Chương 9: Chuyện anh chị em trong gia đình

Vì để cảm ơn công lao anh Hùng đã giúp đỡ, anh ba quyết định mời anh ấy đi ăn một bữa. Vân Anh thuận theo nhưng thật ra cô cũng khá tò mò. Đối với cô thời bao cấp là thời kì mà các hoạt động như quán ăn rất khó tồn tại. Bởi vì vấn đề lớn nhất là nguyên liệu nấu ăn phải phụ thuộc vào đâu, không có đầu cung thì làm sao cấp được.

Cũng may đây là những năm 1980 đời sống đã có phấn khá hơn, quán ăn cũng xuất hiện nhiều hơn. Anh ba chọn là một cửa hàng mậu dịch ăn uống số 37 đây là một quán ăn thuộc sở hữu của nhà nước. Cả ba vào bàn gọi một vài món đơn giản như rau xào tóp mỡ, tôm thịt cháy cạnh, canh khoai sọ và một dĩa lạc rang muối.

Anh ba có hỏi cô muốn ăn gì thêm không, nhưng Vân Anh lắc đầu từ chối. Cô không nên khiến túi tiền của anh tổn thương trầm trọng hơn nữa, ăn ít một chút không chết được.

Cửa hàng mậu dịch ăn uống này rất nhỏ, cả không gian chỉ chưa được bốn bàn ăn, hơn nữa là ngồi sát nhau mới đủ chỗ. Tường được sơn vàng, đôi chỗ dán giấy báo kín cả mặt tường. Một phần vì màu cửa tường và không gian khiến nơi đây có phần ấm cúng.

Trong khi chờ đồ ăn hai chàng trai luôn miệng nói nhau nghe về những sự kiện quan trong trong những năm vừa qua của họ. Nào là anh Hùng bị mấy đứa người ngoại quốc cao lớn giở trò ăn hϊếp cô lập xong bị anh cho cả đám nhừ đòn, đến việc anh Hùng cặp kè với mấy cô gái ngoại quốc thế nào, ra sao. Riêng cái khoảng đánh nhau với người ngoại quốc, Vân Anh nhìn tướng tá anh rồi thầm bẹp miệng không tin, trông cái tướng như con nhái bày đặt đấm với chả đá.

Anh ba cũng kể khoảng thời gian vừa qua của anh thế nào nhưng cũng chỉ xoay quanh việc học hành rồi tốt nghiệp ra đi làm quản lý cho công xưởng. Vân Anh đợi mãi chả thấy anh kể về việc yêu đương, cô tò mò nhìn chằm chằm anh. Như hiểu ý cô anh quay sang cười rồi nói.

“Em hâm à? Chuyện của người lớn không được tò mò biết chưa. Anh mới không dở hơi kể bậy bạ với em.” Anh ba lau chén và đũa rồi truyền sang cho cô. Anh không kể nhưng cô đoán được anh chắc chắn có yêu đương. Nếu anh không có anh đã kể rồi. Vân Anh quả quyết như vậy, cô híp mắt nhìn anh. Cặp mắt như nhìn thấu hồng trần. Anh chỉ thì thầm đáp trả hai từ “dở hơi”.

Bọn anh lại trò chuyện về những ngày thơ bé, nào là chọc chó, rượt theo xé quần nhau, rồi leo cây bị đâm vào đít. Ôi thôi toàn mấy trò con bò. Xong lại nhắc về những người bạn cũ, thằng nam tiến, thằng thì vẫn còn bên kia, thằng có vợ có con rồi. Chỉ có điều gói gọn lại là ít liên lạc dần.

Dù nói chuyện nhưng mà bọn anh vẫn chăm chú vào việc ăn, anh ba vẫn chủ động lấy cơm cho cô, chủ động rót nước hay gắp đồ ăn từ đầu đến cuối đều rất quan tâm chăm sóc cô. Tâm trạng cô tốt ăn cũng được kha khá, dù là cơm độn, hạt gạo không trắng tinh nhưng có vị rất đặc trưng. Một trong những thứ cô thích nhất ở đây là mùi cơm lúc nấu và vị gạo ngòn ngọt đặc trưng khi ăn.

Bọn anh gọi thêm hai cốc bia rồi nhâm nhi với một ít lạc rang muối vừng. Hạt đậu tròn múp được bao quanh một ít muối mặn và ít vừng giã dập. Khi cắn vào vị bùi của đậu hòa với cái mặn mặn rồi chút thơm thơm của vừng, rất đưa miệng.

Ăn uống no say, cả ba cùng tản bộ độc đường về. Tiện thể là để hai anh chàng kia tán gẫu thêm vài câu song cô cũng đi bộ cho tiêu cơm. Cũng bởi vì hai người này hơn năm năm rồi mới gặp lại nhau, nên nói mãi mà không hết chuyện.

Trời đã sập tối hẳn, không biết ở nhà mẹ Vân có lo lắng cho cô hay không, nghĩ đến đây Vân Anh mới chợt nhớ ra cô còn chưa báo với mẹ tối nay cô về muộn nữa là. Đợi đến khi đưa anh Hùng về tới nhà, chỉ còn lại hai anh em cô mới quay sang nói với anh ba.

“Em quên nói với mẹ tối nay về muộn mất rồi. Hay là lát em lên nhà với em sẵn giải thích với mẹ luôn nhé.”

Anh ba không nói gì, trông anh có vẻ đăm chiêu lắm. Một lát sau anh mới thở dài trả lời.

“Lúc chiều anh có ghé chỗ chị tư em dặn con bé về nói với mẹ anh và em có việc ra ngoài muộn rồi. Anh tạm thời chưa thế về nhà được.”

Nghe anh nói rồi nhìn nét đăm chiêu của anh, cô có thể đoán được phần nào nguyên nhân.

“Vì chuyện anh cả?”

Anh lại im lặng đi về phía trước, đường càng lúc càng vắng, lâu lâu có chút ánh đèn từ các nhà ven đường rọi ra chỉ lúc đó cô mới thấy được vẻ mặt ủ dột của anh. Đợi mãi chẳng thấy anh nói gì cô mới nói tiếp.

“Anh ba này, mấy ngày hôm nay em cũng rất chán nản không muốn về nhà. Em cảm thấy rất khó xử, cảm thấy rất ngột ngạt. Cảm thấy bản thân chẳng giúp được gì lại cảm thấy mình rất cô đơn. Em không biết nên nói gì với chị tư, không biết an ủi mẹ và bố thế nào. Chỉ hôm nay khi gặp anh em mới thấy mình vui vẻ lại, em cứ nghĩ anh sẽ không đá em khỏi câu chuyện của gia đình như chị tư… thật đấy.” Vân Anh lựa chọn nói ra những lời trong lòng với anh. Lúc đầu cô nghĩ vì cô không phải thân chủ nên mới có cảm giác bị tách khỏi câu chuyện. Nhưng nghĩ kỹ lại thì hình như người bị tách khỏi câu chuyện lại là thân chủ, cô chỉ đang thừa kế lại mà thôi.

Chuyện của anh cả, chị tư biết rõ, anh ba cũng biết chị hai chắc chắn biết bởi vì chị tư rất hay mua rau giúp chị hai mỗi ngày, tình cảm của hai người rất tốt. Chỉ mỗi cô chẳng biết gì cả. Cô dường như cảm thấy mình bị tách biệt, cô đã nghĩ như vậy suốt mấy ngày qua cho đến khi gặp anh ba. Anh cho cô cảm giác rất thân thuộc, anh lại rất quan tâm và thương yêu cô… là anh cho cô động lực tiếp cận lại gia đình này.

“Em bị ngốc à?” Anh nhìn cô, mắng cô ngốc nhưng chính anh cũng thấy bất lực. Ở trong nhà anh thương bé út nhà anh nhất, vì tình con bé rất trầm lặng. Nếu so với em tư, bé út nhà anh dường như chẳng tồn tại trong nhà. Con bé chẳng hay gần gũi với chị em gái chứ đừng nói gì anh cả và anh, có chuyện gì sẽ âm thầm chịu đựng một mình.

Chị cả với bé tư là một phe, anh cả với anh là một phe, cho đến khi bé út xuất hiện quy luật này cũng chẳng mảy may thay đổi. Nói là thế nhưng mặc định trong lòng anh cả và chị hai thì người em cuối cùng là bé tư… chỉ là mình bé tư.

Điều đó vô tình thành luật bất thành văn trong lòng mấy anh chị em, chính anh cũng không hiểu vì sao như vậy. Có thể vì con bé ra đời khá cách biệt với mọi người lúc con bé còn chưa hiểu chuyện thì bọn họ đã bắt đầu đến tuổi muốn tách khỏi gia đình. Là khi bọn anh ít nói hơn, ít gần bố mẹ hơn. Cái thói quen bị bé tư quấn lấy nũng nĩu đã tồn tại từ lâu nhưng bé út thì không… mọi người từ chưa quen với sự xuất hiện của con bé chuyển thành không muốn quen.

Mấy năm nhà còn khó, còn đói kém, bố mẹ rất bận rộn. Mẹ thường xuyên tăng ca để kiếm thêm công điểm, bố thì sau giờ dạy trên trường còn nhận dạy thêm lớp bổ túc xóa mù chữ vào ban đêm. Mấy anh chị em thay phiên nhau nấu cơm làm việc nhà phụ giúp gia đình. Việc học thì đứa lớn bảo ban đứa nhỏ, cũng vì vậy anh mới bắt đầu để ý đến bé út nhà anh hơn.

Có hôm anh đi đá banh về thấy con bé ngồi dưới sân trước nhà tập thể thẫn thờ một mình mà chẳng ra chơi với đám nhóc ngoài kia. Anh tò mò nên lại hỏi, con bé không nói, chỉ lặng lẽ theo anh về nhà. Tối đó anh tìm bé tư hỏi thì mới biết lý do. Nguyên do là vì con bé sợ dơ quần áo, bé tư thì sợ em út bị thương sẽ ăn mắng nên không cho bé út xuống chơi cùng. Anh cũng chẳng biết nên giải quyết thế nào chỉ bảo bé tư trông em phải cho em chơi cùng.

Cho đến một hôm bé út bị phỏng khi đi tìm nước uống ở phòng bảo vệ bên dưới nhà tập thể vô tình làm ấm nước trà đổ vào tay. Con bé bị phỏng đau nhưng không dám nói ai biết chỉ sợ nói ra bị mọi người mắng. Mãi đến khi bàn tay sưng phù, bọng nước bị bể đau rát con bé lén khóc ở cầu thang bị anh cả bắt gặp mọi chuyện mới lòi ra. Kể từ lúc đó anh bắt đầu để ý con bé hơn, rồi vì vậy thương con bé hơn.