Chương 5: Tam Vạn Thôn Trang

Ngôi nhà ngang xây gạch vồ đắp đất, phía mặt trước được làm từ những tấm ván gỗ nằm giữa một làng nhỏ nơi chân núi Linh Sơn, đêm hôm mưa to gió lớn, chớp giật liên hồi vẫn còn ánh đèn dầu lạc heo hắt. Người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần ngồi bên bàn trà bằng tre một mình, nét mặt đầy suy tư.

Bao lâu nay những đêm trời mưa gió ông đều thức trắng ngồi lặng nhìn vào khoảng tối đen ngoài cửa chính, nhìn những tia sét sáng trắng xoá chia bầu thành hai mảnh rồi tắt ngúm. Ông không biết mình chờ đợi điều gì, suốt mười năm qua kể từ ngày về làng, trong lòng ông luôn khắc khoải chờ mong một bóng hình theo khẩu dụ của nhà vua.

Có tiếng bước chân lại gần, ông quay sang nhận ra con trai trưởng Phạm Bỉnh Di cùng con thứ hai, Phạm Cự Lượng đang gỡ nón lá, treo áo tơi bện từ rơm rạ lên vách. Phạm Bỉnh Di năm nay hai mươi sáu tuổi, Phạm Cự Lượng vừa hai tư, đều là những tráng niên.

-Thưa cha, mưa lớn như này ngày mai nước sông sẽ dâng cao, sợ ngập bãi dâu và khu vườn sắn.

-Hai con ngồi uống chén trà cho ấm bụng, ta còn mấy củ khoai hãy để trong nồi, Lượng đem ra đây.

Phạm Bỉnh Di cúi đầu chào cha rồi kéo ghế ngồi, hụp người vắt ống quần ướt sũng, tiện thể anh nói:

-Đêm nay sấm chớp, ban nãy sét đánh thẳng vào cây đa cha ạ.

Con trai vừa nói dứt lời, Phạm Tu giật mình:

-Cây đa có sao không?

-Bọn con đến xem rồi, chỉ có vài cành nhỏ bị sét đánh gãy, cây không hề gì.

Phạm Tu đứng dậy, chắp hai tay sau lưng đi qua đi lại đến khi hai con mời ngồi. Ông nắm chặt bàn tay, đấm nhẹ xuống bàn.

-Như vậy là có điềm, có điềm rồi.

-Điềm gì thưa cha?

Phạm Cự Lượng ngạc nhiên.

-Mười năm nay chúng ta ở đây đã chứng kiến bao cơn mưa lớn, trải qua mấy trận lụt nhưng cây đa vẫn không suy suyển. Đêm nay sét đánh thẳng vào đấy e là báo hiệu cho ta.

Hai anh em nhìn nhau cùng lắc đầu, họ không hiểu cha mình đang đề cập chuyện gì. Ở đây hơn chục năm, hai anh em cùng nhiều người khác đều được căn dặn phải canh chừng cây đa, tuyệt đối không được làm gì hại đến cây, mưa gió bão bùng nếu cây có gãy cành thì nhặt đem bỏ vào gốc. Thậm chí gần gốc đa còn có một điếm canh suốt ngày đêm. Chẳng ai biết vì sao phải làm vậy, chỉ biết đó là lệnh của lão gia, không ai dám hỏi.

-Bỉnh Di, mau mời cô con tới đây.

Bỉnh Di mau chóng chạy đi, Cự Lượng ngồi thản nhiên ăn đến củ khoai thứ hai. Anh hiểu tính cha, cái gì ông muốn cho biết tự khắc ông sẽ nói, hỏi linh tinh lại tai bay vạ gió.



-Lượng! Binh mã con vẫn chăm chỉ luyện tập đấy chứ?

-Dạ, không lơ là.

-Có chuyên tâm đọc trận pháp?

-Chỗ nào chưa hiểu con đều hỏi anh Di.

-Đừng lười biếng, đừng làm đối phó. Nay con chăm chỉ thao luyện cùng anh em, mồ hôi đổ nhiều thì ngày sau ra chiến trường bớt đổ máu.

-Dạ.

-Nhớ lời cha dặn, sớm ngày ra con cùng anh em chia thành từng tốp đi dò la quanh vùng. Hãy tìm người thuận tay phải.

-Nam nhân hay nữ tử, thưa cha?

-Ta không biết.

Phạm Tu quay sang nhìn con trai và cười.

- Chỉ biết là tìm người thuận tay phải, bất kể già trẻ hay lớn bé đều tìm cách mời về đây. Mời chứ không phải bắt.

Phạm Tu nhấn mạnh.

-Dạ!

Đây không phải lần đầu Cự Lượng nghe cha dặn đi tìm người thuận tay phải. Châu Vũ Ninh vốn đã nhỏ, sông Thiên Đức lại chia đôi hai bờ. Bờ Nam thì tất cả anh em tìm hàng trăm lần rồi, cứ có mưa giông sấm chớp là y như rằng sáng hôm sau phải cơm nắm muối vừng đi tìm một người không rõ nhân thân. Đất này người thuận tay phải là rất hiếm, hồi còn ở kinh thành náo nhiệt, trăm người mới có một. Châu Vũ Ninh này dân không nhiều, đã vậy còn bị bắt lính, bắt phu liên tục, lấy đâu ra người. Tìm ở bờ Nam chắc chỉ cần xem nhà nào mới có em bé thì may ra.

Bờ Bắc cũng thuộc châu Vũ Ninh nhưng vùng ấy nhiễu nhương, mò sang đó mà chạm mặt quân của Vũ Ninh vương lại to chuyện. Vũ Ninh vương chiếm cứ bờ Bắc sông Thiên Đức ngót mười năm nay, quân đông lại hung, mò được vào thành Bát Vạn dễ tìm người nhưng có về được không có khi cần đến may mắn.

Mưa đã ngớt, Bỉnh Di đưa cô ruột, Phạm Quý phi, đến. Bà đã ngoài bốn mươi song vẫn trẻ đẹp, giữ được nét cao sang quyền quý dù đã ở nơi thôn dã mười một năm.

-Có tin gì mà bác gọi em đến giờ này?



-Cô uống nước vối hay gì nào?

Cự Lượng đi rót nước cho cô, Phạm Tu đưa mắt ra hiệu hỏi bên ngoài còn có ai, Bỉnh Di khẽ lắc đầu, ông liền bảo hai con ngồi xuống và hạ giọng:

-Ta nghĩ cũng đến lúc cho hai con biết một vài chuyện đã, đang và có thể xảy ra. Chuyện này nghe ở đây xong thì để lại đây, không được mang ra khỏi cửa.

-Còn cái Bình, có gọi nó đến không cha?

Bỉnh Di hỏi.

-Em nó mới mười bảy, đang tuổi ăn tuổi ngủ, giờ gọi nó dậy thì cả cái làng này yên giấc chắc? Hơn nữa chuyện hệ trọng, bớt được một người xem như bớt một hoạ.

Trong ánh đèn dầu, bên cái bàn gỗ nhỏ, mưa đã ngớt, Phạm Tu hạ giọng kể cho hai con nghe vài chuyện đã xảy ra từ mười bốn năm về trước song ông cũng giấu vài điều chưa kể, nhất là thân thế của trưởng công chúa. Ông nói lý do toàn bộ thái ấp ở kinh thành bí mật chuyển về vùng này, thậm chí còn phải đút lót cho quan địa phương để được lập làng, ruộng cũng phải mua từng ít một.. Vì sao mấy công tử nhà họ Phạm, con trai Tả Đô đốc quyền thế đột nhiên phải âm thầm rút từng người một đến nơi này. Và vì sao phải lập tận ba làng chứ không gom ở chung một chỗ…

Ngày ấy thái ấp của Phạm Tu nằm ngoài La thành thường nhận cô nhi và quả phụ đến nương nhờ. Cô nhi nếu không có ai nhận nuôi, Phạm Tu đều nhận là con nuôi, lúc đông nhất có đến hơn năm trăm trẻ cả trai lẫn gái. Bé nhất mới lọt lòng, lớn nhất mới lên mười. Quả phụ có chồng hay con tử trận cũng được cưu mang, ông cho họ ở trong thái ấp làm việc hoặc cứu tế tháng đôi lần.

Đàn ông trong thái ấp khi ấy chủ yếu là lính bản bộ thân cận với Phạm Tu, khoảng hơn năm mươi người. Sau khi nhận khẩu dụ và mật chỉ của Lý Nam Vương, Phạm Tu đã chia người trong thái ấp thành nhiều tốp bí mật rời đi. Lính bản bộ mỗi tốp khoảng dăm ba người, giả trang là lưu dân cùng hàng chục quả phụ dẫn theo hai hoặc ba mươi đứa trẻ đến châu Vũ Ninh. Sau khi tạm ổn định cuộc sống thì về đón người ở thái ấp, cứ vậy mà rút dần.

Phạm Quý phi bị Lý Nam Vương đuổi khỏi cung, chẳng ai đoái hoài bởi bà sinh con gái, con lại đã bị bắt mất, trước được vua yêu chiều nay bị đuổi khiến các bà phi khác mừng còn không hết.

Ba ngôi làng nằm ven chân núi hướng ra sông Thiên Đức tạo thế chân kiềng là: Nhất Vạn, Nhị Vạn và Tam Vạn còn gọi là làng Nhất, làng Nhị và làng Tam. Tổng dân số của ba làng trước khi Lý Nam Vương băng hà là gần chín trăm, hơn một nửa là trẻ con. Còn lại là đàn bà và quân bản bộ do Phạm Tu cho giải ngũ theo về. Những người lính này nhất mực trung thành, đã đem theo gia quyến về làng.

Sau khi Phạm Quý phi bị đuổi khỏi cung, Phạm Tu cũng xin từ quan về quê, bán lại thái ấp cho đồng liêu với giá hơn phân nửa giá trị thực. Chẳng ai đếm xỉa vì em gái ông đã thất sủng, ông về thì ghế dư một cái, mà thời bình quan văn thể hiện tài năng chứ quan võ chỉ là chuyện cũ.

Ngày Phạm Tu rời La thành chỉ có mươi lính theo hầu, ông về gần đến quê thì biệt tăm biệt tích. Mấy tháng sau vua băng hà, quan tướng bận tìm chỗ đứng để đứng đúng chỗ, ai hơi đâu để tâm đến một võ quan hết thời như ông. Trong mười năm qua, Phạm Tu cho người bí mật đến các vùng lân cận, tìm những người già neo đơn, phế binh, trẻ em nơi đầu đường xó chợ… đưa về. Ông muốn ba làng Vạn giống một ngôi làng bình thường nhất có thể.

Có thể nói sau mười năm, người ngoài nhìn vào ba làng này đều không có gì đặc biệt. Những người ở độ tuổi bị bắt đi lính rất ít vì đám tuyển binh đều nhận bạc vàng làm ngơ và Phạm Tu, một võ tướng dày dạn trận mạn, đủ khả năng cất giất binh lực. Người lạ rất khó vào làng khi hai mặt đều được trồng tre, trồng cây phủ kín, bên ngoài chân luỹ có hầm chông. Lối vào làng cũng nhiều cây cối, được bố phòng cẩn mật như một doanh trại.

Mặt sau của làng dựa vào núi Linh Sơn, cách làng cứ hai dặm sẽ có một điếm canh bí mật, lấy ba làng làm trung tâm, có thể nói bán kính bốn dặm xung quanh nếu có người hoặc nhóm người lạ xuất hiện đều sẽ bị phát hiện.

Giao thương của ba làng như mắm muối thịt cá đều ở bến sông. Hiện tại, cả ba làng có tổng số nhân khẩu khoảng một nghìn ba trăm người. Lớp cô nhi từ thái ấp đưa về nay ít nhất cũng đã mười bốn, mười lăm tuổi song làng vẫn có trẻ sơ sinh vì các cô nhi trưởng thành lấy nhau, gần hai trăm cặp đôi, tất cả đều mang họ Phạm, một số ít trẻ mang họ khác.

Mỗi làng đều có một trưởng làng trên danh nghĩa để lo các thủ tục đất đai, cầu cạnh quan trên, tiếp đón đám thu thuế ruộng. Còn thực tế Phạm lão gia, Phạm Tu, có quyền hành tối cao. Bởi chí ít ông có đến hơn năm trăm đứa con, đứa nào đứa nấy đều kính trọng ông hết mực.

Nói một cách giản đơn, ấy là ba làng Vạn là những thôn trang biệt lập, ít giao du với những làng mạc xung quanh.