Trầy trật mất một lúc lâu, hơi thở mợ cả mới bình thường lại. Bà Hội đồng kêu con Đậu về nhà sắp xếp lại, rồi kêu thêm một chiếc xe ngựa để chở mợ về. Ngay lập tức, ông Lý Hinh phản đối vì nghĩ rằng đàn bà mà có thai đi xe ngựa bị xốc như vậy không ổn. Huống hồ cái thai trong bụng mợ còn đang yếu lại. Tranh qua cãi lại một hồi, cậu Hai Cảo mới nghĩ ra cách thuê bốn người đàn ông gần đó, rồi để mợ nằm trên một cái cáng lớn có lót đệm bông bên dưới cho họ khiêng về.
Ông bà Hội đồng cho là phải, nên phó mặc để cậu lo. Trước khi lên xe ngựa về nhà, bà còn quay lại dặn cậu nhớ chăm sóc cháu bà cho thật kĩ. Nghe đến đó, bụng dạ ông Lý Hinh càng sôi máu. Người nằm ở đó là con gái ông, là con dâu họ. Đúng là khác máu tanh lòng, họ chỉ nghĩ đến đứa cháu của họ, chứ con gái của ông thì họ có lo cái chi.
"Ba đừng nóng giận, vợ con lát sẽ tỉnh ngay thôi."
Cậu Hai Cảo sau khi tiễn ba mẹ và đi thuê người đến thì quay sang rót cho ông một chén trà. Người con rể này ông rất ưng, vì trước hữu lễ, sau lại thương vợ con. Mấy ngày trước nghe nói cậu cưới thêm một người vợ, ông giận lắm. Biết là đàn ông năm thê bảy thiếp là cái lẽ thường ở đời, nhưng nếu người mà cậu cưới là tiểu thơ khuê tú của nhà khác thì không nói. Đằng này lại rước một cái phường đĩ bợm, xướng ca vô loài vào nhà, khác nào không xem con gái ông ra gì.
Ông ôm một bụng tức lắm, nhưng ông chẳng dám ho he mà cự lại họ. Ván đã đóng thuyền, đàn bà trước giờ chẳng có mấy tiếng nói nên nhà mẹ lại càng không. Chỉ sợ ông nói ra thì nhà họ Bùi lại làm tình làm tội mợ cả nữa thì khổ mợ.
Bốn gã đàn ông lực lưỡng, mỗi người một góc khiêng người đàn bà nằm trên cáng. Trên trán họ lấm tấm mồ hôi, không phải vì mợ cả nặng mà vì họ sợ. Trên cáng là con dâu của nhà Hội đồng Bùi, trong bụng là đứa cháu đích tôn của nhà họ. Ngộ nhỡ họ lỡ làm cái chi mà tổn hại đến mợ, thì có mười cái mạng họ cũng không đền nổi. Cậu Hai Cảo cùng ông Lý Hinh đi sau họ, thấp thỏm không yên.
Vừa về đến nhà, mấy đứa đầy tớ ở đằng sau ùa lên. Tụi nó lo cho mợ cả, nên cứ nhốn nháo cả lên. Bà Hội đồng đuổi chúng ra, sau đó kêu cậu Hai Cảo bồng mợ vào trong. Lúc nãy vừa về, bà sai con Đậu về nói với mợ hai mau dọn xuống nhà dưới, rồi dọn dẹp lại cái buồng kia cho mợ cả.
Trong lúc hoảng loạn, cậu cũng không chú ý lắm nên chỉ chăm chăm bế mợ vào, còn sai con Đậu lấy ngải cứu đốt lên. Chả mấy chốc, cái mùi ngải cứu đã xồng xộc lên cả cái buồng. Mấy người đứng ngoài ho sặc sụa liên tục.
"Cháu má sao rồi Hai Cảo?"
"Vợ con thể trạng yếu, nên cái thai cũng hơi yếu..."
"Tao đã bảo bây bồi bổ nhiều vào cho mợ cả, sao bây giờ mợ lại yếu thế cơ hả?"
Cái miệng bà Hội đồng lại chửi um cả lên. Nhưng cả đám đầy tớ chỉ biết ngơ ngác nhìn bà, vì vốn dĩ cái chuyện chăm lo ăn uống của mợ cả là con Mấn lo mà. Mà nó thì đang ngủ ngon lành trong cái phòng của người ở phía sau, nên họ mới bị đưa ra chịu trận.
Đang mắng, bà liền nhìn thấy mợ hai đang lúi cúi gần đó nhặt nhạnh lại mấy món đồ rơi dưới đất. Vừa nãy mợ đang ngồi trang điểm trong phòng thì con Đậu xâm xâm bước vào cũng mấy người đầy tớ. Nó chẳng nói chẳng rằng, kêu họ gom hết đồ của mợ vứt ra ngoài. Mợ giận lắm, định cản lại thì nó bảo
"Lệnh của bà, mợ dám cãi?"
Nghe đến đó thôi, thì mợ cũng chỉ biết câm miệng lại. Trong nhà này, có ai to gan lắm mới cãi lại bà. Mấy người kia quăng đồ mợ ra ngoài, mợ cũng chỉ biết lúi cúi nhặt lại. Lúc nãy vừa nghe mợ cả được đưa về, họ liền bỏ mặc mợ mà chạy ra đón. Cả cậu cũng chăm chăm lo cho mợ cả, lướt qua mợ một cách phũ phàng.
Vậy thì mợ trông chờ cái chi chứ? Chỉ nên âm thầm chấp nhận mà thôi. Quệt đi những giọt nước mắt lăn dài, mợ lẳng lặng nhặt lại tất cả. Mà người ta lại đâu có để cho mợ yên.
Nhìn thấy mợ nước mắt ngắn dài, bà Hội đồng lại càng tức giận. Bà với lấy cái cây chổi gần đó, chạy đến quất túi bụi vào người mợ. Người đàn bà ấy yếu ớt giơ tay chống đỡ, còn bọn đầy tớ cũng chẳng dám can vào. Bọn nó biết tính bà, nhỡ đâu xen vô lại chuốc phiền phức. Đánh chán, bà quăng cây chổi xuống đất rồi mắng:
"Cháu tao còn chưa mất, mày ở đây khóc lóc trù ẻo ai? Hay mày ghen ghét nên muốn cháu tao chết đi? Cái con này, hôm nay bà đánh mày ra trò!"
Nói rồi, bà nhào vào cào vào cấu lấy mợ hai. Mặc cho mợ kêu khóc, nhưng chẳng ai thèm cứu lấy mợ. Rồi bà bắt mợ quỳ xuống giữa sân, nói đến khi nào bà cho thì mợ mới được đứng lên. Bằng không bà cạo đầu bôi voi rồi quăng mợ ra ngoài đường cho thiên hạ họ phỉ nhổ vào mặt mợ.
Giữa cái nắng chói chang, mợ hai gồng mình quì giữa sân. Hai hàng nước mắt đã khô cạn tự lúc nào, mang theo sự bình lặng nhìn về phía đám người nhà họ Bùi kia. Họ chỉ chăm chăm lo cho người đàn bà kia cùng đứa con trong bụng, có ai thèm đoái hoài đến mợ? Ngay cả cậu giờ đây cũng không thèm nhìn lấy mợ một cái, vì lòng cậu nào có mợ trong đó....
"Nước ... nước...."
Tiếng mợ cả thều thào yếu ớt, làm cậu Hai Cảo cuống cuồng lên. Con Đậu rót một chén trà, vội vàng bưng đến. Cẩn thận đỡ mợ dậy, cậu đút chén nước cho mợ uống:"Mình, mình uống đi rồi mình dậy với tui."
Từng ngụm trà mát khiến mợ dần tỉnh trí. Ông bà Hội đồng, ông Lý Hinh và mấy người đầy tớ túm tụm lại xem mợ thế nào. Đôi mắt mợ nhọc nhằn mở ra, nhưng đầu óc vẫn còn mơ hồ lắm. Bên tai mợ vang lên giọng cậu đang kêu mợ, nhưng cổ họng mợ khô khốc không thể đáp lại.Nghĩ mợ vì đông người quá mà khó thở nên cậu xua tất cả mọi người ra ngoài, trừ ông Lý Hinh. Nhìn thấy đứa con gái đáng thương của mình, ông nắm lấy tay mợ mà kêu.
"Đỗ Uyên con ơi..."
Bụng dạ ông đau thắt lại, cố kêu để mợ tỉnh nhưng mà mợ vẫn mơ mơ hồ hồ chẳng đáp. Ngày mợ còn ở nhà ông là cành vàng lá ngọc, tay chẳng đụng đến việc chi nặng, cả ngày chỉ biết sống trong sự bảo bọc và chở che của hai vợ chồng ông. Gả mợ đi, ông như đứt từng đoạn ruột. Giờ nhìn mợ vì mang thai mà thân thể gầy gò, gương mặt hốc hác đi mấy phần, ông lại hận sao lúc đó không kiên quyết từ chối họ. Để mợ phải chịu khổ chịu đau như thế này.
Gả con ngày cưới vui vầy
Đêm về lại đứng bên này ngóng con.
Có người làm cha làm mẹ nào lại muốn gả đi đứa con mình đã sinh thành cơ chứ. Ở đời gái lớn lấy chồng, trai lớn gả vợ là cái điều mà ai cũng biết. Ông Lý Hinh buồn rầu buông tay mợ, cũng kêu cậu Hai Cảo ra ngoài nói chuyện để mợ nằm nghỉ. Bịn rịn để mợ nằm xuống, cậu cúi đầu bước theo ông. Mấy kẻ bên ngoài đang nghe lén, bị ông bất thình lình đẩy cửa ra liền sợ hãi bỏ chạy. Duy chỉ có bà Hội đồng là chạy đến sốt sắng hỏi:
"Ông sui, cháu tui có làm sao không?"
"Không sao nữa đâu chị sui. Để con Đỗ Uyên nó ngủ một giấc cho khỏe đã."
Tuy ngoài miệng ông vẫn giữ thái độ hòa nhã với bà, nhưng thề với trời là ông muốn xông vào bóp chết bà lắm. Cái tiếng đanh đá chua ngoa của bà trong vùng này chẳng ai dám tranh nữa. Mấy đứa tá điền của nhà họ Bùi, quanh năm cày cuốc làm lụng bục mặt ra mà vẫn bị bà chèn ép đến nợ cả chục đồng bạc. Không chịu nổi lên nói lý thì bị thu đất lại không cho làm. Mà cái dân ở vùng này, không làm ruộng thì chỉ có chết đói. Bụng dạ ông chắc mẩm, con gái của ông sống với người đàn bà này cũng chẳng tốt đẹp mấy.
Giữa sân nhà, mợ hai vẫn quỳ dưới cái nắng gay gắt. Trên trán mợ đổ mồ hôi ròng ròng, lưng áo bà ba ướt đẫm dính vào da thịt. Hai đầu gối mợ đau đến khụy xuống, nhưng mợ chẳng dám ngã. Mợ sợ bà lại tức giận rồi đánh mợ, nếu vậy thì chắc mợ không sống nổi nữa mất. Nhưng mà .... đầu mợ đau lắm, trước mắt mợ toàn là một màu trắng.
Thời khắc mợ hai ngã xuống, thằng Củi từ nơi đâu nhảy ra đỡ lấy mợ. Vòng tay rắn rỏi của nó ôm mợ vào lòng, cả người lại không kiềm được run lên bần bật. Nó gào lên, khiến những người gần đó nhìn qua hoảng hốt
"MỢ HAI!!!!"
Nhìn thấy người đàn bà ấy ngất xỉu, nhưng chẳng bước lại giúp. Họ nhìn mợ một cách sợ sệt, rồi định lơ đi như không thấy. Còn bà Hội đồng chỉ liếc mắt qua một cái rồi nói
"Lại làm tình làm tội để người ta thương nữa rồi."
Xoay đầu nhìn người đàn bà ấy, ông Lý Hinh liền thảng thốt. Nét mặt ấy, mái tóc ấy,... cớ chi lại giống người kia đến tám phần? Phải chăng là người giống người? Để thỏa lòng, ông bước lại gần mợ hai đang ngất đi, đưa tay vuốt mái tóc lòa xòa trước mặt của mợ ra. Trời ơi, hiện ra trước mặt ông là gương mặt ấy, gương mặt của người ông ngóng đợi mấy chục năm qua. Hai tay ông run run, giọng nói khản đặc lại nghẹn ngào:
"Ngọc Mỹ..."
Mợ hai thần trí vẫn chưa hoàn toàn chìm vào mê muội, bên tai vẫn nghe rõ hai chữ đó. Cái tên này, không phải là tên của má ruột mợ sao? Người đàn ông này là ai, sao lại biết má của mợ? Có khi nào là người quen của má? Nhưng mà vậy thì có ích chi, khi mà chính tay người đàn bà ấy đã bán mợ cho kẻ khác để kiếm mấy đồng bạc thỏa cơn đói. Giữa đứa con trai và đứa con gái, bà lại chọn mợ để bán đi thay vì đứa em trai mặc dù người ta trả nó cao hơn. Từng dòng kí ức xưa cũ hiện về, cào nát lấy trái tim mợ. Bóng dáng một người đàn bà với gương mặt hiền lành mà mợ gọi bằng má, đã quẳng mợ lại trên chiếc thuyền của gánh hát để lấy về những đồng bạc. Cái xoay lưng tuyệt tình, đôi mắt ráo hoảnh không một giọt nước mắt xót thương chình là điều sẽ không thôi ám ảnh mợ suốt cả cuộc đời này.
"Đi kiếm thầy lang! Mau lên!!!"
Giọng nói của người đàn ông ấy lần nữa vang vọng bên tai mợ. Chỉ tiếc, sau đó trước mắt mợ là một mảng đen tối, sâu hun hút chẳng tìm thấy lối ra.