Chương 50

Hành động của ông bà Lữ làm mọi người bị sốc. Mọi người định thần lại, lập tức xông tới tách đôi vợ chồng nổi điên ra khỏi Lữ Đồng Đồng.

"Nuôi mày lớn chừng này, để mày học bấy nhiêu sách vở, mày vứt hết cho chó ăn rồi à?!" ông Lữ liều mạng giãy giụa, muốn thoát khỏi những người đang kéo ông ấy lại: "Nếu không phải họ hàng nói với tao, tao cũng không biết mày lên báo! Thể diện của cả nhà bị mày làm mất sạch rồi!!!"

Lữ Đồng Đồng run lẩy bẩy, muốn chạy trốn, nhưng chân của cô ấy đang bó bột treo lên cao, thậm chí không thể xuống giường. Cô ấy chỉ đành lấy chăn quấn mình lại, như thể làm vậy sẽ có thể cách ly với thế giới.

Tiếng khóc của bà Lữ lanh lảnh: "Sao con có thể làm ra loại chuyện này? Rốt cuộc con nghĩ gì?"

Hàn Văn Dật rất muốn hỏi bà ấy: Dì thật sự muốn biết cô ấy nghĩ gì sao? Nhưng anh biết, những người hỏi câu đó, miệng họ thốt ra câu hỏi, nhưng trong lòng lại không có thắc mắc, chỉ có kiên quyết chỉ trích: Sao con có thể suy nghĩ như vậy chứ? Sao con không suy nghĩ như những gì mẹ mong đợi? Sao con không làm những gì mẹ mong đợi?

Càng lúc càng có nhiều người ùa vào phòng bệnh, có người khuyên ngăn, có người kéo lại. Mọi người mỗi người một tay muốn giúp đỡ kiểm soát tình hình, nhưng lại khiến tình hình hỗn loạn thêm.

Lữ Đồng Đồng bị mọi người vây quanh, tách cô và cha mẹ đang nổi trận lôi đình của cô ra. ông Lữ không thể đến gần, tức thở hổn hển bắt lấy quả táo trên bàn muốn ném Lữ Đồng Đồng. Quả táo còn chưa bị ném đi, thì bỗng có người ở bên cạnh kéo cánh tay ông ấy. Ông ấy ra sức vùng vẫy, nhưng sức của người kéo rất mạnh, ông ấy không rút tay ra được. Ông ấy nổi giận đùng đùng trừng người đang giữ mình, phát hiện đó là một chàng trai ngoài hai mươi.

"Buông ra!" ông Lữ quát.

"Chú, cháu là tư vấn tâm lý của Lữ Đồng Đồng." Hàn Văn Dật không thả tay, giọng điệu ôn hòa: "Cháu hy vọng có thể nói chuyện với chú và dì."

Hiển nhiên cha mẹ Lữ Đồng Đồng không thường xuyên lên mạng, nếu không, họ cũng sẽ không biết tin tức con gái gặp chuyện muộn như vậy. Vì thế họ cũng không nhận ra Hàn Văn Dật.

Ông Lữ khinh thường nói: "Tên lừa đảo này từ đâu đến? Cút!"

Hàn Văn Dật hít sâu để bản thân giữ bình tĩnh. Anh nén giọng tiếp tục đề nghị: "Đồng Đồng mắc bệnh trầm cảm, cô ấy không chịu được đả kích. Làm ơn, xin hãy theo cháu ra ngoài nói chuyện một lát được không?"

Lữ Đồng Đồng vừa nhập viện liền bị chẩn đoán chính xác mắc bệnh trầm cảm, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cô ấy suy nghĩ tiêu cực, lựa chọn tự sát để trốn tránh. May mà triệu chứng của cô ấy vẫn chưa tính là cực kỳ nghiêm trọng. Gần đây cô ấy uống thuốc, được chăm sóc và được tư vấn tâm lý, nên tình hình đã cải thiện. Nhưng nếu cứ để mặc cha mẹ cô ấy tiếp tục đả kích, hậu quả rất khó lường!

Nhưng ông Lữ lại có thể khinh thường như cũ.

"Trầm cảm cái gì?" Ông ấy không thể đến gần, bèn hung hăng chỉ ngón tay vào Lữ Đồng Đồng đang nằm trên giường bệnh: "Mày ngồi dậy, đừng nằm ở đó giả bệnh!"

Bà Lữ nghe hiểu hai từ "trầm cảm". Bà ấy khóc lóc chất vấn Lữ Đồng Đồng: "Con có gì để mà trầm cảm? Hả con? Cha mẹ nuôi con lớn chừng này, có khi nào để con thiếu ăn thiếu mặc không? Con nói đi! Tại sao con lại như thế?!"

Họ cứ lý lẽ hùng hồn như vậy, nhưng lại không nhận ra những người xung quanh nghe họ nói xong kinh ngạc không nói nên lời đến mức nào.

Khoảnh khắc này, dù là Hàn Văn Dật cũng mất kiên nhẫn để giao tiếp với họ. Anh không biết màn kịch ồn ào này phải kết thúc thế nào, và khi nào mới có thể kết thúc. Anh chỉ muốn báo cảnh sát ngay lập tức, nếu đôi vợ chồng này không thể giữ im lặng trong bệnh viện, vậy hãy để họ giữ im lặng trong cục cảnh sát.

Lúc này, bảo vệ của bệnh viện cuối cùng đã đến. Bảo vệ đều là những người đàn ông thân thể cường tráng, hành động cũng mạnh mẽ. Dưới sự hỗ trợ của họ, hai vợ chồng cuối cùng vừa được mời vừa bị lôi ra khỏi phòng bệnh.

Khi người trong phòng bệnh rời đi như nước rút, Hàn Văn Dật mới thở phào. Vừa rồi trong lúc hỗn loạn, phòng bệnh bị làm cho bừa bộn, ông Lữ đã tức giận đạp ngã một cái kệ y tế. Anh đi tới đỡ cái kệ lên, sau đó mới trở lại bên cạnh giường bệnh.

Lữ Đồng Đồng co quắp trong chăn, bất động.

Hàn Văn Dật nhìn dáng vẻ này của cô ấy, trong lòng rất không thoải mái. Anh điều chỉnh tâm trạng, gọi tên của Lữ Đồng Đồng. Hồi lâu, người trong chăn hơi cử động một chút, tỏ ý đã nghe thấy anh nói chuyện.

"Đồng Đồng, nếu hiện tại cô là Liễu Hiến..." Anh nhắc nhở chậm rãi ôn hòa: "Cô sẽ làm thế nào?"

Lữ Đồng Đồng không phản ứng.

Hàn Văn Dật không vội ép cô ấy trả lời, chỉ là muốn để cô ấy không đắm chìm trong cảm xúc đau khổ sợ hãi. Lúc này việc cho cô ấy thay đổi góc nhìn để suy nghĩ sẽ có ích cho cô ấy.

"Cô hãy từ từ suy nghĩ. Vài phút sau tôi sẽ quay lại, hy vọng cô có thể cho tôi câu trả lời." Anh nói: "Y tá sẽ ở đây với cô."

Chăn rung nhẹ một cái, là phản hồi của Lữ Đồng Đồng.

Hàn Văn Dật quay người rời khỏi phòng bệnh, đi tìm cha mẹ của Lữ Đồng Đồng.

Đôi vợ chồng ấy không đi xa, họ bị bảo vệ bệnh viện đưa tới hành lang, nhưng họ không chịu rời khỏi bệnh viện, chỉ ngồi trên ghế dài ở hành lang. Bảo vệ không thể dùng vũ lực để xua đuổi, chỉ có thể đứng cạnh canh chừng, để họ không xông vào phòng bệnh lần nữa.

Bác sĩ của bệnh viện đang nói lý lẽ với họ, giải thích cho họ biết bệnh trầm cảm là như thế nào, trách họ không nên động tay với bệnh nhân. Nhưng vẻ mặt ông Lữ lạnh nhạt, bà Lữ cúi đầu khóc lóc, không ai nghe bác sĩ nói chuyện.

Hàn Văn Dật đi qua đó.

Bác sĩ nhận ra anh, biết anh là chuyên gia, vội nhường chỗ. Anh đi tới trước mặt ông bà Lữ, không nói ngay, mà là quan sát họ một lúc.

Lúc nổi giận ông Lữ vô cùng hung dữ, lúc không nổi giận thì ngồi đó lạnh như băng, giống như tảng đá. Còn bà Lữ thì lúc nào cũng mang đến một cảm giác ai oán. Đây là một gia đình có cha nghiêm khắc và mẹ oán giận.

Hàn Văn Dật đứng đối diện hai vợ chồng, tự giới thiệu lại: "Cháu là Hàn Văn Dật, cháu là tư vấn tâm lý của Lữ Đồng Đồng."

Ông Lữ dùng sự lạnh nhạt để thể hiện sự khinh thường của ông ấy. bà Lữ tiếp tục lau nước mắt. Họ coi anh là tên lừa đảo, không hề tin tưởng, thậm chí không thèm để ý.

Hàn Văn Dật bình tĩnh hỏi: "Chú và dì biết Lữ Đồng Đồng từng tự sát chứ?"

Cuối cùng hai vợ chồng đã có phản ứng.

"Nó chết là đáng đời!" ông Lữ lại nổi trận lôi đình: "Sống làm gì, tiếp tục làm cho người khác mất thể hiện sao?"

Người mẹ trái lại không nhẫn tâm như vậy. Bà ấy tràn đầy oán hận muốn phát tiết, bà ấy không chỉ oán trách con gái, mà còn oán trách trời đất. Những điều bị oán trách đặc biệt khác lạ.

"Rốt cuộc Đại học T là trường học kiểu gì? Chúng tôi gửi gắm con mình ở đó, học hết hai, ba năm trời, sao lại bị làm cho ra nông nỗi này?" Bà ấy chất vấn từng câu từng từ: "Chuyện của nó đã ầm ĩ lên tin rồi, nó còn muốn nhảy lầu tự sát! Bệnh viện Đại học T các người còn ngăn cản không cho chúng tôi gặp nó, rốt cuộc các người muốn làm gì?!"

Bác sĩ của bệnh viện nghe mà tức giận, đang định mở miệng tranh luận với họ thì bị Hàn Văn Dật cản lại.

"Chú, dì, vậy mục đích đến đây của hai người là gì?" Anh ôn hòa hỏi.

Tục ngữ có câu "đừng đánh người hay cười". Thái độ ôn hòa thành khẩn của anh khiến hai vợ chồng rất khó để coi anh là kẻ thù. Họ thoáng nhìn nhau, đều không nói gì. Đến làm gì ư? Đánh con bé một trận? Mắng con bé một trận? Xem con bé nhảy lầu lần nữa?

Hàn Văn Dật vừa nhìn liền biết họ chưa từng suy nghĩ về vấn đề này. Họ hoàn toàn bị cảm xúc chi phối hành động, vì thế mà vừa manh động vừa tự phụ.

"Chúng tôi đến dạy dỗ con mình." ông Lữ không trả lời được, chỉ có thể trừng anh: "Liên quan gì đến cậu!"

"Cháu hiểu suy nghĩ của chú." Thái độ của Hàn Văn Dật vẫn ôn hòa như cũ. Anh không phải đến để cãi nhau, anh không phải đến để khoe khoang bản thân thông minh thế nào, nghề nghiệp của anh giúp anh hiểu rằng muốn khiến đối phương nghe anh nói, việc chỉ trích chỉ khiến sự việc trở nên tồi tệ hơn. Cho dù anh không muốn đến mức nào đi chăng nữa, anh phải học cách lắng nghe người khác trước, thì có thể người khác mới lắng nghe anh.

"Chú cảm thấy con mình làm chuyện không tốt, chú là phụ huynh muốn dạy bảo con mình. Cháu rất thấu hiểu."

Ông Lữ chợt ngẩn ra. bà Lữ vô cùng sửng sốt ngẩng đầu liếc nhìn anh. Rõ ràng họ không ngờ anh lại nói như vậy.

"Cháu chỉ tò mò, hai người dự định làm thế nào?" Hàn Văn Dật nói.

Hai vợ chồng lại im lặng. Đôi lúc im lặng là một loại kháng cự, đôi lúc im lặng là vì không biết câu trả lời.

Làm thế nào ư? Nếu nói họ có mục đích rõ ràng gì, đó có lẽ là trút cơn giận của họ, những cái khác đều không rõ ràng.

Hàn Văn Dật nhìn xuống, trong lòng có chút thê lương. Người đã năm, sáu mươi tuổi rồi, bị xã hội tôi luyện nhiều năm như thế, nhưng hành động của họ chưa từng thông qua suy nghĩ tường tận. Ở họ, anh không những nhìn thấy bi kịch của một gia đình, mà còn nhìn thấy sự kế thừa từ đời này sang đời khác. Người thô bạo sẽ khiến người xung quanh mình trở nên yếu đuối, người yếu đuối sẽ khiến người xung quanh mình trở nên thô bạo... Cứ thế tạo nên một vòng tuần hoàn, mãi đến khi có người có thể nhảy ra khỏi vòng tuần hoàn này.

Hai bên cầm cự rất lâu, tình thế này khiến ông Lữ cảm thấy xấu hổ buồn bực gấp bội. Ông ấy lại hung hăng nói: "Chuyện của chúng tôi, không cần cậu lo!"

Hàn Văn Dật bất lực thở dài, có chút mệt mỏi. Người đàn ông này vẫn luôn phẫn nộ. Ông ấy không hiểu rằng phẫn nộ là nỗi đau khổ của kẻ bất lực. Nếu ông ấy không thể thay đổi sự bất lực của mình, thì ông ấy cũng sẽ không thể thay đổi sự phẫn nộ của mình.

Anh ngồi xuống bên cạnh đôi vợ chồng này, chậm rãi nói: "Chú, dì, hai người cảm thấy, nếu đất nước thay đổi pháp luật, tất cả tội phạm dù phạm tội lớn hay nhỏ đều bị xử tử hình, thì sẽ ngăn chặn tận gốc toàn bộ hành vi phạm tội chứ?"

Ông bà Lữ cảm thấy khó hiểu đưa mắt nhìn nhau, không hiểu tại sao anh đột nhiên chuyển sang chủ đề kỳ lạ như vậy. Họ không trả lời, nhưng nét mặt của họ đã đưa ra đáp án: Họ cảm thấy sẽ như vậy.

Hàn Văn Dật khẽ nở một nụ cười: "Cháu cảm thấy sẽ không như vậy. Cháu cảm thấy pháp luật như vậy sẽ khiến người sơ ý lấy một cái bánh mì quên trả tiền trong siêu thị đi cướp kho bạc, khiến người bất cẩn đánh gãy mũi người khác trực tiếp bóp chết người đó, dù sao thì cũng bị tử hình mà."

Anh nói: "Pháp luật quá mức hà khắc cũng được, quy củ cũng được, đều có tác dụng phụ. Hai người cảm thấy thế nào?"

Hai vợ chồng không nói nên lời, ngẩn ra rất lâu, cuối cùng đã nghe hiểu anh đang ám chỉ họ "quảng giáo" quá mức. Nhưng anh ám chỉ ôn hòa như vậy, không rõ ràng như vậy, dù trong lòng họ có nổi giận, cũng không biết nên nổi giận thế nào. Mà những gì anh nói lại không phải đều vô lý.

Chính vào lúc này, từ lối vào hành lang truyền tới những tiếng chân hỗn loạn. Mọi người quay đầu nhìn, thấy vài người mặc đồng phục cảnh sát đi ra từ hành lang.

Cảnh sát đi thẳng tới trước mặt họ: "Chúng tôi nhận được thông báo, là ai gây sự trong bệnh viện?"

Hàn Văn Dật hơi ngạc nhiên. Anh có nghĩ đến việc báo cảnh sát, nhưng anh không kịp làm vậy. Là ai đã báo cảnh sát?

Bà Lữ vừa nhìn thấy cảnh sát liền căng thẳng, oán hận lại bắt đầu xông thẳng lên tầng mây: "Ai báo cảnh sát? Là ai! Chúng tôi dạy con gái mình, sao lại gọi là gây sự?"

Vốn dĩ tình hình đã tạm thời yên ổn, cảnh sát không biết kẻ đầu sỏ là ai, bà Lữ kêu la như vậy, trái lại đã khiến mọi thứ sáng tỏ. Y tá trực và bảo vệ vội kể lại chuyện vừa xảy ra với cảnh sát.

Ông Lữ mặt mày xám xịt, lập tức lại bắt đầu mắng chửi; bà Lữ sợ hãi trong lòng, lại bắt đầu lau nước mắt oán trách trời đất. Nơi này là bệnh viện, trong phòng bệnh vẫn còn rất nhiều bệnh nhân bệnh nặng, họ càng khóc lóc làm ầm ĩ, cảnh sát và bác sĩ càng không thể để họ ở lại.

"Mời hai người theo chúng tôi về đồn lấy lời khai."

Cảnh sát vẫn được tính là khách sáo vỗ vai ông Lữ, ra hiệu cho ông ấy đi theo họ. Nhưng ông Lữ lại tức giận hất cánh tay của cảnh sát thật mạnh: "Đừng chạm vào tôi! Chuyện nhà của chúng tôi, không đến lượt cảnh sát các người lo!"

Đôi lúc sự cường thế rất hữu dụng, đôi lúc cũng sẽ phản tác dụng. Bởi vì cuối cùng họ sẽ gặp phải người cường thế hơn mình.

Cảnh sát nhân dân lấy dụng cụ hành pháp ghi lại từng hành động, lạnh lùng thông báo: "Xin lỗi, chuyện này sẽ do chúng tôi xử lý. Căn cứ "Luật Xử phạt Trị an" điều thứ hai mươi ba, gây rối trật tự nơi y tế sẽ bị phạt cảnh cáo và phạt tiền dưới hai trăm đồng. Nếu các người còn tiếp tục gây sự, làm ảnh hưởng công tác y tế, có thể bị tạm giữ không dưới năm ngày nhưng không quá mười ngày. Ngoài ra, từ chối hợp tác với chúng tôi là cản trở việc thi hành công vụ, có thể gia tăng số ngày tạm giam. Tôi hỏi lại lần nữa, hiện tại hai người có theo chúng tôi về đồn cảnh sát không?"

Hai vợ chồng ngẩn ra. Họ không biết Luật Xử phạt Trị an, nhưng họ nghe hiểu ý của cảnh sát. Đi ngay bây giờ là cảnh cáo và phạt tiền, không đi sẽ bị tạm giam. Họ lớn tuổi như vậy mà phải ngồi tù thì sẽ rất mất mặt.

Sau cùng, hai vợ chồng theo cảnh sát rời đi không cam lòng. Một y tá trực cũng đi theo để cùng lấy lời khai.

Hàn Văn Dật đưa mắt nhìn cảnh sát đưa người rời đi. Họ chưa đi được bao xa thì anh chạy theo.

Anh lấy ra từ trong túi hai tấm danh thϊếp, đưa cho hai vợ chồng. Hành động của anh rất đột ngột, hai người chưa định thần thì đã lần lượt nhận lấy rồi.

"Chú, dì." Anh không đề nghị đôi vợ chồng này đến làm tư vấn tâm lý. Dù anh cho rằng họ cần, nhưng anh biết họ sẽ không làm. Anh nhàn nhạt nói: "Cháu có thực hiện một chương trình, hoan nghênh hai người đến xem."

Hai vợ chồng nắm danh thϊếp, đưa mắt nhìn nhau.

Anh không nói gì nhiều với hai người nữa, quay người đi về phía phòng bệnh của Lữ Đồng Đồng.

...

Lúc anh đi vào phòng bệnh, Lữ Đồng Đồng đã ngồi dậy, đang ngây người nhìn trần nhà. Thấy anh vào, y tá ở cạnh Lữ Đồng Đồng đứng dậy đi ra ngoài.

"Cô thấy thế nào rồi?" Anh ngồi xuống ghế.

Đôi mắt Lữ Đồng Đồng sưng lên, chắc chắn vừa khóc xong, nhưng điều đáng để cảm thấy vui mừng là trông cô ấy không thậm tệ như tưởng tượng. Dường như cô ấy rất mệt mỏi rất buồn bã, nhưng ít ra không suy sụp.

Cô ấy gượng cười, coi như trả lời cho câu hỏi.

Hàn Văn Dật thầm thở dài: "Câu hỏi lúc nãy của tôi, cô suy nghĩ đến đâu rồi?"

Lữ Đồng Đồng nhìn xuống, không nói gì.

Hồi lâu, cô ấy chậm rãi giơ tay. Lúc này Hàn Văn Dật mới chú ý trong tay cô ấy nắm chặt một chiếc điện thoại.

"Nếu tôi là Liễu Hiến..." Cô ấy chậm chạp nói: "Tôi sẽ làm vậy."

Hàn Văn Dật ngẩn ra, bỗng hiểu ra, kinh ngạc trợn tròn mắt. Có thế nào anh cũng không ngờ rằng người báo cảnh sát lại có thể là Lữ Đồng Đồng!

Lữ Đồng Đồng lại ngẩng đầu nhìn trần nhà, bởi vì đôi mắt cô ấy ngân ngấn nước, cô ấy không muốn để chúng rơi xuống. Cô ấy nghẹn ngào hỏi: "Anh Hàn, có phải tôi rất xấu tính?"

Cô ấy chưa từng làm một chuyện đại nghịch bất đạo như vậy. Cô ấy không biết bản thân bị làm sao, nhưng cô ấy tin chắc mình đã làm ra chuyện tội ác tày trời. Bởi vì mặc dù cô ấy cảm thấy buồn bã, nhưng lại không cảm thấy hối hận. Cô ấy không thể dùng sự áy náy để tự trừng phạt chính mình, cô ấy chỉ có thể chờ đợi phát quyết từ Hàn Văn Dật.

Nhưng một lúc sau, cô ấy lại nghe thấy giọng nói dịu dàng mà kiên định của Hàn Văn Dật.

"Cô đã làm rất tốt."

Cô ấy không tin.

"Không phải lỗi của cô."

Cô ấy vẫn không tin.

"Đồng Đồng." Anh khẽ nói: "Tôi tự hào vì cô."

Cô ấy vẫn không có phản ứng. Vài giây sau, hai tay cô ấy ôm mặt, để mặc cho hàng nước mắt đã không thể kìm được từ lâu điên cuồng chảy xuống.

...

Tối nay là giờ ghi hình chương trình "Mười hai" của Hàn Văn Dật. Anh đi ra từ bệnh viện, lập tức lái xe đến trường quay.

Lúc anh đến nơi, nhân viên công tác trong trường quay đang bận rộn chuẩn bị cho việc ghi hình. Đạo diễn của tổ chương trình nhìn thấy anh, vội vẫy tay với anh: "Anh Hàn, anh hãy đi nghỉ ngơi một lát. Khi nào chuẩn bị trường quay xong tôi sẽ thông báo cho anh."

Anh đi thẳng tới đó: "Đạo diễn Vương, tôi muốn thay đổi nội dung hôm nay."

"Hả?" Đạo diễn Vương Vũ rất kinh ngạc: "Đổi nội dung?"

Hàn Văn Dật lấy ra một tờ giấy từ trong túi đưa cho Vương Vũ. Đó là đề cương anh viết trước khi sắp vào trường quay. Chương trình "Mười hai" là chương trình trò chuyện cá nhân của anh, nội dung mỗi kỳ của chương trình về cơ bản là do chính anh vạch ra, nhưng trước khi ghi hình anh cũng sẽ tiến hành thảo luận với tổ chương trình. Tổ chương trình sẽ dựa vào các phương diện như mức độ thu hút khán giả, khả năng lan truyền, xét duyệt,... để đưa ra một số ý kiến và gợi ý cho anh, vì vậy nội dung của chương trình đều là được bàn bạc từ trước, sẽ không thay đổi đột xuất.

"Hôm nay tôi muốn nói về vấn đề này trước. Tôi hy vọng kỳ này có thể phát sớm một chút." Anh nói. Mỗi lần tổ chương trình sẽ ghi hình bốn kỳ chương trình. Nếu hôm nay anh không nói những gì mình muốn nói, thì phải một tháng nữa khán giả mới xem được chương trình kỳ này.

Vương Vũ nhận đề cương anh đưa, đọc nghiêm túc. Sau khi đọc xong, anh ấy cúi đầu nhìn giờ: "Bây giờ là sáu giờ rưỡi. Còn khoảng bốn mươi lăm phút nữa chương trình sẽ chính thức bắt đầu ghi hình. Anh có bốn mươi lăm phút để trau chuốt, nghĩ kỹ lát nữa anh muốn nói gì."

Hàn Văn Dật hơi ngẩn ra. Anh vốn dĩ có chút lo rằng tổ chương trình sẽ từ chối yêu cầu của anh. Dù sao việc thay đổi kế hoạch đột xuất là do anh tùy hứng. Nhưng anh không ngờ Vương Vũ lại đồng ý dễ dàng như vậy.

"Anh Hàn." Vương Vũ cười híp mắt đưa trả đề cương: "Chương trình của anh, do anh làm chủ."

...

Bốn mươi lăm phút sau, Hàn Văn Dật chuẩn bị ổn thỏa, đi tới ngồi xuống trước máy quay.

Nhân viên công tác bấm máy, đèn đỏ của máy quay nhấp nháy, ghi hình anh. Ánh mắt sáng ngời của anh chăm chú vào ống kính. Thông qua ống kính, anh như nhìn thấy sơ đồ mạng phức tạp. Có vô số nút được phân bố dày đặc trên sơ đồ. Các nút liên kết từ người này đến người khác. Những người anh quen biết, những người anh không quen biết. Những người thông qua các loại phương tiện theo dõi chương trình của anh.

Anh mỉm cười với họ.

Hôm nay Lữ Đồng Đồng hỏi anh tại sao lại muốn làm một chương trình như vậy, bởi vì cha mẹ cô ấy xông vào nên anh chưa kịp trả lời. Nhưng anh chuẩn bị dùng hành động để trả lời.

Anh nói: "Sau khi chương trình được phát sóng, tôi đã đọc bình luận của mọi người. Nhiều người hy vọng tôi có thể nói nhiều hơn về các phương pháp hoặc kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân. Vậy hôm nay tôi sẽ chia sẻ một điều: đừng dễ dàng đánh giá và phủ nhận người khác.

Lúc anh nhìn thấy đôi vợ chồng ấy giận dữ xông vào phòng bệnh, lúc anh nhìn thấy, nghe thấy những người vốn dĩ nên thân thiết thì lại chỉ trích mắng chửi nhau, anh cũng muốn công kích những hành động ngu ngốc đó, anh cũng muốn đứng trên cao mắng chửi họ thậm tệ. Nhưng anh sẽ không làm thế. Anh không định chỉ trích bất cứ ai, bởi vì đây chính là nội dung mà hôm nay anh muốn nói: phê bình và phủ nhận không phải một phương pháp hiệu quả.

"Trước đây tôi từng tư vấn cho một đôi vợ chồng. Họ nói mối quan hệ giữa họ và con cái ngày càng tồi tệ, con gái lớn lên không nghe lời họ nữa. Yêu đương từ sớm, trốn học, kết bạn với những người mà họ cho là không ra gì. Họ đánh cũng đánh rồi, mắng cũng mắng rồi, đánh rất mạnh tay, mắng rất tàn nhẫn, đều vô dụng. Điều tệ nhất là con cái bắt đầu lừa dối họ, vẫn yêu đương sớm, trốn học, kết bạn với những người mà họ không thích, nhưng không còn để họ biết nữa."

"Họ hỏi tôi rằng, tại sao con của họ lại trở nên tệ hại như vậy?"

"Tôi hỏi họ đã từng suy nghĩ về vấn đề này chưa: Lúc đứa trẻ bị họ chỉ trích, cảm nhận của nó ra sao? Là nó đã sai rồi và nên sửa lỗi đúng không? Hoặc đổi lại nếu bản thân mình bị người khác phê bình, cảm nhận của bạn ra sao?"

"Nếu có người bình luận trong tài khoản mạng xã hội của bạn rằng "ảnh selfie của bạn thật xấu xí, đừng đăng nữa", có bao nhiêu người sẽ nghĩ rằng "tệ thật, tôi sai rồi, sau này tôi không nên đăng ảnh nữa"? Tôi không biết liệu có ai sẽ nghĩ như vậy, tóm lại nếu là tôi, tôi sẽ cảm thấy người đó thật đáng ghét, sau đó lập tức chặn người đó."

"Nếu bạn tiện tay dùng cục tẩy của bạn cùng phòng, ba ngày sau cậu ta vẫn lải nhải oán trách bạn tự làm theo ý mình..." Anh xòe tay: "Tôi không biết có ai tiếp thu bài học kinh nghiệm không, rằng sau này trước khi dùng cục tẩy của cậu ta nhất định phải nói với cậu ta một tiếng. Nếu là tôi, tôi sẽ cho rằng cậu ta khó ở; tôi sẽ giữ khoảng cách với cậu ta, không dùng bất cứ thứ gì của cậu ta nữa; nếu tôi bất cẩn dùng lần nữa, thì tôi sẽ cố không để cậu ta biết, để sau này cậu ta không đến chỉ trích tôi nữa."

"Tương tự như vậy, khi chúng ta phê bình người khác, mục đích của chúng ta là để họ sửa sai, nhưng họ lại cảm thấy chúng ta rất khó để ở chung. Họ sẽ lẩn tránh để lần sau không bị chúng ta phê bình nữa, nhưng cách lẩn tránh của họ hoặc là tránh xa chúng ta, hoặc là sau này họ làm gì sẽ không để chúng ta biết nữa."

Anh muốn để người khác chấp nhận quan điểm của mình, thì phải đặt mình vào vị trí của những người đó để cho họ hiểu, làm thế nào có ích cho họ, làm thế nào có hại cho họ.

"Phương pháp giao tiếp tốt không phải chỉ trích và phủ nhận, mà là nói rõ với người khác điều mà chúng ta mong họ sẽ làm. Đôi lúc họ không phải cố ý làm những chuyện khiến chúng ta không hài lòng, mà là không biết nên làm thế nào. Vì vậy hãy ôn hòa nói cho họ biết, đồng thời khích lệ họ mỗi khi họ làm điều đó, cho họ những phản hồi tích cực, để họ có động lực tiếp tục."

"Tôi biết sẽ có người không tán thành. Lúc tôi nói với đôi vợ chồng ấy những lời này, họ nói với tôi rằng, nhiều người thành công đều nói, họ cảm ơn tất cả những người đã từng phê bình họ, nhờ những điều đó khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy để con mình thành công, họ cần phải nghiêm khắc."

Anh dừng một lúc, nói bằng giọng nghiêm trọng và nghiêm túc: "Không đúng. Nếu người thành công thật sự nói như vậy, đó là họ đã hiểu nhầm. Điều khiến họ có thể tiếp tục kiên trì, khiến họ vấp ngã rồi vẫn có thể đứng dậy lần nữa, khiến họ đến cuối cùng có thể cởi mở nói cảm ơn những lời phê bình... không phải là những lời phủ nhận họ. Mà đó là sự khích lệ và an ủi lúc họ yếu đuối, mới giúp họ không bị đánh bại triệt để; là sự ủng hộ và khẳng định mà họ nhận được khi đạt được thành công nhỏ, mới giúp họ có động lực bước tiếp..."

"Không ai có thể mạnh mẽ đến mức chống lại cả thế giới. Trừ phi, bên cạnh anh ta có ít nhất một người yêu thương anh ta, bầu bạn với anh ta, khích lệ anh ta, để anh ta tin rằng anh ta có thể làm được. So với sự phê bình và phủ nhận, điều mà chúng ta cần học hơn là khích lệ và khẳng định."

"Thứ khiến thế giới trở nên tươi đẹp hơn, là tình yêu thương."

Anh không cố để thuyết phục bất kỳ ai. Anh chỉ là ngồi ở đây, nói những điều anh muốn nói. Anh tin rằng sẽ ngày càng có nhiều người nhìn thấy.

Anh cũng tin rằng thế giới này sẽ trở nên tươi đẹp hơn.

...

Quay liên tiếp bốn kỳ chương trình là một công trình lớn. Chương trình liên tục ghi hình đến sáng hôm sau mới kết thúc. Lúc đi ra từ trường quay thì Hàn Văn Dật đã mệt nhoài. Cả đêm anh không xem điện thoại, đến lúc mở điện thoại, mới phát hiện anh nhận được tin nhắn của Lữ Đồng Đồng vào rạng sáng.

"Anh Hàn, tôi vẫn chưa ngủ được, vẫn luôn nghĩ về chuyện hôm nay."

"Năm nay tôi đã là sinh viên năm ba rồi, trước đây dự định sau khi tốt nghiệp sẽ về quê tham gia kỳ thi đầu vào công vụ, họ đã sắp xếp cho tôi như vậy. Nhưng hiện tại tôi quyết định đợi khi tôi xuất viện, tôi sẽ đi tìm việc. Sau khi tốt nghiệp tôi muốn ở lại Thượng Hải."

Cô ấy gửi tổng cộng ba tin nhắn, tin cuối cùng chỉ có hai từ.

"Cảm ơn."

Hàn Văn Dật mỉm cười cất điện thoại, lái xe về nhà. Thật ra trước đó anh đã định đề nghị Lữ Đồng Đồng làm vậy, nhưng chuyên gia tư vấn tâm lý không nên ra quyết định quan trọng cho người được tư vấn, vì vậy anh chỉ có thể cổ vũ Lữ Đồng Đồng thay đổi tư duy.

Không phải tất cả mọi người đều có thể được thay đổi. Mọi người cũng rất khó để thay đổi người khác, nhưng ít ra có thể tự thay đổi chính mình. Những người không tài nào phù hợp có lẽ tránh xa mới là lựa chọn tốt nhất. Chung quy khả năng của một người là có hạn, nên chỉ đủ để bản thân sống một cuộc đời tốt đẹp.

...

Lúc chạy xe gần đến nhà, điện thoại của Hàn Văn Dật đổ chuông. Anh liếc nhìn, phát hiện là Lâm Bội Dung - mẹ của anh gọi đến. Điều này làm anh hơi ngạc nhiên.

Chuông đổ một lúc, cuối cùng anh đã nhấn nút nghe máy.

"Con dậy rồi à?" Lâm Bội Dung hỏi.

Anh không nói bản thân cả đêm không ngủ và vừa mới xong việc, mà chỉ "ừm" một tiếng.

"Cuối tuần con có thời gian chứ?" Lâm Bội Dung nói: "Ăn cơm với mẹ nhé."