"Sụp đổ", hai từ ngắn gọn nhưng lại có một sức sát thương đến độ ghê gớm. Cảm giác sợ hãi lo lắng bủa vây khiến Lê Bá Thông chẳng dám chần chừ thêm phút giây nào nữa. Bên kia sau khi đợi Bá Thông bước vào bên trong căn buồng thì Huỳnh Thanh Vân vội ra hiệu tên Sửu đứng ở ngoài đóng cửa lại.
Ánh nến được thắp sáng ở góc buồng làm soi rõ những thứ bên trong nó. Là những hòm xiểng, rương gỗ được chất ngang bày dọc khắp trên nền nhà. Đóng xong cửa nẻo tiến vào trong thì Huỳnh Thanh Vân thấy ánh mắt có chút nghi hoặc của Lê Bá Thông.
Với bản tính thông minh nhanh nhạy, nàng tiểu thơ họ Huỳnh lập tức hiểu được nguyên nhân. Cô gái trẻ hướng Lê Bá Thông mà hừ lạnh.
- Lê công tử! Lẽ nào công tử nghĩ Thanh Vân tôi sẽ mời công tử vào khuê phòng của tôi sao? Xin lỗi công tử nhé! Vân tôi đây chẳng qua là thấy chuyện bất bình thì muốn ra tay tương trợ thôi. Chứ tôi không có ý gì với công tử đâu.
- Tôi..
Bị nói trúng tim đen Lê Bá Thông có chút ngượng ngùng. Nhưng cái sự ngượng ngùng kia đã nhanh chóng biến mất bởi ánh mắt có phần sắc lạnh của Huỳnh Thanh Vân và nhất là hai chữ "bất bình" trong câu nói vừa rồi của nàng tiểu thơ nổi tiếng tài giỏi của xứ Quán Trà.
- Huỳnh tiểu thơ! Bất bình là thế nào? Rồi khi nãy cô nói Nguyễn gia sụp đổ nữa. Có phải là cô đã biết gì rồi phải không? Nếu vậy thì xin cô hãy cho Bá Thông tôi biết đi ạ.
Một im lặng bao phủ lấy căn buồng nhỏ. Huỳnh Thanh Vân hết nhìn Lê Bá Thông rồi lại đưa mắt nhìn ngọn nến đang cháy phừng phực ở góc buồng.
- Vậy tôi hỏi huynh, giờ chiều đã điểm kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi. Lí ra phải nghỉ ngơi rồi dùng bữa thì cớ sao huynh lại tìm đến đây. Bởi với nam nhân như các huynh tửu điếm với những cô nương ăn mặc diêm dúa mới là điểm đến yêu thích chứ?
Lời vừa ra khỏi cổ họng, Huỳnh Thanh Vân đã cảm thấy đắc ý khi khuôn mặt ai đó không kèm được tức giận lẫn xấu hổ, nên đã đen thui không khác gì cái đít nồi.
- Khó nói quá ư? Bọn nam nhân các huynh lúc nào cũng nghĩ mình giỏi hơn các nhi nữ chúng tôi, nhưng thực tế thì không phải vậy đâu. Bởi chuyện gì nam nhân các huynh làm được thì nhi nữ chúng tôi cũng làm được. Thậm chí là tốt hơn. Tôi nói vậy có nghĩa là cậu Ba Phong của Nguyễn gia huynh đã thực hiện một giao kèo quá ngu xuẩn. Ngu xuẩn tới mức một nữ nhi như tôi phải chê cười.
Dừng lại một chút để bản thân đè bớt xuống thứ cảm xúc tức giận, Huỳnh Thanh Vân tiếp:
- Lê Bá Thông! Có phải huynh gặp tôi để nhờ tôi thuyết phục cha bán số lúa đã thu mua ở Hòa Mỹ cho Nguyễn gia huynh phải không? Xin lỗi nhé! Số lúa đó đã có người ngỏ ý mua rồi!
- Huỳnh tiểu thơ! Không lẽ người mà cô đang nói đến..
Không để Lê Bá Thông nói hết câu, Huỳnh Thanh Vân gật đầu xác nhận:
- Đúng vậy! Người đó chính là Phan đại nhân đã kí giao kèo với cậu Ba Phong của Nguyễn gia huynh. Thu mua hai mươi vạn hộc lúa của xứ Hòa Mỹ với giá cả đặc biệt cao. Và yêu cầu Huỳnh gia không được xuống tay giúp Nguyễn gia nếu không giao kèo kia sẽ bị hủy.
- Không thể nào.
Lê Bá Thông bị bất ngờ thật sự. Chắc chắn là có nhầm lẫn gì ở đây rồi! Bởi tại sao một tên thương buôn không thù không oán với Nguyễn gia lại muốn hại Nguyễn gia chứ.
- Chuyện này thì Thanh Vân tôi không biết. Nhưng nếu Lê công tủ muốn gặp tên thương buôn họ Phan đó đối chất thì xin mời. Ông ta và cha của tôi đang chén tạc chén thù cùng với mấy cô nương được mời về từ tửu điếm Bồng Lai ở chợ huyện đó.
Trưng ra một cái nhếch mép chê cười, Huỳnh Thanh Vân còn khoa trương phát ra một cử chỉ mời khách làm Lê Bá Thông cảm thấy khớp vô cùng. Bên kia nàng tiểu thơ họ Huỳnh tiếp tục chia sẻ suy nghĩ từ sâu trong ruột gan. Nàng ấy nói bằng giọng tức giận.
- Mà thời buổi này thì cần gì thù với oán chứ. Cá lớn nuốt cá bé, tên thương buôn này hạ đo ván gã thương buôn kia để cướp nguồn hàng là chuyện rất là bình thường. Chỉ là cậu Ba Phong của Nguyễn gia huynh thật sự rất ngu xuẩn.
Cậu Ba Phong của Nguyễn gia rất ngu xuẩn! Lê Bá Thông cau mày nhìn cô gái trẻ trước mặt. Lời lẽ ngôn cuồng nhưng một tiếng cậu Ba, hai tiếng cũng cậu Ba. Đó là lí do khiến Huỳnh tiểu thơ không kiểm soát được cảm xúc của mình?
Suy nghĩ chợt lướt qua đầu làm Lê Bá Thông không kiềm được mà nhớ tới cô bé con có tên Diệp Thảo.
Mười bảy tuổi đầu nhưng từ đầu đến cuối cô bé con ấy lại kiểm soát cảm xúc rất tốt. Và kiểu người như thế thì lòng dạ sẽ rất.. rất khó dò. Bịt chặt mũi miệng để tiếng hắt hơi không ra khỏi cổ họng, Ngô Diệp Thảo sau đó phải lau vội mớ nước mũi chảy ra để nhanh tay rửa nốt mớ chén đũa trong chậu.
Bữa tối hôm nay chỉ có đại nhân, bà Hai và bà Ba. Nhưng cả ba người họ cùng đều chọn dùng bữa trong phòng riêng. Và theo con Lành thì lí do cho việc đó là ai trong họ đều không muốn gặp mặt người còn lại.
Nhưng dù có là ló do gì thì ở phương diện người hầu kẻ hạ như Diệp Thảo thì đấy lại là một sự vất vả khó ai thấu nổi.
Nhất là với trường hợp của bà Ba Miên. Rõ là bà đã dặn với tỷ Nhân muốn dùng bữa cơm sớm hơn thường lệ, nhưng rồi lại chẳng hiểu sao lại mãi đến giờ Dậu bà mới bảo tỷ Nhân mang cơm lên buồng.
Báo hại Diệp Thảo đã phải chạy tới chạy lui để làm cho xong việc. Có điều không ăn sớm, nhưng bà Ba ngủ sớm thật. Bởi vừa dùng bữa đâu được nửa canh giờ thì bà Ba đã lên giường đi ngủ.
Vì thế nên tỷ Nhân dù đã hứa là sẽ giúp Diệp Thảo rửa chén cũng mất hút.
Nhưng người mất tích đâu chỉ có mình tỷ Nhân, bởi con Lành và anh Đen cũng đi đâu từ khi ăn cơm tối với Diệp Thảo xong. Mà nhắc mới nhớ lúc ăn cơm đó hai người bọn con Lành và anh Đen rất ư là vội vàng. Vội vàng y như thể họ đang bận rồi chuyện gì ghê gớm lắm vậy. Nhưng bận chuyện gì nhỉ?
Câu hỏi chạy ngang qua đâu làm Diệp Thảo không kiềm được sự tò mò mà đưa mắt nhìn về phía buồng ngủ của bà Hai Cần. Vẫn sáng đèn.. Không lí nào chuyện làm cho con Lành phải hấp tấp vội vàng đó là chạy về buồng cho bà Hai sai bảo?
Dòng suy nghĩ đang đầy những thắc mắc và suy đoán của Diệp Thảo phải dừng lại giữa chừng bởi cái đằng hắng của ai đó.
Lão Duyệt đằng hắng xong thì cất giọng thân tình:
- Vẫn chưa xong việc hả Thảo? Hôm nay có mệt mỏi lắm không? Nếu mệt hãy cố gắng nghỉ ngơi một chút rồi làm tiếp. Vì con mới bắt đầu công việc nên chưa quen đó thôi. Chứ khi quen rồi thì sẽ không còn cảm thấy mệt nữa.
Rồi không cho đứa cháu gái của mình có thời gian để trả lời, lão Duyệt đưa mắt hướng theo ánh nhìn của Diệp Thảo mà chép miệng.
(Hết chương 15)