Chương 1: Túi gạo của mẹ

Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Khi cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đỗ ập xuống đầu họ. Người cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, quyết không đi bước nữa. Bà biết, bây giờ bà là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Bà cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn dài trên gò má mẹ.

Học hết cấp 2, cậu con trai thi đậu vào trường cấp 3 trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn thêm lên vai người mẹ. Nhưng ông trời quả khéo trêu ngươi, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căng bệnh quái ác làm người mẹ liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ bà chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin mẹ cho cậu nghỉ học:

- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, lại còn một tháng đóng 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

Nhưng người mẹ vẫn kiên quyết:

- Có thế nào con cũng không được nghĩ tới chuyện bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ khổ thêm. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Đến khi nóng giận quá và không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai 16 tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở...

Nghe mẹ, cậu con trai khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con khuất dần...

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác một bao tải cũ sờn, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Bà đến nộp gạo cho con trai. Bà là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, bà đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.

Thầt Hùng phòng giáo vụ nhìn người mẹ nói:

- Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Người mẹ cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

- Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền thế này cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng, vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh mốc đỏ, cả tấm nữa đây...còn có cả ngô nữa... Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao nấu cho các em ăn được.

Thầy vừa nói vừa lắc đầu:

- Nhận vào.

Thầy nói, không ngẩn đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng. Bà khẽ khàng đến bên thầy nói:

- Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

- Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.

Thầy nói và vẫn không ngẫn đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang lay hoa, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Bà chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

***

Đầu tháng sau, người mẹ lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được hay không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế! - Ngườu phụ nữ bối rối.

- Thật buồn cười chị này! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào! - Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngần đầu lên nhìn người mẹ.

Người mẹ im bặt, mặt bà trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Bà lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lạng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng bà liêu xiêu, đổ vẹo trông cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

***

Lại sang đầu tháng thứ ba của kì nộp gạo. Người mẹ lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫn lưng áo. Bao gạo nặng dường như quá sức đối với bà.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận!

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bùng phát. Bà khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, bà khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu mình đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ này khóc tấm tức đến thế.

Người mẹ khéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân teo quắt lại.

- Thưa với thầy, gạo này là do tôi... đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thấy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm... Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất!

Đều đặn ngày nào cũng thế, khi trời còn tờ mờ, xóm làng còn chưa thức giấc, người mẹ đã lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Bà đi khắp hang cùng, ngõ hẻm của xóm khác để xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Bà không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng đỡ người mẹ đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ:

- Chị đứng lên đi! Chị làm tôi thật bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lại thầy. Giọng chị van lơn:

- Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Bà kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà bà mang một hàm ơn lớn, đưa tay quẹt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ấy. Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn để nhận học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào một trường đại học danh tiếng nhất của cả nước. Trong buổi lễ vinh quang ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướиɠ.

Có một điều rất kì lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, ba bao tải xù xì được đạt trang trọng phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc, không hiểu bên trong chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm hôm ấy, thầy hiệu trưởng trầm giọng kể lại câu chuyện người mẹ đi ăn xin nuôi con học thành tài. Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao tải mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

- Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và tình cảm của ngườu mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể nào mua nổi. Sau đây, chung tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu lại nhìn. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

- Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động mạnh về tâm lí. Thế nhưng, chúng tôi vẫn mạng phép được nói ra vì đó là một tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Đó là điều hết sức đáng quý và đáng trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những cử chỉ cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em...

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu con trai ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì cả, mắt cậu nhòe ướt. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước nhiều người như thế. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng dành cho mình. Với bà, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu vô bờ bến mà bà dành cho con trai. Bà không nghĩ được thế nào là hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.

Con trai đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

- Mẹ ơi! Mẹ của con...