- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Đô Thị
- Vợ Cả
- Chương 24: Bữa cơm đắng lòng 1
Vợ Cả
Chương 24: Bữa cơm đắng lòng 1
Hơn gần đâu ba tháng sau đó, mợ cả mới có thể bình phục lại. Còn bà Hội đồng thì vẫn chì chiết, đay nghiến mợ mỗi ngày. Mặc cho cậu hai Cảo nhiều lần khuyên ngăn bà, nhưng bà đâu có nghe lọt lỗ tai. Ngày nào bà cũng cằn nhằn mợ đủ điều, gọi mợ là con đàn bà giết con.
Mà mợ cũng im lặng, chẳng buồn đáp lại mấy câu ấy. Lòng mợ như chết đi,nên mọi thứ đều không làm mợ bận tâm nữa. Ngay cả sự quan tâm, chiều chuộng của cậu mà mợ cũng khước từ.
Đồng thời vào cái lúc đó, mợ hai cũng thông báo với cả nhà rằng mợ đang mang thai. Khỏi phải nói rằng bà Hội đồng vui đến mức nào. Bà dẫn mợ hai đi chùa cầu phúc, còn dặn đám người ăn kẻ ở trong nhà phải coi sóc mợ cẩn thận. Sợ mợ ở trong cái buồng dưới bếp ấy thì ảnh hưởng đến đứa nhỏ nên bà kêu mợ cả ra khỏi cái buồng lớn để mợ dọn vào.
Mới đầu mợ cả còn định thuận theo ý bà, nhưng cậu hai Cảo phản ứng dữ quá nên mới thôi. Cậu sai người dọn một cái buồng ở gần sát bên vách buồng đó, bảo mợ hai dọn vào đó ở. Một người vợ cả, một người vợ lẻ ở sát vách nhau. Đêm đến thì một kẻ lạnh lẽo cô đơn một mình, một kẻ ấm êm bên chồng. Ôi họa chăng là cái thói đời bạc nhược, khiến lòng người đau khổ.
Còn về tiểu thơ Minh Lan, ngày nào cũng dính sát lấy cậu. Không muốn làn khách phật ý, nên cậu cũng chẳng dám chối từ. Nào ngờ càng nói chuyện thì càng hợp nhau, nên đôi khi họ đi cùng nhau rất vui vẻ hạnh phúc. Với cậu, cậu xem tiểu thơ là tri âm tri kỷ. Nhưng với người ngoài thì họ nghĩ hai người họ có tình ý chi đó với nhau. Với lại đi ra ngoài với tiểu thơ Minh Lan, cậu có thể gặp các anh em đồng đội để trao đổi nhiều hơn. Nghe theo những lời chỉ dẫn và giúp của cậu, họ đã đem những người đồng đội bị thương nặng về trụ sở ở sâu trong rừng. Đám quan quân Tây nghĩ là cậu là con nhà Hội đồng chắc không có gì lo lắng, nhiều lúc còn không thèm nhìn giấy mà kí ngay cho cậu. Đôi khi là vài ba thùng hàng hoặc dẫn theo một số người ra ngoài làng buôn bán,...và lẽ đương nhiên đó là những chiến sĩ Cách mạng ngụy trang kĩ lưỡng. Họ phải ra khỏi làng để móc nối với đồng đội ở những nơi khác, cũng lấy thêm thông tin từ khắp nơi.
Đêm đến, khi cậu vừa trở về thì bị bà bắt phải vào ngủ cùng mợ hai. Chẳng rõ bà nghe từ ông thầy nào, nói chỉ cần cậu ngủ cùng mợ cả thì đứa con của mợ hai sẽ xảy ra chuyện. Nên bà bắt cậu không được lại gần mợ cả, không thì bà sẽ đuổi mợ về nhà mẹ. Vậy nên sáng cậu đi cùng tiểu thơ Minh Lan, tối đến thì ở cùng mợ hai nên chỉ nhìn được mợ cả đôi lần mà thôi. Nhưng mợ cũng không đòi hỏi, nói đúng hơn là chẳng dám đòi hỏi.
"Từ rày về sau, con hai nó sẽ trông coi nhà cửa trước sau. Còn mày thì cứ việc ở trong buồng, khi nào có việc thì hãy ra."
Bà Hội đồng chẳng thèm đếm xỉa đến mợ cả, chỉ đến báo cho mợ một câu như vậy rồi thôi. Vật đổi sao dời, chưa được mấy tháng mà mợ mất hết tất cả. Từ đứa con, quyền làm chủ trong cái nhà này...và bây giờ là cả cậu nữa.
"Mình nói xem, đây là con trai hay con gái?"
"Trai gái gì cũng được, tui đều thương như nhau."
"Vẫn là con trai thì tốt hơn, làm con gái khổ ải trăm bề."
Trong cái buồng rộng lớn này, mợ từng có đứa con và có cả cậu. Thời điểm đó thật hạnh phúc biết bao nhiêu mà kể. Nhưng nào ngờ, chưa được bao lâu thì chỉ còn mình mợ hiu quạnh nơi đây. Sự lạnh lẽo, đơn côi cứ thế mà xâm chiếm xung quanh, thậm chí nuốt chửng luôn cả mợ.
Đã bao đêm rồi, mợ chẳng còn được nhìn thấy cậu.
Đã bao đêm rồi, mợ chẳng còn được cậu ôm vào lòng.
Đã bao đêm rồi, mợ chẳng còn nghe những lời yêu thương của cậu thì thầm bên tai.
Và đã bao đêm rồi, mợ rơi nước mắt ướt đẫm cả gối trong đêm khuya cô quạnh.
Chẳng còn ai và chẳng còn gì muốn ở bên cạnh mợ. Ngoại trừ ánh trăng mỗi đêm đều soi rọi vào buồng như để an ủi cho lòng mợ. Đôi khi, trăng rơi trên sàn nhà, cũng đôi khi, trăng rơi trên đôi mắt đẫm nước của mợ...
**********
Tết cận kề, cả cái làng Tô Kiệm ngập tràn không khí của vui mừng và nhộn nhịp. Nhà nào nhà nấy, bất kể giàu nghèo đều treo trên cột nhà một câu đối đỏ, trong sân có một cây mai vàng. Có nhà còn mua cả pháo về để đến giao thừa thì đốt, khiến cho cả làng trên xóm dưới cũng nô nức. Trong cái nhà của Hội đồng Bùi cũng vậy, thường ngày đóng cửa kín cổng cao tường nhưng hôm nay lại nườm nợp kẻ vào người ra. Khi thì là ông quan lớn nào đó, khi thì là một người bạn buôn bán của nhà họ. Người nào người nấy, áo gấm lụa là đến mời ông bà Hội đồng cùng đến uống rượu mừng Tết. Đắn đo mãi, hai ông bà mới chọn nhà của ông Cao Hỉ, vốn là tay thương buôn người Tàu vừa đến đây chưa được một năm.
Cũng không phải là giao tình thân thiết gì cho cam, chẳng qua là chuyến hàng lần này buôn qua bên Tàu cần lão ta giúp sức. Nên ông bà Hội đồng mới vuốt mặt nể mũi mà đi sang chúc Tết. Cũng mong là ông Cao Hỉ có thể giúp cho việc buôn bán của họ thuận lợi hơn.
Mợ hai gần Tết thì bận rộn hơn hết thảy. Hết lo đốc thúc mấy đứa đầy tớ dọn dẹp trong ngoài, lại lo đi thâu tiền thuê đất của bọn tá điền. Mới đầu bọn nó không muốn nộp cho mợ, mà đòi gặp mợ cả. Cũng bởi năm nay bà Hội đồng tăng thêm tiền thuê, nên họ ức muốn hỏi cho ra nhẽ. Mà trước giờ người đi lấy tiền thuê với nói lại cho bà giúp họ chỉ có mợ cả. Còn mợ chỉ là vợ lẻ của cậu, nên họ không phục.
"Má chồng tui dặn, lần này mà ai không nộp đủ tiền thuê ruộng thì đuổi cổ đi hết!"
Lòng mợ giận lắm, giận đến sôi cả ruột gan. Trong bụng mợ bây giờ là đứa con của cậu, là cháu đích tôn của nhà Hội đồng Bùi. Thân phận của mợ bây giờ quý hơn vàng, mà cái bọn tá điền này chỉ nhớ mỗi đến mợ cả. Hừ, mợ tức đến phát ức cả lên. Nhất định mợ phải đá mợ cả ra khỏi nhà, như vậy mới thỏa cái lòng của mợ, mới khiến cho cái lũ nghèo hèn này không khinh miệt mợ nữa.
Đám tá điền kì kèo một hồi cũng chịu đóng tiền thuê đất cho mợ hai. Ôm một bụng tức về nhà, giọng mợ oang oang mắng chửi mấy đứa đầy tớ. Nhìn mợ bây giờ, đâu có ai nghĩ mợ từng là mợ hai cam chịu, nhẫn nhịn bị khinh rẻ như trước đâu chứ. Giờ mợ khác rồi, mợ là người có quyền nhất nhì trong cái nhà này. Mấy đứa đầy tớ ngày trước khinh rẻ mợ cũng phải nghe lời mợ răm rắp.
"Kìa em hai, đi ngoài đường rước phải chuyện chi bực mình mà về mắng mấy đứa nhỏ trong nhà vậy?"
Mợ cả đương bước từ trong buồng ra, nhìn thấy mợ hai mắng chửi đám đầy tớ thì hỏi. Đáp lại mợ là cái lườm nguýt của mợ hai, và câu nói đầy vẻ châm chọc:
"Chị cả không ở trong buồng nghỉ ngơi đi, đi ra đây lỡ đem cái vận cái chị ám vào con của tui và cậu thì sao?"
Vừa nói, mợ hai vừa giương cái bụng đã vượt quá ngưỡng của mợ ra. Bụng dạ mợ cả sôi sục lên tức giận, nhưng mợ chẳng dám làm gì. Ai bảo bây giờ mợ hai là cái người có quyền có thế nhất trong cái nhà này cơ chứ. Cái quan trọng là giờ nhìn thấy cái thai của mợ hai, mợ như nhìn thấy đứa con đã mất của mình nên mợ chẳng buồn cãi lại.
Hôm nay cậu hai Cảo đưa tiểu thơ Minh Lan lên nhà ga để về lại Sài Gòn. Tiểu thơ ở lại nhà Hội đồng Bùi cũng được độ nửa năm rồi, hôm vừa rồi quan tỉnh gửi bức thơ kêu cô mau về để kịp đón giao thừa. Vậy nên sáng nay khi gà còn chưa gáy, cậu đã cùng cô rời khỏi nhà.
"Mợ hai, mợ cả. Cơm nước đã chuẩn bị xong, con mời hai mợ vào dùng bữa."
Con Đậu từ dưới nhà bếp đi lên, cúi gằm mặt thưa chuyện. Thông thường ở lẽ đời, có mấy ai đặt vợ lẻ trên vợ cả. Nhưng mấy hôm trước, có đứa đầy tớ dám gọi mợ cả trước mợ hai nên bị nọc cổ ra đánh hai mươi hèo. Khỏi phải nói, người đó toàn thân bị đánh đến rệu rã, nhưng chẳng dám kêu than lấy một lời. Bởi vậy, dù trong lòng không muốn, nhưng người ăn kẻ ở trong nhà đều xem mợ hai hơn mợ cả.
"Vừa hay tao cũng đang đói. Đậu, dìu tao xuống dưới coi!"
Nghênh mặt lên trời, mợ hai cất giọng ra lệnh cho con Đậu. Nó thì chẳng muốn rước phiền phức vào người nên cứ im thin thít mà làm theo. Lúc đi, mợ cả theo thói quen liền đi lên trước mợ hai thì bị mợ hắng giọng nên lùi lại. Người ngoài nhìn vào, có mấy ai nghĩ mợ hai là vợ lẻ của cậu đâu chứ.
"Chị cả, em biết là chị bị thiệt nhiều lắm. Nhưng mà..."
Đương nói, mợ hai lại đưa tay xoa xoa cái bụng bầu rồi cười. Mẫu bằng tử quý, nhờ có đứa con này mà đời mợ giờ sướng như tiên. Không còn ai trong cái nhà này dám khinh rẻ mợ nữa, tất cả đều răm rắp nghe theo lời mợ. Còn có cả bà Hội đồng. Mợ chỉ cần bỏ ra tí tiền thuê một ông thầy pháp về nói nhăng nói cuội, bà đã chuyển sang căm ghét mợ cả. Thậm chí, nghe ông thầy bảo bà phải đi ba bước quỳ một bước lên đỉnh núi Bà Đen để cháu bình an, bà cũng làm theo. Làm đến mức hai chân bà bị sưng lên mới khiến bụng dạ mợ vui lên.
"Mời mợ hai và mợ cả ăn cơm.."
Con Đậu giở cái l*иg bàn ra, rồi sắn tay áo bới cơm. Một nồi thịt kho tàu với món canh rau dền bốc hương nghi ngút, bên cạnh còn có thêm dưa giá ăn kèm. Ở cái độ này mà còn một ít thịt ăn đã là giàu sang lắm rồi, vậy mà trong nhà này có những đến một nồi thịt kho lớn. Mà cũng có chi mà lạ, nhà Hội đồng Bùi tiền ăn không hết, ít thịt này có là gì.
Mợ cả lặng thinh, cúi gầm mặt dùng đũa xúc lên ăn từng miếng. Miếng cơm rõ ràng là thơm ngon, mà sao qua miệng mợ lại trở nên khô khốc đắng ngắt quá. Còn mợ hai, mợ ăn từng miếng rồi chê sao thịt kho dở quá, rồi sao canh lạc miệng vậy. Đám đầy tớ nghe nói thì cũng chỉ biết dạ vâng, chứ cũng chẳng dám cãi lại.
"Kìa chị cả, sao chị không ăn miếng thịt nào vậy?"
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Đô Thị
- Vợ Cả
- Chương 24: Bữa cơm đắng lòng 1