Nhưng lúc này nếu Diệp Thảo nàng vì nản chí mà lùi về phía sau một bước thì.. Dòng suy ngẫm của cô gái trẻ bị ngắt ngang bởi một tiếng gõ cửa.
Là lão Duyệt!
Khi cánh cửa ọp ẹp của kho chứa củi vừa được mở ra, thì ông lão đã hơn năm mươi đó chìa tới trước mặt Diệp Thảo một củ khoai lang nướng nóng hổi.
- Ăn đi! Ta để ý khi nãy bữa cơm con không ăn được mấy. Có phải vì giận ta lừa con chuyện tới đây làm bếp không?
Rồi chẳng cho Diệp Thảo thời gian trả lời, lão Duyệt đã buồn buồn mà nói tiếp.
- Ta thừa nhận là bản thân hơi ích kỷ. Vì muốn đệ mình bớt nhọc nhằn nên đã đưa con vào thế khó. Thật là hôm nay ta định bụng sẽ chờ con ở trạm dừng để nói cho con hay mọi chuyện. Nhưng rồi..
- Bác Ba đừng tự trách mình nữa. Không phải mọi chuyện cũng đã được giải quyết rồi sao. Với quả tình như Bác nói đó, nhà con đang rất khó khăn. Có được việc là tốt lắm rồi. Nên con cảm ơn bác còn không hết nữa là..
Diệp Thảo cười buồn. Bên kia lão Duyệt hình như cũng đã bớt áy náy. Ông khẽ mỉm cười mà vỗ vỗ vào đôi bàn tay trắng nõn của Diệp Thảo. Lão Duyệt nói:
- Nhưng phải công nhận là đệ của ta đã dạy dỗ con rất tốt. Vẻ mặt lúc đó của Lê công tử thật sự làm ta rất hả hê. Một chút kinh ngạc xen lẫn sự khuất phục. Con không biết đâu. Gã trai họ Lê đó học rộng tài cao vô cùng. Chẳng qua là vì được cô ruột là bà Ba Miên nhờ vả, nên hắn mới tới đây phụ giúp chuyện sổ sách của mấy kho lúa mà thôi đó.
- Đến mức đó luôn sao?
Diệp Thảo vờ hỏi lại lão Duyệt. Và đương nhiên là nàng nhận được cái gật đầu. Ừ thì gật đầu, bởi như chính Diệp Thảo đây cũng suýt bị vẻ lạnh lùng xa cách của gã đàn ông học rộng tài cao ấy làm cho lầm lẫn mà. Nàng đã lầm hắn là cậu Ba Phong của Nguyễn gia.
Hay đúng hơn là hắn ra dáng một thiếu gia con quan hơn cậu Ba Phong có phần huênh hoang, khoác lác. Mà phải thôi, người càng học cao hiểu rộng thì lại càng khó dò khó đoán. Có lẽ vì thế mà bọn tiểu thơ như Diễm Kiều và Thanh Vân mới ghét bỏ.
Khẽ mỉm cười nhìn xuống đôi bàn tay hãy còn run lên từng chập nhè nhẹ, Diệp Thảo len lén thở ra 1 hơi nhỏ.
Nàng sợ gã đàn ông có tên Lê Bá Thông đó. Nỗi sợ bắt nguồn từ cái lúc hắn đạo mạo ra đề bài để khảo chuyện học hành của nàng, cho đến khi hắn chau mày chăm chú lắng nghe nàng trả lời.
Lúc đó hình như hắn còn muốn hỏi thêm Diệp Thảo điều gì đó. Sẽ là một đề bài khác? Diệp Thảo nàng không biết, bởi lúc ấy buổi trò chuyện đã bị ngắt ngang, vì sự xuất hiện của gã người làm tên Đen.
Và chuyện hắn nói đã khiến bà Ba phải xanh xám mặt mày. Đó là cơm nước của cả nhà chưa có người chuẩn bị. Dù không muốn dùng cái câu: Mượn gió bẻ măng để miêu tả bản thân mình khi đó nhưng nhờcơn gió không mấy tốt lành của Nguyễn gia ấy mà Diệp Thảo nàng mới được bà Ba nhận vào làm.
Bên kia hình như lão Duyệt cũng đang nghĩ về chuyện đó. Ông xoa xoa đôi bàn tay của mình lại với nhau mà nói:
- Mà bác Ba không biết là con nấu ăn ngon như vậy đó Thảo. Một thoáng đã có cơm ngon canh ngọt. Xem ra khi ở nhà con không chỉ được em trai của ta cho học chữ học nghĩa, mà đến chuyện nữ công gia chánh con cũng được dạy chu đáo.
- Bác Ba quá khen rồi! Phận nữ nhi dù có được học chữ đi nữa thì cũng phải làm tốt chuyện bếp núc, may vá mà bác. Nhưng bác Ba nè, cả gian nhà kho rộng thế này mà chỉ có mỗi con ngủ thôi sao? Những người làm khác, họ không ngủ ở đây ư?
Diệp Thảo vừa nói vừa đưa ánh mắt e dè mà nhìn quanh gian nhà kho. Nói nhà kho nhưng nó rộng hơn căn nhà ở Hòa Thuận của thầy mẹ nàng. Đã vậy nhà còn được lợp ngói âm dương, cột kèo này nọ cũng là thứ làm bằng gỗ lim chắc chắn.
Thấy cháu gái cứ hết đưa mắt nhìn đông rồi lại đưa mắt ngó tây, lão Ba Duyệt nghĩ bụng Diệp Thảo sợ. Mà cũng đúng thôi, là một nữ nhi vừa rời khỏi mái nhà thân yêu mà bản thân gắn bó hơn mười bảy năm trời, lại bị ném ngay xuống cái nhà kho chứa củi rộng rãi và chỉ có một mình. Ai không sợ, ai không phải e dè ngó đông dòm tây.
Nhưng biết sao bây giờ. Nếu..
- Số ngày thường thì sẽ có con Nhân nữa. Nhưng hôm nay không hiểu sao đại nhân lại đòi ngủ một mình mà không sang ngủ với Bà Ba như mọi ngày. Nên con Nhân nó phải ở lại phòng bà Ba canh cho bà ngủ. Mà con Thảo nè, con đã biết hết tên người làm ở Nguyễn gia trang này chưa?
- Dạ rồi bác Ba à. Là bà vυ", con Lành và anh Đen. Nhưng..
Diệp Thảo ngập ngừng.
- Nhưng kể cũng kì hơ bác. Nguyễn gia trang rộng thế này mà chỉ có bấy người làm. Lại chỉ toàn là nữ. Ngộ nhỡ có chuyện gì nặng nhọc cần người thì biết tìm đâu ra.
Câu nói của Diệp Thảo vừa dứt thì cô nàng đã phải nhận ngay cái trừng mắt của lão Duyệt. Rất rõ ràng là người đàn ông có tuổi đó hoàn toàn không tán thành sự "nhiều chuyện" của đứa cháu gái. Nhưng có lẽ là do nể em trai và cũng thương sự khờ dại của đứa cháu gái mới bước vào đời nên lão Duyệt chỉ khẽ hắng giọng.
- Đó là chuyện của chủ nhân. Không đến lượt con hay ta quản đâu. Và nên nhớ những chuyện này đừng bao giờ nhắc đến nữa, nếu con không muốn ngay ngày hôm sau sẽ bị đuổi về quê như những người làm trước đó.
Dứt lời lão Duyệt đứng phắt dậy rồi dứt khoát quay đầu đi trong sự ngỡ ngàng của Diệp Thảo. Nhưng bàn chân chưa đưa lên phía trước được bước nào, thì lão Duyệt đã quay đầu lại nhìn Diệp Thảo bằng ánh mắt thâm tình mà dặn dò:
- Coi cài then cửa cẩn thận. Với nếu có nghe tiếng khóc ở nhà sau thì coi ra đó phụ bà vυ" với con Lành một tay. Sống đừng có ích kỷ, hẹp hòi quá. Rồi tới bận mình lao đao sẽ chẳng có ai giúp mình đâu.
Tiếng "dạ" của Diệp Thảo vang lên cùng lúc với tiếng cửa kho đóng lại nên Diệp Thảo không biết là lão Duyệt có nghe được không. Có thể là có, nhưng cũng có thể là không.. Diệp Thảo không biết nữa. Quả thật ở thời điểm này, lúc này Diệp Thảo không biết bản thân mình đang nghĩ gì hay muốn gì nữa.
Mọi thứ hỗn loạn và khác hẳn so với những gì mà Diệp Thảo nàng vẽ lên trong đầu vào ngày trước khi khởi hành tới xứ Quán Trà này. Khác.. khác lắm. Khác ở chỗ ghi chép sổ sách với nấu bếp.. khác ở chỗ Nguyễn gia trang gia nhân sẽ nườm nượp và ai nấy cũng tốt bụng với thái độ xa cách và có phần khó chịu..
Đúng vậy. Không chỉ tỷ Nhân, mà cả con Lành lẫn bà vυ". Ai nấy cũng đều hướng ánh mắt không mấy thân thiện về phía nàng. Họ ghét nàng hay vì họ đang mệt mỏi với công việc nên không muốn nói chuyện với Diệp Thảo nàng.
Mệt mỏi.. có thể lắm.
Bởi theo lời kể của bà Ba Miên thì cả con Lành và bà vυ" đã mấy tối rồi phải thức trông cậu Lũy. Và công việc ấy còn thêm phần nặng nhọc khi bà Hai Cần lỡ tay làm bỏng thằng cháu nội.
Sợ chồng nổi đóa sẽ bắt vạ mình, bà Hai Cần tính ém nhẹm chuyện đó. Vết bỏng nào có nhỏ, nhưng sau khi được bà Ba Miên khuyên can Nguyễn đại nhân rốt cuộc cũng chịu bỏ qua cho bà vợ nóng tính tình ương ngạnh, mà mời thầy lang đến coi bệnh cho cậu Lũy.
Diệp Thảo khi bê cơm vào cho con Lành và bà vυ" đã thoáng nhìn qua vết thương của cậu Lũy. Một vệt bỏng dài ôm trọn cẳng chân trái. Với người lớn thì nhiêu đó đã đủ khiến họ đau đớn chết đi sống lại, huống chi người bị nạn lại là một đứa trẻ mới hơn hai tháng tuổi.
Nên cậu Lũy quấy khóc cũng là chuyện rất bình thường. Có thể vì thế nên lão Duyệt, bác Ba của Diệp Thảo mới khuyên nàng nếu nghe thấy tiếng khóc thì phải chạy ra nhà sau giúp một tay. Nhưng có lẽ nhờ thuốc của thầy lang hợp với cậu Lũy nên cả tối Diệp Thảo không nghe thấy tiếng khóc.
Gấp gọn chăn màn bỏ vào một góc của nhà kho, Diệp Thảo chầm chậm mở cửa. Trời hãy còn tối, chỉ mới độ canh ba thôi. Và nếu giờ này mà ở nhà thì chắc Diệp Thảo sẽ quấn chăn mà ngủ tiếp, chứ như lúc này phải lọ mọ ra bếp để nhóm lửa..
Ở nhà..
Một cảm giác tủi thân ùa đến làm nước mắt từ đau cứ chực trào khỏi khóe mi. Không được khóc! Mình phải mạnh mẽ.. phải mạnh mẽ lên. Tự nhủ lòng, rồi cũng để bản thân không khóc, Diệp Thảo vội ngẩng đầu nhìn lên những vì sao đang đứng yên đợi trời sáng.
Chúng thật đẹp, nhưng cũng thật đáng thương. Bởi nhìn đi, được mang trên mình ánh sáng nhưng chúng chỉ được đứng yên một chỗ và chờ đợi. Chúng thật giống Diệp Thảo nàng khi xưa.
Chờ đợi.. chờ đợi có người đến hỏi cưới để rồi khoản tiền thách cưới mà nhà trai mang tới sẽ giúp cho thầy mẹ nàng qua cơn bĩ cực vì đói kém. Diệp Thảo nàng đã từng chờ đợi và trông mong rằng đối phương, gã đàn ông là chồng trong tương lai của nàng không phải là một người quá tệ.
Nhưng rồi ai cũng tệ cả. Hay đúng hơn là với thầy của Diệp Thảo, thì kẻ nào cũng là phàm phu tục tử không xứng với ái nữ của ông. Vì trong mắt người đàn ông yêu con còn hơn cả mạng đó thì Diệp Thảo như một cành hoa đẹp cần một bậc quân tử nắm giữ và nâng niu.
Đúng vậy. Một cành hoa đẹp!
Nếu giả thầy biết chuyện cành hoa mà thầy nâng niu, yêu chiều hết mực đang phải làm công chuyện nấu bếp thì sao nhỉ?
Bật ra trên môi một nụ cười méo mó, Diệp Thảo toan quay người đi về phía bếp. Nhưng bàn chân mới đưa lên đã toan đặt xuống. Gian nhà chính có phòng đang sáng đèn ư? Nhưng ai lại dậy sớm thế?
Câu hỏi được đặt ra khiến Diệp Thảo phải vội vàng kiểm lại những điều mà ngày hôm qua nàng nghe anh Đen nói. Đó là gì nhỉ? Là gian nhà chính gồm phòng thờ và buồng của đại nhân, rồi thì buồng của bà Hai và Ba.
Hai gian nhà tả hữu là chỗ nghỉ ngơi của cậu Hai Lịch và cậu Ba Phong. Còn gian nhà sua gần bếp và chỗ ngủ dành cho khách, cũng là chỗ ở hiện tại của Lê Bá Thông và cậu Lũy.
Bởi vốn cậu Lũy ở gian nhà tả cùng với mẹ cậu. Nhưng từ khi mợ Hai bỏ đi, cậu Hai Lịch đã xua đứa con của mình xuống gian nhà sau hòng để không bị tiếng khóc của nó quấy rầy. Có điều không quấy rầy cậu Hai Lịch thì tiếng khóc đó lại quấy rầy Lê Bá Thông. Có lẽ là vì thế nên buồng của gã mới sáng đèn chăng?
Có chút hả hê khi người mình ghét bị hành, nên Diệp Thảo cứ đứng đó, ở trước nhà kho chứa củi mà nhìn chằm chằm vào căn buồng của Lê Bá Thông. Diệp Thảo nhìn nhập tâm đến nỗi không nhận ra sự xuất hiện của con Lành và tỷ Nhân. Một cái đập vai thật khẽ của con Lành cũng làm cho Diệp Thảo giật bắn người.
- Lành! Sao Lành lại vỗ vai tôi?
Diệp Thảo sau khi hồi hồn thì lập tức chất vất con Lành.
Bên kia đứa con gái có vóc người to béo cũng không vừa mà nguýt dài Diệp Thảo.
- Sao lại vỗ vai tôi? Không vỗ vai tỷ thì chẳng lẽ tôi vỗ vai tỷ Nhân chắc. Mới sáng sớm thức dậy mắc chi không xuống bếp nhóm lửa mà đứng đây nhó trân trân vào buồng ngủ của cậu Bá Thông. À, tôi biết rồi. Là tỷ đang tơ tưởng đến cậu Thông phải không? Muốn quyến rũ cậu ấy phải không? Bỏ ngay cái ý định đó đi. Gã đó là khúc gỗ chứ chẳng phải con người đâu.
- Tôi..
Định nói là tôi không có ý đó, nhưng lời chưa có nói ra thì Diệp Thảo đã phải nuốt ngay xuống bởi cái lắc đầu của tỷ Nhân. Rồi sau cái lắc đầu là hàng loạt động tác tay khiến Diệp Thảo được ngay một phen hoa mắt chóng mặt.
Cũng may là con Lành sau khi hạ hỏa đã quét ánh mắt về phía tỷ Nhân và Diệp Thảo, nên đã kịp thời phiên dịch.
- Tỷ ấy nói là đừng có cãi, tôi và tỷ thì nên đi nhóm bếp đi, nếu không muốn bị bà Ba la.
- Tỷ Nhân nói thế ư?
Diệp Thảo mắt tròn mắt dẹt nhìn con Lành.
- Nhưng sao tỷ Nhân không nói.
- Không nói là vì không thể nói được. Một lý lẽ đơn giản như vậy thôi mà tỷ cũng không hiểu sao? Tỷ Nhân mới đầu sinh ra thì bình thường như tỷ muội chúng ta, nhưng sau này vì bạo bệnh mà tỷ muội chúng ta, nhưng sau này vì bạo bệnh mà tỷ ấy bị câm. Mấy lời này là bà vυ" kể với tôi đó, dặn tôi đừng có nhắc chuyện không nói được trước mặt tỷ Nhân kẻo tỷ ấy buồn.
Lời nói thoát ra khỏi cuống họng thì con Lành dường như nhớ ra điều gì đó nên vội dừng lại mà bịt chặt miệng. Đúng rồi! Phải bịt chặt miệng, đang nói tới tỷ Nhân cũng đang ở đó.. đang ở trong gian bếp cùng với họ mà.
Bấn loạn thật sự vì bản thân đã làm một việc sai quá sai, con Lành đã hướng ánh mắt đầy hối lỗi về phái tỷ Nhân hòng nói lời xin lỗi. Nhưng người con gái kia đã vì giận quá mà chạy vội ra ngoài.
Một không khí nặng nề chặn ngang đường thở của hai cô gái còn lại trong bếp. Và trong cái ánh sáng lập lòe đỏ rực của bếp lửa, Diệp Thảo đã nhìn thấy những giọt nước mắt của con Lành.
- Lành à, sao vậy? Có phải là vì sợ tỷ Nhân giận Lành không? Nếu vậy thì để tôi chạy ra đó xin lỗi tỷ ấy cho Lành nha. Mà công nhận là tôi cũng dở nữa. Rõ ràng từ lúc gặp tỷ ấy tới giờ có thấy tỷ ấy nói đâu. Vậy mà tôi lại không nhận ra. Báo hại Lành phải giải thích nên mới ra nông nỗi này.
- Là lỗi của tỷ nhưng cũng do tôi mau miệng quá. Có điều tính tỷ Nhân kì lắm. Tỷ ấy mỗi khi giận lên thì không nghe ai nói gì đâu. Điều này cũng là tôi nghe được từ và vυ" đó. Bà vυ" là dì ruột của tỷ Nhân, tôi cũng không biết tên gọi của bà ấy là gì chỉ thuận miệng gọi là bà vυ" thôi. Họ cùng nhau lưu lạc từ xứ Lũng Lâm Cát vào đây đó. May sao đợt ấy mợ Hai nhà này sanh con nên bà Hai mới chịu thâu nhận họ.
- Ra là vậy. Mà chắc Lành thân với tỷ Nhân lắm hơ. Khi nãy tôi thấy Lành khóc.
- Khóc gì chứ? Là do khói bếp thôi.
Con Lành trừng mắt với Diệp Thảo.
- Mau nấu ăn đi. Rồi còn bưng lên cho đại nhân và bà Hai.
- Chỉ đại nhân và bà Hai thôi sao? Còn bà Ba thì sao? Rồi hai cậu nữa?
- Ừ thì..
Con Lành ngập ngừng trong giây lát, rồi quyết định kể với Diệp Thảo. Trong cái gia đình nào lắm tiền nhiều của thì cũng sẽ tồn tại cái chuyện bà lớn bà nhỏ. Đúng thôi, có tiền mà, giàu mà thì cưới vợ hai vợ ba có gì là lạ. Và Nguyễn đại nhân cũng vậy.
Sau khi ngồi vững ở cái ghế quan Khâm sai ông đã lấy thêm vợ là bà Ba Miên.
Bà Ba Miên không có xuất thân cao quý như bà Hai, nhưng cũng vẫn là con gái của quan Huyện, cũng vẫn được tính là một tiểu thơ khuê các. Đã vậy bà Ba Miên lại còn rất xinh đẹp.
Đó có lẽ là điểm mà Nguyễn đại nhân mê mẩn ở bà, nên từ khi lấy được bà Ba Miên hầu như là đêm nào ông cũng ở phòng của bà. Vì thế mà rất hiếm khi chạm mặt hay trò chuyện với bà Hai.
- Những chuyện này là tôi nghe được từ bà bếp trước. Sau bà ấy được con đưa về nhà phụng dưỡng nên đâm ra mới thiếu người làm đó chứ.
- Nhưng tôi không hiểu. Chuyện vừa rồi thì có ảnh hưởng gì tới chuyện dùng điểm tâm sáng chứ.
- Sao lại không? Rất liên quan nữa là khác. Nghe nè, xưa vì là quan Khâm sai, Nguyễn đại nhân bận trăm công ngàn việc nên đại nhân luôn ăn điểm tâm sáng rất sớm. Thường là giờ Dần thôi, đại nhân đã quần áo tươm tất mà ra phòng ăn dùng điểm tâm. Và điều đáng nói là thói quen ấy được duy trì cho đến tận bây giờ. Cũng vì đại nhân dùng điểm tâm sáng quá sớm nên cả hai cậu lẫn bà Ba đều chưa dậy. Chỉ có bà Hai vì cả ngày không được gặp chồng nên mới cố dậy sớm để cùng dùng điểm tâm sáng với đại nhân mà thôi.
- Đúng là xưa nay vẫn như vậy. Nhưng hôm nay có thay đổi một chút xíu.
Người vừa nói kia là lão Duyệt, gã đàn ông trung niên này không biết đã đứng ở cửa gian bếp từ bao giờ.
- Hôm nay bà Ba sẽ dùng điểm tâm cùng với đại nhân nên con Thảo coi mà chuẩn bị sao cho tốt đi nha.
Lời báo của lão Duyệt lập tức làm con Lành đang canh lửa phải nhảy dựng. Nói hấp tấp hỏi lão Duyệt.
- Lão Duyệt, lão nói thật đó hả? Xưa nay bà Ba làm gì có chuyện dậy sớm như thế chứ? Tại sao vậy nhỉ?
- Còn tại sao nữa? Bộ không biết tối qua đại nhân ngủ ở đâu sao? Không có hơi của đại nhân nên bà Ba không ngủ được, rồi dậy sớm thôi. Chuyện dễ hiểu mà.
Nói rồi anh Đen hướng con Lành mà nhe ra mấy cái răng mọc xiêu mọc vẹo. Có điều nụ cười của anh Đen chỉ kéo dài được có một chút, bởi liền sau nụ cười đó là cái cốc đầu siêu đau đớn của lão Duyệt dành cho gã người làm lắm chuyện. Lão Duyệt lừ mắt chỉnh anh Đen.
- Chuyện nhà chủ, ai cho bây lôi ra cười cợt như thế hử? Có phải muốn nghỉ làm không? Chỉ cần ta nói với đại nhân một tiếng thôi là bây sẽ được toại nguyện.
- Kìa, lão Duyệt! Tôi..
Phất tay cho anh Đen dừng lại, lão Duyệt nghiêm mặt quay sang hỏi con Lành. Lão gằng từng chữ.
- Rồi còn con Nhân đâu? Phận người ăn kẻ ở mà hành xử không khác gì chủ nhà. Bỏ đi không nói một tiếng đã đành, giờ còn chưa thấy quay lại. Báo hại bà Ba phải loay hoay gọi đông gọi tây để nhắc nhở chuyện điểm tâm sáng.
Lão Duyệt vừa dứt lời thì sau lưng lão vang lên tiếng ú ớ. Là tỷ Nhân. Có điều mặt mũi tỷ ấy nhễ nhãi mồ hôi đã đành, quần áo trên người cũng không có tề chỉnh khiến người ngoài như Diệp Thảo nhìn vào thì không khỏi thắc mắc.
Tỷ Nhân hình như cũng hiểu chuyện đó, nên tỷ ấy chẳng cần lão Duyệt mở miệng hỏi thì đã bày ra bộ dạng ngại ngùng. Rồi thì ôm bụng và chỉ ra phía cuối của khu vườn, nơi có gốcxoài cổ thụ đang đổ.
Ờ thì chưa tiếp xúc với tỷ Nhân nhiều, nhưng với chuỗi động tác tay kia, và gương mặt có chút ửng hồng của tỷ ấy đã nói cho Diệp Thảo biết tỷ ấy đã đi đâu. Đương nhiên rồi!
Góc cuối của khu vườn theo hướng chỉ của tỷ Nhân chính là nhà xí. Cơn nộ khí của lão Duyệt đã bị gương mặt ngượng ngùng của tỷ Nhân làm tiêu biến.
Nhưng lão vẫn nghiêm mặt mà chỉ tay lên nhà trên nói:
- Bà Ba đang tìm bây đó!
Một câu nói có lực sát thương cực cao khiến tỷ Nhân chết đứng trong mấy giây. Nhưng khi nhớ ra càng đứng đó thì khả năng bị đuổi việc càng cao, thì cô gái trẻ đã sợ hãi mà co chân lên chạy vù đi.
Nhìn theo bóng lưng nhỏ bé đang cố gắng chạy nhanh hết sức có thể thì lão Duyệt chỉ còn biết lắc đầu thương cảm.
Rồi người đàn ông có gương mặt khắc khổ đó cũng toan dợm bước mà theo chân tỷ Nhân lên nhà trên. Nhưng chân vừa mới đưa lên đã phải vội đặt ngay xuống. Lão Duyệt nhìn vào trong bếp mà chỉ mặt con Lành.
- Còn bây, sao còn ngồi đó mà không mau qua xem cậu Lũy đã dậy chưa? Bà vυ" già rồi! Một mình bà ấy không lo được cho cậu đâu.
- Già gì chứ? Bà ấy nói với tôi là bà ấy chỉ mới hơn tứ tuần một chút thôi.
Con Lành cãi. Bên kia lão Duyệt cau mày, mắng:
- Ừ thì mới hơn tứ tuần thôi. Nhưng bây ăn lương mà đòi trốn việc sao? Dẫu biết giữ trẻ là việc nhọc nhất từ trước tới nay, nhưng phải cố thôi. Ta là ta mắc cùng thằng Đen quét tước để đại nhân đón quan Huyện nếu không thì sẽ tới đó phụ bây một chút.
- Gì chứ? Đại nhân đã cáo lão về quê rất lâu rồi mà. Sao quan Huyện lại đến đây làm gì chớ.
- Chuyện nhà chủ có liên quan tới ngươi sao? Coi mà ngậm cái miệng lại. Không là bị ăn đòn rồi thì mất việc như chơi đó.
Tiếng nói của lão Duyệt cứ xa dần. Gian bếp khi nãy còn đông đúc rộn rã thì giờ chỉ còn mỗi Diệp Thảo. Mà nàng thì cứ đứng mãi ở cửa bếp trông theo bóng lưng khỏe mạnh của lão Duyệt cho đến khi khuất hẳn mới chịu quay vào bên trong. Lão Duyệt, bác Ba của nàng nghe đâu xưa kia cũng là một lính tuần dưới trướng của Nguyễn đại nhân thì phải.
(Hết chương 6)