Mặt trời lặn về phía tây, trăng sáng mọc ở đằng đông, tiếng trống canh cộc cộc vọng đến, nàng đã quỳ ở đó hai canh giờ. Hai tay nàng chống dưới đất, lưng còng xuống, từ đầu gối trở xuống đã sớm mất hết tri giác, tư thế hết sức gượng gạo, tựa như một con súc sinh nhỏ bé đang nhẫn nhục chịu đựng.
Trước năm tuổi, nàng sống trong gánh xiếc của cha, cùng người lớn đi khắp nơi mãi nghệ. Cha là bầu gánh, cũng là một cao thủ múa xiếc cờ, cờ xiếc làm bằng gậy trúc, cao chừng ba trượng, trên chóp gắn một cái lọng đỏ. Cha có thể nâng cây cờ xiếc cao ba trượng, thân to cỡ miệng bát ấy bằng cùi chỏ, lấy bả vai khiêng, dùng quai hàm và cằm đẩy giữ vững vàng. Tán lọng đỏ đón gió phấp phới, khán giả xem hứng khởi mà ồ lên không ngớt, vung tiền thưởng cũng rất rộng tay. Có lần, một đám côn đồ tới gây hấn phá rối buổi diễn, đánh người đập đồ, cầm cả một cục gạch đỏ au đập thẳng xuống ót cha, bắt ông phải quỳ xuống cho bằng được, nhưng cha không quỳ. Mãi sau mới có đồng hành tới giúp đỡ giải vây, cha vừa lau nước mắt cho Minh Nguyệt, vừa nói với nàng: “Cha không thể quỳ được, một khi quỳ xuống sẽ không thể đứng lên được nữa.”
Từ nhỏ đã vào chốn nhà cao cửa rộng này, quỳ trước người chủ tử này, lớn đến giờ, mỗi lần quỳ xuống trước chàng, nàng lại nhớ tới lời cha nói. Quả thế, mình không thể đứng lên được nữa rồi.
Người trong cửa ho khẽ một tiếng, nàng không dám đứng dậy, lê gối trèo qua ngưỡng cửa, tứ chi chạm đất mà lết vào nhà. Trong phòng tối om, không thắp đèn, ánh trăng xuyên qua cửa sổ chạm hoa, vung vãi ra sàn nhà. Hương thơm lạ lùng càng lúc càng nồng, một chấm lửa đỏ đung đưa chợt cao chợt thấp rồi bỗng tắt phụt.
Nàng lê về phía đó, thẳng tới cạnh sập, nương theo ánh trăng trông thấy một cái tráp bạch ngọc hình vuông, nhỏ cỡ bàn tay đặt trên bàn trà, thuần thục mở nắp, dùng thìa bạc múc chút cao thuốc phiện chất lượng tuyệt hảo ra, nhận lấy tẩu thuốc trong tay chàng, ngón cái chàng vẫn đeo chiếc nhẫn ngọc bích lão vương gia để lại, nàng thêm cao thuốc vào, châm lửa, giữa sát na ấy ngẩng đầu lên lại nhìn thấy mặt chàng.
Khi còn nhỏ, đám mụ vυ" vẫn hay ngầm cười trêu bảo dung mạo nàng và chủ tử tương hợp. Quái lạ thay, hai người chẳng có bất kỳ mối quan hệ nào ấy vậy mà lại có thể giống nhau đến thế, đều là mắt dài mày dài, đặt lên mặt con gái thì mềm mại nhu mì, đặt lên mặt con trai cũng biến chàng thành một người dịu dàng, dù rằng bên trong còn khuya mới phải. Tóc chàng đã cắt ngắn, tỉa tót rất chỉnh tề, gương mặt dài, cằm nhọn, mũi rất thẳng, môi rất mỏng, hút thuốc đến là khoan khoái, vẻ mặt lười biếng dễ chịu, hơi hé cười. Khuôn mặt vẫn khôi ngô như ngày nào, thân mình lại gầy đi thấy rõ.
Giọng nàng nhẹ nhàng lặp lại câu khi trước: “Minh Nguyệt thỉnh an tiểu vương gia.”
“Đứng lên ngồi đi.”
Nàng vịn lấy mép sập, chậm rãi đứng dậy, chân cẳng đột ngột được thông máu, đau nhức như kim châm, ghé hờ vào đệm tròn ngồi đối diện chàng, nhìn chàng hút vài hơi thuốc.
“Cô nương đi mấy năm rồi nhỉ?”
“Ba năm sáu tháng ạ.”
“Học xong rồi?”
“Vâng.”
“Học được trò trống gì rồi?”
“… Bằng tốt nghiệp để trong hành lý, em đi lấy cho ngài xem nhé?”
“Còn biết viết chữ Tàu không?”
“… Biết ạ.”
Chàng nhả khói: “Ta lại cứ tưởng em không biết cơ đấy, một phong thư cũng không gửi về, sống chết sao ta cũng chẳng hay.”
“… Vương gia có khỏe không ạ?”
“Cảm phiền ngài nhớ thương, không có gì đáng ngại…” Chàng vốn đang tựa người lên gối, nói đoạn buông tẩu thuốc, ngồi dậy, nương theo ánh trăng ngắm nghía mặt nàng, “Hơi khác đi nhỉ.”
Nàng không đáp lời.
“Một năm trước ta có đi Tokyo một chuyến, em không biết sao?”
“Sau đó thì biết ạ, Lý tiên sinh có để lại thư cho em.”
“Phải, em đi cùng bạn ra ngoài chơi, ta ở đó một tháng, còn chưa nhìn ra nơi đó có gì náo nhiệt hơn Phụng Thiên lại đã trở về.”
“Có thấy ngân phiếu ngài để lại, vương gia ngài còn thương em.”
Lời nàng nói khiến chàng bật cười như nghe được chuyện gì thú vị lắm, cuối cùng cũng chịu gọi tên nàng: “Minh Nguyệt, em đúng là học được trò trống thật nhỉ, biết cảm ơn, khách sáo với ta rồi?”
Giọng điệu chàng quái đản khiến nàng chẳng biết phải tiếp lời sao, mãi đến khi chàng khoát tay: “Đi cả một quãng đường xa vậy rồi, lui xuống nghỉ ngơi đi.”
Nàng quỳ hai, ba canh giờ, nói được với chàng chừng mười câu, rồi cứ thế bị chàng đuổi đi, bèn hành lễ, chậm rãi bước ra khỏi cửa. Ra ngoài rồi mới phát hiện ra bóng đêm đã buông màn, mây đen đùn lên từng đám, che lấp mặt trăng và sao trời, bóng tường vây lầu gác cái dài cái ngắn cao thấp không đều, bọn tôi tớ đã thu hết những chậu cây cảnh quý đặt bên ngoài vào nhà, nhà cửa bỗng trở nên trống trải tĩnh lặng, hệt như một cái huyệt khổng lồ.
Shuji đến Phụng Thiên đã được một tháng, vẫn luôn quanh quẩn bên công ty của cậu mình Ishida Hideyoshi để làm quen với môi trường, kết bạn với đồng nghiệp, đồng thời lên lớp học tiếng Trung. Công ty Ishida Hideyoshi mở là một công ty xây dựng, thiết kế và giám sát quản lý đều là người Nhật Bản, cũng mời không ít người Trung Quốc tới phụ trách thiết lập mạng lưới quan hệ. Tại đây, Shuji còn gặp được một đàn anh cùng đại học, tên là Oda Akira.
Công ty sắp xếp kí túc xá cho anh ở cạnh bưu cục thành phố, là một tòa nhà mới cao ba tầng, rất nhiều người Nhật Bản tới đây làm ăn đều ở chỗ này, còn có cả người thân của quân binh. Mỗi căn hộ trong tòa nhà này đều có phòng vệ sinh và phòng tắm riêng, dưới nhà có không ít quán xá, điều kiện sinh hoạt vừa tốt vừa thuận tiện. Căn hộ Shuji ở có một phòng ngủ một phòng khách, chủ nhân trước là một họa sĩ đến từ Shikoku, đồ đạc đã dọn hết đi, chỉ để lại một bức tranh thủy mặc vẽ núi Phú Sĩ treo bên cạnh cửa sổ hướng nam, Shuji thấy rất thích nên giữ lại. Trừ bức tranh ấy ra, thanh niên độc thân anh còn có một cái giường bằng đồng, hai cái xôpha, một bộ bàn ghế vẽ tranh, một tủ âm tường, một đài rađiô, và cả đèn điện. Còn có một đống cây xanh lớn anh vơ vét ở chợ Bắc sau khi đến nữa.
Trước Tết Trung Thu, trời nổi gió mấy ngày, lại đổ một ngày mưa. Tiết trời đúng là lạnh thật, anh mua một cái áo khoác dày, lục được mảnh giấy viết địa chỉ Uông Minh Nguyệt để lại cho mình trong túi áo tây trang cũ. Một sáng thứ Bảy, Shuji tự mình gọi một chiếc xe ba gác, tìm đến số hai tám phố Vũ Lộ, tới rồi mới phát hiện ra, nơi này dường như là một tòa phủ đệ chỉ nhỏ hơn hoàng cung có tí teo.
Anh bước tới cầm khoen nắm cửa hông gõ cửa, một người đàn ông ngoài tứ tuần ra mở cửa, nói bằng thứ tiếng Trung anh nghe chẳng hiểu gì, Shuji ngẫm nghĩ, chỉ nói: “Uông Minh Nguyệt?”
Người đàn ông ngó anh một lượt từ đầu xuống chân, lắc đầu xua tay, một lần nữa đóng cửa lại.
Shuji kiểm tra đi kiểm tra lại địa chỉ, rõ ràng không sai chút nào, nhưng anh nghĩ không ra, lại không biết tiếng, chỉ đành đi khỏi con phố kia. Phía nam là chùa Từ Ân, cổng chùa đang rộng mở, tín đồ sư sãi ra ra vào vào, Shuji bước lên mười bậc, cũng vào chùa tản bộ một vòng.
Trước cửa chính điện chùa Từ Ân đặt bốn ang nước tròn to lớn, trong ang nuôi hoa sen, cá chép và cả ếch. Một vài thợ xây đang sửa chữa cột nhà sườn bên, Shuji nhận ra họ đang trộn cát vào vôi, tỉ lệ không nhiều, chẳng thể gọi là ăn bớt cắt xén nguyên vật liệu, nhưng cát ít, đất mềm lại nhiều, hơn nữa trộn chế vật liệu quá nhanh, sẽ không đảm bảo được độ cứng. Shuji ra dấu bảo thợ xây thêm cát vào, họ thấy anh chàng người Nhật diện tây trang này quơ tay múa chân, đều cảm thấy rất mới lạ, dừng tay không làm nữa mà nhìn anh, vừa lau mồ hôi vừa cười.
Hòa thượng trụ trì cùng một người từ chính điện đi ra, người nọ mặt thon anh tuấn, mày dài mắt dài, khuôn mặt trắng muốt như ngọc, mặc bộ trường sam bằng lụa màu xanh ngọc, ăn vận sang quý, cánh tay phải chàng hơi giương ra, trên cẳng tay đỡ một con ưng nhỏ, ngón tay cái đeo một chiếc nhẫn ngọc bích.
Đám thợ xây nói với trụ trì: “Thầy xem, anh người Nhật này còn dạy bọn tôi làm việc này.”
Trụ trì bảo: “Các vị chịu khó một chút, đừng để lỡ giờ công.”
Đương nhiên những lời này Shuji nghe không hiểu, anh chỉ nhìn ra một đám thợ xây tay nghề chẳng ra sao thái độ thì nhàn tản, một ông sư già nua và một tay quý tộc chơi ưng, thế là không lý đến họ nữa, tự mình ngồi xổm xuống, bỏ thêm hai xẻng cát vào, quấy quấy ba vòng theo chiều kim đồng hồ rồi ném xẻng, phủi tay, nghênh ngang bỏ đi.
Shuji lại một lần nữa chạm mặt người kia, cũng một lần nữa trông thấy chiếc nhẫn ngọc bích chàng đeo trên ngón cái.
Yến tiệc phủ đại soái, cậu mua lễ vật dẫn anh cùng đến, anh bắt gặp người đàn ông trẻ tuổi ấy ở sảnh, ngồi trên xalông cạnh máy quay đĩa uống rượu hút thuốc, cậu ân cần thăm hỏi hàn huyên với chàng, người này lại vô cùng ngạo mạn, chẳng đoái hoài gì đến.
Shuji hỏi cậu người này là ai.
Cậu vừa bị làm lơ mất thể diện, đầy một bụng tức, mỉa mai nói với Shuji: “Hiển Sướиɠ, họ Ái Tân Giác La, tiểu vương gia kỳ chủ triều Thanh (*), không coi ai ra gì, ăn chơi lêu lổng, chim chóc gái gú cái gì cũng chơi, thân phận hoàng thân quý tộc thì sớm đã mất rồi…”
(*) Bát Kỳ là một chế độ tổ chức quân sự (và cả dân sự, giống như các nhóm bộ lạc) đặc trưng của người Mãn Châu và nhà Thanh (sau này), mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, có tám đơn vị, gọi là kỳ, người đứng đầu gọi là kỳ chủ.Shuji tiếp lời: “… Tiền cũng thua sạch?”
Cậu khựng lại, nuốt một ngụm nước bọt: “Tiền? Tiền thì vẫn còn… Hắn mỗi ngày bán một mảnh đất thêm một thỏi vàng là đủ để sống tốt đến tận đời con cháu…”
Shuji nghe xong mỉm cười: “Chuyện này cậu cũng biết?”
“Tới đây không phải là để đào vàng sao?”
“Cậu muốn làm ăn với hắn?”
Cậu anh thoáng trầm ngâm: “Khó mà làm được, nhưng cũng không phải là không có cơ hội… Đi, cậu giới thiệu cho cháu vài người bạn…”