Đám cưới của cậu hai Cảo và mợ ba đãi cho hơn bốn chục bàn, linh đình không kể xiết. Từ các hương chức tay to mặt lớn trong làng, cho đến các vị quan lớn trên tỉnh đều đến dự để chúc mừng cho đôi vợ chồng son. Ông bà Hội đồng Bùi được một phen nở mày nở mặt nên càng quý trọng mợ ba hơn.
Giữa cái lúc tiệc tùng nhộn nhịp ấy, chỉ có mợ ba trong lúc tiếp khách vẫn nhận ra cậu hai Cảo mang khuôn mặt ủ dột buồn rầu. Mợ hiểu, trong lòng cậu đã có tâm sự chi ấy phiền muộn nhưng lại chẳng tìm được nơi nói ra. Rồi mợ nhìn chung quanh, mợ chọt phát hiện hôm nay trong nhà này thiếu một người. Ngày trước lúc mợ còn là vị khách của họ thì người đàn bà ấy luôn kề cạnh bên cậu, chăm lo cho cậu từng miếng ăn giấc ngủ. Ấy vậy mà hôm nay, trong cái lúc cậu đi cưới thêm vợ mới lại chẳng thấy người ấy đâu. Phải chăng đó là lý do để cậu phiền lòng?
Từ ở trong nhà, mợ hai Hồng lúc này váy áo xúm xính, trên tay ẵm thằng cu Bân vừa đầy tháng ra ngoài chào quan khách. Kể cũng lạ, mợ vừa mới sanh con không bao lâu mà nhìn mợ vẫn như con gái đôi mươi ấy. Đám hương chức nhìn thấy mợ mà cứ chảy nước miếng dài xuống tận đất, chùi mép không kịp.
Bà Hội đồng thấy cháu đích tôn của mình ra thì vui hết lớn. Hai tay bà bồng thằng nhỏ đi hết bàn này đến bàn khác mà khoe, nhất là đem cho mấy bà vợ của mấy ông hương chức trong làng xem. Hồi trước bọn họ hay xì xầm sau lưng nói con trai bà là cậu hai Cảo khó mà có con nối dõi. Đấy, bây giờ thì có ngay thằng cu Bân cho họ sáng con mắt ra.
"Sao hôm nay không thấy thằng cha Lý Hinh mấy ông nhỉ?"
Cuộc vui đang lên, mợ hai đang đi chào hỏi mấy bà lớn thì nghe bên bàn rượu của mấy ông xì xầm bàn tán. Nghe qua cái tên Lý Hinh, mợ mới chợt nhớ ra đó là ai. Mợ cả bây giờ thất thế, chẳng khác gì kẻ ăn bám trong nhà thì làm sao ông ta dám bước vào cái nhà này lần nữa cơ chứ. Mợ lại nhớ đến lúc gặp ông ta, chẳng hiểu vì sao ông ta lại biết tên má ruột của mợ. Hay chăng là ông ta quen biết bà ấy, nhưng càng nghĩ mợ lại càng không hiểu nổi.
"Mèn đét ơi, mấy ông không nghe nói gì hả?"
"Nghe cái gì cơ?"
"Hổm rày ở bên làng bên rần rần cả ra ấy. Lý Hinh theo lệnh quan Tây đi đốc sưu, thế nào lại không đủ nên bị giam vào nhà lao rồi."
Cuộc trò chuyện của mấy tay hương chức càng lúc càng rôm rả, dù mợ hai đứng cách hai cái bàn cũng nghe thấy. Lòng mợ tự dưng khựng lại, lỗ tai căng cứng để nghe cho rõ câu chuyện. Lão Hùng, vốn là một tay có quyền hạn to trong vùng lúc này mới vén tà áo dài lên, đem một chân co lên còn một chân nằm ngang xuống trên ghế mà kể tiếp.
"Cái tay Lý Hinh này ấy ngu hết mức mấy ông ạ. Sưu của nhà nước, vậy mà lũ dân đen xin khất nó cũng cho. Quan Tây bắt nó đóng bù vào, mà nó thì làm gì có tiền."
"Ơ, thế chẳng phải nhà nó giàu có lắm hay sao?"
"Toàn nhờ nhà vợ nó có chút quyền, chứ hồi đó nó đến cái xứ này chỉ là một thằng đồ gõ đầu trẻ ranh thôi."
Vừa nghe mà lỗ tai mợ hai trở nên lùng bùng. Hóa ra nhà Lý Hinh cũng chẳng phải hạng giàu có gì cả, hèn gì mà con gái họ là mợ cả bị bà Hội đồng chèn ép mà họ cũng chẳng dám ho he. Có mấy người không tin chuyện lão Hùng kể, thì lão lại khẳng định chắc nịch lần nữa, còn nói ngày xưa chính lão là người dẫn con đến cho Lý Hinh dạy chữ. Vậy thì không sai đi đâu được rồi.
Lòng mợ hai tự dưng cuồn cuộn một nỗi nhớ miên man, khi mà mợ vẫn còn ở cạnh người má ruột. Lúc mợ ra đời, bà ấy bị làng trên xóm dưới chê cười dè bĩu. Cũng bởi bà là mang là một đứa con hoang vô thừa nhận. Không biết mặt mũi cha mình là ai, ngay cả nhà ông bà ngoại cũng từ chối nhận đứa cháu gái ô nhục này.
Nghe đâu má mợ với một ông đồ trẻ họ Lý hò hẹn được hơn hai năm thì ông ta ra đi lập nghiệp, hẹn khi công thành danh toại sẽ về cưới bà. Lòng người bạc bẽo, bà mang trong mình giọt máu của ông đang lớn dần mà chờ đợi đến mòn mỏi. Năm qua tháng lại, đến tận lúc mợ hai đã hơn năm tuổi thì người đàn ông ấy vẫn bặt vô âm tín. Không chịu nổi cảnh đơn côi gối chiếc, má mợ đi thêm bước nữa với một người hàng thịt góa vợ.
Nói là đi thêm bước nữa cho nó sang chứ thực ra là theo lão ta về nhà ở để có chỗ chui ra chui vào. Từ một tiểu thơ cành vàng lá ngọc lại trở thành một mụ hàng thịt dơ dáy bẩn thỉu, ngày ngày sống trong cảnh nghèo đói khiến má mợ càng lúc càng ghét mợ hơn. Bởi nhìn thấy mợ, bà như nhìn thấy lại người đàn ông phụ bạc ruồng rẫy năm đó bỏ bà mà đi, hại bà cả đời khổ sở. Thêm nữa là lão cha dượng cứ mặt nặng mày nhẹ, tối say chiều xỉn về nhẹ thì nhiếc móc, nặng thì lại lôi hai má con mợ ra đánh.
"Đồ thứ đàn bà trắc nết! Sao mày không nhảy xuống sông mà chết đi còn về đây ăn bám tao?"
"Cái giống con hoang không cha!"
Mỗi ngày sống trong cái địa ngục đó, mợ đều nhớ rõ từng lời miệt thị cay độc, từng trận đánh đau đến tận xương tủy. Cả người của mợ chưa lúc nào là lành lặn, không bầm tím chỗ này thì cũng bầm tím chỗ kia. Đau đớn, tủi nhục,... Không từ nào diễn tả nổi cái cảm giác của mợ trong suốt hơn hai năm sống trong cái nhà ấy.
Đời mợ càng chìm trong bể khổ khi má mợ có bầu rồi sanh ra thằng cu em. Sự lạnh nhạt của bà với mợ càng lúc càng nhiều, cộng với sự đày đọa của lão cha dượng đã khiến mợ tuyệt vọng không thôi. Và rồi trong một lần đứa em trai của mợ bị bệnh, vì để có tiền chữa cho nó mà người đàn bà mà mợ gọi là má ấy đã không do dự bán mợ cho gánh hát chỉ để đổi lấy vài ba đồng bạc.
"Cái thứ con hoang như mày nuôi lớn chỉ phí của, đừng có gọi tao là má!"
Mợ còn nhớ rõ, bóng lưng đầy lạnh lùng của bà ấy khi đã đẩy mợ cho ông chủ gánh hát. Không một lần ngoái đầu, giống như vứt được một món nợ nặng gánh. Tất cả đều in đậm trong lòng mợ, giống như một vết dằm sâu nhói lên mỗi lần nhớ đến.
"Mợ hai, mợ hai!"
Tiếng của thằng Củi gọi, kéo mợ hai về lại với hiện tại. Xung quanh mợ vẫn là đám cưới của cậu hai Cảo và mợ ba đang nhộn nhịp biết bao. Tự dưng mợ cười đầy chua xót, còn nhớ ngày mợ về làm dâu cái nhà này còn không được một góc của hôm nay. Mà nghĩ cũng đúng thôi, khi người ta là tiểu thơ danh giá, còn mợ thì chỉ là kẻ được mua từ gánh hát rong.
"Bà ẵm cậu Bân vào trong buồng rồi, gọi mợ vào trông cậu.."
Thằng Củi rỉ rả vào tai mợ, rồi xin lui vào trong. Từ cái lúc mợ hai có thai đến bây giờ, nó hạn chế lại gần mợ hết mức để không gây điều tiếng không đáng có. Hơn hết thảy, nó biết rõ Bân là con ai. Mợ hai nghe nó nói thì đành gật đầu chào quan khách rồi đi vào trong. Vừa vào đến buồng đã thấy bà Hội đồng đang bồng đứa nhỏ trên tay mà dỗ.
"Ôi thằng cu này, cái mặt giống thằng ba mày quá đi."
Nhìn thấy mợ hai bước vào, bà Hội đồng liếc xéo một cái, tay thì vẫn dỗ dành đứa cháu đích tôn. Dù cho mợ hai sanh ra cho bà đứa cháu này, nhưng bà vẫn xem mợ như một món hàng không hơn không kém được mua về bằng vài đồng bạc. Nhìn thấy ánh mắt của bà, mợ cũng không lấy làm lạ. Bởi lẽ mợ hiểu rõ bà chỉ xem trọng đứa nhỏ kia, còn mợ thì nhờ nó mới được ở lại trong cái nhà này.
Mợ hai bước vào trong buồng, rồi đứng khép nép lại một bên góc tường. Bên ngoài vẫn huyên náo, tiếng chúc tụng không ngớt được. Lúc này bà Hội đồng vừa nhìn đứa nhỏ đang ngủ trên tay vừa nói:
"Là thân đàn bà thì phải ở trong buồng lo chăm sóc con cái. Ai cho cô cái phép tắc chưa hỏi ý ai đã tự tung tự tác bỏ ra ngoài?"
Giọng nói của bà Hội đồng tuy nhẹ nhàng, nhưng tuyệt nhiên lại không mang chút ý tốt nào cả. Họa chăng là bà sợ khách khứa nghe thấy lại cười chê nhà bà nên mới hạ giọng như vậy. Mợ hai cúi đầu, tay mân mê lấy tà áo, hai mắt rươm rớm nước mắt, còn giọng thì nghẹn ngào đáp:
"Thưa má, con nào có ý vượt quyền má. Chẳng qua là em ba mới về làm dâu, nên con muốn ra mừng cho em ấy. Với lại tiện thể mang thằng cu Bân ra cho má dẫn đi mừng khách, coi như là giới thiệu cho khách khứa..."
"Tui cần cô làm hay sao? Cháu tui thì tự tui vào bồng ra, cớ chi cô lại tự ý như vậy. Hay cô nghĩ cô là má nó nên cô muốn làm gì làm?"
Bà Hội đồng trừng mắt, đưa tay chỉ vào mặt mợ mà chửi. Cả người mợ hai run lẩy bẩy cả lên, trong lòng uất hận tột độ. Từ cái lúc mợ về làm dâu của cái nhà này đến bây giờ, ngay cả khi mợ sanh cho họ một đứa cháu đích tôn thì họ cũng không lúc nào xem mợ như con dâu. Với họ, mợ chỉ là một thứ họ mua từ ngoài về nhà. Nói đúng hơn là một con heo nái để sanh cho họ, còn lại thì mợ chẳng là cái gì cả.
Đứa nhỏ tên Bân như ngửi thấy hơi má nó, bắt đầu òa khóc đòi bú. Nghe thấy tiếng khóc của con, mợ hai liền quên hết tất cả. Mợ xin bà cho mợ cho thằng Bân bú, nhưng bà kì kèo không cho. Thằng nhỏ khóc ngày càng lớn, ngất lên ngất xuống khiến lòng mợ như có lửa đốt. Lúc này thằng Củi vừa bước vào, mới nhìn thấy cảnh tượng đó. Nó toang xông vào định giật thằng nhỏ ra, nhưng nó lại thôi. Nhỡ đâu nó làm bậy, bà sinh nghi thì lại hại mợ hai chịu khổ ải. Chắp hai tay lên cao, mợ hai cố gắng cầu xin bà Hội đồng:
"Má ơi, con làm sai thì con nhận. Nhưng xin má để con cho thằng Bân nó bú, chứ nhìn nó khóc như này con nóng ruột lắm."