Quyển 1 - Chương 1: Vụ Bắt Bớ Joseph K. Cuộc Trò Chuyện Với Bà Grubach Rồi Với Cô Bürstner

Chắc hẳn là người ta đã vu oan cho Joseph K., bởi vì chẳng làm điều gì nên tội, thế mà một buổi sáng kia anh bị bắt. Chị nấu bếp của bà Grubach, chủ cho thuê nhà, hàng ngày vẫn mang bữa ăn sáng đến cho anh vào lúc tám giờ, sớm hôm ấy không thấy tới. Trước đây có thế bao giờ đâu, K. đợi thêm một lúc nữa, đầu vẫn vùi trong gối nhìn bà già ở bên phòng đối diện đương tò mò soi mói anh mới kỳ lạ làm sao, rồi vừa đói vừa ngạc nhiên, anh bấm chuông gọi chị giúp việc. Đúng lúc ấy có tiếng đập cửa và một người đàn ông bước vào, anh chưa từng gặp nhân vật ấy trong tòa nhà này bao giờ. Hắn người mảnh khảnh nhưng chắc nịch, mặc chiếc áo đen bó lấy người, có thắt lưng và đủ thứ nào li áo, nào túi, nào khóa, nào khuy khiến cho bộ trang phục có vẻ như đặc biệt thực dụng lắm, song chẳng hiểu tất cả những thứ ấy dùng để làm gì.

- Ông là ai? - K. ngồi bật dậy hỏi.

Nhưng người đó lờ đi không trả lời, như thể đã vào nhà thì phải tiếp là chuyện đương nhiên, mà lại hỏi:

- Ông bấm chuông phải không?

- Anna phải mang bữa ăn sáng đến cho tôi. - K. nói, mới đầu cố lặng lẽ suy đoán xem cái ông này là ai. Nhưng hắn không để cho anh có thì giờ quan sát; hắn quay ra mở hé cửa nói với một người nào đấy chắc là đứng ngay bên ngoài:

- Nó muốn Anna mang bữa ăn sáng đến cho nó!.

Tiếp theo là tiếng cười khúc khích ở phòng bên cạnh; nghe tiếng, anh đoán bên đó có nhiều người. Mặc dầu người lạ chắc đã thừa biết tiếng cười ấy là thế nào rồi, hắn vẫn tuyên bố với K. - Không được - bằng một giọng hách dịch.

- Thế này thì quá lắm. - K. trả lời, nhảy ra khỏi giường để xỏ chân vào quần. - Tôi rất muốn biết những kẻ ở phòng bên cạnh kia là ai và bà Grubach sẽ giải thích làm sao bà lại có thể để cho người ta đến quấy rầy tôi thế này.

Anh chợt nghĩ lẽ ra chẳng nên nói to như vậy, vì làm thế có vẻ như đã vô hình trung thừa nhận quyền kiểm soát của người lạ, nhưng lúc ấy anh có đếm xỉa gì đâu. Song người kia như hiểu ý anh tuy đúng ra chẳng cần thiết, bởi vì hắn bảo anh:

- Ông không thích ở lại đây hơn ư?

- Tôi chẳng muốn ở lại đây mà cũng chẳng muốn nghe ông nói chừng nào ông không cho biết ông là ai.

- Tôi làm thế là với thiện ý. Người lạ nói, và hắn bỗng mở toang cửa.

Căn phòng bên mà K. cố ra vẻ chậm chạp bước vào, mới thoạt nhìn quang cảnh cũng gần giống như hôm trước. Đó là phòng khách của bà Grubach, có lẽ căn phòng bừa bộn những đồ đạc, đăng ten, đồ sứ và ảnh chụp ấy gọn gàng hơn thường ngày một chút, nhưng mới bước vào không ai để ý vì sự thay đổi chủ yếu là có một người đàn ông ngồi gần cửa sổ mở toang, tay cầm quyển sách, thấy Joseph K. vào thì ngẩng đầu lên.

- Lẽ ra ông phải ở lại trong phòng của ông chứ, Franz không bảo cho ông biết ư?

- Các ông, tôi muốn được biết là các ông muốn gì. - K. nói, đưa mắt ra ngưỡng cửa nhìn người có tên là Franz, rồi quay lại ngay.

Nhìn qua cửa sổ, vẫn thấy bà già túc trực bên cửa sổ căn phòng của bà - lúc này ở ngay trước mặt - đương tò mò nhìn hau háu để xem cho tường tận mọi chuyện sắp diễn ra.

- Dầu sao, - K. nói - thì bà Grubach cũng phải...

Rồi anh quay ngoắt lại như muốn bứt ra khỏi hai người lạ để tiếp tục bước đi, tuy họ đứng cách xa anh.

- Chớ, - Gã đàn ông ngồi gần cửa sổ vừa nói vừa quẳng sách xuống chiếc bàn nhỏ và đứng lên - ông không có quyền đi ra, ông bị bắt.

- Tôi cũng đã cảm thấy như thế. - K. nói - Nhưng tại sao cơ chứ?

- Chúng tôi tới đây không phải để nói cho ông biết điều đó. Hãy quay về phòng của ông đi và đợi đấy. Việc xét xử đã bắt đầu, rồi ông sẽ biết rõ đầu đuôi. Tôi nói với ông nhã nhặn thế này là đã vượt quá nhiệm vụ của tôi rồi đấy. Nhưng tôi hy vọng là chẳng ai nghe thấy tôi nói trừ Franz là người cũng đối xử thân thiện với ông trái với mọi điều quy định. Nếu sau này ông vẫn gặp may măn như thế với những kẻ canh giữ ông, thì thật là phúc cho ông đó.

K. muốn ngồi, nhưng anh liều nhận ra rằng trong phòng không có chiếc ghế nào, trừ chiếc ghế tựa ở gần cửa sổ.

- Rồi ông sẽ thấy rõ là chúng tôi đã nói rất thật với ông. - Franz nói và tiến lại gần anh, bạn hắn bước theo sau.

K. hết sức ngạc nhiên, nhất là về gã đi sau, hắn vỗ vỗ lên vai anh nhiều lần. Cả hai đứa nhìn chiếc áo ngủ anh đang mặc và bảo lẽ ra anh phải mặc một chiếc áo tồi hơn, nhưng thôi, chúng sẽ giữ gìn hết sức cẩn thận chiếc sơ-mi ấy cũng như tất cả những quần áo khác của anh, và sẽ trả lại anh trong trường hợp vụ này kết thúc tốt đẹp.

- Đồ đạc ông nên gửi gắm cho chúng tôi thì hơn, - Chúng bảo anh - vì để trong kho hay xảy ra những chuyện gian lận, vả chăng sau một thời gian nhất định, người ta mang bán lại tất, chẳng cần biết án xử đã xong chưa. Hơn nữa, những vụ án như loại này chưa biết sẽ kéo dài bao lâu, nhất là trong thời gian gần đây. Nói cho cùng, bán được bao nhiêu, khó cũng sẽ trả lại cho ông, nhưng trước hết tiền nong chẳng được là bao, vì giá cả có phải do hàng tốt hay xấu quy định đâu mà do hối lộ ít hay nhiều, sau nữa kinh nghiệm cho thấy quá rõ rằng những món tiền ấy qua tay người này người khác mỗi năm cứ mòn dần đi.

K. hầu như không chú ý nghe những lời chúng nói; đối với, anh áo quần mất hay còn không quan trọng lắm; cái xem ra cần kíp hơn rất nhiều là hiểu được hoàn cảnh của mình; nhưng đứng trước bọn chúng, ngay đến cả suy nghĩ, anh cũng không suy nghĩ được; cái bụng của gã thanh tra thứ hai - rõ ràng đó chỉ có thể là những gã thanh tra - cứ chốc chốc lại áp vào người anh một cách hết sức thân thiết, nhưng khi ngước mắt lên, anh phát hiện thấy một cái đầu khô khốc và xương xẩu, có cái mũi vẹo vọ to tướng, chẳng hợp với tấm thân phốp pháp ấy chút nào. Cái đầu bản thân nó như một người riêng biệt đương bàn tính với gã thanh tra thứ hai. Những đứa này là ai thế nhỉ? Chúng nói chuyện gì vậy? Chúng thuộc sở nào? K. sống trong một quốc gia lập hiến cơ mà. Cuộc sống thanh bình khắp nơi! Luật pháp được tôn trọng! Kẻ nào dám đến đây xông vào nhà anh? Anh vẫn có khuynh hướng xem nhẹ mọi việc, chỉ tin có chuyện chẳng lành khi chuyện đã xảy ra, và chẳng bao giờ phòng bị cho tương lai, ngay cả khi mối nguy cơ đe dọa; nhưng trong trường hợp này, anh cảm thấy thái độ đó không phù hợp; chắc đây chỉ là chuyện đùa nghịch, một trò đùa lỗ mãng do các bạn đồng nghiệp của anh ở nhà ngân hàng bày đật ra vì những lý do gì anh không biết - có lẽ vì hôm ấy là ngày sinh nhật lần thứ ba mươi của anh cũng nên - có lẽ đúng thế rồi; có khi anh chỉ cần phá lên cười là mấy đứa canh giữ anh cũng phá lên cười theo; có thể mấy tên thanh tra ra dáng kia chỉ là mấy gã cớm quèn ở phố; trông bọn chúng giống lắm; song, từ lúc thấy Franz, K. đã quyết định không chịu lép với bọn chúng. Nếu sau này có ai chê anh là người ta đùa mà cóc biết, thì cũng được thôi, chẳng phải chuyện nguy hiểm to tát gì; vốn là người ít gặp may mắn nhờ có kinh nghiệm, anh nhớ lại có một số trường hợp cố tinh xử sự một cách khinh suất, đối lập với bạn bè, hóa đâm dại. Sẽ không để tái diễn như thế nữa, ít nhất là lần này. Họ đóng kịch ư, thì anh cũng đóng kịch.

Lúc đó, anh còn được tự do.

- Cho phép tôi, anh nói, và lách qua bọn canh giữ, anh bước vội về phòng mình.

- Hắn xem ra biết điều đấy, anh nghe sau lưng có người nói.

Vừa về đến phòng, anh sầm sầm mở các ngăn kéo bàn giấy: tất cả đều hết sức ngăn nắp gọn gàng, nhưng vì xúc động, anh tìm mãi không ra giấy căn cước. Cuối cùng vớ được giấy đăng ký xe đạp, anh đã định xuất trình cho tên canh giữ, nhưng lại thôi vì xét thấy giấy tờ như thế chưa đủ và tiếp tục lục lọi cho đến khi tìm thấy một bản sao giấy khai sinh. Khi anh trở lại phòng bên, cái cửa phía trước mặt mở ra và bà Grubach đương sắp sửa bước vào. Song, người đàn bà ấy chỉ xuất hiện thoáng một lát, vì vừa nhận ra anh, bà lúng túng ra mặt, xin lỗi, biến đi và đóng cửa lại hết sức cẩn thận.

- Bà cứ vào!

K. chỉ kịp nói với bà có thế. Anh đứng sững ở giữa phòng, giấy tờ cầm trong tay, nhìn cánh cửa không mở ra nữa; một tiếng gọi của bọn canh giữ làm cho anh sực tinh; chúng đương ngồi chén bữa ăn sáng của anh bên chiếc bàn kê trước cửa sổ mở rộng.

- Tại sao bà ta không vào? - Anh hỏi.

- Bà ấy không có quyền, người canh giữa cao lớn hơn nói. Ông biết rằng ông bị bắt.

- Sao tôi lại bị bắt? Hơn nữa, còn theo kiểu như thế này?

- Đấy đấy, ông lại bắt đầu rồi! - Gã thanh tra nói và nhúng lát bánh mì có phết bơ vào trong bình mật ong nhỏ. - Chúng tôi không trả lời những câu hỏi như thế đâu.

- Các người buộc phải trả lời. - K. nói - Các giấy tờ căn cước của tôi đây; giờ thì hãy đưa tôi xem giấy tờ của các người, nhất là trát bắt giam.

- Trời đất ơi! Trời đất ơi! - Tên canh giữ nói:

- Mãi ông không chịu nghe ra cho! Ông dường như chỉ tìm cách trêu tức chúng tôi vô ích, thế mà chúng tôi lúc này đây chắc lại là những người đối xử tốt nhất với ông trên đời.

-Vì người ta bảo ông điều đó. - Franz giải thích, và đáng lẽ đưa tách cà phê đương cầm trong tay lên môi, hắn lại đưa mắt nhìn K. một cái rất lâu có lẽ chứa đầy ý nghĩa, nhưng K. chẳng hiểu gì hết.

Tiếp đó hai người còn đối thoại với nhau bằng mắt mãi tuy K. không muốn, song cuối cùng anh cũng đưa giấy tờ ra và nói:

- Giấy tờ của tôi đây.

- Bọn này cần gì đến những thứ đó? - Gã cao lớn liền thốt lên - Ông xử sự thật tệ hơn con nít. Thế ông muốn gì nào? Ông tưởng rằng cãi vã với bọn tôi, những kẻ canh giữ ông, về trát bắt giam và các giấy tờ căn cước là có thể làm cho vụ án đáng nguyền rủa này sớm kết thúc được hay sao? Bọn tôi chỉ là các nhân viên cấp dưới; bọn tôi hầu như chẳng hiểu gì về những giấy tờ căn cước và chẳng phải làm gì khác ngoài việc canh giữa ông mỗi ngày mười tiếng và sau đó lĩnh tiền công. Chỉ có thế; nhưng chẳng phải vì vậy mà bọn tôi không biết rằng các nhà chức trách giao bọn tôi công việc này đã điều tra rất tỉ mỉ những lý do bắt giam trước khi phát lệnh bắt. Không thể nào có chuyện làm lẫn được. Các nhà chức trách mà bọn tôi đại diện, mà bọn tôi cũng chỉ biết qua các cấp dưới của họ mà thôi, không phải loại người đi bới những tội trạng trong dân gian, mà là loại người, như luật pháp nói, bị “lôi cuốn”, bị sử dụng vào tội trạng, vì thế họ phải phái bọn tôi đi, bọn tôi, những kẻ gác tù. Luật pháp là thế, làm sao có thể lầm lẫn vào đâu được?

- Tôi không biết cái luật ấy. - K. nói.

- Ông sẽ phải hối hận. - Gã canh giữ bảo.

- Chắc chắn nó chỉ tồn tại trong đầu ông thôi. - K. đáp.

Anh chỉ muốn tìm cách len vào trong ý nghĩ của mấy gã canh giữ, xoay chuyển ý nghĩ ấy theo hướng chiếu cố đến anh, hoặc hiểu thật rõ chúng đương nghĩ gì. Nhưng gã canh giữ khéo lẩn tránh mọi sự giải thích bằng cách tuyên bố:

- Rồi ông sẽ rõ, khi nào ông cảm thấy luật ấy đi qua!

Franz xen vào:

- Cậu thấy không, Willem, hắn nói, nó thừa nhận là chẳng biết luật lệ gì cả, nhưng đồng thời lại cứ khăng khăng là không có tội!

- Cậu chí lý lắm, gã kia nói, chẳng có gì làm cho nó hiểu ra được.

K. không trả lời nữa.

- Chẳng lẽ cứ để cho những lời ba hoa của lũ nhân viên cấp dưới kia quấy rầy mình ư?

- Anh nghĩ - vì bản thân chúng cũng thừa nhận chúng không là cái gì khác? Xét ra, chúng nói về những chuyện chúng hoàn toàn chẳng hiểu mô tê gì. Chúng vững tin chẳng qua chỉ là do chúng ngốc nghếch mà thôi. Vài ba lời trao đổi với một viên chức bằng vai phải lứa với ta sẽ giúp ta hiểu rõ cảnh ngộ của mình hơn rất nhiều những lời lẽ dông dài của hai thàng cha ấy.

Anh đi bách bộ một lúc trong khoảng trống của căn phòng và nhìn thấy bà lão ở phòng phía trước kéo một ông lão còn lụ khụ hơn bà đến tận cửa sổ, tay quàng qua người ông.

K. cảm thấy cần thiết phải chấm dút cái trò này đi:

- Dan tôi đến gập cấp trên của các người. - Anh nói.

- Khi nào cấp trên đòi hãy hay. - Gã canh giữ có tên là Willem nói:

- Còn bây giờ, tôi khuyên ông, hắn thêm, hãy quay về phòng mình và bình tĩnh đợi người ta xét xử. Đừng lo lắng cho mệt người vô ích, chúng tôi khuyên ông như thế đấy; ông nên chuẩn bị sức khỏe thì hơn, vì sẽ rất cần lắm đấy. Nãy giờ, ông đối xử không xứng đáng với sự có mặt của chúng tôi ở đây, ông quên rằng dù là người thể nào đi nữa thì ít nhất lúc này đây, trước mặt ông, chúng tôi cũng là những con người tự do, và ưu thế ấy đâu phải là nhỏ. Song chúng tôi cũng sẵn sàng, nếu ông có tiền, bảo người sang tiệm cà phê trước mặt kia kiểm về cho ông chút gì ăn lót dạ.

K. không trả lời đề nghị ấy; anh đứng lặng một lúc không nói gì. Có thể hai tên canh giữ cũng chẳng ngăn cản nếu anh tìm cách mở cửa phòng bên cạnh, hay thậm chí mở cửa ra ngoài tiền sảnh! Có lẽ cần phải làm toáng lên muốn ra sao thì ra? Biết đâu đó chính là chìa khóa của tình huống này.

Nhưng cũng rất có thể bọn canh giữ sẽ chặn lại ngay nếu anh dở dói điều gì: lúc ấy thì ôi thôi đi đời cái ưu thế anh dẫu sao vẫn giữ đối với bọn chúng về một số phương diện nào đấy! Vì vậy, anh đành đợi một giải phát ít bấp bênh hơn, cứ để cho sự việc diễn tiến tự nhiên đến đâu hay đấy. Anh liền quay về phòng không nói thêm một lời nào nữa.

Tại đây, anh ngồi phịch xuống giường, với tay lên bàn cạo râu lấy một quả táo rất ngon, hôm truớc anh để dành sớm mai ăn lót dạ. Anh chỉ còn mỗi quả táo ấy, nhưng vừa cắn một miêng, anh thấy ngay nó còn giá trị hơn rất nhiều so với đồ ăn thức uống mà bọn canh giữ có thể ban ơn sai người đến một tiệm cà phê đêm bẩn thỉu nào đó kiếm mang về cho anh. Anh cảm thấy dễ chịu và yên tâm; sáng nay thế là rõ ràng nhỡ buổi đến ngân hàng làm việc, nhưng do anh giữ một chức vụ tương đối cao, người ta chắc sẽ dễ dàng miễn thứ cho anh. Có nên nói rõ lý do ra không? Anh định sẽ nói. Nếu mọi người không tin, kể ra cũng là lẽ đương nhiên, anh có thể dẫn ra mấy người làm chứng là bà Grubach hay hai ông bà lão hiện đương đi tới đứng bên cửa sổ ngay trước phòng của anh. Đặt mình vào địa vị mấy tên canh giữ, K. lấy làm lạ tại sao chúng lại đuổi anh về phòng một mình, nếu anh muốn tự tử thì dễ quá. Nhưng đồng thời, ở vào địa vị của chính mình, anh lại tự hỏi việc gì mà phải chết. Chẳng lẽ tự tử vì hai đứa ấy chén mất bữa ăn sáng của anh trong phòng bên cạnh hay sao! Tự tử vô lý quá đến nỗi dù anh có muốn tự tử, anh cũng thấy thật là ngớ ngẩn đến mức sẽ chẳng bao giờ tự tử nổi. Nếu bọn canh giữ kia chẳng phải là những kẻ thiển cận sờ sờ ra đấy, ta có thể nghĩ rằng cũng chính vì lý do đó nên chúng mới không thấy có gì nguy hiểm khi để mặc anh một mình. Nếu thích, chúng có thể cứ việc nhìn anh! Chúng sẽ nhìn thấy anh đi lấy chai rượu mạnh để lâu ngày rất ngon cất tận trong cùng chiếc tủ nhỏ, cạn một cốc để thay cho bữa ăn sáng, và một cốc thứ hai để lấy can đảm, nhưng chỉ là do cẩn thận đề phòng trường hợp vạn nhất cần thiết đến sự can đảm ấy.

Vừa lúc đó, anh sợ hãi giật nảy mình đến nỗi cốc va vào răng khi nghe phòng bên có người gọi:

Ngài đội cho đòi ông lên.

Anh sợ chỉ là do tiếng gọi ấy, tiếng gọi cộc lốc như một mệnh lệnh nhà binh anh chẳng bao giờ nghĩ rằng lại có thể là tiếng gọi của tên canh giữ Franz. Còn bản thân mệnh lệnh thì lại làm cho anh thích thú; anh trả lời: - rồi! - Bằng một giọng khoan khoái, khóa cái tủ nhỏ lại và bước vội sang phòng bên. Anh thấy ở đẩy hai gã thanh tra, chúng lập tức xua đuổi anh trở về phòng, như đó là lẽ đương nhiên:

- Hay nhỉ, - Chúng thét - ông định mặc áσ ɭóŧ lên gặp ngài đội hay sao? Ngài sẽ tẩn cho ông một trận và nhân dịp tẩn cả bọn tôi nữa.

- Để cho tôi yên thân vậy, mẹ kiếp! - K. kêu lên, anh bị dồn đến sát chiếc tủ - Đến bắt người ta khi đang ngủ trên giường thì trông chờ thấy người ta mặc bộ đồ khiêu vũ thể nào được!