Chuyển ngữ: Nao
Biên tập: Trần
Ngụy Lương Khanh há có thể nhịn để bị đánh một chưởng đầy nhục nhã như thế. Gã lập tức tố cáo với Cửu thiên tuế, rằng Diệp Thiên Lang giữa ban ngày ban mặt dám gϊếŧ hại mệnh quan triều đình, nhất định phải lấy mạng đền mạng.
Tuy rằng con nuôi không thể bì với cháu ruột, song Ngụy Trung Hiền chẳng hề thiên vị bên nào. Trước hết, lão trách Diệp Thiên Lang hành sự lỗ mãng, tốt xấu gì cũng là quan chức kinh thành, sao có thể tùy tiện muốn gϊếŧ là gϊếŧ? Sau đó lại quay sang mắng Ngụy Lương Khanh làm việc tắc trách, lần đi đại mạc Tây Bắc này không những không thu hoạch được gì, còn để lạc mất bạn đồng liêu.
Ngụy Lương Khanh hãy còn tức tối lầm bầm, không chịu cúi đầu. Trái lại, Diệp Thiên Lang nhấc vạt áo quỳ một gối xuống đất, đáp: "Xưởng công dạy dỗ rất phải, Thiên Lang bằng lòng chịu phạt."
"Ôi đứa trẻ này... Mau đứng dậy đi!" Ngụy Trung Hiền tỏ vẻ định đỡ hắn dậy: "Con trở về từ cõi chết, ta ngỡ mất hóa được, chuyện này vui mừng còn chẳng kịp, phạt gì chứ?" Chất giọng the thé của Cửu thiên tuế không khác gì thái giám bình thường, nhưng tướng mạo lại nổi bật với khuôn miệng nhỏ, mũi khoằm cùng mày dài mi rậm. Dù giờ đã gần sáu mươi, trông lão vẫn chẳng có chút dấu hiệu già nua lọm khom nào. Chẳng trách năm xưa nhũ mẫu Khách thị của Minh Hy Tông vừa gặp đã phải lòng, nhất quyết muốn cùng lão "đối thực" cho bằng được.
Đỡ lấy vai Diệp Thiên Lang, dìu hắn đứng dậy, đuôi mắt hẹp dài của lão rũ xuống nhìn sang nửa người bên kia của hắn, nghe trong giọng nói đầy ôn tồn mà lại nỉ non mềm mỏng, như thể đang ngâm nga hí khúc: "Phải nỗi nhìn cánh tay này của con, khiến ta rất đau lòng..."
Cửu thiên tuế đã nói đau lòng tức là đau lòng thật sự. Lão liên tục cho tìm các quan ngự y trong cung lẫn thuật sĩ giang hồ để nối lại cánh tay cho Diệp Thiên Lang. Nhưng cánh tay hắn vốn đã bị chặt đứt quá lâu, những kẻ đến đây chẳng những lực bất tòng tâm mà còn bảo rằng, có là Hoa Đà tái thế e rằng cũng chỉ biết trơ mắt đứng nhìn mà thôi.
Sau bao ngày tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được một thợ thủ công có tay nghề điêu luyện bậc nhất Đại Minh, nói có thể dùng sắt nguyên chất và gân bò để đúc thành một cánh tay giả, khi làm xong sẽ được gắn vào thay thế phần đã bị chặt đứt, sau đó vận chân khí để cử động. Tuy rằng không thể linh hoạt được như tay người thật, song vẫn có thể co duỗi cầm nắm, tốt hơn nhiều so với việc bị mất hẳn một cánh tay.
Thế nhưng sắt nguyên chất dễ gỉ, thép tôi lại rất nặng, tay thợ thủ công vì chuyện nguyên liệu đúc cánh tay giả mà vò đầu bứt tóc. Diệp Thiên Lang bèn đưa cho ông ta một thanh trường kiếm bén ngót, bảo rằng cứ đem nung chảy thứ này đi là được.
"Thanh... thanh kiếm này ở đâu ra thế? Đem nung như vậy, há chẳng quá uổng phí chăng?"
Khoảnh khắc kiếm tuốt khỏi vỏ, hào quang lóe lên rực sáng chói lòa. Trông kỹ lại thấy thân kiếm thấp thoáng một luồng khí ánh xanh nhàn nhạt ôn tồn, ắt hẳn đã được tôi luyện giữa chốn hội tụ linh khí trời đất. Dù đã từng thấy qua cả trăm thanh kiếm, tay thợ thủ công vẫn không khỏi sửng sốt. Ông ta tự biết bản thân đã thất lễ khi hỏi một câu thừa thãi. Vị Chỉ huy sứ này là bậc kỳ tài tuyệt thế, trong phủ đương nhiên cũng cất giữ vô số bính khí quý hiếm.
"Được một người bạn tặng." Diệp Thiên Lang ngẫm nghĩ, rồi lại tiếp: "Một người bạn quá cố, giữ lại cũng chỉ thêm đau lòng vô ích."
Là kẻ đó khiến hắn bị thương, cũng chính kẻ đó đã tặng kiếm cho hắn. Từ nay, tất thảy yêu hận đều tan biến, máu thịt hòa làm một, chỉ có vậy mới thực sự toàn vẹn một chốn về.
Tay thợ thủ công nhanh chóng bắt tay vào việc, chưa đến ba ngày sau khi nung kiếm đã đúc xong cánh tay giả bằng sắt.
Ngụy Trung Hiền coi Diệp Thiên Lang như trợ thủ đắc lực của mình, không cho phép cánh tay phải này bị khiếm khuyết mất một bên, vậy nên đã đặc biệt cắt cử vài quan ngự y đứng túc trực tại chỗ. Một người trong số đó kinh ngạc cất tiếng hỏi: "Cánh tay sắt này... thật sự dùng được sao?"
"Kính hỏi đại nhân muốn dùng cánh tay này thế nào?" Bởi suy cho cùng, đây cũng chỉ là một món đồ được chế tác tinh xảo. Mặc dù những năm qua gã đã vẽ hơn trăm bản thiết kế những món vũ khí dành cho khuỷu tay, cánh tay, bàn tay lẫn ngón tay, nhưng lại chẳng có ai chịu đồng ý cho gã thử nghiệm lên cơ thể. Tay thợ thủ công tuy lòng đầy tự tin, song lúc nói ra vẫn luôn cảm thấy có hơi chần chừ: "Có thể dùng cánh tay này để vung đao múa kiếm, nhưng nếu là để làm những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ thì e là không thể."
"Có thể gϊếŧ người là được rồi." Diệp Thiên Lang yên vị trên ghế bành đợi lắp cánh tay. Hắn đang định nhắm mắt dưỡng thần thì chợt nhìn thấy một quan ngự y cầm theo chiếc khăn ướt tiến lên phía trước, định phủ nó lên mặt hắn.
"Đây là thứ gì?" Mắt phượng của Diệp Thiên Lang đột ngột mở lớn, tựa ánh chớp lập lòe, khiến quan ngự y rùng mình sợ hãi, chiếc khăn cầm trên tay rơi ngay xuống đất.
Quan ngự y lắp ba lắp bắp trả lời: "Dẫu sao cũng là dùng dao khoét thịt, hạ quan đã chuẩn bị sẵn một ít 'Thất hồn tán' để giúp đại nhân an thần. Chợp mắt một giấc, lắp cánh tay giả này lên sẽ chẳng mảy may đau đớn."
"Không cần." Trên đời này, Diệp Chỉ huy sứ chỉ tin tưởng mỗi bản thân mình. Từ trước tới nay, ban đêm hắn chưa một lần sâu giấc, há lại có thể chìm vào mộng đẹp của "Thất hồn tán" ngay trước mặt đám người xa lạ này? Hắn ra lệnh: "Cứ thế mà làm đi."
Tay thợ thủ công tay cầm một con dao róc xương, cắt bỏ từng phần vảy cũ đã khô cứng nơi cánh tay bị đứt lìa, rồi lại lấy một chén rượu trắng đổ lên trên.
Vết thương trông vô cùng đáng sợ, to như miệng chén với gân xương lộ rõ, máu chảy đầm đìa xối xả. Nhìn chỗ máu thịt đỏ tươi ấy chợt tái nhợt khi bị đổ rượu vào, đến cả những quan ngự y đứng bên cạnh cũng phải khϊếp đảm trước cảnh tượng quá sức kinh khủng này. Tay trái của bọn họ bất giác nhức nhối, toàn thân vô thức toát mồ hôi lạnh.
Duy chỉ có Diệp Thiên Lang đang ngồi đó là thoáng nhíu mày, rồi lại trở về dáng vẻ điềm nhiên như trước. Không nói một lời, cũng chẳng hề kêu rên.
"Trong sách có ghi, Quan công khi xưa cạo xương lấy độc vẫn có thể ăn thịt uống rượu, bình tĩnh nói cười. Diệp đại nhân của chúng ta vậy mà cũng chẳng hề thua kém, thiết nghĩ cũng là một Võ thần giáng thế, thật khiến chúng thần phải cúi mình nể phục!"
Đám người có mặt ở đây nửa là nịnh bợ, nửa cũng là thật lòng tán tụng. Bọn họ nào hay, Diệp đại nhân đây chẳng phải Võ thần Quan công, cũng chẳng phải đã dứt thất tình, lìa lục dục.
Xẻ thịt róc vảy, lột da cắt gân, mũi dao thậm chí đã đâm sâu vào tận xương. Máu tươi chảy ướt đẫm thân người, lênh láng khắp mặt đất. Sắc mặt Diệp Thiên Lang có chút tái nhợt, nhưng biểu cảm thì vẫn điềm tĩnh như thường.
Chút đau đớn cỏn con này vốn dĩ chẳng là gì với hắn. Nhát đao xuyên tim hôm ấy mới thật sự là khoảnh khắc đau đớn nhất đời.
Ngọn núi chống lưng mang tên Hy Tông cuối cùng đã sụp đổ, đám người phe Ngụy ai nấy đều tự rõ nguy cơ. Có người khuyên Ngụy Trung Hiền soán ngôi, kẻ lại khuyên lão từ chức. Ngụy Trung Hiền lại không hoảng sợ cũng chẳng hoang mang, cặp mắt diều hâu của lão vẫn bám riết lấy Tư Tông, tiếp tục án binh bất động.
Kỳ thực, so với những tâm phúc và tay sai luôn một mực ủng hộ lão đăng cơ, lão hoạn quan này tuy mù chữ nhưng lại rất thức thời, biết cân nhắc trước sau hơn hẳn đám nguyên lão hàn lâm học rộng hiểu nhiều kia. Ai cũng muốn trở thành hoàng đế, nhưng ngôi vua lại không phải thứ cứ muốn là được. Ngoài khí phách và mưu lược ra, còn cần đến cả thời cơ lẫn vận may trời ban nữa.
Thay vì dốc toàn lực đoạt lấy ngai vàng, Ngụy Trung Hiền lại biết tự lượng sức mình, thong thả duy trì cục diện hiện tại. Vả lại trong mắt lão ta, các hoàng đế họ Chu chẳng được bao nhiêu người đáng tin cậy, nhất là mấy vị gần đây. Vũ Tông cho xây "Phòng nuôi báo", Thế Tông sa đà trong "Hồng diên"[1], Quang Tông cũng vì "Án Hồng hoàn" mà vong mạng, trở thành "vị vua một tháng", Hy Tông chỉ biết răm rắp nghe lời, hệt như một "hoàng đế bù nhìn". Rốt cuộc, những kẻ được gọi là Chân long Thiên tử, nắm cả giang sơn thiên hạ rộng lớn trong tay, không hoang da^ʍ vô độ, thì cũng chỉ là nòi nhu nhược đớn hèn.
Không rõ Tư Tông sẽ là một A Đẩu bất tài khác[2], hay sẽ là một quân vương chân chính với mong muốn gây dựng lại giang sơn Đại Minh lớn mạnh? Xem chừng Ngụy Trung Hiền vẫn có thể tiếp tục quan sát, chưa đến mức phải đi đến bước đường cá chết lưới rách.
Dẫu vậy, tính cách lẫn suy nghĩ của tân đế lại tựa như sương mù dày đặc khắp núi, mờ mờ ảo ảo, khiến kẻ khác không cách nào tường tận thực hư. Hôm nay ban kim bài miễn tử cho Ngụy Trung Hiền, hôm sau liền ra lệnh phá bỏ ngục hình Đông Xưởng. Lúc thì tỏ ra ngoan ngoãn, khi thì tước bỏ quyền lực, vừa đấm lại vừa xoa. Thái độ thay đổi thoắt gần thoắt xa như thế, thực sự khó lòng nắm bắt.
Cục diện giằng co giữa hoàng đế và đại thái giám kéo dài suốt hai tháng trời. Đường lớn trong kinh thành tấp nập người qua kẻ lại, náo nhiệt rộn ràng như mọi khi, nhưng bên trong điện Thái Hòa lại sóng ngầm cuồn cuộn trước khi bão táp mưa sa ập đến. Cứ thế, thật giả lẫn lộn, nghi kỵ, thăm dò, đấu đá lẫn nhau. Cuối cùng, Minh Tư Tông đột ngột ra tay, trước đuổi Khách thị ra khỏi cung, sau tìm cách ép buộc Thượng thư bộ Binh Thôi Trình Tú phải chủ động từ quan về quê.
Thôi Trình Tú này là người thế nào? Chính là một cánh tay vững chắc của Ngụy Trung Hiền, là kẻ quyền cao chức trọng trong đảng hoạn quan.
Nếu ban đầu Ngụy Trung Hiền vẫn còn ôm lòng cầu may, cho rằng vẫn có thể tiếp tục làm một Cửu thiên tuế hô mưa gọi gió, thì với tình hình trước mắt, lão không thể cứ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ được nữa, mà buộc phải dọn sẵn đường lui cho bản thân.
Vậy nên lão sai người tìm một con ngựa tốt đưa đến Diệp phủ, bảo rằng lão biết Diệp Thiên Lang từ sau khi mất đi Tuyết Phách mãi vẫn chưa tìm được vật cưỡi vừa ý, khéo thay ở đây lại có một con tuấn mã chẳng kém gì Xích Thố.
Đám người tới tặng ngựa kia không lập tức rời đi mà cố tình nán lại, ngó nghiêng quan sát khắp nơi rồi vờ hỏi bâng quơ. Kể từ lúc Diệp Chỉ huy sứ trở về từ Mạc Bắc, Cửu Thiên Tuế đã không ít lần bóng gió gần xa nhằm thăm dò ý tứ của hắn, nhưng đây là lần duy nhất hỏi thẳng như vậy.
"Xưởng công lệnh chúng tôi đến hỏi đại nhân, đã mang được thứ đó về hay chăng?"
Đứng trước mặt hắn là một con ngựa tốt, móng cứng chắc, cơ bắp rắn rỏi, lông trắng ánh vàng, thân hình to lớn hùng tráng còn hơn cả Tuyết Phách, đem so với Xích Thố kể cũng không ngoa. Diệp Thiên Lang dời mắt khỏi con ngựa, từ tốn đáp: "Cảm phiền trở về bẩm lại với xưởng công, rằng ty chức đã không làm tròn bổn phận, phụ lòng tin tưởng mà xưởng công giao phó."
Nhắc đến ngựa Xích Thố, tất sẽ liên tưởng ngay đến Lữ Phụng Tiên. Diệp Thiên Lang lòng tựa gương tỏ, đây là cách Cửu thiên tuế dùng để thăm dò hắn, xem rốt cuộc hắn có nảy lòng phản trắc hay không.
Suốt bao năm qua, Diệp Chỉ huy sứ không màng hư danh, không tham tư lợi. Tuy hắn được xem như món vũ khí lợi hại nhất của phe Ngụy, luôn tuân theo mọi mệnh lệnh, chưa một lần than oán, song, hắn cũng không giây phút nào là không nhắc nhở bản thân, rằng dù có thuận buồm xuôi gió đến đâu cũng luôn cần suy tính đến việc sẽ có một ngày phải chịu cảnh qua cầu rút ván. Huống chi giờ đây, cả một cơ đồ đang dần sụp đổ trước mắt, bản thân Ngụy Trung Hiền không hề ngu ngốc, lão ta biết rõ món bảo vật hiếm có kia chắc chắn có thể lấy được lòng tân đế.
Có làm tôi tớ mấy họ cũng chẳng hề chi, giữ lấy mạng mình mới là quan trọng nhất.
Phe phái họ Ngụy giờ không còn có thể nhìn thấu tâm tư tân đế được nữa, kẻ nào kẻ nấy đều hoang mang tột độ. Phía vị Sùng Trinh Đế mười bảy tuổi đã đăng cơ kia cũng thận trọng từng bước, không dám buông lỏng cảnh giác dù chỉ một khắc.
Chu Do Kiểm không giống với người anh trai Chu Do Hiệu chỉ mê mải chạm khắc gỗ của mình, ngài một lòng muốn học theo cách trị vì của vua Nghiêu vua Thuấn, cũng quyết tâm sẽ trở thành một vị vua chấn hưng đất nước. Mặc dù sớm đã coi Cửu thiên tuế ngang ngược lộng hành, coi trời bằng vung này như cái gai trong mắt, song ngài vẫn biết cân nhắc vừa đấm vừa xoa, không để tới mức chó cùng rứt giậu. Chu Do Kiểm ngoài mặt thì ưu ái đám người đảng hoạn quan, mặt khác lại cố gắng sắp xếp những thân tín thuộc đảng Đông Lâm vào Nội các và Lục bộ. Dù rằng không thể đường đường chính chính thay hai họ Tả, Dương rửa sạch oan khuất, nhưng cũng đã liên tiếp bút son hạ chỉ miễn trừ tội danh liên đới cho những người còn lại. Sau đó, ngài còn cho lật lại những vụ án oan trái kể từ thời Vạn Lịch Đế tới nay.
Khi còn tại thế, Chu Do Hiệu không thích lên chầu, kẻ được toàn quyền chấp chính khi đó chính là Cửu thiên tuế. Hiện giờ, người em trai đang nắm quyền cũng không thể tỏ ra quá phũ phàng với tay Bỉnh bút Thái giám của Ty Lễ giám này được. Thành thử mỗi ngày triệu vời các Đại học sĩ Nội các vào cung luận bàn chính sự thì cũng phải triệu cả Ngụy Trung Hiền vào yết kiến.
Kể từ khi tân đế đăng cơ, Ngụy Trung Hiền ra vào điện Thái Hòa đều vô cùng cẩn trọng, hễ được hoàng đế triệu vời, lão sẽ lập tức lệnh cho Diệp Thiên Lang hộ tống.
Bên trong điện Thái Hòa, Sùng Trinh nghiêm nghị nói: "Hiện giờ trộm cướp hoành hành khắp nơi, tình hình Liêu Đông đang lâm vào cảnh ngặt nghèo, đây là lúc triều đình cần có thêm người tài. May thay, quan thổ ty Mục thị ở Mạc Bắc đã chiêu mộ được tên cướp khét tiếng Nhất Đao Liên Thành, chủ động xuất binh viện trợ đất Liêu, sau đó tiếp tục đánh bại Tứ Bối lặc[3] Mãng Cổ Nhĩ Thái của bọn Hậu Kim ở sông Hồn. Trẫm đã cấp thêm cho quan thổ ty Mục thị một vạn lượng bạc, phong Nhất Đao Liên Thành làm Trấn Tây tướng quân, để bọn họ giúp trẫm chống ngoại xâm, trừ nội phản, chấn hưng non nước."
Chưa để Cửu thiên tuế tỏ ý nghi ngờ, giọng the thé chói tai của một thái giám khác đã vang khắp điện vàng:
"Truyền quan thổ ty Mục thị Thiện Tiểu Hổ, Trấn Tây tướng quân Nhất Đao Liên Thành vào yết kiến."
Nửa người bên phải chợt đau nhói, Diệp Thiên Lang theo tiếng gọi quay đầu lại, đầu tiên trông thấy Thiện Tiểu Hổ, sau đó ánh mắt chuyển hướng sang bên cạnh, bắt gặp một người vận áo bào trắng, dáng vẻ rất đỗi quen thuộc. Kẻ đó đeo một chiếc mặt nạ vàng ròng, từng bước tiến lên thềm đá chạm khắc mây rồng, đạp trên những phiến gạch vàng ngự diêu[4] rộng hai thước, hướng về phía ngai rồng ở chốn cao xa vời vợi kia.
Chú thích:. T𝑟𝓾yệ𝘯 hay? Tìm 𝘯gay 𝒕𝑟a𝘯g chí𝘯h # T𝑟𝑼mT𝑟 𝓾yệ𝘯.v𝘯 #
[1] Hồng diên, hay Hồng diên hoàn là một loại xuân dược xuất hiện dưới thời Minh Thế Tông, sau cũng được coi là nguyên nhân gây ra cái chết của Minh Quang Tông trong "án Hồng hoàn".
[2] A Đẩu là tên khác của Lưu Thiện - là vị hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán dưới thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời xưa bị coi là một vị vua kém cỏi và bất tài.
[3] Bối lặc: vốn là một danh hiệu của quý tộc Nữ Chân thời nhà Minh, là từ được dịch từ "Bột cận" (nghĩa "thủ lĩnh") của nhà Kim, tương đương với tước "Vương" của Trung Quốc. Theo như mình tìm hiểu thì Mãng Cổ Nhĩ Thái là Tam Bối lặc, còn Tứ Bối lặc là Hoàng Thái Cực sau lập nên triều đại nhà Thanh. Không biết có phải là bug không nên tạm thời giữ nguyên.
[4] Ngự diêu: Đồ gốm dành cho vua dùng.