*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Editor: DeAngélique
_______________________________
Tường trắng ngói đen, sân viện rộng lớn, đúng lúc Giang Nam gặp tháng mưa dầm, bụi mưa mờ mịt, từng giọt mưa tích tích tắc tắc đáp xuống con đường lát đá.
Trong sân, tiếng guốc gỗ vang lên lộp cộp, hết đợt này đến đợt khác. Tổ trạch của Ông thị bận rộn, náo nhiệt khác hẳn mọi ngày.
Ông thị ở quận Ngô của Giang Nam là gia tộc hiển hách, trải qua hàng trăm năm mà vẫn vững vàng không suy yếu. Nếu lật từng trang sử sách của gia phả họ Ông, sẽ đếm không hết bao nhiêu danh tướng, hiền khanh, đến tận thế hệ ngày nay cũng có nhiều bậc minh triết phân ưu triều chính, có thể nói rằng căn cơ của gia tộc ngày càng được củng cố. Nhìn lại toàn bộ triều Đại Tấn, Ông thị có lẽ là gia tộc quyền thế bậc nhất.
Hôm nay là ngày Tam tiểu thư của Đại gia Ông thị được Tân Đế định ngày lành mà tứ hôn. Những gia đình có mối quan hệ tốt với Đại gia Ông thị, hay là những gia tộc dựa vào Ông thị, cùng các quan viên trong triều đều đến cửa chúc mừng.
Chưa kể đến, hôn sự này là do Đương kim Thánh Thượng tự mình chỉ định, ai mà chẳng muốn qua đây nâng ly nói vài lời tốt lành, nhân tiện lôi kéo quan hệ với Ông thị.
Nhưng nhân vật chính của hỉ sự này lại tránh ở hậu viện, ngồi trên chiếc thuyền có mái che đang thong dong xuôi dòng trên hồ Bán Nguyệt.
Ông Quý Nùng ngồi dựa bên vách thuyền, tay phải chống cằm nhỏ, mười đầu ngón tay như búp măng, trắng nõn. Trên ngón trỏ đeo một chiếc nhẫn hồng bảo thạch tinh xảo, lúc này gác dưới cằm càng làm khuôn mặt nàng trở nên trắng hồng và thanh tú, tinh tế hơn hẳn.
Thuyền nhỏ chầm chậm lênh đênh trên mặt hồ, nàng nín thở, lắng tai nghe được loáng thoáng tiếng ồn ào phía tiền viện, cái mũi nhỏ hơi chau lại, hừ nhẹ một tiếng, cầm lấy chiếc quạt xếp có nan làm bằng ngà voi được điêu khắc tinh xảo trên bàn, dùng sức quạt mạnh.
Xuân Vu nhìn dáng vẻ phập phồng của tiểu thư nhà mình, lại nhìn qua Thu Lê, nói: "Nguyên gia bên kia đưa tới một cặp chim nhạn, vẫn còn sống đấy."
Thanh âm không lớn không nhỏ, vừa khéo để cho Ông Quý Nùng cũng nghe được.
Thu Lê hiểu ý, phụ họa theo: "Nghe mấy bà tử trong phủ nói, đôi nhạn kia xinh đẹp lắm, nhưng trông cũng uy phong không kém."
Ông Quý Nùng len lén lắng nghe, trong lòng hơi xúc động, động tác quạt trên tay cũng dần chậm lại, nàng còn chưa bao giờ nhìn thấy chim nhạn đấy!
Nhưng sau đó nàng nghĩ lại, nhạn là do người nọ đưa tới, thì lại bày ra bộ dáng không quan tâm, nghiêng đầu nhìn về phía mặt hồ xa xa, tựa như không nghe được lời trò chuyện của hai thị nữ, tập trung thưởng thức cảnh đẹp ý vui của con ngỗng trắng đang núp mình trốn mưa dưới lá sen.
Xuân Vu cùng Thu Lê thở dài một tiếng, phải làm thế nào bây giờ đây!
Người ngoài đều nói rằng tiểu thư của các nàng phúc khí ngợp trời, xuất thân nơi vọng tộc, cha mẹ yêu thương có thừa, phu quân tương lai lại là một vị Đại đô đốc quyền cao chức trọng, tay nắm binh quyền, ngày sau sẽ hưởng không hết vinh hoa.
Ai mà không hâm mộ cho được?
Nhưng chỉ có các nàng đã theo gót hầu hạ tiểu thư từ khi còn nhỏ mới biết được rằng, tiểu thư không hài lòng với hôn sự này.
Vị hôn phu của tiểu thư là Đại đô đốc Nguyên Sâm, ngài ấy phụ trách chưởng quản 4 quận và hai mươi vạn binh mã ở Hà Tây.
Nhưng Hà Tây nằm ở phía Tây Bắc của nhà Tấn, còn tiểu thư của họ cả người đều trắng nõn, mềm mại, tính tình cũng dịu ngoan, luôn ỷ lại vào Lão gia cùng phu nhân, nếu gả đi mà nhớ cha mẹ, một chuyến quay trở về nhà cũng phải mất 3 tháng đi đường.
Huống chi tiểu thư lại là người yêu thích cái đẹp, quần áo trang sức, đồ đạc trang trí trong nhà luôn phải đẹp đẽ tinh xảo, đến cả thị nữ, bà tử hầu hạ bên người cũng đều có bộ dáng chỉnh tề.
Các nàng ở bên cạnh tiểu thư nhiều năm, đương nhiên cũng sẽ biết tiểu thư thích những vị công tử có dáng vẻ như thế nào, giống như người gần đây mà tiểu thư coi trọng là Ngọc Lang công tử của quận Ngô, phải là người nào có khuôn mặt tuấn tú, phong lưu tài tử như thế mới lọt được vào mắt xanh của nàng.
Thế nhưng vị cô gia tương lai kia lại cứ cố tình phải là một vị tướng luôn phải ngồi lưng ngựa hành quân, đánh giặc, quanh năm hứng bụi đất nơi sa trường khốc liệt.
Hoàng Đế tứ hôn, không thể không tuân mệnh, cho dù trong lòng người Ông gia có không muốn đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể thuận theo mà tiếp chỉ.
Hiện giờ, ngày lành cũng đã định xong, mối hôn sự này lại càng không thể nào cứu vãn.
Thấy Ông Quý Nùng không vui, Xuân Vu cũng không nhắc đến Nguyên gia nữa, chỉ nói: "Tiểu thư đừng dựa sát vào cạnh thuyền, cẩn thận bị nước mưa làm ướt y phục."
Ông Quý Nùng lui vào trong khoang thuyền: "Mưa hơn mười ngày nay rồi, sao mãi vẫn chưa dứt?"
"Chờ đến mai, chắc tiểu thư sẽ lại oán giận thời tiết nóng nực mất." Xuân Vu cười nói.
Ông Quý Nùng giận dỗi liếc qua: "Ta đâu có như vậy!"
Nàng có một đôi mắt hoa đào xinh đẹp, luôn long lanh nước, trời sinh đã chất chứa cái tình trong ánh mắt. Tuy nàng nói tiếng Quan thoại nhưng vẫn vương chút làn điệu của giọng Ngô, mềm nhẹ như bông, tựa như đang làm nũng.
Nghe vậy, Xuân Vu cũng không đành lòng trêu nàng nữa.
"Chúng ta xuống thuyền thôi!" Ông Quý Nùng nghĩ nghĩ, chắc hẳn bây giờ nương đang bận rộn lắm, bởi vì Thiên tử tứ hôn, dù đều tỉnh lược đi những lễ nạp thái, vấn danh (*) này kia, nhưng nói cho cùng, đây cũng là lần đầu tiên Nguyên gia phái người tới đây, nàng cũng muốn đi qua nhìn thử.
- -----
[Chú thích: (*) Người Trung Quốc vốn rất coi trọng lễ nghi, vì vậy hôn lễ truyền thống của Trung Quốc phải trải qua 6 lễ nghi (lục lễ): nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghinh.- Lễ "Nạp thái" còn được gọi là lễ làm mối, nhà trai sẽ mời bà mối đến nhà gái để đề nghị kết thông gia. Sau khi nhà gái đã đồng ý, nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật đến cầu hôn.
- "Vấn danh" tức là xem bát tự, bà mối sẽ hỏi ngày sinh tháng đẻ của cô dâu và họ tên cô dâu để xin ngày lành.- "Nạp cát" – sau khi nhà trai đã chọn được ngày lành, sẽ chuẩn bị lễ đến báo cho nhà gái.
- "Nạp tệ" tức là nhà trai chọn ngày lành đến nhà gái để tiến hành định hôn.
- "Thỉnh kỳ" tức là xin ngày giờ để cử hành hôn lễ (lễ cưới).
- "Thân nghinh" – lễ nghi long trọng nhất trong sáu lễ, vào ngày đã chọn, chú rể tự mình đến nhà gái rước cô dâu về nhà mình. Trong lễ thân nghinh, chú rể có thể đi bộ hoặc ngồi kiệu đến nhà cô dâu, thường là kiệu tám người khiêng (八人大轿).
]- ------
Mặc dù Ông Quý Nồng không hài lòng với hôn sự này, nhưng chung quy vẫn có chút tò mò.
-
Ba người xuống thuyền, đi tới chính viện, lúc này Ông phu nhân mới từ tiền viện trở về, dựa vào nhuyễn tháp (*) dùng trà nghỉ ngơi.
(*) Hình ảnh minh họa cho nhuyễn thápThấy Ông Quý Nùng, bà vội vẫy tay gọi nàng tới ngồi cạnh mình: "Nương còn đang định bảo ma ma đi gọi con tới."
Cục bột nếp trắng nõn mềm mại dụi dụi vào lòng bà làm nũng, làm cho Ông phu nhân yêu thương vô cùng.
"Nương, thế nào rồi?" Ông Quý Nùng nhỏ giọng hỏi.
Ông phu nhân đương nhiên biết nàng đang hỏi gì, bình tĩnh đáp: "Phép xã giao phải làm thôi, nhưng lễ nghĩa cũng tính là chu toàn."
Ông phu nhân xuất thân từ Ngụy gia ở vùng Nhữ Âm, lại kết tóc phu thê cùng trưởng tử Ông thị cũng đã gần ba mươi năm, nên có thể được bà đánh giá như vậy thì nhà bên kia chắc hẳn không hề tầm thường.
Điều này càng làm Ông Quý Nùng tò mò hơn: "Là người nào của Nguyên gia tới đây vậy ạ?"
"Là đại quản sự của Nguyên gia." Ông phu nhân không nghĩ tới, đại quản sự Nguyên gia còn có năng lực tốt như vậy, hành động và lời nói đều có chừng mực, không kiêu ngạo, không siểm nịnh.
Bà nghĩ như thế không phải vì trước đó xem thường Nguyên gia, mà là Nguyên gia đằng kia không giống như Ông gia đã sừng sững mấy triều đại, hay kế tục trăm năm. Trước khi lập chiến công hiển hách, Nguyên Sâm chỉ là một thường dân áo vải, thế nên bà từng nghĩ người hầu trong nhà họ cũng sẽ không thể nào có năng lực tiến lùi xuất chúng như Ông gia được.
Đại gia tộc luôn có rất nhiều quy củ, vốn lúc trước bà còn lo lắng người Nguyên gia phái tới sẽ không chu toàn lễ nghi, còn chuẩn bị trước rất nhiều biện pháp nói đỡ cho họ vài câu, nhưng không ngờ lại chẳng cần dùng đến.
Ông phu nhân giúp tiểu nữ nhi gài lại cây trâm trên búi tóc: "Thánh chỉ đã định hôn kỳ vào tháng 5 năm sau, tức là còn chưa đầy một năm nữa, mùa xuân năm sau con phải khởi hành đến quận Võ Uy rồi."
Ông Quý Nùng nghe vậy, trong lòng chua xót cực kỳ, vùi mình vào vòng tay bà, không nói lời nào.
"Bây giờ không thể nói rằng không phải thế gia thì không gả nữa rồi. A Nùng gả qua đó, nhất định không được coi thường Nguyên Sâm." Ông phu nhân nhẹ giọng nói.
Nhà Tấn mới được dựng nên hơn 40 năm nay, đương kim Thánh thượng là vị Hoàng Đế thứ hai của triều đại, vị Nguyên Sâm kia là cánh tay đắc lực của ngài, từ khi tân Hoàng còn chưa đăng cơ, Nguyên Sâm đã kề vai sát cánh cùng ngài bình định Hung Nô, vào sinh ra tử. Tình cảm này bất đồng với những người khác.
"Nương, con hiểu." Từ trước đến nay, Ông Quý Nùng đều chưa từng xem nhẹ vị hôn phu của nàng, nàng ở quận Ngô cũng từng nghe qua danh tiếng lẫy lừng của Nguyên Sâm, chẳng qua là, nàng chưa bao giờ nghĩ tới người nọ và nàng sẽ phát sinh một tầng quan hệ như ngày hôm nay.
Lang quân trong mộng của nàng nếu không phải là vị quân tử tài hoa phong nhã hơn người, thì cũng là công tử nhà công Hầu, thị tộc tiền đồ như gấm, hoặc là vị thiếu gia nào đấy của thế gia giao hảo với nhà nàng, thường chơi đùa cùng nàng khi còn nhỏ...
Từ trước đến nay, dù có mơ mộng bao nhiêu cũng đều không phải là một vị tướng quân chinh chiến nơi sa trường.
Vậy nên, khi tiếp thánh chỉ, Ông Quý Nùng chỉ cảm thấy trời cũng muốn sập xuống tới nơi.
"Mặc dù nương luyến tiếc A Nùng của chúng ta phải gả đi xa như vậy, nhưng cũng không thể trái ý Vua, nhưng mà kể ra gả cho Nguyên gia cũng có chỗ tốt mà người khác không có được." Ông phu nhân cố gắng an ủi Ông Quý Nùng, "A Nùng qua đó sẽ trở thành đương gia chủ mẫu, cha mẹ Nguyên Sâm mất sớm, lại không có huynh đệ tỷ muội, A Nùng có thể thoải mái làm việc gì con muốn!"
"Nhưng con ở nhà cũng đều muốn gì làm nấy như vậy mà!" Ông Quý Nùng lẩm bẩm.
Ông phu nhân khe khẽ thở dài, Ông gia có ba nữ nhi, hai nữ nhi lớn tuy đều là thị thϊếp sinh ra, nhưng cũng ở dưới gối bà mà lớn lên từng ngày, lại đều đợi đến khi đủ 16 tuổi mới gả chồng, Đại tiểu thư gả cho nhà mẹ đẻ Ngụy thị của bà, còn Nhị tiểu thư gả qua Bành thành, cách quận Ngô không xa lắm.
Chỉ có tiểu nữ nhi thân sinh mới 14 tuổi mà bà hết mực sủng ái, sang năm lại phải gả đi Tây Bắc xa xôi ngàn dặm, bà làm sao có thể không khổ sở, không đau lòng cho được.
Nhận thấy cảm xúc của Ông phu nhân đột nhiên xuống dốc, Ông Quý Nùng vội vàng nói: "Nương yên tâm, con sẽ ngoan ngoãn gả đi Tây Bắc."
Ông phu nhân sắp xếp lại cảm xúc hỗn độn, vuốt ve bàn tay mềm mại nhỏ nhắn của Ông Quý Nùng: "A Nùng, mấy tháng này ở nhà, con muốn làm cái gì thì cứ thoải mái mà làm, nương đều đáp ứng con hết, gần đây Ngọc Lang ra một tập thơ mới, A Nùng có muốn không? Nương dặn người đi mua! Nghe nói mấy bữa nay Tương Bảo các cũng ra mắt mẫu trâm cài mới..."
Ông Quý Nùng ngượng ngùng vặn xoắn khăn lụa trong tay: "Nương, con muốn biết bộ dáng của ngài ấy ra làm sao."
Ông phu nhân trong lòng 'lộp bộp', thôi xong!
Bà biết Ông Quý Nùng nhà bà có niềm say mê với những thứ đẹp đẽ, mọi khi bà thường nói rất nhiều về những cái tốt khi gả cho Nguyên Sâm, thế mà lại quên mất điểm này.
Nhà họ chưa bao giờ được gặp qua Nguyên Sâm, làm sao mà biết diện mạo người ta ra sao. Nhưng trước kia, có vài lần bà theo phu quân đi qua rất nhiều nơi, cũng gặp qua vài vị tướng lĩnh, ai cũng cao lớn vạm vỡ, dáng người cường tráng, khác hẳn với tướng mạo phong độ nhẹ nhàng, tài tử mà Ông Quý Nùng coi trọng.
Nhìn mặt mày Ông Quý Nùng lộ ra vẻ tò mò, những lời đến đầu lưỡi của bà lại không thể nào thốt lên thành lời.
Chỉ có thể miễn cưỡng nói: "Để nương bảo đại ca con đi hỏi thăm xem sao!"
Ông Quý Nùng mím môi: "Chỉ cần đừng giống như vị công tử nhà họ Vương kia là được."
Đất Giang Nam đông đúc, phồn vinh mà vẫn an nhàn, phần lớn nhóm công tử thế gia từ nhỏ đã theo học văn nho, mong muốn sau này đỗ đạt vang danh khắp thiên hạ, hiếm khi có công tử nhà nào tham gia tòng quân, tuy nhiên cũng không phải không có. Vương gia Nhị công tử là một trong số đó, nếu không phải gia thế của Vương gia vẫn còn vang vọng, thì nàng còn hoài nghi hắn vào quân doanh làm đầu bếp cơ đấy.
Năm ngoái, khi qua nhà họ Vương chúc Tết, Ông Quý Nùng gặp qua Vương nhị công tử, chiếc ghế bành cũng đỡ không nổi thân hình hắn, thịt thừa hai bên hông đều muốn xông ra khỏi y phục qua những khe hở trên ghế.
Ông phu nhân nhìn thấy vẻ mong đợi trong mắt nàng mà lo lắng khôn nguôi, đành đuổi khéo nàng trở về, rồi lại cùng ma ma hầu cận nghĩ xem nên làm thế nào cho phải.
Ma ma khuyên nhủ: "Trước tiên phu nhân cứ để đại công tử đi tìm hiểu, nếu diện mạo vị kia đoan chính thì tốt rồi, nếu... vẫn còn hơn nửa năm nữa, ngày thường phu nhân cứ khen ngợi chiến tích vang đội của Đại đô đốc thật nhiều, khiến cho Tam tiểu thư chỉ còn nghĩ đến tài năng của ngài ấy thôi."
Ông phu nhân nhìn qua bàn, trên đó là chiếc quạt xếp bằng ngà voi của Ông Quý Nùng. Bà cầm trong tay ngắm nghía một hồi, chiếc quạt này chỉ to bằng bàn tay nam tử vừa thành niên là cùng, quạt ra cũng chẳng mát hơn được bao nhiêu.
Nhưng A Nùng lại yêu thích cây quạt này, chỉ vì nó đẹp, mỗi ngày nàng đều mang theo bên mình.
Nàng yêu cái đẹp như vậy, nếu diện mạo của Nguyên Sâm không vừa ý nàng, vậy sau này con bé sẽ phải làm thế nào đây!
Ông phu nhân day day thái dương, bà đau đầu!