Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Venise Và Những Cuộc Tình Gondola

Chương 5: Luxembourg

« Chương TrướcChương Tiếp »
Yên bình Luxembourg

Tôi đến Đại Công quốc Luxembourg vào một ngày mùa thu đẹp trời. Từ Liège (Vương quốc Bỉ) chúng tôi lấy xe lửa chuyến sớm nhất lúc mới sáu giờ sáng rồi ung dung mỗi đứa một băng nằm dài ra ngủ tiếp. Trong toa, ngoài nhóm chúng tôi, chẳng còn hành khách nào khác nên mọi người tha hồ thoải mái. Trời chưa sáng tỏ, sương mù vẫn đang phủ giăng, khí lạnh lãng đãng trôi, nhẹ nhàng luồn vào những chiếc lá vàng ươm nép mình trên những nhánh cây gầy guộc mỏng. Xe lửa xình xịch thủng thẳng lăn bánh, băng qua những xóm làng còn mờ mịt trong sương sớm, vượt qua những cánh đồng mượt cỏ non xanh rì.

Đất nước bé nhỏ nhưng thịnh vượng

Đại Công quốc Luxembourg là một trong sau thành viên đầu tiên lập nên khối Liên minh châu Âu EU, nằm lọt giữa Bỉ, Pháp và Đức. Với diện tích nhỏ xinh, chỉ vỏn vẹn 2.586km2, đất nước trải dài từ Bắc chí Nam tổng cộng 82 km và từ Đông sang Tây gói gọn trong 57km. Thế mà ngạc nhiên thay, km2 Luxembourg không bị những nước láng giềng to lớn "ăn mất". Ngược lại, công dân của những nước láng giềng ấy hằng ngày phải đáp xe lửa hoặc lái xe hơi đến Luxembourg làm việc. Có đến 130.000 người nước ngoài ngụ ở sát biên giới sang làm việc mỗi ngày. Dân Pháp chiếm đông nhất, đến 52%, kế đến là Bỉ với 27% và Đức với 21% (theo thống kê vào cuối năm 2006).

Sau một chặng đường không mấy dài trên xe lửa, giữa khung cảnh thiên nhiên thơm lành, chúng tôi đến Đại Công quốc Luxembourg lúc tám giờ sáng cùng với nhiều người nước ngoài tay xách cặp, đóng bộ tươm tất, tác phong đĩnh đạc chảy vào các văn phòng làm việc trong những tòa nhà lớn. Trên lãnh thổ nhỏ bé này có đến 155 ngân hàng và các quĩ đầu tư. Từ hơn mười lăm năm nay, ngoài các ngân hàng tư nhân, Luxembourg còn là nơi phát triển nhất châu Âu trên thị trường đầu tư tài chính. Có khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội phụ thuộc vào ngành tài chính. Và thật bất ngờ khi biết GDP bình quân đầu người của đất nước nhỏ bé này lại vào hàng cao nhất thế giới: 65.900 USD/người. Ngoài lĩnh vực tài chính-ngân hàng, Luxembourg còn là nơi được Liên minh châu Âu đặt nhiều trụ sở hành chính quan trọng như Tòa án châu Âu, Văn phòng Kiểm toán châu Âu, Ngân hàng đầu tư châu Âu...

Đất nước đa quốc tịch, nhiều ngôn ngữ

Người dân ở đây có tiếng nói nước mình, gọi là tiếng Luxembourg. Nhưng họ cũng nói tiếng Pháp và Đức rất trôi chảy, gần như tiếng mẹ đẻ và đây cũng chính là hai thứ tiếng dùng trong văn bản hành chính. Ngoài ra, có đến 15% dân ở đây nói tiếng Bồ Đào Nha do lượng nhập cư từ Bồ Đào Nha sang khá đông. Tuy có nhiều thứ tiếng nhưng trên các bảng chỉ tên đường, các bảng biểu quảng cáo, bảng hiệu..., đa phần đều dùng tiếng Pháp.

Chúng tôi vào một quán cà phê để ăn sáng, nạp năng lượng cho một ngày du hí ở Luxembourg. Bà chủ quán trông thân thiện, tự xưng là Lily, hỏi chúng tôi đến từ đâu rồi vui vẻ đứng lại cho tôi phỏng vấn đủ thứ chuyện. Bà cho biết mình có khả năng nói lưu loát nhiều thứ tiếng, ngoài tiếng Luxembourg, Pháp, Đức, bà còn nói được tiếng Bồ Đào Nha, Hà Lan và dĩ nhiên là tiếng Anh. Vì Luxembourg là đất nước tài chính, mà dân tài chính phải nói được tiếng Anh, nên hầu như tiếng Anh cũng được sử dụng rất thoải mái.Luxembourg có đặc điểm về đa dạng hóa ngôn ngữ vì có đến 40% dân số là người nước ngoài trong tổng số 459.000 dân. Những người nước ngoài này lập gia đình với dân địa phương, con cái ra đời biết nói đủ các thứ tiếng. Bà Lily hài hước nói chắc phải học thêm tiếng Việt, vì hy vọng thu nạp được thêm một thành viên Việt Nam vào đại gia đình hợp chủng quốc của mình. Các em dâu, em rể của bà đúng là đến từ khắp năm châu bốn bể mà đại diện châu Á là một cô Hàn Quốc. Gia đình bà không phải là một trường hợp hiếm hoi mà hiện ở Luxembourg có rất nhiều gia đình "hợp chủng quốc". Trong cùng một gia đình người ta có thể dùng nhiều ngôn ngữ để giao tiếp. Khi ra khỏi gia đình để đến sở làm, người Luxembourglại gặp các đồng nghiệp cũng nói nhiều thứ tiếng, vì người nước ngoài đến đây làm việc khá đông.

Do trong gia đình và trong công sở, mọi người phải cân bằng giữa các nền văn hóa và các tiếng nói khác nhau, người Luxembourg nói chung rất thân thiện, biết nhường nhịn, sống ôn hòa và tôn trọng nhau. "Trên đời này có ba vấn đề không bao giờ người Luxembourg thèm bàn cãi", bà Lily hóm hỉnh nói, "Đó là văn hóa, tôn giáo và tình yêu! Đυ.ng vào những vấn đề này chỉ thêm rách việc". Lũ chúng tôi gật gù khen phải, vậy mà lắm phen chúng tôi cứ hay tranh luận về văn hóa nước này hay nước kia, tôn giáo này tích cực hơn tôn giáo khác, tình yêu này lãng mạn hơn tình yêu nọ. Đó là những vấn đề không bao giờ có kết luận chung.

Bà chủ Lily tiễn chúng tôi ra khỏi quán với lời chúc hãy tham quan Luxembourg thật vui vẻ. "Tuy nhiên hãy cẩn thận vì vật giá hơi cao nhé", Lily nói thêm, "Vì đây là thành phố giàu nhất thế giới mà!".

Sống với thiên nhiên trong lành

Tuy nhiên trong suốt một ngày lang thang khắp thành phố Luxembourg bé nhỏ, chúng tôi không ý thức được sự giàu sang hực hỡ, không thấy được cảnh người dân ăn diện hàng hiệu hay bất cứ một hoạt động gì "khoe khoang" thái quá. Ngược lại, ấn tượng về một đất nước có ngành tài chính phát triển lại là không gian thoáng đãng được thiên nhiên bao bọc quá an lành. Một màu xanh thơm dịu trải dài trong tầm mắt, cuộn tròn và êm đềm ôm thành phố Luxembourg vào lòng. Thành phố được kết hợp rất hài hòa giữa hai phong cách hiện đại và truyền thống đan xen nhau. Những tòa nhà tài chính hiện đại nằm ở giữa trung tâm. Nơi có tòa nhà hành chính Clairefontaine và tượng Quận chúa Charlote được vinh danh ở lối vào. Phong cách truyền thống và thiên nhiên được thể hiện ở khu kiến trúc cổ Kirchberg, khu Grund và khu rừng trải dài ở ngay đó.

Chúng tôi bách bộ trong khu kiến trúc cổ Kirchberg, nhìn những phế tích của một thời vương giả còn sót lại. Chẳng có những tòa lâu đài cao ngạo nghễ, chẳng có những ngọn tháp vươn lên kiêu hùng, cũng không có mọt di tích kiến trúc nào có thể sánh với vẻ đẹp huy hoàng của những thành phố châu Âu lân cận. Nhưng ở Luxembourg, dù chỉ là những bức tường thành phủ rêu phong, những trụ đá vô tri, những bậc thang nhẵn thin..., tất cả đều được trân trọng và bảo tồn. Các lối đi được giữ vệ sinh tối đa, những bảng tên ghi lại dấu ấn lịch sử, những ống nhòm hỗ trợ khách du lịch có một tầm nhìn khả dĩ hơn. Bấy nhiêu đó đủ cho chúng tôi thấy Luxembourg rất biết tôn trọng những gì họ có và vì thế, họ có quyền được mọi người khách ghé qua tôn trọng lại. Chiếc cầu Grand Duke Adolphe được xây năm 1903, cao 84,65 mét bắc ngang thành phố, được xem là một niềm hãnh diện của Luxembourg. Vào thời điểm mới xây, đây là chiếc cầu đá có dây văng bằng sắt dài nhất thế giới. Chúng tôi đi dạo ở công viên phía dưới thân cầu, ngắm những thảm cỏ xanh trải ngút tầm mắt, nhìn những chiếc lá vàng rơi theo từng cơn gió thoảng. Trên một đồi cỏ, người ta dựng những trái cầu màu đỏ, cao chừng hai mét, nằm rải rác từ đỉnh đồi xuống chân đồi như thể ai đó tung những trái cầu khổng lồ cho lăn tự do. Chúng tôi leo lên những trái cầu, chụp hình lưu niệm, khen cho ai có sáng kiến tuy giản dị nhưng rất độc đáo. Những quả cầu đỏ bóng trên đồi cỏ xanh rì như một điểm nhấn duyên dáng, tạo vẻ ấm cúng và cho ta một cảm giác yên bình: con người và thiên nhiên phải hòa hợp với nhau.

Rời Luxembourg cho một ngày ngắn ngủi thăm viếng, chúng tôi đem lên tàu về lại Bỉ những kỷ niệm thật trong lành. Một đất nước nhỏ bé thân thiện, một chiếc đá bắc ngang thành phố, những công viên tràn màu xanh yên bình, những dãy nhà xinh xắn bên bờ kênh lãng mạn, những con người cởi mở nói được nhiều ngôn ngữ, những chiếc lá vàng chao nghiêng cùng những cơn gió thu... Quá nhiều cho một ngày, quá đầy cho một nước, thân thương-dễ chịu-tuyệt vời. Tàu xình xịch đưa chúng tôi đi, tạm biệt Đại Công quốc Luxembourg, tạm biệt đất nước nhỏ xinh, tạm biệt những quả cầu đỏ trên ngọn đồi xanh. Yên bình-yên bình-yên bình...
« Chương TrướcChương Tiếp »