Vườn Thúy


- Cô ạ! Tôi cần phải phấn khởi lên mới được vì tôi có một người anh quá tốt, đã khổ tâm vì tôi.

Chúng tôi im lặng nhìn nhau, mặt tôi lúc ấy vẫn nóng bừng, tim tôi đập mạnh. Người con trai này đã thấu hiểu tất cả lòng tôi.

Bỗng Tiểu Lỗi kéo tay tôi nói:

- Chúng ta đi về thôi!

Đến Vườn Thúy, thì đèn đuốc đã sáng choang. Thạch Phong đang ngồi trong phòng ăn đợi chúng tôi. Bằng một ánh mắt khác thường, ông xẵng giọng hỏi:

- Hai người đi đâu về đấy?

- Chúng tôi đi bách bộ. Thạch Lỗi giành trả lời trước.

- Đi thẳng một hơi lên đến tận miếu Ni Cô. Bên ngoài trời thật đẹp, tốt, không khí thanh sảng làm cho con người vô cùng phấn khởi. Hừ em đói quá!

Ánh mắt Thạch Phong dán chặt vào tôi, ông ta hỏi tôi một cách đột ngột và miũa mai:

- Vui lắm hả?

Tôi trả lời với một nụ cười hồn nhiên:

- Vâng, vui lắm!

Thạch Phong cắn môi, đột nhiên nói lớn:

- Bữa ăn nguội lạnh hết rồi!

Chúng tôi liền cùng ngồi xuống, bắt đầu dùng cơm.

Tuần lễ kế tiếp, Tiểu Lỗi lại đi ra trường đại học nhưng cứ đến lúc không có giờ học hay là thứ bảy chủ nhật thì nhất định là gã trở về Vườn Thúy. Chúng tôi cư xử với nhau rất dung hòa vui vẻ. Tôi nghĩ, càng ngày tôi càng thấy yêu Vườn Thúy hơn lên. Đồng thời tôi cũng thật sự bắt đầu sắp xếp những văn cảo và nhật ký của Tổ phụ Thạch Phong.

Việc làm này, gợi cho tôi rất nhiều hứng thú. Từ những văn tự linh tinh và rối loạn này tôi đã đọc được tư tưởng của thời đại ấy. Cũng như những mùi vị và phong tục nông thôn truyền thống của Trung Quốc. Những loại văn cảo và thi, từ đời ấy cũng rất đẹp khiến tôi không muốn dừng tay, điểm này cho tôi ý thức được học lực của hai anh em Thạch Phong và Tiểu Lỗi, một thì học kiến trúc, một thì học sinh ngữ, nhưng cả hai đều có một tầm hiểu biết sâu rộng về văn học cổ truyền của Trung Quốc. Họ có một người ông điển hình, và lớn lên trong hoàn cảnh và sự ảnh hưởng giáo dục đó. Hoàn cảnh và giáo dục là hai yếu tố tạo nên con người mà.

Tôi mê mải với cái công việc đọc và sắp xếp này, ngoài ra tôi lại đắm mình trong cái tình hữu nghị mỗi ngày một gia tăng giữa tôi và hai anh em Thạch Phong. Ngày tháng cứ thế trôi đi một cách êm đềm. Thạch Phong thường thường làm việc đến tận khuya, tôi cũng thường đọc sách đến khuya. Có một đêm, Thạch Phong đến gõ cửa phòng tôi và bưng vào một cái khay trên có hai ly cà phê, một cốc sữa và một hũ đường. Ông ta đứng dừng ở cửa, mỉm cười nói:

- Tôi thấy trong phòng cô còn có ánh đèn, tôi chắc cô sẽ vui lòng uống cà phê với tôi.

Tôi niềm nở mở rộng cửa phòng, Thạch Phong đi vào, chúng tôi ngồi đối diện nhau, vừa uống cà phê vừa nói chuyện, bắt đầu từ đời tổ phụ đến thời thơ ấu của anh em Thạch Phong, đến những người con cháu điên của giòng họ Nghê và Tiểu-Phàm... Rồi tôi cũng kể cho Thạch Phong nghe cả cái thời thơ ấu của tôi, cha mẹ tôi, chú thím tôi và sự cô độc của tôi. Cà phê đã cạn, trăng chiếu đầu song cửa, hơi thu lạnh lùa vào đầu phòng Thạch Phong đứng lên vịn tay lên thành cửa nhìn tôi e dè nói:

- Mỹ Hoành! Tôi... Tôi muốn nói với cô nhưng thôi, để lần khác, chào cô nhé!

Thạch Phong quay phắt người bước thật nhanh. Tôi đứng thừ người ra đó giây lâu, rồi cả một đêm dài tôi mất ngủ.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, tôi và Tiểu Lỗi thường thường đi dạo và chuyện vãn với nhau trong rừng trúc, rừng thông, hoặc đi lên miếu ở trên núi, để xin xâm, và nghe các Ni cô tụng kinh niệm Phật. Chúng tôi cũng rất thích nghe tiếng chuông tiếng mõ lúc hoàng hôn.

Lúc nào chuyện vãn với tôi Tiểu Lỗi cũng luôn luôn nhắc tới Tiểu-Phàm và "anh cả" của gã, hình như đó là hai nhân vật trung tâm trong đời gã. Những gì về Tiểu-Phàm tôi đã biết gần như thuộc lòng tất cả. Còn về ông anh của gã thì sao?

- Tám năm trước đây, anh cả anh ấy cưới vợ.

Tiểu Lỗi nói. Chúng tôi đang đứng trong cánh rừng thông, một chân Tiểu Lỗi gác trên phiến đá, trên tay cầm một nhánh thông vừa quét quét những chiếc lá vàng dưới đất vừa nói:

- Anh ấy đã dùng đủ mọi cách để đeo đuổi chị ấy. Anh mê chị như điếu đổ, nhưng cưới nhau không đầy một năm thì họ trở thành địch thủ. Một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài rồi ai đi đường nấy. Anh cả thì vẫn là anh cả, chỉ có một điều là anh ấy trở thành tiều tụy rõ ràng. Còn chị ấy thì dùng tiền của anh cả để đi mua vui cho riêng mình.

- Tại sao họ không ly dị?

Tôi lơ đãng hỏi.

- Chị ấy buộc anh cả phải đưa ra một số tiền lớn, không phải là anh cả không có nhưng anh ta không chịu thua. Thế nên cứ kéo dài mãi, nhưng theo tôi thấy thì vấn đề nay sắp được giải quyết.

- Như thế nào?

- Có người bạn từ bên Mỹ gửi thơ về bảo chị ấy đã tìm được đối tượng khác.

Tiểu Lỗi mỉm một nụ cười khinh miệt:

- Một hoa kiều sinh trưởng trên đất Mỹ có hai hiệu ăn ở Nữu Ước. Chị ấy đã không còn cần số tiền cấp dưỡng của anh cả nữa, có lẽ không đến cuối năm nay chị ấy sẽ về để làm thủ tục ly dị.

- Chẳng lẽ nào ông ấy đối với bà vợ lại không còn một tý tình cảm nào nữa hay sao?

Tiểu Lỗi nhìn tôi chớp mắt thật nhanh rồi nói:

- Chẳng những không có cảm tình mà thôi, có một dạo anh ấy thù ghét tất cả đàn bà. Anh ấy bảo đàn bà toàn là những thứ động vật giả trá, tình yêu dễ thay đổi như mầu sắc của cầu vòng. Anh không tin tình yêu và đàn bà nữa.

Tiểu Lỗi chau mày:

- Ngay cả Tiểu-Phàm, anh ấy cũng hoài nghi nữa.

- Thế ư? Tôi trầm ngâm hỏi:

- Vâng, nhưng bây giờ...

Đột nhiên Tiểu Lỗi ngừng nói.

- Bây giờ thì sao? Tôi hỏi.

- Chả sao cả.

Gã vất nhánh thông đang cầm trên tay, phủi phủi áo nói:

- Ta về thôi.

Chúng tôi về đến Vườn Thúy vừa vào lúc ráng chiều nhuộm đỏ rực cả một bên cửa kính của phòng khách. Thạch Phong ngồi trên chiếc ghế mây tròn, tay cầm một ly rượu nhỏ, thần sắc khác thường, yên lặng nhìn chúng tôi. Ánh hồng bên ngoài ửng đỏ trong khóe mắt ông ta như một ánh lửa kỳ dị.

Sáng nay, Tiểu Lỗi đi ra trường, tôi ở nhà sắp soạn những bút ký của ông nội Thạch Phong. Cả một khu Vườn Thúy yên lặng như tờ. Hôm nay, bầu trời u ám, mây kéo đầy, trong gió có mùi vị của mưa. Trong nhà có vẻ tối tăm, lạnh lẽo. Từ sáng sớm thức dậy, tôi đã có một cảm giác lo ngại nó thuộc về giác quan thứ sáu. Nhưng vào khoảng 10 giờ hơn, Thạch Phong đẩy cửa vào phòng tôi, sắc mặt trầm lặng, ánh mắt lo ngại, với một giọng đặt biệt ông nói:

- Mỹ Hoành cô có vui lòng đi ra ngoài với tôi một tí không?

- Thưa đi đâu ạ?

- Đi thăm Tiểu-Phàm.

Tôi nghe ớn lạnh xương sống. Người con gái ấy có nét mặt giống tôi, tôi chưa hề gặp mặt. Cô ta loạn thần kinh, tôi muốn đi thăm cô ta vì bản tính hiếu kỳ, nhưng có một cái gì... không được ổn lắm!

- Thưa, hiện cô ấy ra sao?

- Tôi cũng không được rõ. Bác sĩ vừa gọi điện thoại lại bảo tôi phải đến ngay, tôi nghĩ... có lẽ cô ấy đã trở bệnh!

Tôi vừa lấy chiếc áo choàng trong tủ ra vừa nói:

- Vâng tôi xin đi với ông.

Chúng tôi xuống lầu, Chú Lưu đã lái xe hơi đến trước cửa phòng khách. Chúng tôi ngồi lên xe.

Xe chạy vụt ra khỏi Vườn Thúy, đi hết con đường đá nhỏ, quẹo sang con đường nhựa rồi chạy thẳng xuống núi. không bao lâu, chiếc xe rẽ sang một con đường khác rồi lại bắt đầu lên một con đường núi khác. Tôi nhớ lại Thạch Phong từng nói, bệnh viện của Tiểu-Phàm ở cách Vườn Thúy không xa lắm. Quả nhiên, xe chạy không quá nửa giờ chúng tôi đã đến nơi.

Đây chỉ là một bệnh viện tư nhân kiểu nhỏ. Có vườn hoa rộng lớn có nhiều sân cỏ, ở giữa là một nhà lầu hai tầng vuông vức. Trước cổng có một tấm bảng đề: "Bệnh viện Tâm an chuyên điều dưỡng tinh thần". Chiếc xe chạy thẳng vào vườn hoa và dừng trước cửa bệnh viện, một nữ y tá với bộ đồ mầu trắng ra đón tiếp chúng tôi. Nàng đưa ánh mắt hiếu kỳ và ngạc nhiên nhìn tôi một thoáng và cung kính gật đầu chào Thạch Phong nói:

Thêm Bình Luận