Chương 2
Ở cổng Đến, chúng tôi được chào đón bởi một đám đông đang nhìn chúng tôi bằng những con mắt hoặc hốc mắt đói khát. Chúng tôi ném chiến lợi phẩm xuống sàn: hai người gần như còn nguyên vẹn, mấy cẳng chân béo mập, một khúc mình, tất cả còn ấm nguyên. Gọi đó là thức ăn thừa cũng được. Gọi đó là thức ăn mang về cũng được. Những Người Chết xông vào ăn ngấu nghiến ngay trên sàn nhà như thú vật. Sức sống còn sót lại trong những tế bào ấy sẽ giúp họ không chết hẳn, nhưng Người Chết nào không đi săn thì sẽ không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn cả. Cũng giống như thủy thủ thiếu rau và hoa quả tươi khi đi biển, họ sẽ chết dần chết mòn trong sự thiếu thốn, lúc nào cũng yếu ớt và trống rỗng, vì cơn đói mới nảy sinh là một con quái vật cô đơn. Nó miễn cưỡng chấp nhận thứ thịt đã xỉn màu và thứ máu chỉ còn hơi âm ấm, nhưng cái nó thèm muốn nhất là sự gần gũi, mối liên kết khủng khϊếp giữa mắt của họ và mắt của chúng tôi trong những giây phút cuối cùng đó, như một âm bản đen tối của tình yêu.
Tôi vẫy tay chào âm rồi rời xa đám đông. Từ lâu tôi đã quen với mùi hôi thối của Người Chết, nhưng cái mùi bốc lên từ chỗ họ hôm nay nồng nặc một cách đặc biệt. Tôi không cần thở, nhưng tôi cần chút không khí trong lành.
Tôi đi ra đoạn hành lang bên ngoài và bước lên băng chuyền. Tôi đứng trên băng chuyền, ngắm cảnh vật trôi qua ngoài cửa sổ. Cũng chẳng có gì nhiều mà ngắm. Đường băng đang chuyển sang màu xanh vì cỏ dại và bụi rậm mọc dày. Những chiếc phản lực nằm im lìm trên nền bê tông như những con cá voi mắc cạn, trắng bệch, to đùng. Moby Dick[1], cuối cùng thì cũng bị chinh phục.
[1] Tên con cá voi trắng huyền thoại trong tiểu thuyết cùng tên (1851) của nhà văn Mỹ Herman Melville, rất thông minh và luôn tránh thoát được các cuộc vây bắt.
Hồi trước, khi còn sống, tôi không bao giờ có thể làm được chuyện này. Đứng im, ngắm thế giới trôi qua trước mắt, gần như không nghĩ gì. Tôi nhớ mình đã từng phải cố gắng. Tôi nhớ các mục tiêu, các thời hạn. Đích đến và tham vọng. Tôi nhớ mình đã từng sống có mục đích, lúc nào cũng phải có mặt ở mọi nơi. Giờ tôi cứ đứng trên băng chuyền, mặc cho nó đưa đi. Tôi đi đến cuối băng chuyền, quay người, rồi đi theo chiều ngược lại. Thế giới đã được chưng cất. Làm người chết thật dễ dàng.
Sau khi đi như thế được vài giờ, tôi nhận ra một cô gái trên băng chuyền đối diện. Cô không đi giật cục hay rêи ɾỉ như phần lớn chúng tôi; đầu cô chỉ ngoẹo từ bên này sang bên kia. Tôi bắt gặp ánh mắt cô và nhìn cô chăm chăm khi chúng tôi lại gần nhau. Trong một thoáng, chúng tôi đứng bên nhau, chỉ cách nhau vài bước. Chúng tôi đi qua nhau rồi tiến về phía cuối sảnh đối diện. Chúng tôi quay lại trên băng chuyền. Chúng tôi lại đi qua nhau. Tôi nhăn mặt, và cô ấy nhăn mặt lại. Đi đến lần thứ ba thì điện trong sân bay tắt, và chúng tôi dừng lại đối diện nhau. Tôi khò khè phát ra một tiếng chào, và cô nhún vai đáp lại.
Tôi thích cô. Tôi đưa tay ra chạm vào tóc cô. Cũng như tôi, cô mới ở giai đoạn thối rữa ban đầu. Da cô tái xanh và mắt thâm quầng, nhưng không có khúc xương hay cơ quan nội tạng nào lộ ra. Đồng tử cô có màu xám kẽm giống như mắt tất cả những Người Chết khác, nhưng nhạt hơn nhiều. Cô mặc váy đen và áo sơ mi trắng ôm sát người. Tôi đoán cô đã từng làm tiếp tân.
Trên ngực cô gắn biển tên màu bạc.
Cô ấy có tên.
Tôi nhìn cái biển tên chằm chằm, tôi cúi gần vào, gí mặt vào sát ngực cô, nhưng chẳng có ích gì. Các con chữ quay tròn, đảo ngược trong mắt tôi; tôi không thể đọc được chúng. Cũng như mọi khi, chúng né tránh tôi, chỉ là một loạt những đường nét và dấu chấm vô nghĩa.
Một điều mỉa mai khác của Xác Sống mà âm nghĩ ra – từ biển tên cho đến báo chí, câu trả lời cho mọi câu hỏi của chúng tôi được viết ra ở khắp xung quanh, nhưng chúng tôi không biết đọc.
Tôi chỉ biển tên và nhìn vào mắt cô gái. “Tên… cô?”
Cô nhìn tôi trân trân.
Tôi chỉ vào mình rồi thốt ra phần còn sót lại của tên mình. “Rrr”. Rồi tôi lại chỉ vào cô ấy.
Cô đưa mắt nhìn xuống sàn. Cô lắc đầu. Cô không nhớ. Cô thậm chí còn không có một âm tiết như âm và tôi. Cô chẳng là ai cả. Nhưng có phải là tôi đang chờ đợi quá nhiều không? Tôi đưa tay ra, nắm lấy tay cô. Chúng tôi đi dọc theo băng chuyền, hai cánh tay vươn qua dải phân cách.
Cô gái này và tôi đã yêu nhau. Hoặc cảm thấy những gì còn sót lại của tình yêu.
Tôi còn nhớ trước kia tình yêu có cảm giác như thế nào. Nó phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố phức tạp về cảm xúc và sinh học. Chúng tôi phải trải qua nhiều cuộc thử thách rắc rối, phải thiết lập mối quan hệ, phải có những lúc vui lúc buồn, nước mắt và những lốc xoáy tình cảm. Thật khó khăn và đau đớn, nhưng cũng thật tràn trề sức sống. Tình yêu mới này đơn giản hơn. Dễ dàng hơn. Nhưng cũng ít ỏi hơn.
Bạn gái tôi cũng không nói gì nhiều. Chúng tôi đi xuôi những hành lang âm vang trong sân bay, thỉnh thoảng ngang qua một ai đó đang đứng nhìn ra cửa sổ hay nhìn vào tường. Tôi cố nghĩ xem nên nói gì, nhưng chẳng nghĩ được gì cả, và nếu có thì chắc tôi cũng không nói nổi. Đó là trở ngại lớn nhất của tôi, hòn đá lớn nhất trong số những hòn đá chắn đường tôi. Trong đầu mình thì tôi ăn nói hết sức hùng hồn; tôi có thể trèo lên những giàn giáo phức tạp của từ ngữ để lên đến trần thánh đường cao nhất và vẽ nên những ý nghĩ của mình. Nhưng khi tôi mở miệng thì mọi thứ đều tan tành hết. Cho đến giờ thì kỷ lục của tôi là bốn âm tiết liền nhau trước khi một… cái gì đó… mắc kẹt. ́y vậy mà có lẽ tôi đã là Xác Sống nói năng lưu loát nhất toàn sân bay này rồi đấy.
Tôi không biết tại sao chúng tôi không nói. Tôi không thể giải thích được sự im lặng ngột ngạt bao trùm lên thế giới của chúng tôi, chia cắt chúng tôi như tấm kính chắn giữa người tù và người đến thăm. Giới từ thật khó, mạo từ thật khổ, còn tính từ thì ngoài tầm với. Sự câm lặng này có phải sự tàn tật đích thực về thể xác không? Một trong số các triệu chứng khi biến thành Người Chết? Hay là vì chúng tôi không còn gì để nói?
Tôi thử nói chuyện với bạn gái mình, vụng về đưa ra mấy lời nói và những câu hỏi hời hợt, cố làm cô phản ứng, cố gợi một chút lý trí. Nhưng cô chỉ nhìn tôi như thể tôi quái dị lắm.
Chúng tôi đi lang thang vô định suốt mấy tiếng, nhưng rồi cô nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đến đâu đó. Chúng tôi lảo đảo đi xuống thang cuốn đã ngừng lại và bước ra đường băng. Tôi mệt mỏi thở dài.
Cô ấy đang đưa tôi đến nhà thờ.
Người Chết đã xây một thánh đường trên đường băng. Từ thời xa xưa nào đó, có người đã đẩy các xe cầu thang lại với nhau, thành một giáo đường hình tròn. Chúng tôi tụ tập lại đây, chúng tôi đứng đó, chúng tôi giơ tay lên và rêи ɾỉ. Đám Xương Khô già cỗi khua những cánh tay xương xẩu ở giữa vòng tròn và phát ra những bài thuyết pháp khô khan không lời qua hai hàm răng nhăn nhở. Tôi không hiểu đó là cái gì. Tôi nghĩ không ai hiểu cả. Nhưng đó là lúc duy nhất chúng tôi tự động tụ họp ở bên ngoài, dưới bầu trời rộng mở. Cái miệng vũ trụ mênh mông ấy, với những ngọn núi xa xa như những cái răng trong đầu lâu của Chúa, há hốc để nuốt chửng lấy chúng tôi. Để nuốt chúng tôi xuống nơi mà có lẽ chúng tôi thuộc về.
Bạn gái của tôi có vẻ mộ đạo hơn tôi nhiều. Cô nhắm mắt lại và vẫy tay với một vẻ gần như chân thành. Tôi đứng cạnh cô và im lặng giơ tay lên trời. Theo một tín hiệu không lời nào đó, có lẽ là bị thu hút bởi sự sùng kính của cô, đám Xương Khô không thuyết giáo nữa và nhìn chúng tôi chằm chằm. Một trong số chúng bước tới trước, trèo lên cầu thang chỗ chúng tôi ngồi, và nắm lấy tay chúng tôi. Nó dẫn chúng tôi xuống vòng tròn bên dưới và giơ tay chúng tôi lên trong nắm tay xương xẩu của nó. Nó phát ra một tiếng tựa như tiếng hét, một âm thanh khủng khϊếp nghe như tiếng gió thổi qua một cái tù và bị vỡ, to đến giật mình, làm bầy chim sợ hãi bay vụt lên khỏi ngọn cây.
Giáo đoàn lầm bầm đáp lại, và thế là xong. Chúng tôi đã thành vợ chồng.
Chúng tôi quay trở lại chỗ ngồi trên bậc thang. Buổi lễ lại bắt đầu. Người vợ mới của tôi nhắm mắt lại và vẫy tay.
Cưới nhau được một ngày thì chúng tôi có con. Một nhóm Xương Khô chặn chúng tôi lại trong hành lang và giới thiệu chúng với chúng tôi. Một đứa con trai và một đứa con gái, khoảng sáu tuổi. Thằng bé có mái tóc vàng, da xám, mắt xám, trước kia có lẽ là người da trắng. Con bé da sẫm hơn, tóc đen, da nâu bủng, cặp mắt xám trũng sâu. Có lẽ nó là người Ả Rập. Đám Xương Khô đẩy chúng về phía trước và chúng rụt rè mỉm cười với chúng tôi, rồi ôm lấy chân chúng tôi. Tôi xoa đầu chúng và hỏi tên chúng là gì, nhưng chúng không có tên. Tôi thở dài, và cùng bước đi với vợ tôi, nắm tay hai đứa con của chúng tôi.
Tôi không hề trông đợi việc này. Đây là một trách nhiệm lớn. Những Người Chết còn nhỏ không có bản năng kiếm ăn như những người lớn. Chúng phải được chăm sóc và rèn luyện. Và chúng sẽ không bao giờ lớn. Bị chững lại vì lời nguyền của chúng tôi, chúng sẽ cứ bé nhỏ như thế mãi rồi nát rữa, rồi biến thành những bộ xương con, vẫn cử động được nhưng trống rỗng, với bộ não khô cứng kêu lục cục trong sọ, và sẽ lặp lại những thói quen và nghi thức của chúng cho đến một ngày kia, tôi đoán là chính bộ sxương cũng sẽ tan rữa ra, và chúng sẽ biến mất.
Cứ nhìn chúng mà xem. Ngắm chúng khi vợ chồng tôi thả tay chúng ra và chúng lang thang đi ra ngoài chơi. Chúng trêu đùa nhau và nhe răng cười. Chúng chơi những thứ còn chẳng phải là đồ chơi: dập ghim và ca uống nước với máy tính. Chúng cười khúc khích, rồi cười to, nhưng tiếng cười nghe nghèn nghẹt trong cổ họng khô khốc của chúng. Chúng tôi đã tẩy não chúng, cướp mất hơi thở của chúng, vậy mà chúng vẫn bám lấy bờ vực. Chúng vẫn cố hết sức chống lại lời nguyền của chúng tôi.
Tôi nhìn chúng biến vào ánh ngày mờ nhạt ở cuối hành lang. Sâu thẳm trong tôi, trong một góc tăm tối đầy mạng nhện, tôi cảm thấy có gì đó khẽ giần giật.
ĐÃ LẠI ĐẾN LÚC ĐI KIẾM ĂN.
Tôi không biết đã bao lâu rồi kể từ lần đi săn trước, có lẽ là mới chỉ vài ngày, nhưng tôi cảm thấy cơn đói. Tôi cảm thấy luồng điện trong tay chân mình đang chập chờn, yếu dần. Đầu tôi không ngừng tưởng tượng ra máu, thứ chất lỏng đỏ rực đầy mê hoặc ấy chảy qua những mô cơ hồng hồng với những mạng lưới rắc rối và những đoạn đứt gãy như trong tranh của Pollock[1], phập phồng, run rẩy đầy sức sống.
[1] Jackson Pollock (1912-1956), họa sĩ người Mỹ thuộc trường phái trừu tượng, nổi tiếng với các bức tranh vẽ bằng cách vẩy màu lên vải.
Tôi tìm thấy âm trong khu bán thức ăn đang nói chuyện với mấy cô gái. Anh ấy hơi khác tôi. Anh có vẻ thực sự thích thú bầu bạn với phụ nữ, và cách phát âm rõ ràng của anh thu hút họ như thu hút những con cá chép bị lóa mắt, nhưng anh vẫn giữ khoảng cách với họ. Anh cười rồi bỏ mặc họ. Đám Xương Khô đã định kiếm vợ cho anh, nhưng anh bỏ đi. Đôi khi tôi tự hỏi liệu anh có triết lý sống nào không. Hay thậm chí là thế giới gian. Tôi muốn được ngồi xuống với anh và chọc ngoáy não anh, chỉ một miếng nhỏ ở đâu đó quanh thùy trán thôi, để nếm thử suy nghĩ của anh. Nhưng anh quá ư đầu gấu nên sẽ chẳng đời nào bị tổn thương như thế.
“Thành phố,” tôi nói, đặt tay lên bụng. “Thức ăn.”
Mấy cô gái đang nói chuyện với anh quay sang nhìn tôi rồi bỏ đi. Tôi nhận ra mình khiến nhiều người thấy ngần ngại.
“Vừa… ăn,” âm nói, hơi nhíu mày nhìn tôi. “Hai ngày… trước.”
Tôi lại ôm bụng. “Thấy đói. Thấy… chết.”
Anh gật đầu. “Cưới… vợ mà.”
Tôi trừng mắt nhìn anh. Tôi lắc đầu và ôm bụng chặt hơn. “Cần. Đi… gọi mọi người.”
Anh thở dài và bước đi, trước đó còn huých mạnh vào người tôi, nhưng tôi không biết đó có phải là cố ý không. Dù sao thì anh cũng là Xác Sống mà.
Anh tìm được mấy người khác cũng đang đói và chúng tôi họp thành một nhóm nhỏ. Rất nhỏ. Nhỏ đến mức nguy hiểm. Nhưng tôi không thèm quan tâm. Tôi không nhớ nổi mình đã có bao giờ đói đến mức này chưa.
Chúng tôi đi về phía thành phố. Chúng tôi men theo xa lộ. Cũng như mọi thức khác, đường đang dần bị thiên nhiên lấn chỗ. Chúng tôi đi xuôi những con đường trống trải và những đường hầm phủ đầy dây trường xuân. Ký ức còn sót lại của tôi về những con đường này trái ngược hoàn toàn với vẻ bình an hiện tại của chúng. Tôi hít một hơi thật sâu bầu không khí ngọt ngào, yên tĩnh.
Chúng tôi đi vào trong thành phố sâu hơn mọi khi. Tôi chỉ còn ngửi thấy mùi bụi và gỉ sắt. Ngày càng hiếm Người Sống không có chỗ trú ẩn, và những kẻ đã có chỗ trú ẩn thì ngày càng ít ra ngoài hơn. Tôi đoán là các pháo đài trong sân vận động của họ đã thành nơi tự cung tự cấp. Tôi tưởng tượng ra những khu vườn rộng được cày lên bên lề sân, trồng đầy cà rốt và đậu. Gia súc nuôi trong lô dành cho nhà báo. Ruộng lúa ở ngoài khung thành. Chúng tôi nhìn thấy thành lũy lớn nhất vươn lên đâu đó phía chân trời xa xăm, cái mái xếp giờ mở ra như đang trêu tức chúng tôi.
Nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng đánh hơi được con mồi. Mùi của sự sống tràn vào mũi chúng tôi sực nức, đột ngột như điện giật. Họ đang ở rất gần, và rất đông. Có lẽ phải đông bằng một nửa chúng tôi ấy. Chúng tôi chần chừ dừng lại. Âm nhìn tôi. Anh nhìn cái nhóm lèo tèo của chúng tôi, rồi lại nhìn tôi. “Không,” anh hực lên.
Tôi chỉ về phía tòa nhà chọc trời nghiêng ngả sắp đổ đang tỏa ra mùi hương rõ rệt đến độ ta như nhìn thấy một tua cuốn thơm tho như trong phim hoạt hình cứ thế mời mọc hãy đến đây…
“Ăn,” tôi nhắc lại.
Âm lắc đầu. “Quá… nhiều.”
“Ăn.”
Anh lại nhìn nhóm chúng tôi. Anh đánh hơi không khí. Những người khác có vẻ ngần ngừ. Một số cũng hít hít đầy nghi ngại, nhưng nhiều người thì lại quyết tâm không kém gì tôi. Họ rêи ɾỉ và nhỏ dãi, táp táp hai hàm răng.
Tôi bắt đầu thấy bực bội. “Cần ăn!” tôi quát, trừng mắt nhìn M. “Đi… nào.” Tôi quay lưng và bắt đầu tập tễnh bước nhanh về phía tòa nhà chọc trời. Ý nghĩ tập trung. Theo phản xạ, đám đông liền bám theo tôi. Âm đuổi kịp và bước đi cạnh tôi, nhăn nhó nhìn tôi vẻ lo lắng.
Được kí©h thí©ɧ một cách dữ dội đến không ngờ bởi sự kiện của tôi, nhóm chúng tôi xông qua cánh cửa xoay quyết lao vào những hành lang tối. Một trận động đất hoặc một vụ nổ đã phá hủy một phần móng của tòa nhà, khiến nó vẹo đi một góc như nhà cười. Chẳng dễ gì đi qua được những hành lang xiên xẹo, và góc nghiêng của tòa nhà khiến chúng tôi gần như đi không vững, nhưng mùi người sống tràn ngập khắp nơi. Sau khi leo mấy tầng cầu thang, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng họ, đi lại, nói chuyện với nhau bằng những dòng từ ngữ đều đặn, nhịp nhàng. Tiếng Người Sống luôn mê hoặc tôi như kiểu một mùi hương âm thanh, và người tôi giật lên khi âm thanh ấy vang tới tai mình. Tôi chưa gặp một Xác Sống nào cùng chia sẻ niềm say mê dành cho những nhịp điệu êm ái ấy. Âm nghĩ đó chỉ là một sở thích bệnh hoạn.
Khi lên đến tầng họ đang ở, vài người trong chúng tôi bắt đầu gầm ghè rất to, khiến những Người Sống nghe thấy. Một người bọn họ hét lên cảnh báo và tôi nghe thấy tiếng súng lên cò, nhưng chúng tôi không hề chậm bước. Chúng tôi lao qua cánh cửa cuối cùng và xông tới tấn công. Âm gầm gừ khi nhìn thấy đám đông Người Sống, nhưng anh vẫn cùng tôi lao tới người gần nhất và túm chặt tay hắn trong khi tôi xé toạc cổ họng hắn. Vị máu nóng rực tuôn trào trong miệng tôi. Sức sống phun ra từ những tế bào của hắn như những tia dầu bắn ra từ vỏ cam, và tôi thèm thuồng hút cho bằng hết.