Giao Châu (交州) là vùng đất rộng lớn trong đó vùng trung châu chiếm ba phần tư diện tích, phía Tây giáp biển, đất đai trù phú, có nhiều sông ngòi, hệ thống sông lớn nhất gọi là sông Đỏ hay Xích giang. Vùng trung du và thượng du là núi nối tiếp tạo thành hình cánh cung trải dài từ Đông Bắc đến Tây Nam.
Dân số Giao Châu ước khoảng hơn 2 triệu người, đa sắc tộc như Mông tộc, Mường tộc nhưng Kinh tộc chiếm đa số. Kinh tộc sống tập trung ở vùng đồng bằng ven biển, hai bên lưu vực của các con sông. Nghề chính của dân Giao Châu là nông ngư nghiệp như trồng lúa, đánh bắt cá, chăn nuôi, dệt vải.
Mạn phía Nam, Giao Châu tiếp giáp với vương quốc Lâm Phồn, mạn Bắc cách với Hoa quốc, một quốc gia hùng mạnh của Hán tộc bởi dãy Liên Sơn hiểm trở. Nhiều năm trước, Giao Châu là đất vô chủ, chịu cai trị của Hoa quốc. Hoa quốc coi vùng Giao Châu là sân sau và người dân Giao Châu không có địa vị trong mắt người Hoa quốc, đồng thời vương quốc Lâm Phồn quấy phá liên miên ở mạn Nam.
Bởi đa sắc tộc nên nhiều cuộc nổi dậy nhỏ lẻ ở Giao Châu mới nổi lên đều bị dập tắt. Hơn chục năm trước, Hoa quốc có binh biến, quân binh chủ lực phần đa phải rút về dẹp loạn, dân Giao Châu nhân cơ hội ấy vùng lên đánh đuổi. Trong hàng chục cuộc khởi nghĩa nổ ra ở thời điểm ấy, khởi nghĩa do Lý Tư cùng em trai là Lý Bảo Thái đứng đầu là lớn mạnh nhất, tập hợp được đông dân chúng dưới cờ.
Lý Tư là người Sơn Tây, một phủ thuộc Giao Châu, ông là con cả trong gia đình ba đời hào trưởng. Bản thân Lý Tư là người có tài, từng làm quan cho Hoa quốc đến chức giám quân nhưng bất bình quan lại tàn ác, Lý Tư từ quan về quê chiêu binh mãi mã chống lại Hoa quốc. Lý Tư liên kết với nhiều nhóm khởi nghĩa ở Giao Châu, dần trở nên lớn mạnh, đánh bại quân Hoa quốc đồn trú ở Giao Châu qua trận đại chiến gần thành Ốc. Tuy đuổi được giặc nhưng Lý Tư chỉ kiểm soát được vùng trung châu, còn vùng thượng du và phía Nam Giao Châu do ác tù trưởng, thủ lĩnh bộ tộc kiểm soát, những nhóm này vẫn chịu ảnh hưởng của Hoa quốc vì nhận nhiều quyền lợi.
Lý Tư lên ngôi vua tự xưng Lý Nam Vương, nghĩa là vị vương đất phương Nam họ Lý. Ông cho đắp đất xây La thành, dựng kinh đô ở cửa sông Tô, một con sông nhỏ gần Xích giang, sắp đặt quan chế, Thái uý đứng đầu quan võ, Tể tướng đứng đầu quan văn và chức Thái sư dạy vua hoặc các vương tôn, hoàng tử, công chúa. Ba chức vụ này là Tam Công, đứng đầu triều. Lý Tư đặt quốc hiệu là Vạn Xuân với mong muốn đất nước thái bình, trường tồn vạn năm.
Vạn Xuân quốc bình yên thuở đầu lập quốc chủ yếu vì Hoa quốc đang lộn xộn song trong nội bộ Vạn Xuân vẫn có những cơn sóng ngầm bởi lợi ích của các nhóm khởi nghĩa đã tham gia dưới cờ của Lý Tư cùng tàn dư của Hoa quốc.
Vào một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp liên hồi, vua ngự trong điện Thái hoà sau một ngày mệt mỏi giải quyết việc quốc gia đại sự. Công bằng mà nói, từ ngày lên ngôi, Lý Tư một lòng vì nước, quên ăn quên ngủ, ông dốc lòng thực hiện tâm nguyện, không muốn phụ lòng dân. Vua đang say giấc, chợt có thanh âm vang vọng trong điện, nghe như xa như gần.
-Hoàng thượng, hoàng thượng! Ngài còn nhớ ta chứ?
Một ông lão dáng người nhỏ thó, tóc trắng như cước búi củ tỏi, da dẻ hồng hào, ánh mắt nghiêm nghị, chòm râu trắng dài ngang ngực vận áo ngũ thân sáng màu, tay chống gậy tre đang đứng cạnh long sàng. Nhà vua choàng tỉnh, nhìn thấy ông lão vội tung chăn quỳ mọp dưới sàn điện lát đá, dập đầu liền ba cái.
-Thần nhân hiển linh có điều gì chỉ dạy?
-Hoàng thượng, đây là lần thứ mấy ta gặp nhau nhỉ?
-Lần thứ ba, thưa thần nhân.
-Lần đầu chúng ta gặp ở đâu? Ta già cả lúc nhớ lúc quên.
-Linh Sơn cổ tự, thưa thần nhân. Ta không bao giờ quên những lời dạy của thần nhân, nhờ ngài mà ta mới dựng được cơ đồ như ngày hôm nay, nhờ ngài mà dân Vạn Xuân mới được hưởng thái bình.
-Hoàng thượng, ngày đó tại Linh Sơn cổ tự, ngài đã nguyện đánh đuổi được quân thù, dựng được nước lo cho muôn dân thì có chết ngài cũng không màng.
-Thưa đúng.
-Tứ thập bát niên tắc tử, ngài nhớ chứ?
-Thưa thần nhân, ta biết tâm đã thành sở đã nguyện, thời gian không nhiều, kể từ ngày lên ngôi, ta ngày đêm lo xã tắc.
-Ta biết, ta biết. Ta cũng chỉ là đến nhắc hoàng thượng, ta thấy được những gì ngài đã làm cho muôn dân, cơ đồ ngài gầy dựng không thể sụp theo ngài được. Ngài cũng biết, ngày ngài băng hà cũng là ngày dân chúng Giao Châu lầm than khốn khổ vì binh đao, nơi này rồi lại chìm trong biển lửa.
Nhà vua phủ phục không nói thành lời, nước mắt rơi lã chã. Vua không sợ về với tiên tổ, ý trời đã định có muốn cũng không đổi được, chỉ là vua không cam tâm nhìn xã tắc mình dốc lòng dựng xây lại tan như mây khói theo vua.
-Hoàng thượng, năm đó sau khi rời Linh Sơn cổ tự, ngài đã gặp ai?
-Ta đã gặp Phạm Quý phi. - Nhà vua thấm nước mắt trả lời.
-Đó chính là nhân duyên tiền định mà ta tác thành cho ngài.
-Đội ơn thần nhân, đội ơn thần nhân.
Ông lão chắp tay sau lưng, đi đi lại lại một hồi ra chiều suy tư sau đó mới lên tiếng:
-Ta sẽ mách cho ngài một phương kế lâu dài, tuy không thể cải mệnh nhưng có thể giúp tâm nguyện của ngài dành cho muôn dân, cho vùng đất này sẽ thành hiện thực.
-Kính mong thần nhân chỉ bảo, ta đội ơn ngài, dân chúng Vạn Xuân đội ơi ngài.
-Ngài hãy chọn trưởng công chúa, cho xuất cung ở lẫn trong dân gian, đổi sang họ khác. Tốt nhất nên cho về gần Linh Sơn cổ tự, đặng ta còn giúp sức.
Nhà vua nhất thời chưa hiểu được dụng ý của ông lão nhưng đây là lần thứ ba ông lão mách cho vua kế sách thoát khỏi hiểm cảnh. Sau khi lên ngôi vương, vua liền cho xây đền thờ Linh Sơn thần nhân gần Linh Sơn cổ tự nhằm báo đáp công ơn, hàng năm vẫn đến tế lễ. Còn nhớ, lúc mới dấy binh khởi nghĩa gặp nhiều gian truân, quân ít lương thiếu, năm lần bảy lượt bại trận. Một lần, vua và thân tín trên đường rút chạy đã tá túc bên ngôi chùa cổ đổ nát ven chân núi Linh Sơn. Nửa đêm vua nằm mộng gặp thần nhân, chính là ông lão này.
Sau khi rời cổ tự, vua gặp một người con gái tuổi mới đôi mươi dung mạo xinh đẹp chạy loạn cùng anh trai, là hai em họ Phạm, cha mẹ và người thân đã mất trong ly loạn. Người anh là Phạm Tu xin đầu quân đánh giặc, hết mực trung thành, xông pha bất bất hòn đạn mũi tên, đã lập nhiều chiến công. Người em gái Phạm thị theo huynh trưởng, sau đó chăm sóc vua cho đến ngày đại thắng trở thành Quý phi.
Vua rất yêu chiều Quý phi bởi đây là người phụ nữ tháo vát, nhanh nhẹn và đặc biệt thông minh sắc sảo.
Ngoài hoàng hậu, vua có hơn mười bà phi, các bà đều hạ sinh hoàng tử, duy nhất Quý phi hạ sinh công chúa, năm nay mới lên ba, cũng là đứa con mà vua hết mực cưng chiều. Nay nghe thần nhân bảo phải đưa con ở lẫn vào dân gian ắt có ẩn tình mà người thường không thể biết.
-Ngài là người túc trí đa mưu, nhìn xa trông rộng, ta chỉ có thể mách được chừng ấy, còn lại để ngài lo liệu. Vận mệnh đất nước này trước sau đều trong tay ngài cả.
-Đa tạ thần nhân chỉ bảo, ta nhất định sẽ nghe theo.
-Hoàng thượng, ngài trước sau đều tin ta không lời thắc mắc, vậy ta cũng nói để ngài vững dạ, ngài hãy nhớ bốn câu này:
“Ngô nhưng không ngô,
Tiền hô hậu ủng.
Phạm mà không phạm
Cơ đồ ngàn năm.”
Nhà vua đọc lại một lượt bốn câu thần nhân vừa nói, trước khi dấy binh, vua cũng ăn học đến nơi đến chốn nhưng bốn câu vừa rồi quả thật chẳng có ý nghĩa gì.
-Trưởng công chúa thuận tay phải, người đến giúp Vạn Xuân cũng thuận tay phải, người ta giao cho ngài còn dụng được đến đâu do ngài tự liệu. Cây đa cổ thụ gần Linh Sơn cổ tự ngày sau sẽ là nơi phát tích hậu duệ của ngài, ngài hãy ghi nhớ. Những gì ta đã căn dặn tuyệt đối không được để lộ, hãy chọn người tâm phúc mà phó thác. Đây cũng là lần cuối ta gặp ngài, vận số Vạn Xuân đều do ngài quyết cả. Ta xin cáo.
Bóng hình ông lão nhạt dần, nhà vua vái lạy rồi đứng dậy đưa tay quệt mồ hôi lấm tấm lăn trên trán. Đèn dầu lạc trong phòng đã tắt tự khi nào, nhà vua đẩy cửa bước ra ngoài ngước nhìn bầu trời lấp lánh những vì sao. Sau mấy năm trăn trở bởi ngày về với tiên tổ đến gần, cuối cùng nhà vua cũng cảm thấy nhẹ lòng, trời cao có mắt, không tiệt đường của Vạn Xuân.
Nhưng Vạn Xuân có trường tồn muôn đời hay hay không, chẳng lẽ đều đặt cả lên đôi vai bé nhỏ của cô con gái mà vua hết mực yêu thương hay sao?