Đội lạc đà này xuất phát từ trạm Song Tỉnh, đang định đi đến trạm Lãnh Tuyền để bổ sung nước và lương thực.
Có mười dịch trạm được dựng suốt dọc đường Y Ngô, mỗi trạm cách nhau ngắn thì ba bốn chục dặm, dài thì cách trăm dặm. Trạm Song Tỉnh là dịch trạm đầu tiên bên ngoài Ngọc Môn quan, từ trạm Song Tỉnh đến trạm Lãnh Tuyền nhanh thì một ngày, chậm thì hai ngày là sẽ tới nơi. Trạm Lãnh Tuyền là trạm có quy mô lớn nhất trong số mười dịch trạm, phía dưới thành có hồ Mạc Tử được hình thành từ suối ngầm. Ven hồ lau sậy rậm rạp, cây nhót mọc thành rừng. Trong thành có bố trí dịch trạm, cửa hàng lương thực, hiệu rượu, cùng với các loại tiệm hỗn tạp khác nhau. Trạm này cũng là chỗ mà muốn vận chuyển hàng hóa nhất định phải đi qua.
Nước Khang là nước đứng đầu trong chín họ Chiêu Vũ, là tông chủ của tám nước khác. Cư dân trong thành có sở trường làm thương nhân, đàn ông một khi đến tuổi trưởng thành là sẽ được tiễn khỏi quốc thổ đi kinh doanh buôn bán. Tát bảo của đội lạc đà đây tên là Khang Đa Lộc, thường được tôi tớ gọi bằng danh xưng Ngân Sa lão gia. Ông ấy dẫn theo một tiểu nô mười bốn tuổi là Đa Ca để điều khiển xe ngựa, và một tỳ nữ nhỏ mười hai tuổi tên Bà Điện La hầu hạ việc sinh hoạt thường ngày.
Nhóm phụ nữ ngồi trên xe cao bấy giờ đều đã dậy, đang dỗ mấy đứa nhỏ còn ngái ngủ chơi đùa. Đề tài tán dóc nơi đàn bà con gái tụ tập luôn luôn bất biến. Chỉ xoay quanh việc năm nay có kiểu xiêm y hay hoa cài tóc nào đang thịnh hành, làng quê xóm giềng có những đồn thổi gì, trượng phu trong nhà săn sóc ra sao hay lại là người tục tằn thô bỉ, mẹ chồng em chồng ngáng chân làm khó dễ thế nào, trong nhà ngoài ngõ phải bày mưu tính kế gì.
Xuân Thiên được mợ là Tào thị chăm sóc nhiều năm, thời điểm Tiết phu nhân không nơi nương tựa, sắc mặt của mợ với nàng lúc nào cũng là vẻ mất kiên nhẫn. Nhưng khi Tiết phu nhân được thương yêu sủng ái, thái độ của mợ đối với nàng lại biến thành "bảo sao làm vậy", quả thực cứ như nàng là con gái ruột. Nàng bài xích kiểu sống này... phụ nữ mãi chỉ có quần quanh sau nhà, chị em dâu chị em họ so bì tị nạnh nhau từng li từng tí, nhà quan lại phú quý là như thế, bách tính bình dân cũng chả khác bao. Cứ như thể chiến thắng đối phương trong mấy chuyện lông gà vỏ tỏi vụn vặt, cũng là đã đạt được thành công và niềm vui sướиɠ to lớn của cuộc đời.
Nàng quấn áo lông cừu ngồi trong góc, ngắm nhìn cảnh vật đằng xa xa. Mặt trời chậm chạp nhô cao sau cồn cát, sắc cam lan tỏa, ban mai như dải tơ màu, cồn cát mềm mại rạng ngời, như hơi thở vừa nhẹ nhàng lại vừa yên ả của đất trời.
Lý Vị nghe tiếng phụ nữ cười đùa ồn ào phía sau, hắn rời khỏi một đội gia binh đến coi Xuân Thiên. Phụ nữ trên xe cao thấy vóc người hắn cao lớn, tướng mạo uy vũ, nhịn không được mỉm cười nhìn từ trên xuống dưới một lượt. Lý Vị hơi khom lưng chào hỏi mọi người, tới đứng bên cạnh Xuân Thiên: "Có đói bụng không?"
Nàng gác sườn mặt mình lên đầu gối, hãy còn đắm chìm trong cảnh mặt trời mọc như mộng như ảo. Cho đến tận khi vầng thái dương màu cam hoàn toàn ló dạng sau cồn cát, tia sáng chói lọi chiếu rọi mặt đất, nàng mới nhẹ thở hắt ra một hơi, nghiêng mặt nhìn hắn: "Đại gia nói gì ạ?"
Lý Vị ngẩn người, đưa túi nước qua cho nàng: "Uống chút nước đi."
Nàng lắc đầu: "Tôi muốn xuống dưới đi dạo."
Lý Vị đang định đỡ nàng xuống xe, nàng lại lắc đầu, nom có vẻ không chịu. Nàng tự vịn vào rào chắn nhảy phóc xuống dưới, chân hơi loạng choạng, cánh tay được Lý Vị túm lấy, đứng vững vàng trên mặt đất bằng phẳng.
Hai người cứ thế đứng sau xe cao, nhóm phụ nữ trên xe thì thầm khe khẽ: "Tiểu nương tử này ngồi xe mà không rên một tiếng, xem ra là vẫn còn trẻ con, ấy mà lại lấy được một vị phu quân tốt, dịu dàng ân cần thế kia."
"Phu quân đâu mà phu quân." Người phụ nữ từng nói chuyện với Xuân Thiên lên tiếng giải thích, "Trên trán tiểu nương tử còn tóc tơ kia kìa, rõ ràng là cô nương khuê các chưa se mặt. Cô ấy bảo đó là huynh trưởng của cô ấy, không phải vợ chồng gì cả..."
Đội lạc đà kéo dài mấy dặm, liếc mắt nhìn chẳng thấy đầu cuối. Xuân Thiên dắt ngựa của mình đi sau đội lạc đà, bất chấp mặt đường nông sâu ra sao, nàng vẫn mải miết giẫm nát những tảng đất đóng cục lổn nhổn, đôi ủng Hồ bám đầy bụi bẩn. Lý Vị thấy nàng tự dưng để lộ đôi chút... có lẽ là sự bực dọc của một đứa trẻ, lòng hắn dâng khó hiểu, muốn hỏi lại chả biết hỏi gì. Hắn bôn ba bên ngoài quanh năm suốt tháng, thời gian ở nhà với Trường Lưu cũng không quá nhiều, làm sao biết được trong đầu một đứa trẻ có những suy nghĩ gì.
Nguyên nhân Xuân Thiên hờn dỗi chẳng qua là vì hai tiếng "vợ chồng" của người phụ nữ nằm cạnh nàng buổi tối. Lý Vị và Lý nương tử trước nay cầm sắt hòa hợp, đại tang của Lý nương tử vừa mới qua, tuy nàng trong sáng vô tư, nhưng nghe người khác hiểu lầm rằng hai người là vợ chồng, nàng chỉ cảm thấy hết sức khó chịu.
Phải biết rằng vì chuyện của Tiết phu nhân, không biết nàng đã phải chịu bao nhiêu lời ra tiếng vào và những soi mói châm chọc, thế nên trong chuyện nam nữ nàng sao có thể để người ta hiểu lầm mình nửa phần.
Rốt cuộc Lý Vị vẫn không đoán ra được, Xuân Thiên giương mắt liếc hắn một cái, đôi mày thanh tú hơi chau: "Cũng không biết Trường Lưu ở nhà Lục nương tử có quen không, lúc đi tôi chẳng nói năng gì, thấy rất có lỗi với thằng bé."
"Thằng bé mua một con ngựa đỏ nhỏ, nói là muốn tặng cho chị Xuân Thiên của nó, khi về tới mới hay tin cô đi rồi." Lý Vị nói, "Đợi đến lúc về nhà e là con ngựa cũng đã lớn."
"Tôi đi gấp quá, đáng nhẽ nên nói tạm biệt thằng bé." Nàng bảo, "Chờ tôi tìm được chú Trần, đại gia sẽ có thể quay về Cam Châu."
Giữa hai hàng lông mày nàng toát lên nét cô tịch, khóe miệng mím lại đầy bướng bỉnh quật cường.
Đàn ông trực tính sao biết được sự suy sụp của nàng từ đâu mà đến, cứ cho rằng vì đường sá xa xôi, ngồi xe ngựa vất vả mệt nhọc. Nghĩ ngợi một chốc, Lý Vị bèn thò tay vào trong bao quần áo lục lọi hồi lâu, rồi sau đó lấy ra một viên kẹo kem đường được gói bằng giấy dầu ra, là loại mà Tiên Tiên hay ăn lúc Tết, vị ngọt ngào như giọt mật tinh khiết. Lý Vị bẻ miếng kẹo be bé đưa cho nàng: "Này."
Nàng sửng sốt giây lát, thấy kẹo mà tưởng như là thấy ma, lắp ba lắp bắp: "Đại gia, sao ngài lại có kẹo?"
Lý Vị gói giấy dầu lại như ban đầu, cất vào trong tay nải, nhướng mi nói: "À, mỗi khi tâm trạng không vui thì có thể ăn một ít."
Xuân Thiên ngậm miếng kẹo, cho nó tan ra trên đầu lưỡi, mạch nha ngon miệng, vị ngọt đậm đọng nơi đầu môi, mãi rất lâu sau mới có cảm giác nhạt dần. Chẳng biết vì sao, nàng bỗng bật cười khúc khích, mi mắt cong cong.
Mặt trời càng lúc càng lên cao, trời quang không một gợn mây, ánh nắng chói chang như thiêu đốt. Thời tiết dần nóng, Bà Điện La quỳ gối ở một góc trong thùng xe phe phẩy cây quạt, thấy chủ nhân nằm trong đống áo lông mềm mại híp mắt dợm đứng dậy thì bèn dấp nước cái khăn, dịch đầu gối lên trước lau tay cho chủ nhân.
Khang Đa Lộc năm nay vào độ tứ tuần, râu ria để rậm rạp, mắt sâu mũi cao, nhưng lại đội mũ và mặc trang phục của người Hán, ngoại trừ việc tin vào Hỏa giáo thì nghiễm nhiên là một Hán hóa hoàn toàn. Người ngoài gọi ông ấy là Ngân Sa lão gia, bởi lẽ bạc nhà ông ấy ngập đầy như biển cát. Đầu năm nay ông ấy mang mấy túi dạ minh châu đi Lương Châu, đổi mấy chục thồ lá trà và tơ lụa về, định là trở về thành Khang, bán sang cho các nước Tây Vực.
"Đa Ca, Đa Ca, lão gia muốn dùng cơm, dừng xe đi." Bà Điện La vén rèm lên, dùng tiếng Hồ nói với người thiếu niên mắt xanh đang đuổi ngựa.
"Rồi." Đa Ca vung vẩy roi ngựa, hô lên với nhóm gia binh, "Di Thi Niên, lão gia bảo nghỉ thôi."
Mọi người đi đến giờ phút này, đám con ngựa con la đã thở hồng hộc không ra hơi, người nào người nấy ướt sũng mồ hôi. Đội lạc đà cứ thế dừng chân nghỉ tạm, mọi người hầu hết không có nước suối thì cũng có bánh Hồ*, khá hơn một chút thì có thịt khô hay dưa ngâm nước tương làm ấm dạ.
Đa Ca nhảy xuống ngựa, nhóm lửa ngay tại chỗ, rồi bắc một cái vò nhỏ lên luộc thịt dê. Thay vì dùng nước thì lại đong một hũ rượu vang để luộc thịt. Phút chốc, mùi thịt lẫn mùi rượu đã xộc lên cuồn cuộn hòa cùng luồng gió nóng hừng hực, quyến rũ lạ thường.
Luộc chín thịt dê, Bà Điện La vớt thịt đặt vào đĩa vàng bưng lên xe ngựa hầu chủ nhân. Phần thịt rượu còn thừa thì đưa sang cho nhóm gia binh thưởng thức.
Có cậu nhóc bảy tám tuổi ngồi cách đó không xa, ngửi thấy mùi thịt thơm lừng thì hít sâu một hơi, nắm lấy tay áo người phụ nữ: "Mẹ, con muốn ăn thịt."
"Đại Năng ngoan, chúng ta ăn bánh bột."
"Không ăn bánh bột đâu, ăn thịt cơ." Cậu nhóc mếu máo nói, "Ăn bánh bột bao nhiêu ngày rồi, con không thích ăn bánh bột."
Cha đứa nhỏ dựng thẳng mày, kéo đứa nhỏ ngồi xuống, hung dữ trách mắng: "Ăn ăn ăn, chỉ biết mỗi ăn, có bánh ăn còn lèo nhèo, kén cá chọn canh à, không để nhà mi đói chết đã may lắm rồi đấy."
Đứa nhỏ bị răn dạy, nước mắt lưng tròng rưng rức mấy tiếng, mà cha quát cái là nín ngay, lủi thủi đi theo mẹ ngồi lên chỗ cồn cát nhai miếng bánh Hồ một cách khó nhọc, trông đáng thương vô cùng.
Bà Điện La nhảy xuống xe ngựa với cái chén bạc trên tay, mỉm cười bước tới trước mặt cậu nhóc, cất tiếng nói bằng thứ tiếng Hán trúc trắc: "Lão gia bảo... bánh bột cứng khó ăn... ăn thịt dê..."
Trong chén bạc có vài miếng thịt dê, cha mẹ cậu nhóc không dám nhận, đứng dậy từ chối liên tục. Cặp mắt xanh của Bà Điện La đong đầy ý cười, đưa cái chén bạc cho cậu nhóc rồi xoay người chạy về xe ngựa nhanh như chớp.
"Cảm ơn chị..." Cậu nhóc vui vẻ ra mặt, bưng lấy chén bạc ăn ngốn nga ngốn nghiến. Mọi người không nhìn thịt dê mà chỉ để ý đến nét hoa văn rườm rà của chén bạc, vừa nhìn đã biết là đồ có giá trị.
Mẹ đứa nhỏ chính là người phụ nữ bắt chuyện với Xuân Thiên trên xe cao, thấy con mình bưng chén, có hơi xấu hổ, quay sang nói với nhóm phụ nữ con nít chung quanh: "Thằng bé này... thật khiến mọi người chê cười... Ngân Sa lão gia sống xa hoa không nói, mà ngờ đâu còn là người có tấm lòng vàng như vậy."
"Thậm chí ăn cơm thôi cũng dùng cả chén bạc đĩa vàng, giàu có cỡ đấy, thảo nào phải mời cả tá hộ vệ đi theo cùng." Có người phụ nữ tỏ vẻ ước ao, "Mang theo cơ man là thồ hàng, bán đi rồi thu về lắm tiền lắm bạc, tiêu xài cả đời chẳng cần băn khoăn."
"Nghe nói một viên minh châu của ông ấy bán được cả năm vạn quan tiền, nhà cửa thì nằm rải rác khắp Trường An, Lương Châu, Cam Châu..."
Xuân Thiên nhai bánh Hồ, nghe tiếng bàn tán xì xào của mọi người. Nàng phóng tầm nhìn ra chỗ xe ngựa, cửa sổ xe được Bà Điện La chống lên, để lộ bàn tay đang gác phía trên của một vị thương nhân trung niên người Hồ, ngón tay đeo ba bốn chiếc nhẫn ngọc, quần áo lụa hảo hạng. Hồ thương thanh thế lớn nhường ấy, hẳn là đã liên lạc với các thành các trấn, trạm dịch và thủ tróc* ven đường thu xếp ổn thỏa rồi, quan văn kiểm tra rất lỏng lẻo, thường sẽ coi mặt mũi rồi cho qua luôn. Nàng nhìn bóng lưng Lý Vị, hắn đang nói chuyện với Di Thi Niên, đẩy đưa túi rượu, khí khái lan tỏa, có lẽ hắn cũng có ý định nương nhờ vào thương đội này, đưa nàng cùng đi đến Y Ngô.
(*Thủ tróc: nơi đóng quân ở khu vực biên giới thời Đường)
Trong đội lạc đà còn có cả thương nhân nhàn nhã đàm luận thời cuộc, kể về chuyện hồi đầu tháng rằng vua Cao Xương sai sứ giả đến Trường An. Sứ giả của Cao Xương đang dừng chân tại trạm Lãnh Tuyền, nghe bảo lần đó phô trương lãng phí lắm. Trong số cống phẩm dâng tặng có kha khá những món tuyệt diệu hết sức, như là gối Minh Diêm*, vải chống cháy, ngà voi, thảm len, chở ước chừng phải mười mấy rương hòm đến Trường An. Nếu đội lạc đà đi mau thì khả năng còn được vào dịch trạm mục sở thị đống báu vật trên đời hiếm gặp ấy.
(*Gối Minh Diêm: kiểu gối nhồi bằng muối)
Phải biết rằng, Cao Xương nhiều năm có qua lại khăng khít với Đột Quyết, có một độ từng phối hợp cùng Đột Quyết quấy rối Tây Vực. Mấy năm trước sau khi triều đình đại phá Đột Quyết, Cao Xương đổi ngược chiều gió và tỏ ra thân thiết với Trường An, gần đây lại còn cử sứ giả tới Trường An. Tình cảm song phương gắn bó, Cao Xương hiến trân bảo, Trường An tặng thợ thủ công lành nghề, quan hệ hai nước nhất thời không hề tầm thường.
"Sắp đến sinh nhật Thánh nhân, lần này Cao Xương đang vội đi Trường An mừng thọ." Có người nói, "Sứ giả mang theo mười chiếc gối Minh Diêm, có công dụng sáng mắt thông tâm, trị chứng đau nửa đầu. Đây là lần đầu tiên tiến cống, nghe nói mấy năm nay chứng đau đầu của Thánh nhân càng lúc càng nghiêm trọng, tặng cái gối kia quả là khéo chọn thời."
"Cao Xương và Đột Quyết thân thiết vài chục năm, Đột Quyết vừa bị đánh tan tác, vua Cao Xương đã đi nhờ vả triều đình, thật đúng là..."
"Lại nghe nói dưới núi Thiệt La Mạn có kỵ binh Đột Quyết dọc đường xuống phía Nam quấy rối thôn làng của dân du mục, đầu xuân trâu ngựa đang hứng trí, chúng biến chỗ kia thành nơi mù mịt chướng khí."
"Chẳng phải người Đột Quyết đã trốn về Tây Bắc, đến chỗ của dân tộc Hồi Hột vùng Kim Sơn ư? Xuống phía Nam tới núi Thiệt La Mạn khi nào thế?"
"E là lính mất chỉ huy, tro tàn lại nhen nhóm. Có điều binh lực có hùng hậu cỡ nào cũng không sợ."
"Năm đó vua Đột Quyết vừa chết, các bộ Đột Quyết xảy ra nội chiến kịch liệt, rời khỏi Bắc Đình từ ấy. Tôi thấy chờ sau khi các bộ thống nhất, sẽ lại là một hồi chiến tranh ác liệt cho xem." Có người lắc đầu, "Đám mọi rợ đều lớn lên trên lưng ngựa, tinh thần nổi loạn chống đối ghê gớm lắm, gặm không được mà nuốt cũng chả xong. Tương lai đây, có trò hay coi rồi."
Mọi người nghỉ ngơi đã đủ, cho đàn gia súc chở hàng ăn no rồi tiếp tục hướng về phía Tây. Trong bầu không khí oi ả của mùa xuân, dần dần ngửi được một làn hương mật ong thoang thoảng, mới đầu lững lờ lãng đãng trôi theo chiều gió, càng đi lên trước mùi càng thơm nồng. Cuối cùng mùi hương xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng, khiến đầu người ta phình to ra. Xuân Thiên chưa từng ngửi thứ mùi nào ngào ngạt như vậy: "Đây là mùi gì thế?"
Lý Vị trả lời: "Là mùi hoa cây nhót, đằng trước có một rừng nhót, hiện giờ là mùa hoa nở."
Đã vào cuối tháng tư, nếu ở miền Nam thì hoa lựu cũng đã nở rộ tưng bừng. Đúng lúc sắp vào hè, cây nhót trong sa mạc mới vừa trổ bông.
Đi mấy dặm, xa xa phía sau cồn cát là một mảnh rừng nhót rợp màu xanh xám, mấy bụi gai lạc đà mọc lác đác hai bên trái phải. Cây nhót của rừng này không cao, vẻ ngoài trông cũng xấu xị quái dị, vỏ cây nứt nẻ, ngả màu xám xịt nhìn chỉ có cảm giác ảm đạm mất hứng. Có mấy cái lá cây quăn queo lay lắt trên cành cây khô quắt sống dở chết dở. Lá cây khô rang, những bông hoa màu vàng kim nhỏ li ti ẩn mình dưới những cành lá.
Xuân Thiên hít một hơi thật sâu, mùi hương vừa mạnh vừa đậm đặc, bị khí nóng trong sa mạc làm bốc hơi, tưởng như khắp đất trời đều ngập tràn hương thơm ngọt ngào ấy.
"Tiếp tục tiến về trước năm sáu chục dặm là đến trạm Lãnh Tuyền. Nơi đó cũng có rừng cây nhót, hoa nở nhiều hơn chỗ này."
Đội lạc đà chậm rãi băng qua mảnh rừng cây nhót, toàn thân bị nhiễm cả mùi hoa nhót, cùng nhau đi về phía xa.
Đi tiếp hai mươi dặm, bấy giờ thái dương đã khuất nửa trên nền trời đằng Tây, không trung xuất hiện mây tích, sắc trời thoáng chuyển màu tối, thời tiết cũng chẳng còn nóng bức như đúng giữa giờ ngọ. Gió mát thổi hiu hiu, Xuân Thiên cởϊ áσ choàng ngoài, chỉ mặc chiếc áo đơn ngồi trên lưng ngựa. Có người trong đội lạc đà đang thổi sáo, tiếng sáo réo rắt như liễu mới, như suối trong, bay bổng dập dềnh đệm cho tiếng lục lạc, trôi về phía chân trời.
Lý Vị bỗng nhiên mở bừng hai mắt, "xuỵt" một tiếng ghìm Truy Lôi lại, dỏng tai về hướng Bắc lắng nghe. Xuân Thiên nhìn sang theo tầm mắt hắn, chỉ là một cồn cát mênh mông và đơn điệu, nàng hỏi: "Sao thế ạ?"
(còn tiếp)