Chương 23
Khi McCaleb bước vào văn phòng thám tử của Trung tâm Sao thuộc Sở cảnh sát trưởng lúc tám giờ sáng thứ Hai, ông thấy ở đó đã đầy chật các thám tử. Tuy nhiên, cô tiếp tân mới ba hôm trước còn cho ông một mình đi vào chỗ ban chuyên án gϊếŧ người thì nay lại bảo ông phải chờ đội trưởng tới. Điều này khiến McCaleb bối rối, nhưng ông chưa kịp hỏi gì thì cô tiếp tân đã bận gọi điện. Ngay khi cô ta gác máy, McCaleb thấy Đội trưởng Hitchens ra khỏi căn phòng họp nơi ông đã ngồi với Jaye Winston hôm thứ Sáu tuần trước. Anh ta đóng cửa lại sau lưng rồi tiến về phía McCaleb. Terry nhận thấy rèm cửa sổ kính của phòng họp được hạ xuống che kín mít. Hitchens ra hiệu bảo ông đi theo.
“Terry, đi theo tôi.”
McCaleb theo Hitchens vào phòng làm việc của anh ta, rồi thì anh ta bảo ông ngồi. McCaleb có cảm giác chẳng lành khi thấy mình được đối xử thân ái quá mức như thế. Hitchens ngồi sau bàn làm việc, khoanh tay trước ngực mà cúi về phía trước trên cái lịch bàn, với nụ cười trên mặt.
“Vậy là anh đã ở đâu?”
McCaleb nhìn đồng hồ.
“Ý anh muốn nói gì? Jaye Winston sắp xếp họp lúc tám giờ. Bây giờ là tám giờ hai phút.”
“Ý tôi là hôm Chủ nhật, thứ Bảy. Jaye vừa gọi xong.”
McCaleb hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Hôm thứ Bảy, lúc đang lau chùi thuyền, ông đã đem điện thoại cùng máy trả lời tự động cất vào một cái tủ bên cạnh bàn vẽ hải đồ. Thế rồi ông quên khuấy mất. Các cuộc gọi đến thuyền và tin nhắn để lại khi ông cùng với hai dì cháu đi câu ngoài đê chắn sóng suốt cả hai ngày đó hẳn đều bị nhỡ mà ông không biết. Điện thoại lẫn máy trả lời đều vẫn nằm trong tủ.
“Chết thật,” giờ ông nói với Hitchens. “Tôi quên không kiểm tra máy.”
“Ừ đấy, bọn tôi có gọi. Lẽ ra anh đã không phải cất công đi.”
“Cuộc họp bị hoãn à? Tôi cứ nghĩ Jaye muốn...”
“Cuộc họp không bị hoãn Terry à. Chỉ là có vài chuyện nảy sinh nên tụi tôi cảm thấy nếu tiến hành điều tra mà không có những yếu tố bên ngoài làm cho thêm phức tạp thì sẽ tốt hơn.”
McCaleb săm soi anh ta một hồi lâu.
“Phức tạp? Có phải vì chuyện thay tim không? Jaye cho anh biết à?”
“Cô ấy không cần phải bảo tôi. Mà là vì nhiều chuyện. Xem đó, anh đến rồi đảo tung mọi chuyện lên. Anh cho chúng tôi nhiều thứ - những manh mối vững chắc - để lần theo. Chúng tôi sẽ lần theo và sẽ rất là sốt sắng trong cuộc điều tra, nhưng tại thời điểm này tôi phải vạch ranh giới cho sự dính líu của anh. Tôi rất tiếc.”
Có cái gì đó chưa được nói ra, McCaleb nghĩ trong khi viên đội trưởng nói. Cái gì đó đang diễn ra mà ông không hiểu hay ít nhất là không biết. Manh mối vững chắc, Hitchens nói thế. Đột nhiên McCaleb hiểu. Nếu Winston đã không liên lạc được với ông suốt cuối tuần thì Vernon Carruthers ở Washington D.C. cũng không nốt.
“Bạn tôi ở SDH tìm được gì à?”
“SDH? Là cái quái gì vậy?”
“Đơn vị chuyên trách Súng và Dấu vết Hung khí. Anh ấy tìm được gì, Đội trưởng?”
Hitchens giơ hai lòng bàn tay lên.
“Chúng ta sẽ không nói chuyện đó. Tôi bảo anh rồi, chúng tôi rất cám ơn anh về chuyện anh đã thúc cho vụ án tiến lên. Nhưng từ giờ trở đi hãy để chúng tôi đảm đương. Có chuyện gì xảy ra chúng tôi sẽ cho anh biết, và nếu có gì tốt đẹp xảy ra, anh sẽ được ghi công đàng hoàng trong hồ sơ của chúng tôi và trên báo chí.”
“Tôi không cần được ghi công. Tôi chỉ cần tham gia vụ này.”
“Tôi rất tiếc. Nhưng từ giờ trở đi chúng tôi lo.”
“Jaye có đồng ý chuyện này không?”
“Cô ấy đồng ý hay không cũng vậy thôi. Lần cuối kiểm tra thì tôi vẫn đang điều hành văn phòng thám tử ở đây chứ không phải Jaye Winston.”
Trong giọng anh ta có đủ bực bội để McCaleb kết luận rằng Winston đã không nhất trí với Hitchens. Biết được thế cũng nhẹ lòng. Ông có thể cần chị. Nhìn chằm chằm vào Hitchens, McCaleb biết ông sẽ không bỏ cuộc mà lặng lẽ quay về thuyền. Không đời nào. Tay đội trưởng cần phải đủ khôn để cũng nhận ra điều đó.
“Tôi biết anh đang nghĩ gì. Tôi chỉ nói rằng anh đừng có tự dấn vào thế kẹt. Nếu chúng tôi chạm trán anh trên thực địa thì sẽ có rắc rối đấy.”
McCaleb gật.
“Rõ rồi.”
“Chúng tôi cảnh cáo rồi đấy nhé.”
McCaleb bảo Lockridge rê xe chầm chậm quanh bãi đỗ dành cho khách. Ông muốn tìm cho nhanh một điện thoại công cộng, nhưng trước hết ông muốn xem liệu có thể đoán ra được ai đã ở trong phòng họp mà Hitchens vừa bước ra không. Ông biết Jaye Winston rõ ràng có mặt ở đó, có khi cả Arrango và Walters nữa. Nhưng theo linh cảm của ông rằng Vernon Carruthers đã phát hiện ra đường đạn là khớp nhờ chương trình laser của bộ phận DRUGFIRE, ông cũng ngờ rằng có ai đó nữa thuộc ban thám tử, ngoài Maggie Griffin ra, cũng có mặt trong phòng họp.
Trong khi họ rê xe từ từ qua bãi đỗ xe, McCaleb kiểm tra cửa sổ ghế sau bên phía người lái của từng chiếc xe đỗ trong bãi mà họ đi qua. Cuối cùng, ở làn xe thứ ba, ông nhìn thấy cái mình tìm.
“Dừng đây, Bud,” ông nói.
Họ dừng lại sau một chiếc Ford LTD màu xanh kim loại. Trên cửa sổ băng sau bên phía người lái có cái băng dính dạng mã vạch làm lộ tẩy đó là ai. Ấy là xe của phòng thám tử. Một cái máy đọc bằng laser nơi cửa ga ra tòa nhà liên bang tại Westwood vẫn thường quét mã vạch rồi mới nhấc thanh rào chắn bằng sắt lên cho xe vào sau giờ làm việc.
McCaleb bước ra, lại chỗ chiếc xe. Không có dấu hiệu bên ngoài nào khác để giúp ông nhận diện tay đặc vụ lái xe này. Nhưng dù ai lái đi chăng nữa thì ông cũng dễ đoán thôi. Lái xe về phía Đông để dự họp thì sẽ phải đi ngược chiều mặt trời mọc, người lái sẽ phải hạ tấm che nắng xuống. Mọi đặc vụ FBI mà McCaleb từng biết đều ghim tấm thẻ mua xăng do chính phủ cấp cho xe mình vào tấm che nắng để dễ lấy. Người này cũng không phải ngoại lệ.
McCaleb nhìn thẻ đổ xăng và ghi số xê ri. Ông quay lại xe của Lockridge.
“Xe ấy có chuyện gì vậy?” Buddy hỏi.
“Chả có gì. Đi thôi.”
“Đi đâu?”
“Chỗ nào có điện thoại.”
“Biết ngay mà.”
Năm phút sau họ đến một trạm sửa xe có dãy điện thoại ở bức tường bên hông.
Lockridge tấp xe vào dãy điện thoại, hạ kính xe xuống để có thể tắt máy xe mà nghe lỏm được. Trước khi chui ra, McCaleb mở ví đưa cho anh ta tờ hai mươi lăm đô.
“Đi đổ xăng đi. Chắc là mình sẽ ra lại sa mạc.”
“Cứt.”
“Anh bảo anh rảnh suốt ngày cơ mà.”
“Rảnh thì có rảnh, nhưng ai lại thích ra ngoài sa mạc nào? Chẳng có manh mối nào chỉ ra ngoài biển hay sao chớ, trời ơi là trời?”
McCaleb chỉ bật cười với anh ta rồi ra khỏi xe mang theo sổ điện thoại.
Tại điện thoại, McCaleb gọi văn phòng tác chiến ở Westwood rồi đề nghị người ta chuyển tiếp đến ga ra. Sau mười hai hồi chuông thì có người nhấc máy.
“Ga ra đây.”
“Ừ, ai đấy?”
“Roofs.”
“Ồ, OK,” McCaleb nói, nhớ ra người này. “Rufus này, Convey trên số mười lăm đây. Tôi có một câu hỏi may ra anh có thể trả lời cho tôi.”
“Phun đi, anh bạn.”
Sự thân mật mà McCaleb đưa vào giọng của mình rõ là có tác dụng. Ông vẫn nhớ Rufus và chưa bao giờ có ấn tượng lắm về trí thông minh của ông ta. Điều này phản ánh ở việc đội xe của liên bang chưa bao giờ được bảo dưỡng ra hồn.
“Tôi tìm thấy một thẻ xăng rơi trên sàn đây, chắc là ở trong xe ai đó dưới chỗ anh. Thẻ số tám mốt là của ai nhỉ? Anh tìm hộ xem nhé?”
“Ừm... tám mốt hả?”
“Phải Roofs ạ, tám mốt.”
Yên lặng một thoáng trong khi người phụ trách ga ra xem sổ sách.
“Rồi, là ông Spencer. Ông ấy có số đó.”
McCaleb không đáp. Gilbert Spencer là đặc vụ có cấp bậc cao thứ nhì ở Los Angeles. Song dù chức gì đi nữa, McCaleb chưa bao giờ thực sự xem ông ta là một lãnh đạo nhóm điều tra thực thụ. Song việc ông ta đang gặp Jaye Winston cùng đội trưởng của chị ta và rồi trời biết còn những ai nữa ở Trung tâm Sao khiến ông choáng váng. Ông bắt đầu hiểu rõ hơn tại sao mình bị người ta đá đít khỏi vụ này.
“Ừ, Rufus, cám ơn nhiều nhá. Là thẻ tám mốt đúng không?”
“Ừ. Xe của Đặc vụ Spencer.”
“OK, tôi sẽ trả thẻ cho ông ấy.”
“Tôi chả biết đâu. Tôi thấy hiện giờ xe ông ấy không có đây.”
“OK, đừng lo. Cám ơn nhé, Roofs.”
McCaleb gác máy rồi lập tức lại nhấc lên. Dùng thẻ gọi của mình, ông gọi Vernon Carruthers ở Washington. Hiện đang khoảng giờ ăn trưa ở đó nên ông hy vọng gặp được anh ta.
“Vernon đây.”
McCaleb thở phào.
“Terry đây.”
“Trời đất ơi, cậu biến đi đâu thế hả? Hôm thứ Bảy tớ đã cố gửi tin cấp báo cho cậu thế mà đợi hai ngày mới gọi lại cho tớ.”
“Tớ biết, tớ biết. Tớ lôm côm quá. Nhưng tớ nghe nói cậu tìm ra gì đó rồi.”
“Chứ còn đếch gì nữa.”
“Là gì, Vernon, gì vậy?”
“Tớ cần phải cẩn thận. Tớ có cảm giác có một danh sách những-người-cần-được-biết mà tên cậu thì...”
“... không có trên danh sách ấy. Ừ, tớ biết. Cái ấy tớ vừa mới biết ra. Nhưng đây là xe của tớ, Vernon ạ, và sẽ chẳng ai lái được nó đi khỏi tớ đâu. Thành thử cậu cứ cho tớ biết đi, cậu đã phát hiện được gì khiến cho phó đặc vụ trưởng điều hành Phòng tác chiến Los Angeles phải rời cái văn phòng nho nhỏ của mình mà xuống tận địa phương, có khi là lần đầu tiên từ đầu năm tới giờ?”
“Dĩ nhiên là tớ sẽ cho cậu biết. Tớ sắp phải nộp thuế vì bán thông tin cho cậu đây. Người ta sẽ làm gì tớ nào? Đá đít tớ rồi thì sau này những vụ nào cần đến tớ làm thí nghiệm thì lại phải mời tớ và trả lệ phí nhân chứng cao gấp đôi chắc?”
“Vậy thì cho tớ biết đi.”
“Chà, lần này thì cậu cắm cọc trúng phăm phắp rồi nhá. Tớ soi laser viên đạn mụ Winston gửi tớ thì thấy khớp tám ba phần trăm với một mảnh đạn khá to họ moi ra từ trong đầu gã Donald Kenyon nào đó từ dạo tháng Mười một. Chính vì vậy cậu mới làm cho ban chỉ huy đằng ấy kêu la om sòm thế.”
McCaleb huýt sáo.
“Mẹ khỉ, huýt đâu chứ đừng huýt vào tai tớ nhá bồ,” Carruthers phản đối.
“Xin lỗi. Có phải là một viên có vỏ kim loại của hãng Federal không, viên lấy ra từ Kenyon ấy?”
“Không, thực ra là một viên có thể vỡ. Một viên Devastator, viên Hủy diệt. Cậu biết thế là sao chứ?”
“Ông Reagan bị bắn ở Hilton cũng là bằng một viên như thế đúng không?”
“Đúng. Mũi đạn gây tác hại ít thôi. Cái chính là đạn sẽ vỡ ra nhiều mảnh. Nhưng với ông Ronald nhà mình nó lại không nổ. Ổng gặp may. Kenyon thì không.”
McCaleb cố nghĩ xem điều đó có thể mang ý nghĩa gì. Cùng một khẩu súng ấy, HK P7, đã được dùng trong ba vụ án mạng, Kenyon, Cordell và Torres. Nhưng từ vụ Kenyon đến vụ Cordell, hung thủ đã thay đạn vỡ được thành đạn cứng. Tại sao?
“Này, nhớ lại đi,” Carruthers nói, “cái này đâu phải tớ bảo cho cậu biết.”
“Tớ biết. Nhưng nói tớ nghe xem. Sau khi tìm ra là khớp thì cậu làm gì, đến gặp Lewin hay là kiểm tra lại trước đã?”
Joel Lewin là sếp của Carruthers theo đúng phép.
“Thực ra là cậu muốn hỏi liệu tớ có gì để gửi cho cậu đúng không nào?”
“Đúng đấy. Tớ cần cái cậu có thể gửi cho tớ.”
“Gửi rồi. Tớ cho vào bưu phẩm ưu tiên từ hôm thứ Bảy trước khi mọi chuyện thành ra thối hoắc ở đây. Tớ in ra những gì có trong máy tính. Cậu sẽ nhận được hết thông tin nội bộ. Chắc nay mai tới thôi. Vì cái vụ này nhất định cậu sẽ phải đưa tớ đi câu cá một buổi ra trò đó bồ à, mẹ kiếp.”
“Nhất định rồi.”
“Và chả có gì trong cái mớ ấy là cậu nhận được từ tớ hết.”
“Cậu khá lắm Vernon. Cậu không phải nói thế đâu.”
“Tớ biết, nhưng nói thế tớ mới thoải mái hơn.”
“Cậu còn nói được gì với tớ nữa nào?”
“Thế thôi. Người ta tước khỏi tay tớ ráo trọi rồi. Lewin tước hết mọi thứ, từ đó trở đi chỉ còn là việc của các sếp. Tớ không nói với họ vì sao tớ làm gấp thế. Bởi vậy họ biết ấy là cậu đang muốn biết. Tớ không bảo họ tại sao.”
McCaleb im lặng trách mình đã nổi nóng và mất tự chủ với Arrango sau buổi thôi miên. Giá như ông đừng để lộ động cơ thực sự ẩn sau cuộc điều tra của mình thì lúc này ông vẫn còn được tham gia rồi. Carruthers không để lộ chuyện này nhưng Arrango thì nhất định là có.
“Còn đó chứ, Terry?”
“Ừ. Nghe này, nếu cậu tìm được gì khác ngoài chuyện này thì cấp tốc báo tớ nhé.”
“Được rồi, bồ. Nhưng nhớ trả lời đấy, mẹ nó. Liệu hồn đấy.”
“Mọi lúc.”
Gác máy xong McCaleb xoay người và suýt nữa đã đâm sầm vào Buddy Lockridge.
“Buddy, thôi nào, anh nên nhường chỗ cho tôi nhờ. Đi thôi.”
Họ bắt đầu đi về phía chiếc xe vẫn đang đỗ ở một trong các cột bơm xăng.
“Ra sa mạc?”
“Ừ. Ta quay lại, tôi sẽ gặp lại bà Cordell. Xem liệu bà ta có còn nói chuyện với tôi không.”
“Sao lại không - đừng lo, chớ trả lời thế. Tôi chỉ là tài xế thôi mà.”
“Giờ anh hiểu rồi đấy.”
Trên đường lên vùng sa mạc, Buddy líu lo thổi harmonica theo một điệu cung Si giáng trong khi McCaleb dùng vài thủ thuật tự thôi miên để thư giãn đầu óc nhằm hồi tưởng lại tốt hơn những gì mình biết về vụ Donald Kenyon. Đó là vụ gần nhất dường như đã gây nên một chuỗi dài những bối rối cho Cục trong mấy năm trở lại đây.
Kenyon lúc còn sống là chủ tịch của Washington Guaranty, một ngân hàng tiết kiệm và cho vay được Liên bang bảo trợ có chi nhánh ở các hạt Los Angeles, Orange và San Diego. Kenyon là một gã tóc vàng óng nói năng hùng biện quyết chí trèo cao, biết lấy lòng các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của bằng những mách nước mua cổ phiếu nhờ vị thế tay trong, cho đến khi gã leo lên tới ghế chủ tịch ở lứa tuổi hai mươi chín khiến mọi người kinh ngạc. Gã được trang trọng giới thiệu và viết bài trên mọi tạp chí kinh doanh. Gã là người chiếm được từng ít một lòng tin cậy của cả các nhà đầu tư lẫn nhân viên và báo giới. Đến nỗi trong vòng ba năm làm chủ tịch, gã đã bòn được khoản tiền choáng người 35 triệu đô ra khỏi ngân hàng bằng cách cho các công ty ma vay những khoản vay ma mà chỉ cần nhướn lông mày là đủ. Cho mãi tới khi Washington Guaranty sụp đổ vì bị rút ruột sạch sành sanh và Kenyon biến mất thì tất cả mọi người, kể cả kiểm toán viên liên bang và kiểm soát viên, mới nhận thức nổi chuyện gì đã xảy ra.
McCaleb nhớ, câu chuyện được báo đài nhắc đi nhắc lại hàng mấy tháng trời nếu không phải mấy năm trời. Chuyện về những người nghỉ việc chẳng có một đồng một chữ, chuyện về hiệu ứng lan truyền của kinh doanh thua lỗ, chuyện nghe đâu có người nhìn thấy Kenyon ở Paris, Zurich, Tahiti và còn những đâu đâu nữa.
Sau năm năm lẩn trốn Kenyon bị đơn vị chuyên truy tìm tội phạm đào tẩu của Cục tìm thấy ở Costa Rica, ở đó gã đang sống ở một khu nhà sang trọng có hai hồ bơi, hai sân quần vợt, một huấn luyện viên riêng ở luôn trong nhà, rồi lại còn cơ sở nuôi và nhân giống ngựa. Tên trộm, nay ba mươi sáu tuổi, bị dẫn độ về Los Angeles để đối mặt với lời buộc tội ở tòa án liên bang.
Trong khi Kenyon ngồi ở trại tạm giam của liên bang chờ tòa xử, một đội giám định và tịch thu tài sản lần theo dấu vết của gã và làm việc sáu tháng ròng những mong truy ra được khoản tiền. Nhưng họ chỉ tìm thấy chưa đầy 2 triệu đô.
Bài toán khó là ở đó. Kenyon bào chữa là gã không mang tiền theo bởi vì gã không lấy, gã chỉ chuyển số tiền đó đi vì bị người ta dọa gϊếŧ - gϊếŧ gã và cả gia đình gã. Thông qua luật sư gã quả quyết mình bị người ta hăm dọa buộc phải lập ra các công ty, cho họ vay hàng triệu đô từ ngân hàng tiết kiệm và cho vay của mình rồi thì chuyển giao số tiền đó cho kẻ tống tiền. Nhưng mặc dù có nguy cơ phải ngồi tù nhiều năm trong nhà lao liên bang, Kenyon không chịu nói tên kẻ đã tống tiền và ẵm tiền đi.
Các điều tra viên và công tố viên liên bang chọn giải pháp không tin gã. Vin vào lối sống xa hoa của gã vào thời gã còn điều hành ngân hàng lẫn khi gã đang lẩn trốn, cũng như việc rõ là gã có giữ một phần số tiền đó - dù chỉ một phần nhỏ trong tổng số - ở Costa Rica, họ quyết định chỉ khởi tố một mình Kenyon.
Sau phiên tòa kéo dài bốn tháng ở một phòng xử liên bang ngày nào cũng chật ních cả một bầu đoàn các nạn nhân đã mất khoản tiền dành dụm cả đời vì vụ sụp đổ ngân hàng, Kenyon bị buộc tội lừa đảo số đông người và Thẩm phán liên bang Dorothy Windsor kết án gã bốn mươi tám năm tù.
Chuyện xảy ra sau đó sẽ dẫn đến thêm một đòn đau nữa giáng vào thanh danh của FBI.
Sau khi tuyên án, Windsor chấp thuận một thỉnh cầu của bên bị, cho phép Kenyon được ở nhà một thời gian cùng gia đình để chuẩn bị vào tù trong khi luật sư của gã chuẩn bị hồ sơ kháng cáo. Mặc cho công tố viên kịch liệt phản đối, Windsor cho Kenyon được sáu mươi ngày thu xếp chuyện gia đình. Hết hạn đó gã phải ra trình diện ở nhà giam cho dù hồ sơ kháng cáo đã xong hay chưa. Windsor còn lệnh cho Kenyon phải đeo vòng giám sát quanh cổ chân để bảo đảm rằng gã không mưu toan chạy trốn công lý một lần nữa.
Ra một mệnh lệnh như vậy sau khi tuyên án không phải là chuyện gì khác thường. Tuy nhiên, nó quả là khác thường nếu phạm nhân đã từng tỏ ra muốn chạy trốn chính quyền và đào tẩu ra nước ngoài.
Song người ta sẽ chẳng bao giờ biết được liệu có phải Kenyon đã bằng cách nào đó tác động đến một thẩm phán liên bang để nhận được phán quyết như vậy rồi thì nhân đó trốn lần nữa. Vào ngày thứ Ba sau Lễ Tạ ơn, giữa khi Kenyon đang hưởng ngày thứ hai mươi mốt trong thời gian hoãn thi hành án dài hai tháng, có ai đó bước vào ngôi nhà ở Beverly Hills nơi gã thuê tại Phố Maple. Kenyon lúc đó ở nhà một mình, vợ gã đã rời nhà đưa hai đứa nhỏ đi học. Kẻ đột nhập chạm trán Kenyon trong bếp và dùng súng buộc gã đi đến sảnh vào lát đá hoa của ngôi nhà. Đoạn hắn bắn chết Kenyon vừa đúng lúc xe của vợ gã vừa chạy vào lối đi dành cho xe uốn vòng cung phía trước nhà. Kẻ đột nhập thoát thân bằng cửa sau, qua cái ngõ men sau lưng dãy biệt thự trên Phố Maple.
Nếu không có cuộc điều tra và tầm nã kẻ gϊếŧ người thì câu chuyện lẽ ra đã kết thúc ở đó hay ít nhất chỉ mang vẻ nhàm chán thường tình của một đề tài từng sốt dẻo nhưng giờ đã nhạt. Thế nhưng FBI đã quyết định theo dõi Kenyon - họ đặt gã dưới sự giám sát không hợp pháp bao gồm thiết bị nghe lén gắn trong nhà gã, ô tô và văn phòng luật sư của gã. Vào lúc gã bị bắn, có một chiếc xe tải nhỏ bên trong có bốn đặc vụ FBI đang đỗ cách đó hai khối nhà. Vụ ám sát đã được ghi lại.
Các đặc vụ, dù biết mình đang trong thế không được đường đường chính chính, vẫn hộc tốc chạy về phía ngôi nhà đặng tầm nã kẻ đột nhập. Song hung thủ đã cao chạy xa bay trong khi người ta cấp kỳ đưa Kenyon đến Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, nhưng khi đến nơi thì bác sĩ tuyên bố gã đã chết.
Hàng bao nhiêu triệu đô la mà Kenyon bị buộc tội đã bòn rút từ Washington Guaranty rốt cuộc cũng chẳng bao giờ thu hồi được. Song chi tiết đó bị lu mờ khi hành vi của FBI bị lộ ra ngoài. Cục không chỉ bị người ta dè bỉu vì đã tiến hành một chiến dịch bất hợp pháp như thế, mà còn bị chính thức khiển trách vì để cho một vụ gϊếŧ người xảy ra ngay trước mũi mình, vì đã vụng về để mất thời cơ can thiệp và ngăn chặn vụ ám sát Kenyon, ấy là chưa nói tóm được hung thủ.
McCaleb quan sát tất cả chuyện đó từ xa. Lúc ấy ông đã rời khỏi Cục và khi vụ ám sát Kenyon xảy ra thì cũng là lúc bản thân ông đang chuẩn bị cho cái chết của mình. Nhưng ông nhớ đã đọc trên Thời báo, tờ báo đi đầu tường thuật vụ đó. Ông nhớ rằng tờ báo cho hay các đặc vụ dính líu vào vụ đó thảy đều bị giáng chức, rồi thì đám chính trị gia gọi điện thoại về Washington D.C. đòi Cục phải ra điều trần trước Quốc hội vì hành vi phạm pháp. Ông cũng nhớ rằng, FBI đã nhục càng thêm nhục vì nỗi cô vợ góa của Kenyon đâm đơn kiện cục này vi phạm quyền riêng tư, đòi bồi thường thiệt hại hàng triệu đô la.
Câu hỏi mà lúc này McCaleb phải trả lời là liệu kẻ xâm nhập vào nhà Kenyon hồi tháng Mười một và gϊếŧ gã có phải cũng là người đã gϊếŧ Cordell và Torres sau đó hai, ba tháng hay không. Và nếu trước sau là cùng một kẻ, thì giữa một vị chủ tịch ngân hàng tiết kiệm cho vay đã sa cơ lỡ vận với một kỹ sư chuyên về ống dẫn nước và một nhân viên phòng in của một tờ báo có thể có mối liên hệ nào?
Cuối cùng ông nhìn quanh và lưu ý cảnh quan. Họ đi qua khỏi Vasquez Rocks từ lâu rồi. Chỉ dăm phút nữa là họ sẽ đến nhà Amelia Cordell.