Vườn Thúy


- Thạch tiên sinh, bác sĩ chúng tôi đang chờ ông đấy ạ!

Chúng tôi đi vào phòng, ông ta trạc độ 40 ngoài gì đó, mang đôi kính cận trong rất uy nghiêm, đĩnh đạc dễ mến.

Thạch Phong lo lắng nhìn ông ta và hỏi ngay:

- Thưa Tiểu-Phàm thế nào ạ?

Ông trầm ngâm đáp:

- Kể về bệnh tình thì Tiểu-Phàm hiện thời đang ở tình trạng khả quan.

- Ông nói... Thạch Phong chau mày tỏ vẻ không hiểu.

- Như ông đã biết, đối với chứng bệnh của Tiểu-Phàm, tôi đã dùng đủ mọi phương pháp nên bệnh tình của nàng đã khá nhiều. Chắc ông còn nhớ, lúc trước nàng không chịu mặc quần áo, đυ.ng tới cái gì là xé cái đó, bây giờ nàng đã bằng lòng bận quần áo và không đập phá đồ đạc nữa, càng đáng mừng hơn nữa là một sự việc không thể tưởng tượng được...

- Thưa sao? Thạch Phong vội vã hỏi.

- Lúc này nàng thường ngồi lặng lẽ một mình, dường như là đang suy nghĩ điều gì. Mỗi lúc như thế, nàng ngồi đến hằng giờ, không đánh người cũng không đập đồ đạc chưa bao giờ nàng ngoan ngoãn như vậy. Có một hôm lúc tôi đến thăm nàng, đột nhiên nàng lại hỏi một câu: "Đông ở đâu?"

- Hả? Thạch Phong vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:

- Thế có nghĩa là, trí nhớ của nàng đang phục hồi?

- Nhưng tôi mời ông đên đây không phải vì việc này.

Thạch Phong trố mắt nhìn ông ta với vẻ nghi ngờ.

- Về phương diện tinh thần, tuy Tiểu-Phàm có vẻ đỡ nhiều, nhưng về phương diện sinh lý thì tôi đành bó tay. Hôm qua, tôi có chiếu kính và thăm mạch cho Tiểu-Phàm một lần nữa, ông Thạch tôi sợ Tiểu-Phàm không qua khỏi được mùa Đông này!

- À á! Thạch Phong kêu lên.

- Nàng thiên bẩm đã mắt chứng đau tim thứ bệnh này còn đáng sợ hơn bệnh thần kinh di truyền nữa ông ạ! nàng có thể sống đến ngày nay cũng là một điều may mắn lắm rồi!

Gương mặt Thạch Phong tái nhợt ông quay đầu đi nơi khác lẩm bẩm:

- Một giòng họ bị trù ếm!

Bác sĩ họ Lý dừng lại một hồi rồi tiếp tục nói:

- Vì thế nên tôi mời ông đến đây để giàn xếp việc này, tiếp tục để nàng ở lại đây, hay là chuyển đến một bệnh viện chuyên khoa khác?

Thạch Phong im lặng không nói gì, chỉ ngồi rít những hơi dài khói thuốc, lâu lắm ông ta mới ngẩng đầu lên, ánh mắt ông mang đầy vẻ đau xót:

- Thưa bác sĩ... Chứng bệnh của Tiểu-Phàm không còn hy vọng chữa được sao?

Ông lắc đầu nói:

- Tôi nghĩ là không còn hy vọng nhưng tôi không phải là một bác sĩ chuyên khoa về tim.

- Tôi hiểu ý ông! Thế thì ông có nhận thấy cần phải mang Tiểu-Phàm đi nhà thương khác không?

- Tôi không dám nói chắc, ông đã biết lúc nàng nổi cơn lên thì thật là đáng sợ, hại cho người thì ít mà hại cho mình thì nhiều, trừ khi ông mướn người trông coi nàng từ sáng đến tối.

Thạch Phong trầm tư giây lát rồi nói với giọng quyết định:

- Xin ông hãy cứ để Tiểu-Phàm ở lại đây. Ngày mai tôi sẽ đi mời một bác sĩ chuyên khoa về tim đến khám cho nàng. Bây giờ ông đang chích thuốc trợ tim cho nàng phải không?

- Vâng!

- Ông là một vị bác sĩ luôn luôn tận tâm với bệnh nhân. Chúng tôi xin bái phục.

Ông mỉm cười nói:

- Hai anh em ông làm tôi cảm động.

- Bây giờ chúng tôi đi thăm Tiểu-Phàm.

Bác sĩ đứng lên, chúng tôi bước theo ông ra khỏi phòng đi dọc theo hành lang xuống phòng bệnh. Đây là lần đầu tiên tôi vào một bệnh viện thần kinh. Hai bên hành lang là những phòng bệnh hình thức như cái chuồng. Những người bệnh nhẹ đang buồn bã xê dịch trong hành lang. Những kẻ đau nặng thì ngồi co ro trong phòng có cửa khoá, còn những con bệnh khác, kẻ thì ngồi thu hình trong một góc tường, người thì nằm trên giường kêu la, gào thét. Trông thật tàn nhẫn. Tôi không thể đừng không hỏi:

- Tại sao không cho chăn cho họ đắp? Họ đã mắc phải chứng bệnh tinh thần, có lẽ không nên để họ mắc thêm chứng bệnh của thể xác.

- Họ xé rách tất cả. Duy chỉ có thứ áo bằng bao gai này là họ không thể xé rách được.

Con người còn lầm than đến nỗi nước này ư? Cái thế giới của người điên thiệt là bi thảm đáng thương! Nhưng khi tôi thấy một bệnh nhân đang mân mê một sợi dây bằng giấy trên tay và vui cười hồn nhiên như một đứa trẻ, tôi lại đổi ý. Có thật là họ bi thảm không?

Chúng tôi dừng lại trước một phòng bệnh và đẩy cửa vào, một cô y tá đang ngồi trong đó. ông bác sĩ hỏi cô y tá:

- Cô ấy hôm nay thế nào?

- Cũng khá, thưa bác sĩ!

Thế là tôi đã trong thấy Tiểu-Phàm, tôi cơ hồ như không tin ở mắt mình. Đây là Tiểu-Phàm đó sao? Nàng ngồi trên một chiếc ghế, người mặc chiếc áo trắng rộng thùng thình của y viện, nàng gầy guộc đến chỉ còn da bọc xương, mái tóc khô khốc bị bệnh viện cắt ngắn đi, ánh mắt nàng cuồng loạn, sống mũi gầy, nhô lên và đôi môi không còn tí máu... Nàng chỉ là một vong linh, một hồn ma, hay một chiếc xác đã bị ép khô. Nàng ngồi im lìm, không cử động, mắt chòng chọc nhìn vào chúng tôi. Thạch Phong bước đến gần khẽ đưa tay chạm vào vai nàng và cất tiếng gọi:

- Tiểu-Phàm!!!

Nàng nhảy đánh thót một cái xong chạy về phiá góc tường như đi trốn rồi nép sát người vào tường trố mắt đối địch nhìn Thạch Phong.

- Đừng ông Phong, nàng không được bình tĩnh, ta hãy để nàng nghỉ, chúng ta đi thôi.

Thạch Phong uể oải buông thõng tay xuống, chúng tôi im lặng lui ra phiá cửa, đột nhiên Tiểu-Phàm xông ra, nhưng chúng tôi đã bước ra ngoài rồi.

Nàng đưa tay nắm lấy chấn song nhìn chúng tôi buông một giọng cười quái gở nghe như tiếng cú kêu đêm, tôi nghe toát mồ hôi và chân lông dựng hẳn lên, gương mặt nàng ép sát chấn song, một gương mặt tái nhợt, khô đét, mồm há hốc. Không! Không! đây không phải là Tiểu-Phàm đây không phải là cô gái si tình, ngây thơ, nghịch ngợm mà tôi đã quen biết trong nhật ký của nàng. Chúng tôi trầm mặc đi ra đến cửa bệnh viện, sắc mặt Thạch Phong thật là thảm đạm. Ông ấy trao cho ông bác sĩ một số tiền và khẽ nói:

- Tôi cảm thấy cái chết đối với nàng cũng chưa hẳn là một bi kịch.

- Tuy vậy, bệnh thần kinh của nàng có hy vọng chữa khỏi.

Chúng tôi lên xe và vẫy tay chào bác sĩ. Chiếc xe nổ máy và chạy vọt đi. Tôi quay đầu đi nơi khác. Thạch Phong đưa tay sang nắm lấy tay tôi hỏi:

- Cô làm sao thế?

- Tôi thấy hơi khó chịu trong người.

- Kể ra hôm nay, Tiểu-Phàm đã khá hơn nhiều, chứ những lần trước còn tệ hơn nữa.

Rồi ông rành rọt an ủi tôi:

- Xin lỗi cô, đáng lý tôi không nên đưa cô đến đây.

Tôi đáp:

- Tuy cuộc gặp mặt này có làm tôi bị xúc động một cách quá mãnh liệt, nhưng quả tình chính tôi, tôi cũng muốn gặp Tiểu-Phàm từ sau khi đọc tập nhật ký... Chỉ tội nghiệp cho Tiểu Lỗi.

Tôi chưa nói hết lời, hình như Thạch Phong đọc được ý của tôi, ông thở dài nói:

- Nó còn đáng thương hơn Tiểu-Phàm, nếu nó biết được sự thật...

- Sự thật gì kia, thưa ông?

Thạch Phong lặng thinh, mãi một lúc sau mới nói:

- Tôi muốn nói, cô đừng đem việc đi thăm Tiểu-Phàm hôm nay, và sự thật về tin nàng không còn sống được bao lâu nữa nói cho Tiểu Lỗi biết.

- Vâng... Tôi hiểu...

Tuy tôi thốt ra: Tôi hiểu, nhưng kỳ thực lòng tôi vô cùng ấy náy, không biết còn có điều bí ẩn gì khác mà Thạch Phong chưa chịu nói ra.

Chiếc xe lướt nhanh, trong cơn gió lạnh của bầu trời ảm đạm với làn mưa bay lất phất.

Trời mưa mấy hôm liên tiếp, thời tiết thình lình trở lạnh, bên ngoài cửa sổ lúc nào cũng giăng đầy mây mù, không khí trong phòng trở nên lạnh lẽo tiêu điều. Thu đã đến từ lúc nào không ai hay biết.

Trong mấy ngày qua, Thạch Phong rất đỗi bận rộn, sáng đi tối về, về đến nhà thì lại tỏ ra rất mệt mỏi và ưu sầu. Thời gian Tiểu Lỗi ở nhà lại mỗi ngày một gia tăng. Gã bắt đầu giúp tôi xếp lại bút ký của tổ phụ. Mỗi lúc nhìn gã, tôi lại nhớ đến Tiểu-Phàm. Tội nghiệp Tiểu-Phàm, cũng tội nghiệp Tiểu Lỗi, tôi không làm sao nói lên được cái cảm tưởng của mình. Nhắm mắt lại tôi lại tưởng tượng đến cái thờ thơ ấu của Tiểu-Phàm và Tiểu Lỗi. Một đôi trẻ thơ ngây đang cùng nhau vui đùa ở chân đồi bên bờ suối, hồn nhiên chả hiểu gì đến định mệnh ác nghiệt của tương lai... Ôi! Đấng tạo hoá, xin hãy rủ lòng từ ái thương lấy chúng sinh.

Thêm Bình Luận