Trở lại kí túc xá sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch, tôi lại tiếp tục guồng học như bình thường: đến thư viện, ở lại ôn bài rồi rời đi khi người phụ trách thông báo thời gian đóng cửa. Tưởng tượng thì là như vậy, nhưng mọi chuyện trôi qua không hề dễ dàng. Hôm nào cũng thế, cứ học được một lúc thì tôi lại bất giác nhìn ra ngoài cửa xem Minh có đến không, có đều đặn xuất hiện như những ngày tôi còn nhận tin nhắn của cái người tên "Màu xanh" ấy không.
Câu trả lời là không.
Ở lớp, tôi tránh mặt Minh. Ở thư viện, Minh tuyệt nhiên chẳng đến.
"Như vậy thì tốt chứ sao", tự nhủ như thế, rồi tôi lại cắm đầu vào học.
Thời gian này trong năm, nắng mưa thất thường. Nhưng tôi vẫn rất nhớ buổi chiều của hội chợ xuân năm ngoái, khi lần đầu tiên được tham quan Chuyên Việt Ninh. Đó là một ngày nắng đẹp, lại là dịp sự kiện nhộn nhịp nên cảnh trí và thời tiết đều rất chiều lòng người.
- Đố các cậu biết trường mình chuẩn bị có sự kiện gì?
Chi hỏi, khi cả lớp đang trong giờ sinh hoạt. Có nhiều đứa vẫn đang chưa nghĩ ra, trong khi vài bạn đã trả lời ngay:
- Hội xuân!
- Chính xác. - Chi nói. - Năm nào trường mình cũng tổ chức Hội xuân, với hoạt động chính là gian hàng của các lớp bố trí và thực hiện.
- Tức là giờ lớp mình sẽ lên kế hoạch cho gian hàng hả? - Một đứa đứng dậy hỏi. - Nhưng gian hàng thì khá là nhỏ, có cần đến cả lớp không?
- Không nha. - Chi trả lời. - Bạn nào tham gia chuẩn bị hoặc trực gian hàng sẽ được cộng điểm sinh hoạt, còn không thì có thể tự do đi thăm thú xung quanh.
Nghe vậy, vẻ mặt của nhiều đứa trong lớp có vẻ giãn ra hẳn. Cũng là chuyện dễ hiểu, vì với nhịp độ hoạt động ngoại khóa sôi nổi, không phải học sinh nào trong trường cũng có thời gian hưởng ứng.
- Chủ đề gian hàng năm nay là "Lịch sử Việt Nam", tức là chọn một trong các thời kì và trang trí theo phong cách đặc trưng của thời kì đó. Trước thứ bảy tuần này, cả lớp mình phải thống nhất chọn ra một thời đại cụ thể, kéo dài khoảng từ 10 đến 30 năm, để nhà trường sắp xếp vị trí gian hàng cho phù hợp.
Giữa những tiếng xì xào bàn luận, Chi lại nói tiếp:
- Vậy lớp mình có ai có đề xuất gì không?
- Việt Nam thời bao cấp được không? - Tôi giơ tay, nói.
- Bao cấp thì bán mỡ lợn với tem phiếu hả? - Có đứa hỏi, kéo theo là một tràng cười.
- Không nhất thiết phải bán những thứ hay gặp ở thời đó, vì dù sao thời phong kiến thì cũng đâu bán được cổ vật. - Chi giải thích. - Chỉ là hình thức bày trí thôi.
Sau một hồi thảo luận để đề ra các lựa chọn, lớp tôi tiến hành giơ tay bình bầu. Chủ đề "Việt Nam thời bao cấp" mà tôi đề ra nhận được nhiều phiếu nhất, dù chênh lệch chẳng đáng là bao so với các ý tưởng khác như "Sài gòn thập niên 70" hay "Cố đô Huế thời Nguyễn".
- Vậy thì lần này giao cho Lam phụ trách lên kế hoạch nhé!
Tôi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng gật đầu đồng ý. Kể từ khi lên cấp hai, đến bây giờ là cấp ba, tôi mới lại có dịp phụ trách một hoạt động tập thể. Dù sao đây cũng là dịp tốt để rèn luyện khả năng sắp xếp và giải quyết vấn đề. Nghĩ như vậy, nhưng khi về phòng rồi nghe Chi nói đến những quy trình để thực hiện và vô số đầu việc phải lên kế hoạch, tôi hơi hoảng hốt:
- Nhiều đến vậy sao?
- Đúng rồi, riêng việc thiết kế và chi phí cũng phải tính toán cẩn thận, chưa tính đến những chuyện trong và sau sự kiện nữa đó. - Chi đáp. - Tuy không đến mức phức tạp nhưng dễ phát sinh nhiều việc trong một thời gian ngắn ấy.
Nhìn thấy sự chần chừ ở tôi, Chi nói:
- Nhưng tao thấy mày là đứa trách nhiệm, lại rất chỉn chu. Nhìn cách mày ngồi căn chỉnh blog thôi là tao đã nể rồi. Mày có khiếu đó chứ, chỉ cần để ý về vấn đề quản lí các đầu việc và phân công thôi.
- Vậy chắc giờ tao nên bắt tay vào soạn kế hoạch luôn.
- Đúng rồi, có gì thì tao sẽ giúp. Mày còn có tao mà!
Tôi nghe thấy vậy thì cũng an tâm phần nào. Thời gian đầu, do chưa quen với việc dẫn dắt những dự án kiểu này, nên tôi gặp vô số khó khăn trong việc truyền đạt nhiệm vụ và thống nhất ý kiến. Nhưng qua vài tuần, mọi chuyện đã dễ thở hơn. Giờ đây, tôi chỉ cần lên nốt kế hoạch trực gian hàng trong ngày sự kiện:
- Ở đây mình có bốn khung giờ. - Tôi vừa chỉ vào các đầu mục vừa viết lên bảng, vừa nói. - Bạn nào xung phong trực ca nào thì giơ tay để tớ ghi nhận nhé!
Với ba khung giờ đầu tiên, mọi người đều rất hào hứng. Nhưng với ca trực thứ tư, tuyệt nhiên không thấy động tĩnh gì.
- Đó là lúc diễn ra chương trình "Hoa trạng nguyên" nên bọn tớ muốn đi xem ấy. - Một bạn lên tiếng.
Nhắc tôi mới nhớ, vì mấy ngày nay vùi đầu trong các đầu việc khác mà tôi còn chẳng để ý đến cuộc thi này. Cũng một phần do lớp tôi không ai ghi danh nên tôi không mấy ngó ngàng. "Hoa trạng nguyên" là cuộc thi có hình thức tương tự như chương trình "Rung chuông vàng", được đặt theo tên loài hoa nở vào mùa xuân và cũng là để vinh danh bạn thí sinh có hiểu biết tốt về nội dung thi, cụ thể với năm nay thì là chủ đề lịch sử Việt Nam.
- Vậy là không ai xung phong trực hết sao?
Tôi lên tiếng, mà chẳng có ai đáp lời, nên đành tự ghi tên mình lên bảng:
- Vậy thì tờ trực một mình cũng...
- Có Minh kìa! - Tiếng của Chi vang lên.
Thời khắc tôi quay lưng lại và nhìn thấy cánh tay của Minh cũng là lúc Chi chốt hạ quyết định:
- Đủ hai người rồi, Minh với Lam trực ca bốn nhé.
Tôi chưa kịp phản ứng gì, cũng không thể ra tín hiệu bối rối với Chi, vì nó đã quay đi, chẳng hướng mặt ra chỗ tôi nữa. Cách Chi né tránh ánh mắt tôi dường như không khác gì so với cách tôi không dám nhìn thẳng vào chỗ Minh cả. Chậm rãi, tôi viết tên cậu lên bảng ngay cạnh tên mình, trong lòng chen chúc bao suy nghĩ đan xen.
Những ngày liền sau đó, tôi vẫn chẳng bao giờ nhìn vào mắt Minh, dẫu cho cậu vẫn tham gia hậu cần cho gian hàng, lắng nghe và thực hiện những gì tôi trực tiếp phân công.
- Có mệt không thế?
Thư hỏi tôi, khi tôi, Chi và nó đang ngồi dưới nhà ăn. Tôi vừa nhai cơm, vừa lắc đầu. Sức lực thì không mệt, vì tôi vẫn cảm thấy mình còn kham được. Nhưng tinh thần lại là một vấn đề khác. Tôi rất muốn nói với Chi rằng, mình không muốn trực cùng Minh, rất muốn phân công cho một ai khác và hẳn là nhiều người sẵn lòng ngồi lại với cậu ấy. Nhưng tôi có lý do gì chính đáng bây giờ? Trong khi rõ ràng tôi đã lảng tránh và cố tỏ ra thản nhiên khi nó hỏi về chuyện tôi có thích Minh không.
- Tao lên lớp đây. - Tôi đứng dậy, dọn dẹp khay ăn.
- Ủa không nghỉ ngơi à? Đằng nào chiều chả được nghỉ, hậu cần xuyên trưa làm gì? - Thư thắc mắc.
- Mày cẩn thận sức khỏe đấy, không lại ngất ra. - Chi nhắc nhở.
- À không không, tao mang mấy đồ đạo cụ vừa mua lên lớp, tiện kiểm tra xem kích cỡ lắp có tương thích không để chiều biết đường mua lại cho kịp. Dù sao thì thứ bảy tuần này cũng chính thức tổ chức rồi. - Tôi nói. - Nãy định mang luôn nhưng mà đói quá nên xuống ăn trước.
- Thế để khay với bát đũa đó, lát bọn tao mang ra cho. - Chi nói.
- Ừ, thế nhờ bọn mày nhé.
Tôi bỏ lại một câu sau lưng, rồi cầm túi đồ chạy ngay lên lớp. Định đẩy mở cửa ra, tôi chợt bắt gặp qua khung kính hình ảnh Minh mải mê cắt dán những tấm biển mình vừa phác. Sao giờ này cậu ấy còn chưa về? Minh không đói sao? Tôi có nên vào hỏi han không?
Hàng loạt câu hỏi bủa vây lấy tôi, khiến tôi phải đứng tần ngần một lúc. Nhưng nghĩ lại thì, tôi đâu thể giả vờ rằng cậu ấy không tồn tại, đâu thể cứ mãi né tránh nói chuyện với Minh suốt những năm tháng còn lại của cấp ba? Hít một hơi thật sâu, tôi bước vào phòng, mở đầu bằng câu hỏi mà bản thân đã "tập dượt" cả chục lần trong óc:
- Sao giờ này cậu chưa về?
Minh hơi khựng lại. Cậu ngoảnh ra, và dường như để thực sự xác nhận đó là tôi, cậu mới trả lời gọn ghẽ:
- À, tớ mải làm.
Tôi đặt túi đồ xuống bàn, trong đầu lẩm nhẩm những câu nói tự nhiên nhất có thể để cứ thế mà rời đi. Thế nhưng, đập vào mắt tôi là một tập sách lạ. Tôi hỏi Minh:
- Ơ, mấy quyển này mới bổ sung vào gian hàng của lớp mình à?
- Ừ, thực ra là tớ đi tìm thêm. Mấy cuốn ngoại văn cũ này cũng hay lắm đó.
Thấy tôi nhìn chúng với vẻ tò mò, Minh nói thêm:
- Cậu kiểm tra đi, dù sao cũng phải đảm bảo không có vấn đề gì với những thứ mình bày bán.
Tôi gật gù, rồi lật giở một cuốn ra xem thử. Trong khi tôi bị hút vào nội dung của quyển sách nhỏ, Minh vẫn miệt mài đo đạc và cắt dán.
- Cậu đọc cái kết của truyện này chưa?
Tôi hỏi, sau khi gấp cuốn sách cũ trên tay, trong đầu luẩn quẩn muôn vàn suy nghĩ.
- Quyển của Melville ấy hả? (*) - Minh hỏi, tay vẫn thoăn thoắt làm việc.
- Ừ.
- Rồi. - Minh trả lời ngắn gọn. - Cũng hơi bất ngờ trước cái chết của anh ta.
- Tớ không chắc có phải ý tác giả không, nhưng tớ cảm thấy câu chuyện đang nói đến việc tinh thần của con người có thể bị bào mòn đến mức chẳng còn ý thức phản kháng lại cái chết. - Tôi trình bày suy nghĩ của mình.
- Không, là cố chấp phản kháng đến tận những ý thức sinh tồn căn bản nhất ấy chứ.
____________________
(*) Nói đến tác phẩm "Bartleby, The Scrivener: A Story Of Wall-street" do Herman Melville viết, xuất bản lần đầu năm 1853.