Chương 5

Thiếu nữ ở ngoài song nghe thấy mấy câu đó, trong lòng mừng rỡ, nghĩ thầm: “Đi lỏng gót giày không nên chuyện, Được rồi chẳng mất chút công phu”. Hóa ra đôi Uyên Ương Đao lại ở ngay trên người gã tiêu sư này. Ta ăn cắp đem về xem gia gia nói gì đây?

Thì ra cô gái đó họ Tiêu, tên Trung Tuệ, cha nàng chính là Tấn Dương đại hiệp Tiêu Bán Hòa. Uy danh Tiêu Bán Hòa vang dậy, trên giang hồ các lộ hảo hán ai ai cũng quen biết. Tháng trước mọi người nghe tin đôi Uyên Ương Đao thất lạc đã lâu nay tái xuất hiện, do chính tổng đốc Xuyên Thiểm Lưu Ư Nghĩa tìm được. Hai thanh đao đó có liên quan lớn đến Tiêu Bán Hòa, ông ta thể nào cũng phải đoạt lại. Mọi người bàn tính với nhau biết thể nào Lưu Ư Nghĩa cũng đem bảo đao về kinh sư, dâng lên hoàng đế, nếu như đoạt đao ngay tại phủ Tây An ắt có trọng binh trấn giữ, chi bằng chặn đường cướp lấy thì hơn.

Nào ngờ Lưu Ư Nghĩa giảo hoạt đa trí, được bảo đao rồi liền dàn nghi trận, lúc thì sai quan, lúc thì giả đoàn người đi tiến cống, phái hết đoàn này đến đoàn khác, khiến cho những hào sĩ giang hồ thèm muốn bảo đao toan cướp đoạt bị tổn thương không phải ít. Tiêu Bán Hòa nhân ngày sinh nhật năm mươi của mình, mới gửi Anh Hùng thϊếp, mời các hảo hán bốn tỉnh Tần Tấn Dực Lỗ lại uống chén thọ tửu, nhưng trên thϊếp có viết thêm yêu cầu kiệt tận toàn lực cướp lại đôi bảo đao này. Lẽ dĩ nhiên, chỉ những người nào quen biết thật thân tình, nhiều nhiệt huyết, thϊếp mời mới có hàng chữ đó, nếu không phong thanh tiết lậu, bảo đao không cướp được mà còn liên lụy đến tính mạng bạn bè.

Tiêu Trung Tuệ nghe thấy phụ thân nói về đôi bảo đao nên cũng muốn thử xem sao. Tiêu Bán Hòa sai học trò đem thϊếp đi các nơi, nàng cũng nhân thế xin đi, Tiêu Bán Hòa sai người mai phục trên đường Thiểm Tây, nàng cũng đòi theo. Thế nhưng Tiêu Bán Hòa nhất quyết lắc đầu nói:

- Không được.

Nàng năn nỉ mãi, Tiêu Bán Hòa mới nói:

- Ngươi thử hỏi đại má và má má ngươi xem có cho đi không?

Tiêu Bán Hòa có hai bà vợ, đại phu nhân họ Viên, nhị phu nhân họ Dương. Trung Tuệ do Dương phu nhân sinh ra, nhưng Viên phu nhân đối với nàng cưng chiều lắm, không khác gì con đẻ. Dương phu nhân không cho đi, Tiêu Trung Tuệ liền dỗi nói nhất định sáng hôm sau sẽ đi. Thế nhưng Viên phu nhân nói không được đi, Trung Tuệ không dám cãi lời. Vị Viên phu nhân đối với nàng rất dịu dàng, nhưng trong dáng dấp có vẻ uy nghiêm, nên từ bé không bao giờ dám cãi lời mẹ cả một tiếng.

Thành thử chuyện đi cướp bảo đao thì vừa hung hiểm, vừa kỳ diệu, thực là thú vị. Tiêu Trung Tuệ vừa nghĩ đến, không thể nào nhịn nổi nên một đêm khuya, viết vài hàng để lại cho cha, mẹ cả và mẹ ruột, lén dắt một con ngựa ra khỏi Tấn Dương. Nàng gặp phải bọn Thái Nhạc tứ hiệp muốn đến chúc thọ cha mình, nghĩ thầm anh hùng hảo hán trên giang hồ, võ công chắc cũng thế mà thôi, bây giờ nghe bọn tiêu sư nói chuyện, thấy chuyện cướp đao Uyên Ương cũng không có gì là khó.

Nàng quay lại, định trở về phòng, từ từ tính xem sẽ động thủ với bọn tiêu sư thế nào, nhưng vừa được hai bước, thì từ phòng đằng trước vọng ra một tiếng keng, chính là tiếng binh khí chạm nhau mà từ bé nàng đã quen thuộc. Cô gái kinh hãi: “Chao ôi, không xong! Người ta nhìn thấy mình rồi!” Bỗng nghe tiếng một người chửi:

- Định đánh thật chăng?

Tiếng một người đàn bà kêu lên:

- Bộ tưởng ta còn nể nang ngươi nữa chắc?

Chỉ nghe thấy tiếng choang choang liên tiếp, hai bên đánh nhau thật kịch liệt, xen lẫn có tiếng trẻ con khóc ré lên. Trong phòng thấy có hai bóng người, một nam một nữ, mỗi người cầm một thanh đơn đao, đánh nhau dữ dội toàn những đòn chí mạng.

Chỉ một lát sau, khách điếm biến thành đại loạn. Bỗng nghe Chu tổng tiêu đầu quát lớn:

- Tất cả các anh em không ai được ra ngoài, mọi người coi chừng, bảo vệ tiêu xa, cẩn thận đừng mắc vào kế điệu hổ ly sơn.

Tiêu Trung Tuệ nghe thế, nghĩ thầm: “Người ta đánh nhau chí mạng thế kia, không lẽ còn đánh giả vờ để điệu hổ ly sơn? Tiếc thay y không chạy ra coi, nếu không thì thật là dịp tốt để lẻn vào ăn trộm đao”. Nhìn lại hai cái bóng đen kia, người đàn bà xem chừng yếu hơn, liên tiếp thối lui, người đàn ông từng bước từng bước ép tới, không chịu lơi ra chút nào. Lòng hiệp nghĩa của cô gái nổi lên, nghĩ thầm: “Tên ác tặc này thật là vô lễ, ban đêm lẻn vào phòng phụ nữ, giở trò cường bạo, chuyện bất bình như thế không lẽ ngồi yên?”. Nàng đang định xông vào giúp người đàn bà, nhưng nghĩ lại: “Không được, nếu ta ra tay thì lộ hết hành tàng, nếu như bọn tiêu sư nhìn thấy, chuyện ra tay ăn trộm đao không còn dễ dàng được nữa”. Tiêu Trung Tuệ bèn cố nén cơn giận, thấy tiếng binh khí chạm nhau giảm đi, hai bên nam nữ mở mồm chửi rủa, nghe giọng miền nam đất Lỗ, nàng nghe không hiểu đến quá nửa.

Nàng nghe một hồi bỗng thấy khó chịu, đang định về phòng, bỗng nghe kẹt một tiếng, cửa một gian phòng ở phía đông mở ra, một thư sinh đi ra. Y lớn tiếng nói:

- Hai vị vì cớ gì lại sinh chuyện? Sao không ngồi xuống nói chuyện phải quấy với nhau, việc gì phải động đao động thương?

Y vừa nói, vừa đi đến cửa sổ phòng hai người kia, dường như muốn khuyên giải. Tiêu Trung Tuệ nghĩ thầm: “Tên ác đồ này hung tợn thế, đời nào nói chuyện phải quấy với ngươi”. Chỉ thấy trong phòng lại có tiếng binh khí chạm nhau, rồi một viên đạn từ trong phòng bắn ra ngoài cửa sổ, nghe bốp một tiếng, đánh rơi luôn cái mũ của chàng thư sinh nọ xuống đất. Gã học trò kêu lên:

- Ôi chao, không xong rồi.

Y lẩm bẩm một mình:

- Thành đã cháy thì đến cá trong ao cũng chịu tai ương. Người quân tử không đứng nơi bức tường sắp đổ, nên minh triết bảo thân là hơn.

Nói xong y chậm rãi đi về phòng. Tiêu Trung Tuệ thấy vậy tức cười quá, lại e người đàn bà đang gặp chuyện khẩn cấp, gã ác đồ kia chẳng còn ngại ngùng gì, người đàn bà thể nào cũng bị thua to. Thế nhưng lúc đó trong phòng không còn nghe tiếng đánh nhau nữa, khách điếm trở lại lặng như tờ. Tiêu Trung Tuệ trong bụng tính toán: “Gia gia thường nói, hành sự phải chia ra nặng nhẹ, hoãn cấp, trước mắt chuyện trộm đao là khẩn cấp, đành để cho gã hung đồ vô pháp vô thiên”.

Nghĩ thế nàng bèn về phòng đóng cửa lại, nằm trên giường suy nghĩ chuyện làm thế nào lấy được bảo đao: “Tiêu đội đó người không phải ít, mình chỉ một người làm sao đối phó đây? Chi bằng đang đêm chạy về Tấn Dương cho cha mình hay, để cho ông điều động thủ hạ. Thế nhưng nếu mình nghĩ được cách nào ăn cắp được hai thanh đao dâng lên cho cha, không hay hơn sao?”. Nghĩ đến lúc đắc ý như thế, núm đồng tiền trên má nàng lõm hẳn xuống. Thế nhưng kế nào đây? Nàng từ bé được cha dạy dỗ, võ công không phải kém nhưng về mưu kế thì nàng chẳng mấy khi dùng, trong bụng không có bao nhiêu, đúng ra chẳng có gì cả.

Nàng nằm trên giường, suy nghĩ đến nhức cả đầu, tuy có nghĩ ra năm sáu cách nhưng suy đi tính lại, thì không thể nào dùng được. Nằm mơ mơ màng màng một hồi, mí mắt trĩu xuống, bỗng trong đêm thanh vắng có tiếc cốc, cốc, cốc... từ xa đến gần, dường như có ai dùng thiết trượng đi trên đường đá tới đây, hẳn là một người mù lòa.

Tiếng cốc cốc đến trước khách điếm thì ngừng lại, kế đến lại có tiếng gậy gõ cộp cộp vào cửa khách điếm, rồi có tiếng điếm tiểu nhị mở cửa, và tiếng một người già nua hỏi mườn phòng. Điếm tiểu nhị bảo người đó đưa tiền trước, người mù đó đưa tiền ra nhưng còn thiếu đâu hai đồng. Rồi người cự tuyệt, kẻ cầu xin, tên nhà trọ chửi mắng bằng những lời thô tục, từng câu từng câu đều lọt vào tai Tiêu Trung Tuệ.

Nàng càng nghe càng thấy ông già mù đáng thương, liền ngồi dậy, lấy trong bọc ra một đĩnh bạc nhỏ, mở cửa đi ra, đã thấy gã thư sinh hoa chân múa tay, mang giọng chi hồ giả dã đang nói phải quấy cho gã điếm tiểu nhị nghe, xem ra y tuy biết đạo minh triết bảo thân nhưng lại hay xía vào chuyện người khác. Gã học trò nói:

- Anh tiểu nhị, kính người già cả, thương người nghèo khổ, là những việc rất nên làm, có thiếu hai xu, thôi cũng bớt cho người ta cũng được rồi.

Điếm tiểu nhị bực dọc nói:

- Tướng công nói nghe hay quá, nếu ông có lòng tốt, thì sao ông không trả giùm cho người ta đi.

Gã thư sinh nói:

- Ngươi nói thế sai rồi. Ta là kẽ lữ hành, tiền bạc mang theo đâu có là bao. Tiền phòng của nhà ngươi lại đắt thấy mà khϊếp, nếu ăn tiêu không dè dặt, chỉ sớm tối sẽ không khác gì Phu Tử bị nguy nơi nước Trần, nước Sái. Chính thế mà anh tiểu nhị bớt cho người ta hai đồng mới phải.

Tiêu Trung Tuệ cười rộ lên, gọi lớn:

- Thôi, này anh tiểu nhị, tiền đó để tôi trả cho, cầm lấy.

Điếm tiểu nhị vừa quay đầu, thấy một vật lấp lánh, một đĩnh bạc vụn bay tới, vội đưa tay chộp. Hai tay y cầm tiền đã quen, không bao giờ hụt, thế nhưng lần này đầu tiên trong đời tiền ném tới, chưa tập luyện, nghe bịch một tiếng, khối bạc trúng ngay ngực, đau quá kêu “Ối chà” một tiếng. Gã thư sinh nói:

- Ngươi xem đó, một cô gái tuổi còn nhỏ mà đã có lòng tốt. Tiểu nhị ca, ngươi là đàn ông con trai mà kém xa.

Tiêu Trung Tuệ đưa mắt liếc y một cái, thấy gã mặt dài mắt sáng, lông mày như kiếm xếch lên, mặt đầy anh khí, hơi ngạc nhiên vội cúi đầu xuống. Chỉ nghe ông già mù nói:

- Đa tạ tướng công có lòng tốt, giúp cho lão tiền ăn tiền ở, xin cảm ơn. Không biết ân công cao tính đại danh là gì, lão mù xin ghi nhớ trong lòng, sau này có dịp báo đền ân đức.

Gã học trò đáp:

- Tiểu khả họ Viên, tên Quán Nam, chuyện nhỏ nhặt đó có đáng gì đâu? Lão trượng tôn tính đại danh là gì?

Ông già mù đáp:

- Tiện danh của lão mù này là Trác Thiên Hùng.

Tiêu Trung Tuệ trong bụng cười thầm: “Ông già này đúng là mắt lòa mà lòng cũng mù nốt. Rõ ràng là ta cho ông ấy tiền, lại đi tạ ơn người khác”. Đột nhiên nàng nghe ba chữ Trác Thiên Hùng, trong lòng hoang mang: “Cái tên này ta đã nghe tới rồi. Hôm đó mình đi ngang phòng của mẹ cả, cha và mẹ cả mình đã nói đến tên này, vừa thấy mình liền nín bặt. Không biết chỉ cùng họ, cùng tên hay cùng âm mà khác chữ? Cha ta sao lại biết được ông già mù này?”.