếu kính với cha mẹ nuôi.” Thẩm Gia đáp lại đầy chân thành.
“Ôi chao!” Viên Lâm thị vui vẻ đáp. Thật ra bà không mong đợi Thẩm Gia phải báo đáp gì. Nhận nàng làm con nuôi, một phần vì thấy nàng cô độc đáng thương, phần khác là vì Viễn Sơn. Đứa trẻ ấy đã giúp đỡ gia đình bà quá nhiều, nên bà cũng muốn làm điều gì đó trong khả năng của mình.
Bên cạnh, cậu bé Lai Hỉ chỉ mới sáu tuổi, được Diệp Tử nhắc nhở, cũng bước lên ngọt ngào gọi Thẩm Gia một tiếng “tỷ tỷ.” Tiếng “tỷ tỷ” ấy khiến hai mắt Thẩm Gia cay cay, nàng đưa tay xoa nhẹ lên đôi má non nớt của Lai Hỉ, mỉm cười đáp: “Đệ đệ ngoan.”
Bây giờ, nàng cũng đã có một gia đình.
Sau lễ nhận người thân, bên ngoài trời đã hoàn toàn tối. Người dân trong thôn sống tiết kiệm, không có việc gì quan trọng thường không dám dùng đèn dầu, cả ngôi làng chìm trong bóng tối, không có một tia sáng nào.
Mùa đông trời lạnh, mọi người đều ngủ sớm, Thẩm Gia và Diệp Tử cũng sớm trở về phòng nhỏ của mình để nghỉ ngơi.
Dù giường cứng và đệm mỏng đến đáng thương, nhưng lại rất ấm áp. Cả hai cô gái nhỏ cuộn mình trong chăn bông, cảm thấy toàn thân ấm áp dễ chịu.
Lần đầu gặp nhau mà hai người đã rất hợp nhau, không ngủ được nên chui trong chăn thì thầm nói chuyện.
Diệp Tử hỏi về thân thế của Thẩm Gia. Dù nhà họ Viên đối đãi rất tử tế với nàng, nhưng có những việc không tiện nói ra, nên Thẩm Gia vẫn trả lời giống như đã nói với Hầu Viễn Sơn.
Nghe Thẩm Gia kể nàng đi từ kinh thành đến đây, Diệp Tử không khỏi phấn khích: “Kinh thành cách đây xa lắm không? Nhị ca của muội đi kinh thành dự thi đã ba tháng rồi, giờ không biết đã tới nơi chưa.”
Thẩm Gia suy nghĩ một lúc rồi nói: “Khi ta rời khỏi Cảo Kinh vẫn còn là mùa hè, đi đường chậm rãi mất nửa năm. Nếu đi bộ không nghỉ thì ít nhất cũng phải mất ba đến bốn tháng. Nhưng kỳ thi thường tổ chức vào mùa xuân, nên nhị ca muội chắc vẫn kịp.”
Diệp Tử thở dài: “Chỉ mong lần này nhị ca thi đậu. Nhà ta nghèo lắm rồ, phải bán sạch đồ đạc để lo cho huynh ấy học hành. Trước khi lên kinh, mẹ cũng đã đưa hết số bạc trong nhà cho huynh ấy mang theo. Nhị ca là niềm hy vọng của cả nhà chúng ta đó.”