Từng chùm nắng cứ thi nhau lao xuống cái nón lá mỏng tang mà Diệp Thảo đội trên đầu, khiến mồ hôi mẹ mồ hôi con từ đâu tuôn ra xối xả. Có lẽ hôm nay nắng nóng đã lên tới đỉnh điểm..
Và câu chuyện của Trịnh Thừa đại nhân kể cũng đã đạt đến đỉnh điểm của sự bi thương.
Bi thương đến độ gã đàn ông cao lớn đó phải vén ống tay áo để lau đi những giọt nước mắt, đã chảy dài xuống hai bên má từ lúc nào.
- Vậy dân phụ biết rồi! Mẹ của đại nhân tên Dao. Vì là hai chị em sinh đôi nên mẹ của đại nhân và vợ của họ Phan kia rất nhau.
Không xinh đẹp tuyệt trần, nhưng ở hai chị em họ toát lên một nét duyên ngầm mà hễ ai trông thấy đều cảm thấy thương mến.
- À, đúng rồi!
Bà Ba Miên dừng lại để vươn tay chắn ngang mặt tỷ Nhân, làm cô gái trẻ đó dù không muốn cũng phải ngẩng đầu lên nhìn. Bên này bà Ba Miên cũng hài lòng với cái ngẩng đầu của tỷ Nhân lắm. Bà vồn vã dắt tay cô gái trẻ tới trước mặt Trịnh Thừa đại nhân và nói:
- Có phải mẹ của đại nhân và vợ của họ Phan có nét giống đứa con gái này. Mà không, phải ngược lại mới đúng. Con Nhân này rất giống mẹ của đại nhân và vợ của họ Phan, đó là lí do mà dù con Nhân này nó câm, dân phụ vẫn quyết nhận nó và bà dì ruột của nó vào làm cho Nguyễn gia. Vì khi còn ở đây ta với vợ của họ Phan cũng có qua lại trò chuyện.
- Tưởng bà Ba nói ai, thì ra là cô nương này.
Câu đáp của Trịnh Thừa làm Lê Bá Thông đi cạnh không kiềm được tò mò mà cất tiếng hỏi.
- Là cô nương này? Không lẽ trước kia Trịnh đại nhân có gặp qua con Nhân rồi sao?
- Làm gì có. À, mà cũng tính là có. Là sáng hôm qua đó bà Ba à. Cô nương này đứng ở góc phòng khách hầu trà nước. Và lúc bổn quan cùng Nguyễn đại nhân có to tiếng với nhau, cô nương ấy đã toan lao tới để bảo vệ bà.
Trịnh Thừa ném một ánh nhìn đầy bi thương lên mặt của tỷ Nhân và cũng nhanh chóng dời ánh nhìn đó đi chỗ khác. Gã đàn ông đó bộc bạch.
- Quả tình lúc nhác thấy cô nương này bổn quan cứ nghĩ đó là người thân của mình. Nhưng khi bình tĩnh ngẫm lại thì.. chuyện đó là không thể. Vì bà Ba biết mà. Mẹ của bổn quan hay dì Cầm thì tuổi cũng đã ngoài tứ tuần. Mẹ ta thì chỉ có mỗi ta là con. Còn dì Cầm cũng chỉ có một đứa con trai tên ở nhà gọi là Gạo. Với tất cả họ đều đã đi cả rồi nên cô nương này hẳn chỉ là người giống người mà thôi.
- Trịnh đại nhân nói không sai. Nhưng dân phụ có điều thắc mắc.
Bà Ba Miên hướng Trịnh Thừa hỏi.
- Tại sao Trịnh đại nhân cứ nói một câu là một câu khẳng định rằng mẹ của đại nhân và vợ của họ Phan đã chết? Trong khi theo dân phụ được biết thì cả nhà họ Phan sau khi xin từ chức tước thì cả nhà họ đã xuôi thuyền vào miền trong để làm ăn rồi mà.
- Người xuôi thuyền vào miền trong để làm ăn chỉ có họ Phan thôi. Mẹ ta, dì Cầm và cả thằng bé Gạo trong lúc di chuyển ra bến thuyền đã gặp phải cọp tinh truy đuổi, nên đã ngã xuống vực sâu. Chuyện có người dân trong vùng nhìn thấy. Và chính người này đã nhận lời nhờ vả của họ Phan mà đem những di vật cuối cùng của mẹ ta, dì Cầm và thằng bé Gạo về kinh thành để trao lại cho cha ta.
- Còn họ Phan? Tại sao hắn không mang những di vật đó về kinh thành mà phải nhờ vả người khác?
- Theo lời người kia nói thì do hắn quá đau khổ với sự ra đi đột ngột của vợ con, nên không thể đối diện với sự thật đó. Có điều về sau khi bổn quan cho người vào tìm hắn để hỏi thăm chỗ xảy ra chuyện năm xưa thì không tìm được. Người mất cũng đã mất rồi. Nhưng phận làm con bổn quan luôn mong ước được lập cho mẹ mình một ngôi mộ đàng hoàng.
Dừng lại để chỉ tay về phía trước, Trịnh Thừa hướng bà Ba Miên hỏi.
- Đó có phải là miếu Bà Chúa Ngọc không?
Câu hỏi của Trịnh Thừa làm cho cả Diệp Thảo, tỷ Nhân và Lê Bá Thông phải vội hướng mắt về phía tay mà gã quan huyện chỉ tới. Chỉ bằng nửa gian nhà thông thường, ngôi miếu được dựng nên bởi những súc gỗ lim chắc nụi to hơn một thân người.
Đã vậy mái còn được lợp bằng loại ngói âm dương đắt tiền. Cho thấy người dựng miếu đã bỏ ra không ít tâm sức.
Đứng bên ngoài ngôi miếu ngắm nghía một hồi thật lâu, rốt cuộc Lê Bá Thông cũng chịu mở miệng tỏ bày suy nghĩ của mình. Mà Diệp Thảo đoán đó cũng là suy nghĩ của mấy người đứng đó, trừ bà Ba Miên. Lê Bá Thông nói.
- Dạ, thưa cô mẫu! Bản thân con đến ở Nguyễn gia mới non năm nên đây là lần đầu tiên đến miếu. Nên khi nghe cô mẫu nói tới dọn dẹp miếu, con đã nghĩ nó phải..
- Phải cỏ bụi mọc đầy ngay, rồi thì tường xiên mái vẹo thì mới đúng.
Trịnh Thừa tiến đến rờ vào mảng tường được trát bằng bùn nhão trộn rơm khô.
- Có phải Bá Thông huynh định nói vậy phải không? Đến bản thân bổn quan cũng thấy kinh ngạc nữa là. Nhưng đã gọn gàng, sạch đẹp đến nhường này rồi thì cần phải dọn dẹp cái gì nữa?
Dọn cái gì nữa.. Diệp Thảo cũng có thắc mắc tương tự. Nhưng ngay khi theo tỷ Nhân đi vòng ra sau miếu thì Diệp Thảo đã có câu trả lời cho mình.