Tuổi thơ của Lâm Đồng Chi trôi qua tại một ngôi làng nhỏ.
Đó là ngôi làng điển hình ở Giang Nam: được bao quanh bởi các dãy núi; phía trước là những cánh đồng lúa mênh mông; sau làng có dòng suối nhỏ chảy từ trên núi xuống. Nước suối rất trong có thể thấy được những con tôm nhỏ lẫn những chú cua đá ngốc nghếch thường bị lũ trẻ trong làng buộc hai càng lại. Trên hòn đá cuội, con chim bói cá có màu lông ưa nhìn cứ nhảy tới nhảy lui. Phía sau dòng suối là rừng núi, trong đó có rất nhiều loại trái cây làm cho bọn nhỏ chẳng bao giờ kiềm được cái thèm. Mùa xuân có cây trà, nấm. Mùa hè có đào, mận, táo, hạnh. Mùa thu có quả lựu, quả lê, quả cam, hạt dẻ,…Tất cả đều khiến cho Lâm Đồng Chi phải thán phục là “sơn thanh thủy tú” mà bốn chữ này vốn được dùng để miêu tả ngôi làng của cô mới đúng.
Cả tuổi thơ gắn bó với nơi này, Lâm Đồng Chi tự nhiên cũng trở thành một người giỏi bắt chim, trèo cây, hái quả. Vì vậy, mỗi ngày cô đều đeo cái giỏ trúc nhỏ đi cắt cỏ, cưỡi trâu chăn thả, hoặc vào thời gian thu hoạch mùa vụ, cô cũng thường xắn ống quần, khó khăn bắt chước cách cầm chiếc liềm nhỏ đứng dưới ruộng cắt lấy một ít lúa. Nói chung, cô cũng giống như tất cả các người bạn cùng tuổi khác là đều muốn góp một chút sức lực của mình để giúp đỡ gia đình.
Nhưng ngay cả người bạn chậm hiểu nhất cũng biết rằng Lâm Đồng Chi không giống với bọn họ. Người thân nhất của cô chỉ có ông bà, thế nên cô chính là cháu cưng, là bảo bối của hai người. Cách một thời gian dài, ông nội sẽ bế cô bé tham ăn này đặt lên vai mình, đưa cô đi mua bánh, mỉm cười nhìn cô ăn xong. Còn bà nội, mỗi buổi tối bà đều ngồi dưới ánh trăng giúp cô khâu lại quần áo mà khi leo trèo bị cành cây làm rách.
Lâm Đồng Chi mang ghế ngồi bên cạnh bà từ rất sớm. Cô gối đầu lên chân bà, nghe bà khe khẽ kể một đoạn chuyện xưa mà trước nay cô còn bỡ ngỡ.
Những bạn nhỏ khác đều quen thuộc và thân thiết với ba mẹ, anh em. Nhưng đối với Lâm Đồng Chi mà nói thì chỉ có những dịp năm mới, cô mới có thể nhìn thấy ba mẹ của mình, cho nên trong cô ấn tượng về họ luôn mờ nhạt. Còn một người nữa là Tiểu Anh luôn nhút nhát, sợ hãi trốn ở phía sau.
Hơn nữa cô cũng không thích họ vì cô cảm thấy hai người mà mình luôn phải gọi là "ba mẹ", quần áo lúc nào cũng chỉnh tề, cử chỉ lại lịch sự
đặc biệt là những lúc nhìn cô ánh mắt đều rất kỳ quái, làm cho người vốn luôn tự do, vui vẻ như Lâm Đồng Chi chẳng thấy tự nhiên. Mà đứa nhỏ nhút nhát, ngây ngốc kia lại dùng ánh mắt quý mến nhìn cô nên cô rất muốn thân thiết với em. Nhưng khi Lâm Đồng Chi vừa mang theo Tiểu Anh lên núi đi dạo một vòng, em đột nhiên nổi sởi đầy người, lại còn bị hai con ngỗng trắng lớn nhà hàng xóm nuôi đuổi cho khóc nấc lên. Cô phải đi lên phía trước, mỗi tay một con, tóm cổ hai con ngỗng kia lôi về hộ người hàng xóm. Tuy nhiên, đáng nói là lần này trước khi đi ba mẹ còn nén lại nói chuyện với ông bà, nói cái gì mà "nghỉ hè","nhận", "vườn trẻ". Sau khi họ đi, Đồng Chi thấy ông ngồi xổm trên mặt đất cúi đầu rất lâu không lên tiếng, còn bà nội vừa cầm gói kẹo mà ba mẹ mang tới đưa cho Lâm Đồng Chi vừa quay đầu qua một bên không ngừng lau nước mắt.
Trẻ con thường rất nhạy cảm. Có lẽ vì thế mà cô cũng không nhận gói kẹo bà cho. Ánh mắt của cô hết nhìn ông nội lại nhìn bà nội. Cô rất sợ. Hơn nữa Lâm Đồng Chi cho là biểu hiện khác thường của ông bà nội có liên quan đến việc bà cho mình kẹo, vì vậy cô trốn tránh giống như một con sâu róm, không chịu nhận kẹo trong tay bà. Mấy ngày kế tiếp, thái độ của cô khác hẳn mọi khi, không chịu ra ngoài, chỉ im lặng cố chấp đi theo phía sau ông bà, nắm chặt góc áo của hai người.
Nếu là lúc trước, một năm Lâm Đồng Chi sẽ được gặp ba mẹ một lần nhưng năm nay lại không như vậy. Một buổi trưa đầu mùa hè, cô cố hết sức xách chiếc giỏ trúc nhỏ mà cô giả vờ nó đang chứa đầy cỏ, vui mừng chạy vào trong nhà, vừa chạy vừa gọi:"Bà nội ơi, bà mở cửa cho cháu với". Cánh cửa vẫn giống như ngày trước, vẫn mở ra theo tiếng gọi, nhưng hôm nay đứng cạnh cửa chính là ba và
mẹ, hình như họ rất hưng phấn.
Cái giỏ trúc mà Lâm Đồng Chi đang cầm trên tay bỗng rơi xuống, cô lập tức cảm thấy không an toàn. Cô bắt đầu khóc lớn, cố gắng chạy ra bên ngoài. Dĩ nhiên, cô rất nhanh bị bắt lại, nhưng
Lâm Đồng Chi lại nhanh chóng thoát ra từ trong vòng tay hai người. Cô bắt đầu bắt chước một người phụ nữ chanh chua trong làng, nằm lăn xuống đất, vừa khóc thét, vừa lăn lộn, vừa lớn tiếng gọi ông nội bà nội.
Cánh cửa lại mở ra, lần này là bà nội, bà ôm cô, chỉ mới gọi một tiếng "Cháu ngoan" mà nước mắt đã rơi lã chã.
Bà nội chảy nước mắt, liên tục lặp lại mấy lời với Lâm Đồng Chi: "Phải nghe lời ba mẹ", "Phải chăm chỉ học tập", "Khi nào nhớ bà nội thì bảo ba mẹ dẫn cháu về thăm bà ". Những lời như vậy đối với một đứa bé mà nói thì một chút tác dụng cũng không có. Một câu Lâm Đồng Chi cũng không hiểu, cô chỉ biết bà nội đã bỏ đi rồi, sẽ không trở lại cứu cô. Tiếng khóc của cô càng thêm sợ hãi, hai tay cào loạn rồi từ từ dựa vào ba mẹ. Quần áo của cô nhàu hết cả không nhìn ra màu sắc. Mái tóc dính đầy bùn nhão bết thành những túm thô sáp. Giọng nói trẻ con buồn bã liên tục thét lên khiến cho mọi người mủi lòng: "Con không muốn, con chỉ muốn bà nội của con."
Lâm Đồng Chi khóc đến ngất đi. Đợi khi tỉnh lại, cô đã được mẹ ôm ngồi trong xe lửa, ba ngồi ở bên cạnh cúi đầu xuống yêu thương xoa đầu cô. Ánh mắt của cô lướt qua ba mẹ rồi nhìn ra ngoài, sự vật và cảnh tượng xung quanh đã thay đổi, hoàn toàn xa lạ.