Tảo triều vào ngày hôm sau, Nhị hoàng tử bị Hoàng thượng mắng đến không ngóc đầu lên được, bị cấm túc trong phủ Nhị hoàng tử nửa năm không được ra ngoài, còn bị cắt mất bổng lộc. Quận thủ của phủ Triều Châu thì bị cách chức điều tra. Mãi đến hôm nay, các quan viên trong triều mới biết phủ Triều Châu đang chịu cảnh hạn hán lớn và xảy ra nạn đói kém!
Các quan viên đều thầm nghĩ rằng Nhị hoàng tử đúng là liều lĩnh, vì muốn giúp Quận thủ của Triều Châu thăng quan mà chẳng đoái hoài gì đến sinh mạng của bách tính. Nói hắn ta xem mạng người như cỏ rác cũng không quá đáng.
Các quan viên thuộc phe Nhị hoàng tử lên tiếng xin tha đều bị Hoàng thượng quát mắng, kẻ thì bị giáng chức, người thì bị đòn roi, cuối cùng không ai còn dám cầu tình nữa.
Mà Lý Tùng Yến - người vừa mới trở về Biện Kinh lại được Bệ hạ bổ nhiệm làm Khâm sai, phái tới phủ Triều Châu cứu trợ thiên tai.
Lý phủ.
Lý Tùng Yến đang bị tổ mẫu nhà mình cằn nhằn: “Cháu tự nghĩ đi, sao lại tự mình lén lút chạy đến Triều Châu? Xa xôi như thế mà cũng không biết mang theo thêm vài người, chỉ có một nam nhân là Lý Hạ thì làm sao mà chăm sóc được cho cháu? Lần này lại đi Triều Châu nữa thì cháu nhất định phải mang theo thêm vài người nữa.”
Phụ thân của Lý Tùng Yến là Lý Bân cũng không đồng tình khi thấy mẫu thân nhà mình nuông chiều hài tử như thế: “Nó đi làm việc, đâu cần phải dẫn theo nha hoàn hầu hạ. Mẫu thân, người đừng làm mọi chuyện loạn thêm.”
Lý lão phu nhân liếc nhìn nhi tử của mình, tức giận nói: “Con thì biết cái gì, ra ngoài không thoải mái như ở nhà, không chuẩn bị kỹ lưỡng, lỡ bệnh tật ở ngoài thì khổ lắm.”
Làm gì đến mức đó! Một nam nhân to cao như vậy sao có thể dễ dàng bị bệnh được, Lý Bân khuyên nhủ: “Mẫu thân, người đừng nuông chiều nó quá. Là hậu nhân Lý gia, chịu khổ là điều tất yếu. Đây chỉ là đi xa một chuyến, cũng không phải chuyển nhà. Nam nhân cần trải qua gian khó mới trưởng thành được. Mẫu thân xem con trước đây cũng đã tự mình vượt qua bao khó khăn, có thế mới đưa Lý gia chúng ta lên vị trí như ngày hôm nay.” Hồi đó, Lý Bân từng chịu đủ đàn áp và ám sát để phụ tá Hoàng đế lên ngôi, so với nhi tử nhà mình thì gian nan hơn nhiều.
Lý lão phu nhân không vui, khi đó con chịu khổ không phải do tự mình làm sao?
“Ai bảo năm đó con về phe ngài ấy, con không chịu khổ thì ai chịu khổ?”
Năm đó, Hoàng đế vốn là một Hoàng tử mờ nhạt nhưng tính tình khiêm tốn, dễ gần, có cùng chung chí hướng với Lý Bân. Nhưng điều quan trọng hơn là tuy lúc ấy Hoàng đế còn nhỏ yếu nhưng lại hiểu được nỗi khổ của bách tính. Khi gặp nhau, cả hai còn chưa biết thân phận của người kia lại cùng chung ý chí mong muốn thiên hạ được an cư lạc nghiệp, đây mới chính là lý do hai người bọn họ cùng buộc chung một sợi dây, nếu không, dù người kia có tốt đến đâu thì Lý Bân cũng không thể kết giao với kẻ trong lòng không nghĩ đến bách tính.
“Nói thế nào thì muội muội con cũng là Hoàng hậu, Tam hoàng tử là huyết mạch của chi chính. Chỉ cần Tam hoàng tử không phạm sai lầm lớn, ngôi vị đó chắc chắn là của nó!”
Mẫu thân nhà mình đúng là cái gì cũng dám nói! Lý Bân vội vàng nhắc nhở: “Mẫu thân, cẩn trọng lời nói!”
Giọng nói có chút lớn khiến Lý lão phu nhân giật mình.
Lý lão phu nhân cũng biết mình lỡ lời nên không nhắc đến Tam hoàng tử nữa mà chuyển đề tài sang tôn nhi nhà mình: “Cứ làm theo lời ta nói, mang thêm vài nha hoàn theo hầu hạ. Nếu cháu đã thành gia lập nghiệp, có một tri kỷ bên cạnh săn sóc thì ta đâu phải lo lắng đến chuyện này.”
Nói xong, bà cụ quay sang hỏi tức phụ Tô thị: “Mi nương, con đã chọn được tôn tức phụ cho ta chưa?”
Tô Mi lén nhìn nhi tử thì thấy mặt nhi tử mình không có biểu cảm gì mới an tâm.
Lúc này bà mới nói về thành quả gần đây: “Mẫu thân, con đã nhờ người mai mối vẽ lại chân dung của các tiểu thư nhà quan đã đến lúc thành thân, gom được hơn mười vị rồi, chỉ còn chờ ai đó xem xét nữa thôi.”
Tô thị cũng lo lắng nhi tử sẽ không thích. Lần trước, khi bà sắp xếp mọi chuyện, nhi tử tức giận cả buổi, còn nổi nóng. Tuy không phản đối bà làm chuyện này nhưng mấy ngày đã không tới nội viện thỉnh an, rõ ràng là đang giận bà mà. Điều đó khiến bà phải lén lút tiến hành chuyện tìm thê tử cho nhi tử, cứ như đang làm chuyện trộm cướp vậy.
Không hiểu sao nhi tử lại phản cảm chuyện thành hôn đến vậy, bà thậm chí còn lo lắng rằng nhi tử thích nam nhân, nếu không thì đã chẳng có chuyện lần trước bà lén đưa người vào phòng nhi tử rồi hạ thuốc để mọi chuyện thành công. May mà mọi chuyện suôn sẻ, biết nhi tử mình vẫn thích nữ nhân, lúc này Tô thị mới yên tâm.
Cả mẫu thân và tổ mẫu cùng lên tiếng khuyên bảo, Lý Tùng Yến - người đã nhiều lần bị thúc giục chuyện thành thân, cuối cùng cũng hiểu cả nhà đang sốt ruột thế nào. Sau khi suy nghĩ kỹ về chuyện thành hôn, hắn cũng không từ chối nữa: “Sau khi cứu trợ thiên tai trở về, phiền mẫu thân lo liệu chuyện thành thân cho con.”
Đồng ý rồi, vậy là đồng ý rồi!
Tô thị không ngờ lần này nhi tử lại dễ thuyết phục như vậy, dù cố giữ dáng vẻ phu nhân lo liệu việc nhà, không lộ ra vẻ mặt khoa trương nhưng bà vẫn không giấu được niềm vui sướиɠ: “Ta là mẫu thân của con, sao có thể không lo những chuyện này. Đợi con về, mẫu thân nhất định sẽ tìm cho con một người thê tử tốt.”
Nói xong việc, Lý Tùng Yến hỏi thăm về ấu đệ của mình: “Tiểu Cảnh đâu rồi? Giờ này vẫn còn học sao?”
Bầu không khí trong phòng vốn đang vui vẻ bỗng chốc trầm xuống. Lý lão phu nhân – gừng càng già càng cay lập tức giải thích: “Giờ này chắc không học nữa, có lẽ nó đang làm bài tập tiên sinh giao thôi.”
Lý Tùng Yến nghe xong, vẫn không mấy tin tưởng.
Ấu đệ Lý Quân Cảnh này của hắn được mẫu thân sinh hạ cách đây hai năm, nhỏ hơn hắn tận mười lăm tuổi. Vì được cả nhà cưng chiều nên tính cách hài tử này có phần kiêu ngạo, lại không thích học hành. Trong nhà, chỉ có Lý Bân và Lý Tùng Yến mới có thể quản chế được tiểu tử này nhưng Lý Bân lại bị cản trở bởi mẫu thân và phu nhân nhà mình nên không tiện trách phạt nghiêm khắc. Vì vậy, người thực sự có thể răn dạy được Lý Quân Cảnh chỉ có Lý Tùng Yến.
Lần này hắn đi vắng đã lâu, không biết mấy ngày qua tiểu tử kia đã nghịch ngợm đến mức nào, liệu những kiến thức đã học còn nhớ được bao nhiêu?
“Nếu Tiểu Cảnh đã cố gắng như thế, vậy để con qua xem đệ ấy thế nào. Học hành cũng phải vừa sức thôi, khuya rồi, bài vở mai làm cũng được. Đúng lúc ngày mai cả hai bọn con đều nghỉ, tiện thể con sẽ kiểm tra xem đệ ấy học hành ra sao.”
Lý Tùng Yến đứng dậy đi về phía sân của Lý Quân Cảnh. Những người còn lại định ngăn lại cũng không được, không ngăn cũng không xong, chỉ đành biết nhìn nhau, trong lòng thầm cầu mong nhị tôn tử/ nhị nhi tử nhà họ thật sự đang làm bài tập.
Thôn Tây Phong.
Sau mấy ngày chờ đợi, cuối cùng lương thực đã được đưa đến thôn Tây Phong trong niềm mong mỏi của mọi người.
Lúc ấy, Thanh Hòa đang nấu cơm, nàng băn khoăn không biết nên ăn chút rau xanh hay nấu một ít canh uống. Đêm hôm khuya khoắt uống canh thì cũng không tốt lắm, nhưng lại nghĩ đến việc mang thai mà chỉ ăn rau không thì không đủ dinh dưỡng. Kiếp trước đáng lẽ nàng nên đăng ký một khóa học dinh dưỡng, như vậy giờ mới biết nữ nhân mang thai nên ăn uống thế nào cho đúng.
Nghĩ ngợi một hồi, cảm thấy hầm canh buổi tối tốn thời gian quá, nàng quyết định xào một món rau đơn giản là được. Thanh Hòa ra vườn hái ít rau muống, chuẩn bị nhặt rau thì bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa.
Nàng đã ở căn nhà này hơn một tháng từ khi tách ra sống riêng, đây là lần đầu tiên có người gõ cửa vào buổi tối như vậy, cũng không biết bên ngoài là ai. Thanh Hòa tiện tay cầm lấy một cây gậy rồi đi ra cửa nhưng không lên tiếng trả lời.
Người ngoài cửa chờ một lúc không thấy ai đáp lại, tiếp tục gõ cửa, rồi gọi to: “Thanh Hòa cô nương có ở nhà không? Lý Hạ công tử đã mua lương thực từ phủ Triều Châu và nhờ tiêu cục Đằng Long bọn ta chuyển đến cho ngươi.”
Lương thực đến rồi!
Lúc này Thanh Hòa mới thở phào nhẹ nhõm, đưa tay xoa bụng để trấn an bản thân. Sao không nói sớm, làm nàng lo lắng nãy giờ.
Nàng vội vàng ra mở cửa, thấy trước mặt là mười mấy đại hán. Thấy nàng ra mở cửa thì định dỡ lương thực xuống. Thanh Hòa vội ngăn lại: “Mấy vị chờ một chút, lương thực này không thể dỡ ở đây được, làm phiền các vị mang đến nhà trưởng thôn giúp ta. Nhà ta nhỏ quá, không có chỗ chứa lương thực.”
Nếu để ở nhà nàng, thôn dân đến mua lương thực chắc chắn sẽ mua nhiều, để ở nhà trưởng thôn thì khác, lương thực sẽ được phân phát theo số nhân khẩu mỗi nhà, tất cả mọi người còn sống mới là điều quan trọng nhất.
Thanh Hòa dẫn mọi người đến nhà trưởng thôn trong bóng tối. Khi nghe nàng nói lương thực đã đến, Triệu trưởng thôn vội vàng mặc đồ chỉnh tề rồi chạy ra sân xem. Bốn xe lương thực, mỗi xe chở khoảng hơn ba trăm cân lương thực, được phủ rơm để tránh bị những thôn dân chạy nạn cướp giật. Triệu trưởng thôn sờ lên những bao lương thực, đôi mắt rưng rưng.
Được cứu rồi, thôn dân không còn phải tiếp tục chịu đói nữa. Với số lương thực này, mỗi nhà ít nhất cũng có thể cầm cự được hơn nửa tháng.
Triệu trưởng thôn bảo mấy người trong tiêu cục chuyển lương thực vào kho, ông ấy cũng không kiên nhẫn chờ từng người khuân vác, mà gọi luôn thê tử và nhi tử ra giúp dỡ lương thực xuống. Sau khi dỡ hàng xong, một người trong tiêu cục cầm tờ đơn đưa cho Thanh Hòa kiểm tra. Khi thấy không có vấn đề gì, nàng ấn dấu tay ký tên. Vậy là chuyến bảo tiêu này cũng đã hoàn thành.
Trời đã khuya, cũng không thể để các tiêu sư đi đường suốt đêm được, Thanh Hòa đưa Triệu thẩm và tiểu nhi nữ của bà ấy về nhà mình nghỉ ngơi một đêm. Triệu trưởng thôn và nhi tử thì nghỉ ngơi cùng một chỗ với mười mấy tiêu sư đó.
Về đến nhà, Thanh Hòa mới nhớ ra mình chưa cất rau xong. Nàng vội vào bếp cất rau vào nông trường.
“Triệu thẩm, Lan Tâm muội muội, ta định nấu ít mì, hai người có muốn ăn cùng không?”
Hai người chỉ nghĩ là Thanh Hòa đang hỏi xã giao vì lúc này nhà nào cũng thiếu lương thực, làm sao dám ăn của người khác. Hai người đều nói không ăn nhưng Thanh Hòa vẫn nấu hai phần. Để làm món mì chay, nàng còn cẩn thận lấy ít lá rau ngả vàng trong nông trại bỏ vào mì sợi, thật không dễ gì có được, lá rau này trước kia nàng toàn lấy cho gà trong nông trường ăn.
Nàng không thêm trứng gà, mì vốn đã là lương thực tinh rồi, lấy ra ăn trong thời điểm này đã bị xem là xa xỉ, thêm trứng vào nữa thì người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ nhà nàng giàu ngầm.
Thanh Hòa lấy hai cái bát nhỏ và một cái bát lớn. Nàng cho một ít mỡ heo, xì dầu, dấm, rồi thêm ít hạt nêm tự làm trước đó, chan nước dùng nóng, gia vị liền tan ngay. Nàng chia mì ra các bát rồi rửa nồi, đun thêm nước để mọi người rửa mặt. Đợi sau khi ăn xong, nước cũng vừa đủ ấm.
“Lan Tâm, muội ăn bát này, Triệu thẩm ăn bát này. Ta vẫn chưa ăn tối, bụng đang đói, ăn một mình thì buồn lắm, hai người cùng ăn với ta đi.” Thanh Hòa tươi cười bưng bát mì cho hai người, không để họ từ chối.