Chương 106: Đấu với trời 14

Cảm ơn Nguyễn Thiên và vYJMw02016 đề cử!

Cảm ơn Nguyễn Thiên tặng quà!

- -----------

Nhận lệnh từ Lưu Hoành, 8 doanh Tây Viên chia làm 2 nửa.

Tào Tháo- Viên Thiệu- Viên Thuật- Thuần Vu Quỳnh đi theo quân đội của Hoàng Phủ Tung bắt đầu tiến hành vừa đánh vừa đẩy, xua đuổi tàn quân Khăn Vàng Duyện Dự đến Từ Châu.

Triệu Dung- Phùng Phương- Trương Mạc- Tang Hồng thì chỉnh đốn ổn định hàng quân Khăn Vàng tại Trường Xã, chờ đợi vị Trung Doanh Giáo Úy mới là Hoàng Hùng đến chỉ huy.

Lưu Hoành hiển nhiên không bố trí bừa:

Tào Tháo và Thuần Vu Quỳnh là để giám thị và kiềm chế Hoàng Phủ Tung, 1 người là Thiên Cương của Huyền Kính Ty, 1 người thì có hiềm khích với Hoàng Phủ Tung.

Anh em họ Viên thì là để bị Hoàng Phủ Tung kiềm chế vì giữ họ lại Trường Xã thì Lưu Hoành sợ Hoàng Hùng tay non, quản không được, mà thả bổng ra thì lại sợ 2 tên ấy phá rối.

Triệu Dung, Phùng Phương khỏi phải nói, con cháu Thập Thường Thị, chính là tay trái, tay phải mà Lưu Hoành chuẫn bị sẵn cho Hoàng Hùng, vừa để hỗ trợ cũng đồng thời để giám sát.

Trương Mạc có tiếng trượng nghĩa, Tang Hồng là môn sinh của Trần Cầu, đều không thích hợp đi theo Hoàng Phủ Tung nhằm vào Từ Châu Trần thị, thả bổng ra ngoài lại sợ họ tự ý xen vào việc của người khác, cứu giúp đám thế gia Duyện-Dự, làm giảm thiểu thiệt hại của kẻ địch.

Mưu tính ngon lành cành đào là vậy nhưng đời không như mơ, hoặc có lẽ do khí vận của Lưu Hoành-Lưu thị-Hán triều cũng không to lớn như hồi Lưu Tú nắm quyền, dẫn đến việc ngoài ý muốn liên tiếp nảy sinh.

Trương Lương thua chạy về Nhữ Nam, lần nữa vẫy cờ Nhân Đạo Tướng Quân, tụ tập được 7-8 vạn Khăn Vàng.

Trong đó chủ yếu là lực lượng từ Nam Dương cừ soái Hà Nghi và em trai Tân Dã đại vương Hà Mạn, Kinh Sở cừ soái Liêu Hóa, Lư Giang cừ soái Cung Đô và Bành Thành cừ soái Lưu Tích.

Bởi vì đời sống ở Kinh Châu và Dương Châu tốt đẹp, hầu như không có bình dân đi theo Khăn Vàng, cho nên ngoài Lưu Tích thì đám thủ lĩnh Khăn Vàng còn lại mang đến toàn là giặc cướp và lưu manh.

Hiển nhiên đám này cũng không chống nổi quân binh tinh nhuệ của Hoàng Phủ Tung, thế nhưng giặc cướp giỏi nhất chính là đánh du kích, đánh không lại thì chạy vào núi rừng đầm bãi trốn tránh, thỉnh thoảng ngoi đầu ra cắn một phát lại chạy, chờ tướng lĩnh triều đình lơ là thì đặt bẫy mai phục lấy quân số đè người.

Quân của Hoàng Phủ Tung tưởng rằng có thể tiến quân như chẻ tre, ai ngờ mới đi được nửa đường đã sa lầy, mặc cho lão tướng dày dặn kinh nghiệm loay hoay xoay sở cũng không tài nào bứt ra khỏi chiến trường Dự Châu, cuối cùng vậy mà nghe theo anh em họ Viên, lựa chọn đóng quân tại di chỉ củ của thành bảo Viên thị tại Nhữ Nam.

Không thể không nói, ánh mắt của các đời tổ tiên Viên thị không kém, vị trí địa lý nơi này thoáng đãng rộng lớn, rất phù hợp làm kinh đô cho triều đại mới, quân Khăn Vàng không có khả năng chơi chiến thuật cắn lén ở đây, chỉ có thể cường công, mà nếu Trương Lương dám làm vậy thì quá hợp ý Hoàng Phủ Tung lúc này.

Nhưng Hoàng Phủ Tung chưa vui được lâu thì Trương Bảo đã hội hợp với Quản Hợi ở Thanh Châu, mượn được một đám người hung dữ từ bầy tặc Thái Sơn, lần nữa quay lại Duyện Châu tác quái, một đường đánh tới, hướng thẳng về Trường Xã, rõ ràng có ý muốn phối hợp với Trương Lương để bọc đầu Hoàng Phủ Tung.

Dưới áp lực tình thế, Hoàng Phủ Tung dùng cờ Tiết Chế, cưỡng ép đi ngược lại với sách lược của Lưu Hoành, trao quyền điều binh độc lập cho Tào Tháo, Viên Thiệu, Viên Thuật, Thuần Vu Quỳnh, Chu Tuấn và Tôn Kiên, mệnh lệnh họ quay lại Duyện Châu chống đỡ.

Bởi vì đám người Tào Tháo mượn cớ Tây Viên trước đây bị tổn thất khá lớn, mà Chu Tuấn và Tôn Kiên thậm chí chỉ còn vài ngàn người, thế là Hoàng Phủ Tung đồng ý bọn họ tự mình bổ sung binh lực, bất kể là chiêu mộ trong dân hay chiêu hàng phản tặc, hiển nhiên là khí giới phải tự lo, lương thảo thì đi hỏi Hoàng Hùng đi.

Lưu Hoành rất có ý kiến đối với việc này, nhưng hắn thật đúng là sợ Hoàng Phủ Tung bị Khăn Vàng làm thịt hoặc nhốt lại, đến lúc đó thế gia chưa diệt thì Hổ Lao đã bị công hãm, Lạc Dương nguy ngập, cơ đồ tổ tiên chỉ sợ phải sập trong tay hắn.

Cuối cùng Lưu Hoành chỉ có thể phát ra mấy điều lệnh không đau không ngứa khiển trách xuông Hoàng Phủ Tung, đồng thời kêu gọi Trương Ôn gấp rút chỉnh đốn binh lực, đông tiến hộ giá.

Chiếu lệnh đến Uyển Thành kỳ thực cũng vô dụng không kém mấy điều lệnh tới Nhữ Nam, bởi vì tinh binh Quan Trung dưới tay Trương Ôn đều đã bị điều động đi Hà Bắc giúp Lư Thực, dưới trướng của hắn thuần một màu xanh non của lính mới, mỗi việc phòng thủ Kinh Châu cũng phải nhờ sự hỗ trợ từ thế lực bản địa như Giang Nam 3 minh hội và Nhân Dân Tự Vệ Quân, nào có dư thừa sức lực đi trợ giúp chiến trường phía đông.

Bí nước, Lưu Hoành cuối cùng cũng hạ quyết tâm, mệnh lệnh Lư Thực lập tức tiêu diệt Trương Giác.

Tuy nhiên, mục đích chèn ép thế gia của Lưu Hoành có lẽ đã cơ bản đạt thành nhưng mục đích chờ đợi Khăn Vàng bước vào kỳ suy yếu của Lư Thực vẫn chưa đạt thành.

Khăn Vàng mặc dù không lao động sản xuất, cũng không cướp đoạt được bao nhiêu từ những thế gia lão đại, nhưng nguồn dự trữ lương thực của Khăn Vàng kỳ thực hãy còn rất nhiều.

Một phần là bởi hoạt động trao đổi ở Tế Nam năm ngoái có chút quá tay do sự trợ giúp của ai đó.

Một phần là bởi chính Trương Giác cũng đã tích xúc từ lâu lắm rồi, lâu đến độ một bộ phận lương thực đã hóa nâu đen, trâu bò lợn chó dù chê nhưng những người cuồng tín sắp chết vẫn miễn cưỡng nhai nuốt được.

Lực Sĩ Khăn Vàng chính là ăn những bữa cơm cuối cùng từ loại lương thực ấy để tiết kiệm quân lương.

Hiển nhiên, Trương Giác không nói thật mà đem thứ ấy nói láo là gạo tiên, lời nói của Đại Hiền Lương Sư được đám giáo chúng tầng dưới tin sái cổ, thậm chí có kẻ tranh nhau vỡ đầu để được hưởng thụ.

Đó là bởi lương thực của đám bình dân xưa nay đều bị thế gia, ác bá và triều đình đoạt cả, ăn còn không đủ no thì làm sao biết được lương gạo mốc mục nó như thế nào; cho dù thi thoảng có ác thương và thế gia xấu đem gạo cũ ra bán nhưng tối đa cũng chỉ cũ từ 6 tháng đến hơn 1 năm mà thôi; nào giống như Trương Giác, giấu lương 5-10 năm còn chưa bị bọn chuột mọt gặm sạch, đúng là thần kỳ.

Kẻ nghèo đói khốn cùng coi bát cơm to hơn như bầu trời!

Câu này có lẽ không hoàn toàn đúng nhưng áp dụng lên những kẻ đội Khăn Vàng trên đầu thì gần như không có ngoại lệ bởi họ được Trương Giác nuôi úm quá kỹ cả về dã dày lẫn đầu não, thành ra mặc kệ tin chiến bại ở Trường Xã truyền lan thì họ vẫn vô cùng hùng hổ, khí thế chẵng suy giảm bao nhiêu.

Mà ngược lại, áp lực đặt lên Lư Thực ngày một lớn hơn, thậm chí nếu không phải lão này xuất thân Nho môn chính tông, tự bảo dưỡng phong độ, thì đã chữi má Lưu Hoành.

Tất cả là bởi vì chiếu lệnh bố cáo thiên hạ chiêu gọi nghĩa sĩ chống Khăn Vàng mà Lưu Hoành ban cho lúc trước đã được thế gia Hà Bắc vận dụng nhuần nhuyễn, và bắt đầu phát huy tác dụng.

Nếu như lệnh này giao cho riêng Tiết Chế Lư Thực thì cũng thôi đi, nhưng lại công khai ban phát tràn lan vào tay đám thế gia ích kỷ chỉ vì để đạt được một chút lợi ích chính trị nơi trung ương.

Thế là ổ bảo và hương trấn có cường hào địa phương và nhân sĩ võ lâm tham gia phòng thủ, một số nơi thậm chí biến thành mồ chôn Khăn Vàng, ngay cả Trình Viễn Chí cũng xuýt nữa chúi đầu trong tay một tên bán đậu, từ đó khiến cho Trương Giác không thể không đem binh lực quy tụ cả về chiến trường chính, tạm thời từ bỏ sách lược xé lẻ cướp lương từ thế gia cường hào.

Thế nhưng hầu hết cường hào và võ lâm nhân sĩ chỉ hưởng ứng lệnh bố cáo vì có thế gia trả tiền thuê, hay nói cho đúng là lệnh bố cáo của Lưu Hoành chỉ có tác dụng như tờ rơi quảng cáo kiêm giấy chứng nhận đâm chém hợp pháp, chứ không phải công văn chiêu mộ, hay lệnh mời gọi tòng quân.

Thành ra Lư Thực đến giờ vẫn chả sơ muối được tý gì, binh lực không tăng bao nhiêu.

Kết quả là tuy tình hình chiến sự suy giảm, phạm vi lửa cháy ở Hà Bắc co lại, nhưng chênh lệch lực lượng giữa Trương Giác và Lư Thực lại kéo căng, cho dù có viện binh từ Quan Trung tới cũng không bù đắp nổi.

Vì thế, lão tướng Lư Thực nhận được mệnh lệnh tiến binh của Lưu Hoành thì không cho là đúng, mượn quyền Tiết Chế, cưỡng ép đè xuống.

Lưu Hoành phát hoàng lệnh không được, lại đưa mật tín.

1 lệnh, 2 lệnh rồi 3 lệnh, 1 tin, 2 tin rồi 3 tin, mà quân triều đình vẫn cứ án binh bất động.

Về phần Trương Giác thì bởi vì chờ đợi Hoàng Hùng, sợ rằng nếu giao chiến thì có thể xuất hiện tình thế biến hóa, không thể khống chế, vậy nên cũng án binh bất động nốt.

Chiến thắng Trường Xã của Hoàng Phủ Tung dù không tác động bao nhiêu tới đám giáo chúng nhưng bản thân tay giáo chủ lại bị ảnh hưởng nặng, sinh ra một nổi lo sợ rằng mình không phải đối thủ của Lư Thực.

Thế là Khăn Vàng không chỉ không tiến binh giao chiến mà còn không ngừng cũng cố doanh địa phòng thủ, Trương Ninh Nhi thì mỗi ngày đều giả làm Trương Giác lên đài quan sát để thăm dò trại địch, đồng thời cổ vũ sĩ khí quân tốt.

Lư Thực thấy Trương Giác thay đổi sách lược cũng sợ có điều lừa dối, thế là cũng ngày ngày lên đài quan sát nhìn sang.

Tình hình này khiến cho không chỉ mỗi Lưu Hoành mà cả đám thế gia cũng đều phải lau mắt nhìn, không rõ vì sao.

Phải biết Hoàng Phủ Tung vừa mới đại phá Khăn Vàng Trường Xã, bây giờ lại 1 mình độc chiến 2 Trương, đánh nhau túi bụi.

Vậy mà người được kỳ vọng hơn cả Hoàng Phủ Tung là Lư Thực không chỉ không thể sớm kết thúc chiến tranh lại còn ‘mắt đưa mày lại’ với Trương Giác, mỗi ngày nhìn nhau từ hai bên doanh trại tựa như Ngưu Lang-Chức Nữ hai bên bờ sông Ngân.

Lực lượng Huyền Kính Ty ở Hà Bắc vốn đã suy giảm nghiêm trọng, lại bởi chiến hỏa lúc đầu diễn ra liên miên khiến họ co cụm về phần đất nằm trong quyền kiểm soát của Lư Thực, thành ra không thể giúp Lưu Hoành nắm rõ tình hình thực tế.

Lưu Hoành căn bản không biết thế cục này có một phần lỗi do hắn và thế gia, thế là bắt đầu sinh ra nghi ngờ đối với lòng trung thành của Lư Thực, thậm chí cho rằng Lư Thực muốn nuôi giặc để tự lập, chưởng khống binh quyền, ý đồ soán ngôi hắn.

Việc này nói cho cùng cũng không thể trách Lưu Hoành hoàn toàn, từ xưa đa nghi đã là bệnh của kẻ nắm quyền, nhất là trong thời cổ đại phong kiến này, truyền thống lịch sử tranh đấu ở Trung Nguyên từ thuở Công Tôn Hiên Viên đến nay đều gắn liền với lừa gạt tráo trở, cho nên tội của Lưu Hoành có 1 nửa là tội nghiệp, 1 nửa còn lại mới là tội nghiệt.

Mà ở phía Lư Thực thì cũng quá mức bộc trực thẳng tính, trước đây từng không ít lần khuyên Lưu Hoành giao binh quyền vào tay những võ tướng bảo hoàng dày dặn kinh nghiệm như hắn để dùng vũ lực kèm cặp, trấn áp thế gia.

Bất kể thiện ác đúng sai thế nào, dòng chảy thời gian vẫn tiến về phía trước không bao giờ dừng lại.

Sau khi hoàn tất chỉnh đốn binh lực tại Trường Xã, Hoàng Hùng dẫn quân vào Nam Dương hỗ trợ Trương Ôn bình dẹp Khăn Vàng ở đây nhằm làm sạch sẽ thông thoáng còn đường vận chuyển hàng quân.

Ngày mà Hà Mạn bêu đầu, Tân Dã rơi vào tay Hoàng Hùng, Nam Dương chính thức sạch sẽ, cũng là lúc Trung Thường Thị Tả Phong hộ tống xe tù chở Lư Thực về Lạc Dương chịu tội.

Hoàng Hùng nghe cấp dưới báo lại, khi Lư Thực bị giải đi thì trong đám nghĩa sĩ võ lâm hiếm hoi tụ tập dưới cờ triều đình xuất hiện một người tự xưng là học trò của Lư Thực, mang theo hai kẻ võ dũng lạ thường ý đồ chặn xe cướp tù, Tả Phong bị đập xưng mặt xưng mũi.

Sau được Lư Thực khuyên lui thì người ấy quỳ xuống khóc lóc sướt mướt như Mạnh Khương khóc Trường Thành, một mực hộ tống xe tù của Lư Thực đến tận cửa thành Lạc Dương mới nghe lời Lư Thực mà quay lại Hà Bắc tham chiến.

Không biết vì lí do gì mà Lưu Bị đến giờ vẫn chưa có chữ, Lư Thực cảm động lòng hiếu của học trò nên lấy danh nghĩa đại nho, ban tặng hai chữ Huyền Đức ngay tại trước cửa thành Lạc Dương.

Việc này đã truyền khắp Lạc Dương và bắt đầu lan sang những vùng khác, nhận được rất nhiều tán thưởng và ca tụng từ đám lão Nho và phái quân võ, bao quát 2 người quen của Hoàng Hùng là gia chủ của Khổng gia, Khổng Dung, và mới đây là phó tướng của Trương Ôn là Đào Khiêm.

Hoàng Hùng nghe vậy chợt có cảm giác tình cảnh này có chút hiềm nghi ‘mua danh chuộc tiếng’ giống như mình hồi Văn hội Trung Thu mấy năm trước đây.

Nhưng khi hắn đào sâu hỏi thêm lại chẵng biết được bao nhiêu về kẻ tên Lưu Bị này bởi tên ấy trước kia không có danh tiếng gì, Hà Bắc lại vừa trãi loạn lạc, hiện giờ tuy tạm ổn nhưng cũng đang lửa nóng, khó mà truy tra được mấy.

Tuy vậy, khác với Lưu Hoành, khí vận của Hoàng Hùng ngập trời, mỗi hành động đều có ý chí của thế giới nhòm ngó, thế là chẵng bao lâu sau thì hắn gặp được sử giả do Trương Giác cử đến, lúc này mới biết kẻ vô danh kia đúng là không phải người tầm thường.

Vị sứ giả nọ đến từ Trung Sơn, cùng quê với Lưu Bị.

Theo lời hắn thì Lưu Bị xuất thân bình thường không có gì lạ, tổ tiên kinh thương nhỏ, đến đời ông nội từng mượn danh nghĩa Hoàng thất để được cử Hiếu Liêm, rồi táng cả gia sản cầu một chức Huyện lại nho nhỏ, không tính tàn ác nhưng cũng tài năng bình thường, cuối đời vừa leo lên tới Huyện Lệnh thì mất.

Cha Lưu Bị số yểu, vừa sinh ra hắn thì mất, Lưu Bị sống được vài năm sung sướиɠ dưới sự bảo bọc của ông hắn rồi gia cảnh sa sút.

Người đời có câu [ Nghèo thì học văn, giàu thì học võ], Lưu Bị từ giàu rớt xuống nghèo thì đâm ra có chút khác người, hắn … bất học vô thuật, suốt ngày lêu lổng!

Lưu Bị nửa chữ khó nuốt, cầm sách là ngủ, trời sinh tráng kiện lại cũng không siêng rèn luyện.

Thế nhưng hắn cực giỏi giao du kết bạn, cực giỏi mua chuộc nhân tâm.

Lưu Bị lúc nhỏ thường kết phường với đám trẻ quậy, làm tiểu đại vương, lớn lên thì ưa kết giao từ giang hồ võ lâm đến phú thương sĩ tử, bất kể xuất thân, không luận ngành nghề.

Kiến thức của Lưu Bị cũng phần nhiều đến từ những mối quan hệ này, nghe nói từng được một tay đạo sĩ giang hồ chỉ dạy môn song kiếm, không tính ghê gớm gì nhưng cũng đủ phòng thân trong thời loạn.

Năm lên 17, tới tuổi xin chữ, Lưu Bị kết bạn với Liêu Đông Bạch Mã Công Tôn Toản lúc ấy còn là anh Hàn Môn nghèo, cùng đến cầu học ở chỗ Lư Thực.

Nhưng Lư Thực là đại nho đương thời, trong bầy học trò không quyền thì thế, không sang thì quý, phần đông đều nhiễm nặng tư tưởng hủ Nho, đều không quá ưa thích Lưu Bị và Công Tôn Toản.

Lưu Bị thường tự xưng đời sau của Trung Sơn Tĩnh Vương, nhưng bởi vì tài năng bình thường, lại nghèo mạt rệp nên không được đồng môn chào đón, Công Tôn Toản cũng bởi vì háo thắng nóng nảy, có tật vũ phu mà bị xa lánh.

Thế là 2 người vì cùng cảnh ngộ mà từ thân sơ biến thành huynh đệ, nhân lúc Lư Thực bận bịu việc công, liền mượn cớ trong nhà có mẹ già, con nhỏ, đồng thời rời đi.

Lưu Bị lấy nghiệp đan cỏ bán dép, nhập vai làm nhân sĩ võ lâm, ngồi lê khắp miền Ký-U, đến đâu cũng có thể bằng vào tài ăn nói để kết giao bằng hữu, kiếm miếng cơm ăn, mẹ già ở nhà thì gửi người phú hào đồng hương là Lưu Nguyên Khởi chăm sóc.

Không biết do Lưu Bị nhân nghĩa trùm trời hay do hắn có tài mê hoặc nhân tâm, Lưu Nguyên Khởi không chỉ chu cấp tiền bạc mà còn để đứa con trai duy nhất của mình là Lưu Đức Nhiên nhận mẹ của Lưu Bị là mẹ, hứa chăm sóc phụng dưỡng khi Lưu Bị đi xa.

Sứ giả thở dài xúc động, nói tiếp:

“Bẵng đi một thời gian, đến năm ngoái, Đại Hiền Lương Sư có cơ duyện gặp được Lưu Bị.

Nghe Lương Sư nói hắn rất thưởng thức Lưu Bị, nguyện dùng chức vị cừ soái để mời gia nhập nhưng Lưu Bị không đồng ý, lại lấy cớ mẹ già không phụng dưỡng mà rời đi.

Sau khi Lưu Bị rời đi, Lương Sư từng nhiều lần than tiếc!

Gần đây Lưu Hoành ban bố chiêu nghĩa lệnh, Lưu Bị cũng hưởng ứng, dùng danh tiếng của Lưu Nguyên Khởi, kêu gọi đồng hương được hơn 500 người lại có giang hồ bằng hữu là Trương Thế Bình và Tô Song quyên cả gia tài sung làm lương thảo, chỉ thiếu khí giới.

Chiến sự ở tiền phương không thông, Lương Sư mệnh Trình Cừ Soái mang theo 3 vạn người lui về hậu phương, cướp đoạt kho lương của triều đình.

Lưu Đức Nhiên lúc này đã là Huyện Thừa, nhân lúc Huyện Lệnh và Huyện Úy bị Trình cừ soái đánh gϊếŧ thì mở kho binh khí tặng hết cho Lưu Bị.

Lưu Bị không biết từ đâu tìm được 2 kẻ võ phu dũng mãnh gọi là Quan Vũ và Trương Phi, nghe nói từng uống máu ăn thề, kết làm huynh đệ.

Cừ soái Trình Viễn Chí vừa mới thắng trận, chưa kịp chỉnh đốn, lại có chút lơ là, thế rồi bị Lưu-Quan-Trương tập kích đánh lén.

Cũng may Trình cừ soái không hổ là giáo ta Ngũ Hổ thiên tướng, là cánh tay đắc lực mà Hoàng Thiên ban cho Lương Sư, lấy một đánh 3 mà không bại, lấy sơ ý chống đỡ âm hiểm mà vẫn an toàn rút lui.

Nhưng Lưu Bị cũng nhờ đó mà vang danh, nhân sĩ võ lâm và cường hào tụ tập về dưới trướng không ít.

Lưu Bị cũng là kẻ có dã vọng, biết làm chó cho thế gia không phải kế hay, thế là đầu quân cho thầy củ Lư Thực, vì việc này mà không tiếc từ bỏ số lớn nhân sĩ giang hồ không hợp với quy củ của quân doanh.

Lư Thực ban đầu cũng không coi trọng tên học trò này, chỉ đến khi Tả Phong đem Lư Thực bắt lại.

Một phen thao tác tiếp theo của Lưu Bị thì Hoàng công tử cũng biết rồi đấy.

Lạc Dương cửa thành ban tự Huyền Đức!

Buồn cười cho đám người Khổng Dung, vậy mà không hiểu ý của Lư Thực.

Huyền chi hựu huyền, vốn là gốc của hư ngụy!

Huyền Đức chính là cái đức hư ngụy nha!

Lư Thực gợi ý rành rành ra đó mà còn không hiểu, uổng một đời đọc sách, uổng tự xưng bạn bè đồng chí!

Mặc dù trận doanh khác nhau, lập trường tương phản nhưng Lương Sư cũng tán dương Lư Thực không thôi, đặc biệt là một tấm lòng trung và một đôi mắt sáng.

Lưu Hoành lại ngu ngốc đến đâu đi nữa, chỉ cần Lư Thực an phận chịu trói là tất sẽ ổn, vào tù an dưỡng vài tháng, nửa năm rồi ra thôi.

Chuyện này Lưu Hoành làm nhiều rồi, ngày xưa Bá Dương công cũng thế, đâu hiếm lạ gì nữa.

Cần chi đến một kẻ vớ va vớ vẫn nhảy ra than khóc, kêu gào ứng cứu?

Có đầu óc đều biết Lưu Hoành bắt giam Lư Thực chính là muốn đoạt lại binh quyền, sợ uy vọng của Lư Thực quá lớn, công cao chấn chủ.

Càng than khóc, càng kêu gào chỉ sẽ càng làm cho Lưu Hoành nghi ngờ về điểm cuối của quân tâm, càng trút nhiều phẫn nộ lên đầu Lư Thực”