- Cỏ cao thế này. Hèn chi cô mẫu dặn đem theo cuốc và liềm.
Lê Bá Thông nói sau khi nhìn thấy đám cỏ dại cao quá nửa người ở sau miếu. Nhưng khi Lê Bá Thông vừa dứt câu thì Trịnh Thừa Trịnh đại nhân đã nói ngay ra thắc mắc của mình. Gã nói:
- Nhưng Bá Thông huynh thấy kì quặc không? Trong khi xung quanh trước sau và cả bên cạnh đều được sạch cỏ thì chỗ đó lại um tùm như thế. Chưa kể Bá Thông huynh thấy không? Chỗ cỏ đó chỉ rộng bằng cái giường con thôi mà. Sức trai tráng chỉ làm cố một chút là xong. Mắc chi lại để một mớ như này rồi giờ cũng phải dọn.
- Là vì nơi đó một cái mả. Là một cái mả hoang.
Bà Ba Miên từ khi nào đã thắp hương xong. Và ra đứng cùng bọn Diệp Thảo. Nhưng câu trả lời của bà thì thật khiến ai nấy ở đó đều phải lạnh gáy. Một cái mả.. một cái mả hoang sao?
Đưa mắt ngó quanh để tìm cho mình một chứng cớ nào đó để phản bác, nhưng rốt cuộc sau khi đưa mắt đảo tới đảo lui mấy bận trong khuôn viên của cái miếu thì Diệp Thảo đành phải chấp nhận lời khẳng định mà bà Ba Miên vừa nói.
Đó là một cái mả..
Khu đất bị cỏ cây mọc um tùm kia chính là một cái mả.
Nhưng tại sao lại có một cái mả trong khuôn viên của miếu Bà Chúa Ngọc? Hay cái mả đã có ở đây trước khi miếu Bà Chúa Ngọc được dựng lên?
Hình như thắc mắc của Diệp Thảo cũng là nghi vấn trong lòng của bọn Lê Bá Thông. Nhưng hai gã đàn ông đó, kẻ là cháu trai, kẻ là quan huyện, nên họ nào chịu nín lặng như Diệp Thảo.
Và Lê Bá Thông lập tức đem thắc mắc trong lòng nói ra:
- Dạ, thưa cô mẫu! Nếu cho chỗ cây cối mọc cao này là cái mả đi, thì có phải nó đã ở đây trước khi dựng miếu? Nếu như vậy thì mắc chi phải cố chấp dựng miếu ở đây? Không phải chỉ cần chọn một khu đất khác là được mà. Như vậy sẽ vẹn hơn cho người nằm dưới mả và cả thần phật mà ta cúng ở miếu. Không biết Bá Thông nói như thế, cô mẫu nghe có lọt tai không?
Câu nói của Lê Bá Thông vừa dứt thì Diệp Thảo đã nhìn thấy nụ cười hiền hậu ẩn hiện trên đôi môi của bà Ba Miên. Người đàn bà có sắc vóc và tính thiện hơn người đó không vội trả lời câu hỏi của cháu trai.
Bà ngồi xổm xuống bên khoảnh đất đầy cỏ mà bắt đầu công việc dọn dẹp của mình.
Từng cây cỏ được bà Ba nhổ lên làm những người đứng quanh đó không thể cứ ngó lơ được. Nên chưa đầy một chốc sau ai nấy cũng đều tập trung vào công việc của mình.
Người nhổ, kẻ cắt, riêng Lê Bá Thông thì nhận nhiệm vụ cuốc cỏ, cuốc những mảng cỏ chỉ bò khắp khoảnh đất như một loại tơ nhện. Anh chàng tập trung lắm nên có lẽ cũng đã quên mất câu hỏi khi nãy của mình.
Ấy thế nhưng người bị hỏi lại không có quên. Khi những bụi cỏ lớn của khoảnh đất được dọn bớt, bà Ba Miên đã dừng lại để lau mồ hôi, mà cũng là để ngẩng đầu nhìn lên bầu trời rồi buông một tiếng thở dài não nề.
- Sao có thể chọn một khu đất nào khác được chứ?
Bà Ba Miên cất giọng trầm buồn.
- Vì chỗ này là nơi đại nhân hạ sát con cọp mà. Lúc đó đại nhân máu me đầy mình, nhìn đáng sợ lắm. Nhưng khi kiểm tra lại thì ông ấy không có bị thương. Hỏi ra thì ổng nói là có Bà Chúa Ngọc hiển linh giúp ổng một tay nên ổng mới có thể bảo toàn tính mạng.
- Vậy thì xây miếu ở đây là đúng rồi!
Trịnh Thừa đại nhân góp lời.
- Bẩm đại nhân! Đúng là như vậy! Nhưng cái mả này không phải có trước lúc dựng miếu, mà ngược lại khi cái miếu này đã dựng xong xuôi rồi thì nó mới xuất hiện.
Nói tới đây bà Ba Miên lại cúi người xuống làm tiếp công việc dọn cỏ của mình. Bàn tay bà thoăn thoắt nhổ những bụi cỏ như sợ không kịp thời gian để làm.
Nhưng dọn cỏ là dọn cỏ, còn kể chuyện là kể. Bà Ba Miên thuật lại câu chuyện cái mả hoang xuất hiện bằng một thái độ rất kiêng sợ và cũng hoang mang nữa.
- Dân phụ nhớ đó là ngày thứ mười hai sau khi đại nhân hạ sát được con hổ..
Giọng bà Ba đều đều. Thì ra lúc ấy dù không tận tay hạ sát được con cọp tinh. Nhưng Nguyễn đại nhân đã kịp tặng cho nó một nhát đâm chí mạng, trước khi con quái thú đó nhảy xuống vực hòng chạy trốn.
Đám lính tuần đi theo giúp Nguyễn đại nhân thì người bị thương, người lại bị thổ tả nên sau khi trận đấu giữa người và hổ kết thúc, không có ai đủ khỏe để leo xuống dưới xem xét thi thể của con cọp.
Bởi ngay đến chuyện dựng miếu cũng là Nguyễn đại nhân tự dốc tiền túi mời thợ mộc có tay nghề về làm kia mà.
- Vốn dựng một ngôi miếu đã không phải là chuyện đơn giản, mà lại phải làm ngày làm đêm nên đến khi xong là ngày thứ mười hai thì đám thợ ai nấy cũng đều rệu rã.
- Rồi sao nữa ạ?
Lời vừa thoát ra khỏi miệng, Diệp Thảo đã muốn lập tức tát vào mặt mình mấy cái. Bởi phận tôi tớ ai cho phép nàng được nói leo. Đang lo sợ tai họa sẽ từ cái miệng mà ra thì Lê Bá Thông đã lên tiếng hỏi tới.
- Đúng thế. Rồi sao nữa vậy, cô mẫu? Có phải khi đám thợ tỉnh dậy đã thấy một thi hài nằm trong miếu nên đã chôn người đó ngay ở đây không?
Đáp lại câu hỏi của Lê Bá Thông bằng một cái lắc đầu, bà Ba Miên tiếp:
- Không phải là một thi hài. Mà là một nấm mộ.
- Không thể nào.
Cùng đồng thanh kêu lên, Trịnh Thừa nhìn người anh em tốt của mình bằng ánh mắt kinh ngạc. Và đương nhiên, ánh mắt ấy sau đó đã hướng về phía bà Ba Miên. Trịnh Thừa nói:
- Trong một đêm xuất hiện một nấm mộ. Sao lại có chuyện vô lý ấy được? Đúng rồi! Bổn quan biết rồi! Có phải là do đám thợ mộc giở trò không? Dưới mộ đó chắc chắn là người trong đám thợ bị họ đánh chết. Hoặc giả là người nào khác có hiềm khích, rồi cả đám thợ đã đánh chết rồi chôn ở đó. Hẳn là như thế rồi. Bá Thông huynh, huynh có nghĩ giống ta không?
- Chuyện này..
Không quá vồn vã đưa ra suy đoán như Trịnh Thừa, Lê Bá Thông hướng ánh mắt chờ đợi về phía bà Ba Miên. Như hiểu được sự nóng lòng của mấy con người có tuổi đời hãy còn non trẻ, bà Ba Miên cũng nhanh chóng đáp trả ánh mắt chờ đợi kia bằng một cái lắc đầu.
- Không thể nào!
Trịnh Thừa lần nữa thốt lên kinh ngạc. Nhưng gã đàn ông đó chưa kịp nói gì thêm thì đã bị Lê Bá Thông giơ tay ngăn lại. Bên kia bà Ba Miên hình như cũng đoán trước được phản ứng của Trịnh Thừa, bởi chính bà ở thời điểm đó cũng có những suy đoán tương tự như vị chức sắc triều đình này. Và sau đó thì cũng đã ngạc nhiên y hệt như vậy.
(Hết chương 21)