Chương 183: Nghĩ mãi không hiểu

Nghĩ mãi không hiểu

......

Ấn Tú kết thúc việc học ở nhà ông bà Du Nhậm, trở về Bách Châu tiếp tục nghiên cứu kinh doanh trà. Hai ông bà rất tiếc phải chia tay cô, những tháng qua họ chung sống với nhau rất vui vẻ, chỉ lạ lùng không hiểu, một cô gái tốt như Ấn Tú tại sao đã sắp 30 tuổi vẫn chưa kết hôn? Chủ đề mở rộng sang cô gái thường lái xe đến gặp Ấn Tú: "Học sinh của Vương Lê sao? Thảo nào trông ngoại hình và dáng vóc đều không giống người thường, cũng chưa kết hôn phải không?" Lại nghĩ đến Du Nhậm: "Cháu gái nhà ông cũng vậy."

Không hiểu nổi các cô gái thời nay, không đứa nào vội vàng cả. Hai ông bà lo thì vẫn lo, nên trồng trà thì vẫn lên đồi trồng, cuộc sống của ai người nấy vẫn tự sống.

Ấn Tú bảo Ấn Tiểu Thường chuyển đến nhà mới, treo biển rao bán nhà cũ, ba mẹ con sống cùng nhau, nhiều hôm có cả Mão Sinh đến. Đương nhiên Ấn Tiểu Thường nóng lòng muốn được ở nhà mới: "Cuối cùng bà đây cũng có ngày mát mày mát mặt, chẳng muốn sống trong nhà máy dệt 3 thêm một phút nào." Nhưng Ấn Tú đưa ra ba điều 'không' cho mẹ: "Không được đưa ai về nhà đánh bài, không được đưa ai về đây ở, cũng không được khoe khoang bên ngoài."

Ấn Tiểu Thường nói sao có thể không khoe khoang? Mẹ con chúng ta phải chịu uất ức những năm qua chưa đủ sao?

"Trước đây gia đình chúng ta như thế, chẳng trách bị người đời coi thường." Sau vài năm ở tù, Ấn Tú đã thông suốt về ý nghĩ "mát mày mát mặt": "Mẹ ăn ngon, mặc đẹp, sống tốt chỉ vì một lời nói của người khác sao?"

Tuy ngũ quan hai mẹ con rất giống nhau, nhưng sự khác biệt về khí chất càng ngày càng rõ nét, biểu cảm và dáng vẻ của Ấn Tiểu Thường tựa như luôn sẵn sàng bị người khác đánh giá, bà muốn xinh đẹp, muốn huyênh hoang, muốn giải tỏa cơn giận bằng con mắt khinh thường nhìn người khác, cả đời này chỉ muốn sống như một đoá hoa sao nháy tươi đẹp khiến ai cũng phải kinh ngạc và tán dương.

Không theo đuổi vẻ đẹp quyến rũ như người mẹ, phong cách của Ấn Tú dè dặt và đẹp tinh tế, hoa cải vàng cũng được, hoa nghênh xuân cũng chẳng hề gì, cô đã không còn quan tâm người khác nhìn nhận mình như thế nào: "Đến bây giờ chị mới biết, đặt tầm mắt lên chính mình khó ra sao." Vì thế Ấn Tú nói với Mão Sinh: "Những lời khen, câu nịnh và khoác lác của người ta trước đây chỉ là trò đùa gặp dịp thì diễn, dù có hai phần chân thành, đến cuối cùng mọi thứ vẫn rơi trên những con số trong máy tính."

Nhiều khi ở nhà nghỉ ngơi, cô còn tự may quần áo, những kỹ năng cắt dập vải và đạp máy khâu ngày xưa vẫn chưa mai một. Ấn Tú may cho Tiểu Tiểu bộ váy liền thân ngắn tay có dây buộc và một chiếc áo phông nhỏ sọc ngang. Đi đón Tiểu Tiểu hoạt bát và dễ thương tan học, Ấn Tú được các phụ huynh khác hỏi: "Em mua quần áo của con ở đâu thế, hiệu gì thế?" Ấn Tú cũng may cho Ấn Tiểu Thường một bộ váy vải lanh cổ chữ V giản dị và lịch sự, Ấn Tiểu Thường chê là "quê mùa", nhưng đến hôm sau vẫn vui vẻ mặc ra ngoài gặp bạn chơi mạt chược.

Những bộ quần áo may cho Mão Sinh thì vô cùng tỉ mỉ, nào là quần ống rộng cạp cao, nào là quần jean thêu đều phải hoàn mỹ từ chất liệu cho tới thiết kế, vì Ấn Tú nói: "Dù sao em cũng là một diễn viên ưu tú ở Bách Châu, không được xuề xoà."

Thấy Ấn Tú vẫn thích may quần áo đến vậy, Mão Sinh khuyến khích Ấn Tú mở lại cửa hàng trực tuyến. Ấn Tú luôn nói, cứ xem đã, vài năm sau hẵng nói.

Hỏi Du Nhậm, Mão Sinh mới biết đầu đuôi sự việc, hóa ra Ấn Tú không thể làm pháp nhân trong vòng ba năm tính từ khi được thả. Vậy là Mão Sinh lấy chứng minh thư ra: "Để em đăng ký làm pháp nhân, chị làm cổ đông là được." Ấn Tú từ chối: "Người khác biết sẽ không tốt." Nếu bị ai đó cố ý bới móc phát hiện ra về mối quan hệ giữa Mão Sinh và cô, sẽ rắc rối lắm.

Không thiếu cách để kiếm tiền, nhưng không thể khiến Mão Sinh chịu mạo hiểm. Ấn Tú cảm thấy nỗi ám ảnh về tiền của mình đã vơi đi rất nhiều, cô muốn khởi nghiệp lại chủ yếu vì muốn chứng minh mình có thể kiếm tiền một cách quang minh chính đại, không dựa vào chiêu trò, không gây rắc rối cho gia đình.

Mão Sinh để ý sự thay đổi của Ấn Tú, quay sang khen ngợi với Triệu Lan: "Ấn Tú nhà con thật chăm chỉ và hào phóng." Triệu Lan nói ừ vâng, nhà con, con cứ việc về nhà con ở cùng mẹ vợ và em vợ, đến nhà mẹ làm gì? Nói vậy thôi, không ai lại tiếc nấu ăn cho con gái.

"Du Nhậm, bây giờ mình không kiếm được nhiều tiền, Ấn Tú cũng không có thu nhập, chỉ dựa vào số tiền bán nhà còn lại, nhưng chúng mình ổn định hơn trước." Mão Sinh trò chuyện trên đường đưa Du Nhậm đến Du Trang: "Những ngày ở Ninh Ba mình hát kịch kiếm được kha khá, cộng thêm tài sản của Ấn Tú lúc đó cũng gần tám con số, nhưng hai đứa cứ như bị ném vào đống lửa, phải bật, phải nhảy, phải lăn, không thể tĩnh tâm.

Du Nhậm mỉm cười: "Vì bây giờ đã hiểu nhau nhiều hơn, biết đối phương thực sự quan tâm điều gì."

Phải, trước đây mình chỉ quan tâm đến việc ở bên chị ấy, chị ấy quan tâm đến mình, và càng quan tâm đến tiền. Mão Sinh lái xe vững vàng trong chiếc áo sơ mi được Ấn Tú may: "Bây giờ là chung sống với nhau."

Sống với nhau cần quan tâm đến rất nhiều điều, tiền đúng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả, các cậu đã tìm được chỗ đứng trong trái tim nhau và thấy rất rõ ràng. Du Nhậm nghĩ Mão Sinh đúng là "người ngốc có phước của người ngốc", sự chuyển biến mà Mão Sinh nhận xét về Ấn Tú chỉ dừng lại ở "sống yên ổn", vẫn chưa hề hay biết về những góc sâu hơn trong lòng Ấn Tú.

Ấn Tú từng đề cập với Du Nhậm khi họ uống trà riêng với nhau: "Mão Sinh không biết chị đã đi qua bao nhiêu con đường vòng thực sự, chị luôn cảm thấy mình không xứng đáng với một người tốt như vậy. Sau vài năm ở tù và sa vào bãi lầy, chị mới hiểu những điều nhỏ nhặt tưởng như tầm thường trước kia lại quý giá vô cùng. Trước đây chị chỉ biết leo lên cao, muốn nâng mình cao hơn một chút, nhưng thật ra ngay cả ở nơi thấp cũng có thể nhìn rõ chính mình, những cặp mắt khinh thường ức hϊếp khi còn trẻ, lòng tự trọng thấp do nghèo đói mang lại, đều có thể buông bỏ nếu nhìn từ nơi thấp hơn.

"Mão Sinh không nhìn thấy cũng tốt, đầu óc Mão Sinh đơn giản, chỉ biết hát kịch qua ngày. Mọi quanh co phức tạp là phần của chị, không cần Mão Sinh hiểu." Ấn Tú kể rằng trước đây chị từng trách tại sao Mão Sinh không hiểu chị: "Nhưng sao Mão Sinh có thể hoàn toàn hiểu? Thật không công bằng nếu bắt em ấy phải hiểu." Du Nhậm, cao cũng được, thấp cũng được, con người phải cân bằng bản thân, mới có khả năng chấp nhận và cho đi.

Du Nhậm - không chắc có một ngày Chủ nhật nghỉ ngơi - đã được nghỉ một ngày trọn vẹn hiếm hoi, cô muốn về quê thăm ông bà và tiện thể chọn trà tặng đồng nghiệp. Hiện nay văn phòng cấm hút thuốc, vậy là một nhóm quỷ hút thuốc đã biến thành quỷ trà, trà của Du Nhậm đã bị chia hết từ lâu.

"Mình luôn muốn học lái xe, nhưng không có thời gian." Du Nhậm vốn dĩ không muốn làm phiền Mão Sinh, nhưng cùng sống chung một tiểu khu, Mão Sinh đi mua đồ ăn sáng nhìn thấy Du Nhậm đang chuẩn bị ra ngoài, không cần nói đến lời thứ hai, cứ thế lái xe chở bạn đi luôn.

"Mình tưởng cậu có thời gian đều đi thăm Tiểu Liễu." Mão Sinh vẫn ngậm đầy bánh quẩy trong miệng, ánh mắt phảng phất nụ cười: "Xem ra, hai người vẫn chưa đến đâu."

"Đứa trẻ 15 tuổi, có thể đến đâu?" Du Nhậm nói cậu chỉ biết lo vớ vẩn, mình bây giờ độc thân rất ổn.

"Mình cảm thấy cậu rất mệt mỏi." Mão Sinh nói cậu là cô gái duy nhất trong văn phòng, những đồng nghiệp nam dù bận rộn đến mấy vẫn được về nhà ăn cơm nóng, được vợ giặt đồ cho, được hầu hạ đủ đường rồi lại lên trận. Cậu thì khác, cậu sống một mình không ai chăm sóc, sau này lười nấu ăn lại đến nhà chúng mình.

Du Nhậm xoa ngón tay phải bị viêm bao gân của mình: "Được rồi. Bây giờ các cậu... mẹ vợ có thoải mái không?"

Thoải mái chứ, mỗi tháng Ấn Tú cho bà ấy một ít tiền tiêu vặt, mọi khoản chi phí khác không cần bà ấy lo, chỉ cần dọn dẹp và đưa đón con. Thật không biết Tiểu Tiểu là con bà ấy hay là con của mình và Ấn Tú. Đợi lớn thêm một chút nữa, mình không biết phải quản lý việc học cho Tiểu Tiểu thế nào đây. Mão Sinh ngượng ngùng lè lưỡi: "Mình và Ấn Tú, điểm thi cấp ba của hai người cộng lại mới cao bằng của cậu."

Những chuyện khác, "Chỉ cần đóng cửa lại là được." Mão Sinh sờ lên mặt: "Thỉnh thoảng cũng đến nhà nghỉ, chị ấy ngại ngùng, mình cũng da mặt mỏng."

"À, Tiểu Liễu có còn đưa canh cho cậu nữa không?" Mão Sinh công nhận đứa nhỏ này thật lợi hại, tuổi còn trẻ đã biết cách theo đuổi cậu.

Du Nhậm trừng mắt: "Không phải theo đuổi, là em gái thương chị gái, chính em ấy tự nói vậy." Tiểu Liễu vẫn đưa canh như thường lệ, nhưng không đề cập chuyện gì khác, Du Nhậm nói tiếp: "Mình không thể từ chối tấm lòng này của cô bé, như vậy quá tàn nhẫn."

Cô bé cũng khó, Mão Sinh nói Tiểu Liễu là một đứa trẻ, không thể học tập và làm việc cùng cậu, khoảng cách tuổi tác giữa hai người không phải vấn đề lớn, mà là cổ của cô bé dù làm thế nào cũng không đúng: "Nếu ngước cổ nhìn lên, em ấy sẽ là đứa trẻ nhỏ, nếu cúi đầu nhìn xuống, sẽ không thấy cậu đâu, nhưng nếu nhìn thẳng sẽ bị cậu đẩy ra."

Du Nhậm chỉ "ừm" mà không tiếp tục chủ đề. Cô tháo kính ra, dụi mắt: "Hình như mình tăng độ cận thì phải."

Di chuyển mắt nhiều hơn, đừng nhìn giấy tờ và màn hình lâu, hãy nhìn ra bên ngoài, nhìn về phía xa. Mão Sinh nói mình không muốn Ấn Tú tự tay may quần áo, cũng hại mắt, nhưng chị ấy thích. Những đường kim chỉ dày như vậy, nhỏ đến vậy: "Mình mặc lên cũng rất cẩn thận, xót lắm."

"Hai cậu đều có đôi mắt hướng vào trong, dù là vô tình hay cố ý đều có thể nhìn thấu trái tim chính mình." Du Nhậm nói, đi vạn dặm thì dễ, nhưng đọc ngàn cuốn sách sẽ khó tránh khỏi rào cản về thể chữ và ý thức của con người.

"Nhiều khi mình không hiểu cậu đang nói gì." Mão Sinh cười "Haha": "Thị lực của mình chỉ khá thôi, nhưng thính giác rất tốt." Mình có thể nghe thấy cảm xúc của Ấn Tú, cũng được, đều có tác dụng như nhau.

Thị lực của Du Nhậm yếu, thính giác dường như cũng kém đi. Mọi người đều nói "tai thính mắt tinh", bẵng đi một thời gian cô gần như mất đi cả hai khả năng này, trái tim cũng như trì trệ hơn. Phong Niên nói đó là do công việc, một khi ai đó chìm trong công việc mang tính lập trình quá lâu, không có sở thích nuôi dưỡng tinh thần và thể xác nào khác, họ sẽ khô héo và tê liệt, thậm chí làm việc cũng vô vị hơn. Chú thích thêm: "Nguyên văn của Tống Việt Quỳnh."

Cô gái dồi dào nghị lực bước vào công việc năm đó mang trong mình trái tim nhiệt huyết, quyết tâm "đến được vị trí có thể phát huy sức ảnh hưởng", muốn làm nhiều điều hơn nữa cho xã hội. Cô chưa từng trải qua những nhọc nhằn của cuộc sống như Ấn Tú hay Viên Liễu, không cần lo vấn đề cơm ăn áo mặc hàng ngày, cũng không ham muốn tiền bạc và vật chất, chỉ có cái tình trôi nổi trong tâm hồn.

Tình là một thứ xa xỉ, người luôn mang tình trong lòng có một trái tim bác ái. Nhưng chỗ khó nhất của tình chính là áp dụng vào thực tế, qua vài năm làm việc, Du Nhậm nhận thấy có thể áp dụng vào thực tế rất ít. Cái tình có to hay có đẹp đến mấy, vẫn sẽ hoá thành vài lời rỗng tuếch lúc trà dư tửu hậu giữa các đồng nghiệp, sau đó mọi người lắng xuống, tiếp tục vùi đầu trong việc văn thư. TruyenHD

Nguyên văn của chị Tống được Phong Niên trích dẫn khiến Du Nhậm càng nghĩ càng thấy có lý, cũng có thể cảm nhận rõ chính mình đang dần "cạn đi". Cơ thể bị hao mòn trong công việc, cái tình bị ép thành những lời trần thuật lý trí, cảm xúc như vùng đất hoang sơ, thậm chí cuộc sống cũng là một mớ hỗn loạn, tính cách càng thận trọng hơn vì bị kỷ luật bởi bản thân và môi trường.

"Hoạ từ miệng mà ra," Nhậm Tụng Hồng luôn dạy con gái như vậy: "Đừng cố tìm sự công nhận của người khác bằng những lời nói từ miệng." Con phải suy nghĩ: "Chúng có ý nghĩa gì không?"

Ngồi co ro trên ghế phụ, Du Nhậm vô cùng mệt mỏi, ngay cả Mão Sinh cũng nhận ra: "Hay là mình đưa cậu về nhà nghỉ ngơi, để mình đi lấy đồ cho?"

"Cậu có thể lấy lá trà hộ mình, nhưng không thể thăm ông bà hộ mình." Du Nhậm nói, Mão Sinh, cậu hát không thấy chán sao? Hát đi hát lại những vở kịch nổi tiếng, cũng chỉ có vậy.

Có chán đâu. Vở kịch cũ có đến hàng trăm hàng nghìn, mình còn sợ học không hết, hàng năm cũng phải xuất bản vở kịch mới. Không chỉ hát và diễn kịch, còn phải xem cậu hát cùng ai. Mình hát chung với sư tỷ và Miêu Viên nhiều nhất, cùng một vở kịch, cảm ngộ khác nhau.

Nói đến kịch là mắt Mão Sinh sáng ngời: "Khi hát với sư tỷ, chỉ hận không thể rút khỏi vở kịch mà cứ triền miên mãi vậy thôi." Đương nhiên mình chỉ hình dung, không có ý gì khác. Mão Sinh cũng nói về kịch hát đôi với Miêu Viên: "Các kỹ năng cơ bản của cậu ấy tốt hơn mình, tận tâm suy nghĩ hơn, mình có thể học cách xử lý chi tiết và nhiều cách khơi gợi cảm hứng từ cậu ấy."

Quay lại vấn đề, thực ra, tất cả là do "thích". Kịch bao gồm rất rộng. Thổi kéo đàn hát, xướng niệm tố đả, áo mũ ủng dây, nhiều lắm, đều không ngán. Còn công việc của cậu thì sao? Có ngán không? Mão Sinh hỏi Du Nhậm.

"Trước mắt... vẫn chưa ngán" Du Nhậm nói, chỉ là đã biết cảm giác bị khoét rỗng là như thế nào, cho dù mình ngấu nghiến, mình viết nhiều tài liệu đến mấy, cho dù được lãnh đạo công nhận bao nhiêu, vẫn cảm thấy tâm hồn càng ngày càng mục ruỗng.

Hiểu rồi, bởi vì đó chỉ là công việc thôi, không có gì vui cả. Lời của Mão Sinh khiến Du Nhậm sực tỉnh, sau đó bất lực cúi đầu: "Đúng vậy."

Thấy Du Nhậm mệt, Mão Sinh ăn bữa trưa cùng Du Nhậm ở Du Trang rồi đi dạo xung quanh. Mão Sinh nói thật tuyệt khi hồi nhỏ cậu được học ở đây. Du Nhậm đồng ý, con người phải trải nghiệm, trở lại nguyên trạng sau khi trải nghiệm khác với cảm giác tê liệt đơn giản từ khi sinh ra đến khi trưởng thành.

Đứng trên đồi trà phóng tầm mắt nhìn mảnh đất quê hương, những bụi cây um tùm lượn quanh ven đường gần đó và vươn tới đỉnh đồi ở phía xa: "Ngày xưa Tề Dịch Quả nói bản chất của mình vẫn là người con thôn quê, lúc đó mình thấy quái lạ." Trong nụ cười của Du Nhậm xen lẫn chiêm nghiệm về chuyện cũ đã qua: "Chị ấy nói đúng, cho nên mình không nỡ rời đi. Tất nhiên, mình không có tiền đi du học."

Mình không thích Du Trang, nhưng không muốn rời xa nơi này. Nó giản dị nhưng xảo quyệt, tình cảm nhưng cũng có mặt u ám. Mình muốn dùng công việc thay đổi thế giới xung quanh, nhưng cuối cùng, ngay cả Du Trang cũng không thay đổi.

Du Nhậm chỉ vào sau đồi: "Nơi thổ táng ở đó sắp phải chuyển đi, không biết cấp cơ sở tốn bao nhiêu trí lực." Sau đó chỉ vào ba cổng vòm lớn đầu thôn: "Nhưng nơi đó vẫn được giữ lại. Họ nói chúng là thắng cảnh quan trọng nhằm phát triển làng du lịch nhỏ." Thực dụng đến mức không màng nguyên tắc, càng tự mâu thuẫn hơn.

"Cậu định làm thế nào?" Mão Sinh nhìn vườn trà nơi Ấn Tú từng làm việc, cố gắng phân biệt cây trà nào từng được người yêu mình chăm sóc.

Du Nhậm lắc đầu: "Mình nghĩ gì không quan trọng, vấn đề là người sống ở đây nghĩ thế nào."

Cô ngồi khoanh chân trên bãi cỏ: "Mình muốn tìm hiểu rõ chính mình, ngay bây giờ mình đã hiểu một điều."

Dù khởi điểm có vừa ý đến đâu, đằng sau vẫn sẽ có những điều không tưởng vây bám, thậm chí nuốt chửng chúng ta. Cuộc sống có giống bơi sông lội biển không? Mặt nước phẳng lặng đến nỗi người ta tưởng những ngày tháng yên ả chỉ gần trong gang tấc, nhưng khi sóng nổi lên, mới nhận ra bản thân chỉ là một con cá nhỏ, cảm giác như đang lăn sóng lội mây, nhưng thực chất đây chỉ là phun nước lấy hơi mà thôi.

"Vì đều là cá, cậu có thể tự bơi, hoặc bơi với người mình thích." Mão Sinh nói không sao đâu, Du Nhậm, cậu cứ tự bơi đi, bên cạnh còn có chúng mình, tình yêu không quan trọng đến thế.

Du Nhậm đá Mão Sinh: "Nói vớ vẩn." Tình yêu không quan trọng, vậy ai đã khổ sở chờ đợi nhiều năm như vậy? Cậu đang cầm bát cơm cười nhạo mình hai bàn tay trắng à.

"Cũng có lúc mình nghĩ, nếu mình cô đơn thật thì sao?" Mão Sinh nói, mình vẫn muốn sống hạnh phúc. Mẹ sinh ra mình không hề dễ dàng, bị mẹ cậu rạch hai nhát, mình phải sống thật tốt, vì bản thân và vì những người yêu thương mình: "Du Nhậm, nếu không vui thì xin nghỉ đi chơi đi, hoặc là thử hẹn hò với ai đó." Nếu Tiểu Liễu không được, cậu cứ thẳng thừng thoát ra, còn có Trung Liễu, Đại Liễu, kê liễu (gà lắc), liễu đinh (quả cam).

Lại ngắt một nắm cỏ ném Mão Sinh: "Vớ vẩn-" Du Nhậm cau mày, em ấy chỉ là không nói quá chắc nịch, không có nghĩa là em ấy sẽ làm đến cùng. Nếu cô gái nhỏ lớn hơn 7-8 tuổi, chưa chắc sẽ không thể được. Du Nhậm nghĩ về cuộc hội thoại nhạt nhẽo gần đây giữa mình và cô gái nhỏ, nói, Mão Sinh, chúng ta đến cổng thôn hái dưa hấu đi, mình đem về cho mấy đứa Tiểu Liễu, Tiểu Hải.

Rốt cuộc vẫn thương Tiểu Liễu. Mão Sinh kéo Du Nhậm đứng dậy: "Nếu Tiểu Liễu không hướng về cậu nữa mà hẹn hò với người khác thì sao?" Du Nhậm, cậu ngốc quá, sao cậu chắc chắn Tiểu Liễu sẽ mãi chôn chân trong một mối tình? Đến khi người khác nẫng tay trên, cậu cứ chờ xem, ôi, nhìn cậu mà mình sốt ruột thay.

"Bạch Mão Sinh, cậu thật là tọc mạch." Du Nhậm nói: "Mình không sốt ruột, em ấy muốn hẹn hò thì cứ hẹn hò, mình không can dự." Du Nhậm nghĩ tới khả năng đó lại cảm thấy không dễ chịu, hòn ngọc trong lòng mình bị người khác đánh cắp, chắc hẳn đó là tâm lý phải gả con gái đi, cô bĩu môi: "Có quá nhiều thứ mình nghĩ mãi không hiểu, Tiểu Liễu cũng là một trong số đó."

......