Nam Anh là một người thú vị hơn Thuỵ Nhiên tưởng. Cậu ta không rụt rè, cũng không đần độn. Cậu ta hiểu rộng, biết quan sát và biết bản thân mình là ai để tránh phiền hà.
"Đó là phương thức sống sót của một tên mập có nguy cơ sẽ bị bắt nạt giữa chốn học đường này." Nam Anh nói. "Chị không biết đâu, bạo lực học đường là thứ đáng sợ và nó có thể theo người ta mãi sau này."
"Chị cũng không rõ, nhưng có lẽ chị từng là người làm điều đó." Hồi cấp ba, Thuỵ Nhiên có thể vùi dập bất cứ ai làm trái ý cô, hoặc là cố tình muốn hơn thua với cô.
"Chị có bao giờ thấy hối hận không?" Nam Anh hỏi.
Thuỵ Nhiên suy nghĩ một lúc rồi gật đầu: "Chị có." Nhưng đó là khi người ta phải gặp biến cố về cuộc sống thì những dằn vặt lương tâm mới trỗi dậy. Cô nói tiếp: "Nếu em bị ai đó đánh em hãy cứ phản kháng lại. Bằng bạo lực, bằng sự nhân từ hay bằng bất cứ cách nào khác là quyền lựa chọn của em. Nhưng em đừng bao giờ im lặng và chờ cho cái đám khốn nạn đó ăn năn hối lỗi về điều mà chúng đã làm."
"Nhưng chị nói chị có hối hận mà?"
"Đó là vì chị đã bị dạy cho một bài học nhớ đời."
"Là việc này sao? Hoán đổi thân xác ấy."
"Đúng thế."
Thuỵ Nhiên mơ hồ nói: "Có ẩn ý gì về điều này không? Người đã khiến những điều điên rồ này xảy ra là ai?"
"Đó cũng là điều em đang tìm kiếm."
"Vậy sao bố em lại chết? Còn ông nhà thơ kia thì sao?"
"Bố em là một người bố tốt, nhưng không phải là một người chồng tốt. Trong suốt những năm tháng sống chung với mẹ, ông đã làm mẹ buồn nhiều. Nhưng đó không phải vì ông không yêu mẹ, chỉ là ông không biết cách thể hiện. Cái chết đến bất chợt khiến bố càng lâm vào khủng hoảng hơn. Ông ruồng rẫy mẹ như thể mẹ chính là căn bệnh quái ác làm ông đau đớn. Cuối cùng, ông chọn cách tự tử."
"Ở một khía cạnh nào đó, chị cũng tự tử."
"Nhưng chị không tự tử đúng không? Cái chết ấy bị nguỵ tạo thành một vụ án, hoặc một vụ tai nạn."
"Đúng thế."
"Lại có thêm một điểm chung nữa. Rằng cái chết thật sẽ bị che giấu."
"Để làm gì cơ chứ? Chẳng phải sẽ có người vào tù oan sao?"
"Chị có bao giờ đi thăm tù người chị cho là gϊếŧ chị chưa?"
Thuỵ Nhiên như một căn hầm được thắp lên ánh sáng. Câu hỏi của Nam Anh làm những nỗi buồn đang ứ đọng trong cô tan ra. Đúng là cô chưa bao giờ đi thăm Q. Cô cứ quay cuồng với những khúc mắc của bản thân, làm những việc mà trước đó bản thân vẫn làm, giải quyết những mâu thuẫn, uẩn ức mà cô phải gánh chịu khi còn sống. Về cái chết trước đó của bản thân tại sao lại vậy thì cô chưa từng đi tìm hiểu.
Cho dù sống lại một lần nữa hay một vạn lần nữa, thì con người vẫn sẽ bị cuốn vào những vòng xoáy chấp niệm. Họ không thể buông bỏ những chuyện mà đáng ra ở một kiếp sống khác, chỉ cần họ đặt xuống là sẽ không còn đau khổ nữa. Tại sao cô không thể sống tiếp cuộc đời của Ngọc? Tại sao cô không chạy đi thật xa khỏi nơi chốn đã gieo cho cô biết bao nỗi buồn và nỗi hoang mang này để bắt đầu lại? Là vì cô vẫn là chính cô, vì tâm trí này vẫn còn vương vấn quá nhiều thứ.
"Chị nghĩ chị biết phải làm gì tiếp theo rồi, chị đã có kế hoạch Nam Anh ạ." Thuỵ Nhiên đứng bật dậy, cô nắm chặt vai Nam Anh đầy cảm kích. "Cảm ơn em nhiều lắm!"
"Khoan đã." Nam Anh bắt lấy cổ tay cô. "Có phải chị định đi gặp người đàn ông đó không?"
"Đúng vậy." Thuỵ Nhiên nhất thời không hiểu được.
Nam Anh im lặng một lúc lâu như để suy đoán, rồi cậu nói: "Em nghĩ là anh ta không còn ở đó nữa."
"Ở đâu cơ?"
"Ngục tù ấy."
"Ý em là Q. không ở trong tù sau khi bị bắt á?"
"Em nghĩ vậy. Nhưng hãy thử đi xem sao."
Thuỵ Nhiên không suy nghĩ gì nhiều, cô cùng với Trâm và Nam Anh trốn học ngay sau đó. Trâm tuy không hiểu đứa bạn trời đánh của mình đang nghĩ gì, nhưng chắc chắn nó bị bạo hành đến phát điên rồi. Tiết sau là tiết Toán - một tiết học mà Ngọc rất yêu thích và từng tuyên bố sẽ không ai kéo cô ra khỏi lớp được trong khi thầy đang giảng. Nhưng Trâm cũng có kế hoạch của riêng cô, vì cô thật sự muốn biết những thay đổi lớn lao này của Ngọc là vô tình hay cố tình. Là cô bị thao túng hay chính bản thân cô muốn như vậy.