Bữa tối hôm đó Hiểu Linh ngồi quây quần với mọi người nói ra kế hoạch của mình:
- Hồi chiều Lập Hạ có bàn với ta về việc trồng mộc nhĩ, bản thân ta cảm thấy rất khả thi vì nấm bào ngư mình còn trồng được huống gì thứ dễ sống dễ thấy như mộc nhĩ.
Chúng ta sẽ trồng, thu gom, phơi khô rồi đến gần Tết bán cho thương lái.
Mọi người thấy thế nào?
Lập Hạ cúi đầu ngượng ngùng vì không nghĩ tỷ tỷ sẽ nêu tên hắn ra.
Lưu thị gật gật đầu đáp:
- Cũng phải… Mộc nhĩ thường gặp đâu hái đó cũng được một số đủ ăn, nhà ta có thể trồng được cớ sao không trồng.
Nhưng như vậy thì liệu có phải làm thêm phòng nấm không?
Hiểu Linh đáp:
- Hiện tại thì con nghĩ không cần vì phương án Lập Hạ cũng có rồi.
Chúng ta trồng ngoài bờ đê che kín một chút là được.
Dù sao nhà mình cũng gần bến sông vắng kia.
Lập Hạ một lần nữa được nhắc tên thì mặt đỏ lựng, lí nhí nói:
- Đệ… đệ chỉ… chỉ nói một chút thôi mà.
Hiểu Linh cười vỗ nhẹ đầu Lập Hạ khích lệ:
- Tỷ rất ủng hộ mọi người có những sáng kiến, kế hoạch mới để làm giàu cho gia đình.
Bất kể là ai trong nhà kể cả Tiểu Hàn có phương án, ý kiến tốt đều sẽ báo mọi người để cùng nhau làm.
Đệ rất thông minh, đệ biết không.
Nhưng rồi Hiểu Linh quay sang cả nhà nghiêm trọng nói:
- Nhưng có một việc ta phải nói với mọi người.
Ở đây ai cũng biết ta không phải Phạm Hiểu Linh nhưng người làng thì không biết điều đó.
Nếu đột nhiên Phạm gia giàu lên thì cần phải có cái lý do rõ ràng để hợp lý chuyện này nếu không dân làng sẽ vô cùng hoài nghi.
Mọi người nghe tới đây thì Lưu thị cùng Tiểu Đông đều nhận ra sự quan trọng trong vấn đề này.
Không phải trước đây khi chưa biết thân phận thật sự của Hiểu Linh, bọn họ cũng từng hoài nghi nàng ấy biết những thứ này ở đâu ra sao.
Dân làng chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi hiếu kỳ nếu thấy Phạm gia đột nhiên giàu lên mua đất, nới nhà.
Tiểu Đông nhẹ hỏi:
- Vậy theo thê chủ thì phải làm sao?
Hiểu Linh đáp:
- Hai tuần này chưa gặt lúa, ta sẽ tranh thủ qua nhà vị Lý tú tài kia để học cho xong chữ.
Trước đây ta có giao kèo với bà ấy rằng chỉ cần học chữ thôi, nên lúc nào ta đến, ngồi cùng lớp học sinh nào của bà ấy cũng được.
Ta sẽ tranh thủ học cả sáng và chiều để nhanh nhất nắm bắt được.
Ta cũng sẽ nói với Lê chưởng quầy ở Phúc Lạc Lâu để nàng ấy lót đường cho chúng ta một chút, ai hỏi sẽ bảo ta đi làm cho nhà bọn họ.
Như vậy thì khoảng thời gian đó mọi người nói với dân làng ta đi bốc hàng cho Hà gia trên Trấn là được.
Sau này sẽ sắp đặt sự kiện để hợp lý việc những kiến thức mà ta có.
Hiểu Linh nhìn một lượt Tiểu Đông, Lưu thị cùng Lập Hạ.
Mọi người đều gật đầu đã hiểu.
Cô quay sang Tiểu Đông:
- Thời gian này huynh lên núi thì chú ý đào thêm gốc mộc nhĩ nhé.
Lập Hạ theo tỷ phu cùng lên núi, mọi người chịu khó mang cơm nắm đi vậy.
Còn Tiểu Hàn, đệ muốn sang nhà Trần bá mẫu cùng chơi với bá phụ hay lên núi?
Tiểu Hàn nói giọng chắc chắn:
- Đệ muốn lên núi phụ mọi người.
Biết đâu còn có thể nhặt chút củi khô nha.
Mọi người đều làm việc, mình đệ chơi là không thể được.
Hiểu Linh phì cười đáp:
- Tốt… vậy để đệ lên núi cùng mọi người.
Trước khi đi đệ phải đảm bảo đã có đủ thức ăn cho ba chú cún, biết không?
Tiểu Hàn gật đầu:
- Ân..
đệ đã biết.
Cô quay sang Lưu thị:
- Hôm trước con có nói với ngài về việc đi xem để xin chuyển bát hương Nguyễn gia về bên này.
Nhạc phụ xem ngày mai chúng ta đi được không? Sắp tới bận rộn lại không biết ngày nào có thể đi được.
Ta muốn làm việc gì dứt khoát việc đó đi.
Lưu thị gật đầu:
- Vậy được chọn ngày không bằng gặp ngày.
Sáng mai chúng ta thắp hương bên gia tiên Phạm gia rồi qua Nguyễn gia bên kia thắp hương khấn xin xong rồi đi.
Hiểu Linh đáp:
- Vâng.
Phong tục nơi này con không quá rõ nên cần làm gì nhạc phụ bảo con.
Lưu thị có chút hiếu kỳ hỏi:
- Ở nơi con sống có chuyện nhà vợ thờ cha mẹ chồng sao?
Hiểu Linh cười.
Cô đúng là phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói để có thể dễ dàng giải thích cho Lưu thị hiểu.
Nếu như lỡ lời không kịp đổi vai giữa nam nhân và nữ nhân sợ rằng ông sẽ sốc văn hóa mất.
- Ở nơi con sống thời ông bà diễn ra chiến tranh chống giặc cứu nước kéo dài mấy chục năm nên rất nhiều lớp người đã lên đường chiến đấu rồi hi sinh.
Có những gia đình mười người con cả nam lẫn nữ chỉ duy nhất một người ở hậu phương cùng cha già còn lại lần lượt theo mẫu thân tòng quân rồi không về.
Nên chuyện sau khi lập gia đình, nam nhân thờ cúng người thân bên nhà vợ cũng không thiếu.
Đương nhiên chuyện này thì phải được phép của thê chủ và làm cái lễ xin gia tiên bên nhà vợ.
Lưu thị tặc lưỡi, cảm thán:
- Sao có thể bắt nữ nhân cuối cùng trong nhà cũng phải tòng quân chứ.
Triều đình chúng ta bây giờ cũng không đến nỗi hà khắc như vậy.
Hiểu Linh cười đáp:
- Nhạc phụ ngài hiểu nhầm.
Thời đại đó của đất nước con nữ hay nam đều một lòng tòng quân đánh giặc.
Nhiều người chưa đủ tuổi, chưa đủ cân nặng liền dám khai gian tuổi của bản thân, bỏ thêm đá, thêm sắt vào người để đủ cân vì muốn xin ra chiến trường.
Không ai bắt người dân tòng quân cả.
Cả đất nước nam nữ già trẻ lớn bé đều làm theo sức của mình để chống giặc cứu nước.
Không ai muốn quốc gia mình chìm dưới ách thống trị của kẻ khác, dân tộc mình bị đàn áp trở thành nô ɭệ cả.
Lưu thị ngạc nhiên thốt lên:
- Còn có thể như vậy sao? Cả dân tộc cùng nhau đánh giặc?
Hiểu Linh nhún vai đáp:
- Đất nước con chính là như vậy.
Hàng ngàn đời đối diện với xâm lược chưa từng chùn bước.
Ngài thử nghĩ mà xem.
Khi kẻ thù giày xéo lên làng mạc, ruộng đồng của chúng ta làm sao có thể không căm thù.
Nếu có kẻ muốn hại đến người thân của ngài, gia đình ngài thì dù còn một chút hơi sức ngài cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ đến cùng.
Đơn giản bọn chúng đi xâm lược, thua cuộc chúng có thể rút chạy về nước còn chúng con thì không có đường lui.
Mấy câu nói của Hiểu Linh khiến những người ở đây ngẩn ngơ.
Bọn họ xưa nay ở trong lũy tre làng, chỉ biết kẻ nào xâm phạm đến làng mạc, ruộng đồng của mình thì ai cũng sẵn sàng đứng lên chống lại chứ không hề nghĩ đến xa xôi đến cái gọi là lòng yêu nước to lớn như vậy.
Hiểu Linh tối nay cũng phá lệ ngủ cùng Lập Hạ để tránh cho đứa nhỏ sợ hãi trong đêm vì chuyện sáng nay.
Nhưng dường như thằng bé và cả Tiểu Hàn đều rất yêu thích những câu chuyện của cô, hỏi cô không ngớt về đất nước và dân tộc của cô.
Trong đêm tối tĩnh lặng, những câu chuyện về lịch sử hào hùng của một quốc gia được kể lại với âm giọng chầm chậm mềm mại nhưng cũng rất tự hào nhẹ thấm vào lòng người..