Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa➻➻➻ Phía sau sảnh chính của tửu lâu có một tấm rèm che. Từ nội viện đi ra vừa vặn đến sau tấm rèm ấy.
Nhằm để khách khứa khi đến tửu lâu có thể vui vẻ ăn uống, chủ quán luôn nghĩ ra những chiêu trò níu chân khách như ca múa giống những tửu lâu trong các thành trấn lớn khác.
Nhưng Trấn Nam Hà làm sao có thể có mấy tiết mục ca múa giống như trên thành trấn được. Những phương thức góp vui trong tửu lâu cực kỳ đơn giản, lúc trước thì có cha nhỏ Yến Hạ kể chuyện ở đây nhưng chuyện có hay cỡ nào cũng tới hồi kết thúc. Bởi thế, dạo gần đây tửu lâu xuất hiện thêm một thú vui mới - đánh đàn.
Từ khi người mặc bạch y kia bước ra từ nội viện, ánh mắt Yến Hạ chưa từng rời khỏi người hắn một khắc nào.
Người nọ ôm trong tay một cây đàn gỗ, đứng sau tấm rèm che làm Yến Hạ chẳng thấy rõ diện mạo. Nàng chỉ có thể mơ hồ nhìn thấy thân hình cao gầy và mái tóc đen dài của hắn qua bức màn mông lung mà thôi.
Cách một khoảng xa, Yến Hạ trông thấy hắn ngồi xuống, đặt cây đàn trước người, bắt đầu động tác gảy đàn.
Tấm rèm che phía trước làm người ta không nhìn rõ diện mạo của hắn nhưng Yến Hạ xoa cằm, nghiêm túc quan sát cũng có thể thấy được đôi chút thần thái và dáng vẻ của hắn.
Nàng cứ thế quan sát mọi nhất cử nhất động của người sau màn che, lắng nghe âm điệu nhẹ nhàng tuôn chảy từ phía ấy đến. Mãi đến một lúc sau, tiếng đàn như không sơn linh vũ (*) tràn ngập cả tửu lâu. Tiếng đàn u tĩnh, có hơi không hợp với nơi vốn huyên náo như tửu lâu nhưng dường như vẫn mang chút âm điệu rất tự nhiên.
(*) Thanh khiết, như thật như ảo, cao quý như huyễn cảnh, làm động lòng người đến cực điểm. (Theo Google) Yến Hạ chăm chú nhìn về hướng ấy, dường như đã thả hồn chìm đắm vào trong tiếng đàn, đến cả có người xuất hiện bên cạnh cũng không phát giác.
Đến khi người đó ho nhẹ một tiếng, bún một phát vào ót nàng, Yến Hạ mới bừng tỉnh, quay đầu lại.
Ngồi bên cạnh Yến Hạ chính là người cha mù lòa của nàng.
Đột nhiên thấy cha nhỏ xuất hiện ở đây, Yến Hạ đành thu hồi sự chuyên chú của mình vào tiếng đàn và người đánh đàn kia. Nàng lui lại nửa bước, lí nhí nói: "Cha nhỏ."
"Ừm." Cha nhỏ mỉm cười đáp lại rồi đưa tay lần mò trên bàn. Thấy cha nhỏ sắp đυ.ng ngã hai cái chén, Yến Hạ bèn rót một chén trà đặt vào tay cha nhỏ. Y uống một hớp trà, cười tùy ý hỏi: "Con ở đây làm gì?"
Yến Hạ liếc nhìn bóng người phía sau bức màn xa xa kia, sau đó quay đầu nhìn cha nhỏ, lắc đầu, nhỏ tiếng đáp: "Không... Không có gì."
Có những lúc, Yến Hạ nhìn không thấu người cha này của nàng.
Nghe các cha mẹ nuôi khác nói, lúc trước đôi mắt của cha nhỏ rất bình thường, sau này vì trải qua một trận hỏa hoạn mới thành ra thế này. So với nhị nương và cha thì mắt cha nhỏ không tốt nên hành động cũng không được tiện cho lắm, Yến Hạ luôn tận tâm tận lực chăm sóc người cha này của nàng. Nhưng không rõ vì sao Yến Hạ luôn cảm thấy đôi mắt của cha nhỏ bị hỏng một cách rất kỳ quái.
Ví dụ y luôn không thể nào tìm được đúng vị trí ly trà của mình trên bàn, ở nhà lúc làm gì cũng dùng hai cánh tay quơ quào dò thám, như kiểu hễ không có Yến Hạ dìu là y chẳng đi đâu được. Nhưng mỗi lần ra khỏi nhà đến tửu lâu kể chuyện y luôn tự mình đi được, có lúc đi trên đường, nhìn y từ xa không khác gì người bình thường.
Điều này khiến Yến Hạ có lúc cảm thấy mắt của cha nhỏ không hề hỏng, có lúc lại cảm thấy cha nhỏ mà ra khỏi nhà nửa ngày cũng chịu không nổi. Nhưng những lúc Yến Hạ thể hiện sự nghi hoặc của mình, cha nhỏ đều cười, sau đó nhịn cười nói: "Đôi mắt này của ta đúng thật là không nhìn thấy đường, nhưng nếu con đi lạc ta chắc chắn có thể tìm con về, con tin không?"
Đối với vấn đề này, Yến Hạ chưa từng quan tâm tới, bởi nàng cảm thấy mình không thể nào đi lạc, ngược lại khả năng đi lạc của cha nhỏ càng lớn hơn.
Cha nhỏ nhìn có vẻ còn khá trẻ, có điều không biết vô tình hay cố ý mà để râu trên mặt, trông ra càng già đi mấy tuổi. Yến Hạ không nhìn ra tuổi của y, nàng đoán thế này, nếu như cha nhỏ cạo hết đám râu kia, có lẽ tướng mạo cũng tương đương đám thanh niên đang tụ tập uống rượu trong tửu lâu kia.
Nhưng mà cha nhỏ chưa từng cạo râu nên suy đoán của nàng chẳng thể thành hiện thực.
Trong lúc Yến Hạ ôm một bụng suy tư, ngồi đánh giá cha nhỏ thì y đang nghiêm túc lắng tai nghe, cuối cùng đứng dậy, vỗ tay nói: "Nhạc khúc không tệ."
Yến Hạ ngạc nhiên, một lúc sau mới hiểu cha nhỏ đang nói đến cái gì.
Nàng còn chưa kịp chuyển chủ đề,cha nhỏ đã nghiêng đầu qua, nói: "Con đặt biệt trang điểm là để tới đây nghe nhạc hả?"
Yến Hạ lắc đầu lia lịa, nghĩ rằng cha nhỏ không nhìn thấy nên lầm bầm lên tiếng phủ nhận: "Không phải..."
Cha nhỏ không thèm để ý câu phủ nhận ấy của nàng, y vỗ vỗ vai nàng nói: "Người đánh đàn kia là ai vậy?"
Nghe cha nhỏ hỏi tới người đó, Yến Hạ liếc nhìn hắn một cái, vội vàng đứng lên chắn trước mặt cha nhỏ, lắc đầu nói: "Cha nhỏ, con phải đi về đây..."
Cha nhỏ cười khẽ, lười nhác dựa vào bàn, nói: "Con muốn nghe đàn không bằng để ta đàn cho con nghe. Tên này đàn nghe cũng được nhưng ta không thua hắn đâu."
Yến Hạ khựng lại giây lát, cuối cùng mới mở miệng nói: "Cha nhỏ đừng nói giỡn nữa, chúng ta về thôi."
"Nói giỡn?" Thần sắc cha nhỏ trở nên thật vi diệu, buồn cười hỏi: "Ta nói giỡn cái gì chứ?"
Yến Hạ cụp mắt nói: "Trong nhà làm gì có đàn, con cũng chưa từng thấy cha đàn bao giờ, cha vốn đâu biết đàn, người chỉ muốn con vui nên cố ý nói vậy thôi."
Cha nhỏ bật cười, sờ gương mặt "văn nhã tuấn tú" đã bị một đám râu dày đặc che mất. Y bất lực cười nói: "Phải phải phải, bị con nhìn ra cả rồi, ta không biết đánh đàn nhưng ta biết kể chuyện đấy thôi. Không phải con thích mấy câu chuyện đánh nhau lên trời xuống đất đó sao. Muốn nghe cái gì để cha nhỏ kể con nghe, bảo đảm hay hơn nhạc khúc này nhiều."
Yến Hạ hơi động lòng một chút. Cha nhỏ tựa vào cạnh bàn chờ Yến Hạ trả lời. Ai dè nàng ngơ ngác một lúc cuối cùng lắc đầu, nhỏ giọng đáp: "Nhưng con thích nghe đàn hơn."
Nụ cười trên mặt cha nhỏ tắt dần. Cuối cùng y cũng ý thức được con bé này hôm nay bị làm sao. Y ngồi xuống bàn, vỗ vỗ cái ghế bên cạnh, đến khi Yến Hạ ngoan ngoãn ngồi xuống y mới nhỏ giọng hỏi nàng: "Nói ta nghe, tên đánh đàn đó là kẻ nào?"
Trong lúc hai người nói chuyện, tiếng đàn trong tửu lâu đã dừng, sau một lúc tĩnh lặng qua đi lại có một âm điệu như tiếng suối u ám vọng lại truyền đến. Biểu cảm của Yến Hạ hơi do dự, ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp: "Huynh ấy là cầm sư mới đến trong tửu lâu này."
"Cầm sư mới tới?" Nghe đến đây, cha nhỏ không kiềm được hiếu kỳ, tiếp tục truy vấn: "Từ lúc nào mà trong trấn lại có thêm một tên biết đánh đàn vậy, sao ta không biết?"
Trấn Nam Hà đường xá xa xôi, nằm sâu trong núi, cách biệt hoàn toàn với nhân thế nên trong trấn không nhiều người là bao. Người sống ở đây thường đều biết nhau, trong ấn tượng của cha nhỏ trong trấn không thể nào có tên cầm sư nào đàn được như thế, nếu không mấy câu chuyện y kể làm sao có thể làm mưa làm gió ở cái tửu lâu này bao nhiêu năm qua.
Yến Hạ nhanh chóng lắc đầu giải thích: "Huynh ấy không phải người trong trấn, huynh ấy từ bên ngoài tới. Thời gian huynh ấy đánh đàn là vào buổi trưa, cha nhỏ người thì đến chiều mới tới kể chuyện, kể xong thì đi về nên tất nhiên không chú ý đến huynh ấy rồi."
"Bên ngoài?" Giọng điệu cha nhỏ nghiêm túc hơn mấy phần. Y quay đầu nhìn Yến Hạ, đôi mắt y đã mù từ lâu nhưng cái nhìn này của y khiến nàng sinh ra cảm giác bị nhìn trực diện. Yến Hạ còn chưa kịp tìm hiểm nguồn gốc cảm giác đó thì cha nhỏ đã hỏi: "Hắn tên gì? Từ đâu tới?"
"Huynh ấy... huynh ấy tên Tô Khuynh, đến từ Dĩnh Thành ở phía Nam. Lúc trước gia cảnh không tệ, nghe nói ba năm trước Dĩnh Thành xảy ra chuyện, bị người ta đốt trụi cả, huynh ấy không nơi để về nên mới lưu lạc đến Nam Hà Trấn. Huynh ấy biết đánh đàn, vừa hay tửu lâu trong trấn đang thiếu cầm sư thế là ông chủ liền mời huynh ấy tới, cũng xem như cho huynh ấy một chốn nương thân."
Nghe xong lời giải thích hết sức rõ ràng này của Yến Hạ, nét mặt cha nhỏ khá tệ, y gõ gõ ngón tay lên mặt bàn, hồi lâu sau mới nghi hoặc hỏi: "Sao con biết rõ thế?"
"..." Yến Hạ im lặng hồi lâu không thấy lên tiếng.
Giọng cha nhỏ khi hỏi không tính là lớn nhưng khi ai nấy đều chăm chú nghe đàn thì có hơi ồn ào. Yến Hạ sợ người ta nghe được những gì y hỏi bèn vội vã đứng lên ngăn cản cha nhỏ hỏi tiếp. Nàng thấp giọng giải thích: "Lúc huynh ấy mới tới bị trọng thương lại không biết đường, con gặp huynh ấy trong cánh rừng ngoài trấn, thấy thế mới đưa huynh ấy vào trấn."
"Con?!" Cha nhỏ thật sự không ngờ lại có chuyện này xảy ra. Y nhẫn nhịn để mình không la lên, may mà Yến Hạ kịp thời ngăn những lời tiếp sau đó của y lại.
Yến Hạ hơi mất tự nhiên nhìn người đánh đàn kia một cái, thấy người sau tấm rèm dường như không phát giác động tĩnh bên này mới thở phào một hơi, quay đầu thấp giọng vội vã nói: "Người đừng hỏi nữa mà."
Cha nhỏ nghe ra sự gấp gáp trong giọng nói của nàng, y nhướng mày đáp một tiếng, sau đó thật sự không hỏi thêm gì nữa. Nhưng mà lúc này tâm tư của y bắt đầu đặt hết lên tên cầm sư kia. Vì mắt y không còn thấy gì nên dù rất hứng thú với người nọ nhưng y cũng không thể nhìn thấy diện mạo của hắn.
Thời gian dần trôi qua, đến chiều, cầm sư nọ rời đi, trở về nội viện, cha nhỏ cũng không dò hỏi thêm được gì từ miệng Yến Hạ.
Tiếp đến là thời gian kể chuyện của cha nhỏ rồi. Khách khứa trong tửu lâu luôn là mấy người đó, câu chuyện y kể cũng luôn chỉ có vài người như thế. Lâu dần mọi người đều thuộc nằm lòng tình tiết trong truyện, cũng không còn thấy mới mẻ như trước nữa, bọn họ kẻ ăn người uống không ai để ý cha nhỏ huyên thuyên cái gì. Cứ như vậy đến sập tối, cha nhỏ kể chuyện xong trở về chỗ Yến Hạ, nàng thu dọn đồ đạc rồi cả hai cùng về nhà.
Lúc Yến Hạ và cha nhỏ về đến nhà, nhị nương đang ngồi trên bậc thềm ngoài phòng thuê hoa, cha nuôi thì khiêng mấy túi đồ gì đấy. Yến Hạ chào hỏi họ như thường rồi quay đầu nhìn về hướng phòng của cha lớn. Phòng của y vẫn đóng kín như cũ, bên trong không có âm thanh gì, chỉ có ánh đèn leo lắt trong phòng in lên cửa sổ, ánh lên chút ấm áp.
Phòng của cha lớn luôn đóng cửa, trong phòng tối tăm vô cùng nên khi nào cha lớn tỉnh lại sẽ đốt đèn lên. Yến Hạ biết được thói quen này nên mỗi lần trở về chỉ cần nhìn thấy ánh đèn là biết cha lớn đã tỉnh. Trong mắt nàng, cha lớn tỉnh lại là chuyện tốt, cho dù y cứ ở trong phòng không lên tiếng cũng khiến nàng rất yên tâm.
Xác định cha lớn đã tỉnh, Yến Hạ vào nhà bếp bắt đầu nấu cơm nước cho bữa tối. Ngày tháng luân phiên không đổi ở Nam Hà trấn lại lật qua một trang. Yến Hạ quét dọn căn viện xong, đang chuẩn bị về phòng nghỉ ngơi thì bất ngờ, có một bóng người đang đứng trước cửa phòng nàng, có vẻ đã đợi lâu lắm rồi.
- Hết chương 2 -
P/s: Bộ này khác 2 bộ trước, nam 9 xuất hiện sớm thôi, xuất hiện 1 chương lại biến mất vài chương...:))