Chương 13 (Cuối)

Tiêu Bán Hòa thấy những người trong sảnh đánh nhau một trận tơi bời nhưng may sao phe mình chỉ có bảy tám người bị thương, không ai bỏ mạng, nên lớn tiếng nói:

- Các vị hảo bằng hữu, quan binh tuy đã tạm thời tháo chạy nhưng chẳng mấy chốc sẽ quay trở lại, nơi này không còn có thể an thân được nữa. Bọn mình nên lui gấp về Trung Điều Sơn, sẽ tính kế sau.

Mọi người ai cũng nói như thế là phải. Tiêu Bán Hòa liền tất lãnh gia nhân thu thập đồ tế nhuyễn, rồi phóng hỏa đốt phủ. Đến khi ngọn lửa bốc lên ngất trời, trong thành loạn cả lên mọi người liền nhân đó chạy ra cửa đông theo đường tắt đến núi Trung Điều.

*

* *

Trước một gò loạn thạch là một cái động lớn, nơi đó Tiêu Bán Hòa, Viên Dương hai phu nhân, Viên Quán Nam, Tiêu Trung Tuệ, vợ chồng Lâm Ngọc Long, hai chục gia đinh đệ tử và hơn ba trăm tân khách bằng hữu, tất cả ngồi quanh một đống lửa lớn. Trên đống lửa đang thui một con nai mùi thơm bốc lên mũi mọi người.

Tiêu Bán Hòa tằng hắng một tiếng, giơ tay vuốt râu. Ông có thói quen đó đã nhiều năm qua mỗi khi gặp một chuyện quan trọng cần phải nói, bao giờ cũng vuốt râu trước. Thế nhưng lần này ông vuốt vào chỗ không, dưới cằm nhẵn thín không còn một sợi râu nào. Ông mỉm cười, nói:

- Nhờ được anh em giang hồ bằng hữu nể nang, Tiêu Nghĩa này trong võ lâm cũng có chút danh phận. Thế nhưng chẳng ai biết rằng, Tiêu Nghĩa vốn là một thái giám.

Mọi người ai nấy kinh ngạc, câu “Tiêu Nghĩa vốn là một thái giám” lọt vào tai ai cũng tưởng mình nghe nhầm, nhưng thấy Tiêu Bán Hòa mặt mày trịnh trọng, không phải nói đùa. Viên Dương hai phu nhân liếc nhau, cùng cúi đầu. Tiêu Bán Hòa nói tiếp:

- Đúng thế, ta Tiêu Nghĩa là một hoạn quan, năm mười sáu tuổi tĩnh thân[10], tiến cung hầu hạ hoàng đế, cốt để ám sát gϊếŧ vua Mãn Thanh, báo thù cho tiên phụ. Cha ta khi sinh tiền không đội trời chung với bọn Thát tử Mãn Thanh, nên bị chúng gϊếŧ chết. Bảy người anh em cắt máu ăn thề với tiên phụ, quết vì cha ta báo thù nhưng Mãn thanh thế lớn, nên cả bảy vị bá phụ thúc phụ không ai sống sót, hoặc khi giao đấu bị thị vệ Thanh cung gϊếŧ, hoặc bị bắt rồi lăng trì tùng xẻo, mối oan cừu càng kết càng sâu. Ta suy nghĩ thật kỹ, muốn công phu luyện cho bằng phụ thân hay các vị sư bá sư thúc, thì dù hết sức một đời chưa chắc đã xong, mà dù có luyện được thì cũng chắc gì báo được mối huyết hải thâm cừu này. Vì thế ta cam tâm tự nguyện tĩnh thân, làm một kẻ thái giám tôi đòi hạ lưu ai ai cũng khinh rẻ.

Mọi người nghe đến đây, nghĩ đến tấm lòng khổ sở cô đơn y cam chịu, không ai không kính phục. Tiêu Bán Hòa nói tiếp:

- Thế nhưng ở trong cung cấm, canh gác sâm nghiêm biết bao nhiêu, không như lúc đầu ta tưởng tượng. Đừng nói chi đến trước mặt hoàng đế, mà chỉ cần nhìn thấy hoàng đế một lần, cũng đã không phải dễ. Trong hơn mười năm, tuy ngày đêm ta cố chờ cơ hội, nhưng không cách nào hạ thủ. Một đêm kia mười sáu năm trước, ta lén nghe được hai tên thị vệ bàn rằng hoàng đế biết được trên đời này có một đôi Uyên Ương Bảo Đao, ai mà có được sẽ vô địch trong thiên hạ, đôi đao đó chia ra nằm trong tay hai vị anh hùng, một người họ Viên, một người họ Dương. Vì thế nhà vua sai bắt toàn gia hai nhà Viên Dương để ép hai người phải hiến bảo đao cho y. Hai vị đại anh hùng bất khuất chịu chết, còn hai vị phu nhân thì bị nhốt vào thiên lao.

Ông ta nói đến đây, Viên Dương hai phu nhân lệ rơi lã chã, đột nhiên ôm nhau khóc òa lên. Viên Quán Nam và Tiêu Trung Tuệ hai người nhìn nhau, trong lòng nửa buồn nửa vui. Lại nghe Tiêu Bán Hòa nói tiếp:

- Khi đó trong lòng ta tính toán, vì người chết báo thù sao bằng cứu người sống thoát nạn. Vì thế ta lẻn vào nhà ngục, gϊếŧ hai tên ngục tốt, cứu hai vị phu nhân ra khỏi thiên lao. Ngục quan nghĩ hai vị phu nhân là phận nữ lưu cho nên canh gác cũng không chặt chẽ cho lắm, lại càng không nghĩ rằng một thái giám lại vào cứu khâm phạm nên ta ra tay là xong ngay. Có điều địch nhân thế lớn, trong khi trốn chạy hoảng hốt, công tử của Viên phu nhân bị thất lạc trên đường. Việc đó trong lòng ta lúc nào cũng canh cánh, đâu ngờ Viên công tử không những đã trưởng thành lại học được một thân võ nghệ cao cường, quả đúng là một việc vui hết sức to lớn.

Còn Trung Tuệ ư, khi ta mới gặp con, con chỉ mới hai tuổi. Cha con chính là người tên tuổi chấn động một thời Tam Tương đại hiệp Dương Bá Xung Dương đại hiệp.

Viên Quán Nam và Tiêu Trung Tuệ (từ đây gọi là Dương Trung Tuệ) liền chia ra ôm lấy mẹ mình, nghĩ đến thù cha không khỏi buồn rầu phẫn nộ, còn Tiêu Bán Hòa nghĩa bạc vân thiên lại càng cảm kích không cùng.

Tiêu Bán Hòa nói tiếp:

- Bọn ta chạy khỏi Bắc Kinh, tay chân của hoàng đế liền phân ra khắp nơi cố công ruồng bắt. Để che dấu tai mắt của Thanh đình, họ Tiêu này liền đeo một bộ râu, lại đành phải để hai vị phu nhân cam chịu giả làm vợ ta. Cũng may lão Tiêu vốn là thái giám, cái kế quyền nghi kia cũng không làm tổn thương đến anh danh Viên Dương nhị hiệp.

Viên Quán Nam và Dương Trung Tuệ nhìn nhau mỉm cười, nghĩ thầm: “Ai dám bảo hai chúng ta là anh em nữa đâu?”. Tiêu Bán Hòa vỗ đùi một cái nói:

- Lão Tiêu này là thái giám, vì ngưỡng mộ Tam Bảo thái giám nhà Đại Minh viễn chinh các nơi, tuyên dương uy đức nước Trung Hoa, nên vì thế mới đổi tên thành “Bán Hòa”[11], mong được anh hùng bằng một nửa Trịnh Hòa, ha ha, cái đó lão Tiêu quả thực si tâm vọng tưởng. Trong bao nhiêu năm qua mọi việc thái bình vô sự, ai hay Uyên Ương Đao lại tái xuất hiện. Lão Tiêu nhất định đoạt lại bảo đao để cho vong hồn hai vị Viên Dương đại hiệp được ngậm cười, ngờ đâu không khéo che đậy hành tàng, nên đã để cho Thanh đình nhìn ra chân tướng. Sự đã như thế thôi cũng chẳng còn gì phải che dấu nữa. Có điều chỉ mới được một thanh Uyên đao, còn thanh Ương đao Tuệ nhi đeo kia là đồ giả, nếu không làm sao gãy được? Tiếc rằng đã để cho gian tặc Trác Thiên Hùng chạy thoát, không ai trong bọn mình ngăn chặn được y.

Khi đó mùi thơm của con cheo càng lúc càng nồng, Nhiệm Phi Yến liền rút dao cắt ra từng miếng. Lâm Ngọc Long bỗng nhìn Dương Trung Tuệ lớn tiếng nói:

- Ta nói có sai đâu? Ngươi bảo cha mẹ ngươi không bao giờ gây gỗ, ta đã bảo không gây gỗ thì không phải thực là vợ chồng, hẳn có cái gì trục trặc, Lâm đại ca này đúng là liệu sự như thần, nói ra thật có lý.

Nhiệm Phi Yến đang cầm dao xiên một miếng thịt liền nhét ngay vào mồm y, quát lên:

- Ăn thịt nai đi, còn nói lăng nhăng cái gì nữa?

Lâm Ngọc Long muốn cãi lại nhưng miệng bị vướng miếng thịt không nói nên lời. Mọi người thấy thật hoạt kê, bỗng nghe một tên đệ tử canh gác ngoài bìa rừng quát lên:

- Ai đó?

Lại nghe một người trả lời:

- Thái Nhạc tứ hiệp.

Dương Trung Tuệ bật cười, thấy bốn đại hiệp Thái Nhạc người dính đầy bùn đất, dùng một cây gậy dài khiêng một cái lưới cá, trong lưới có vật lớn đen sì, không biết là gì. Dương Trung Tuệ cười hỏi:

- Thái Nhạc tứ hiệp, các ông chăng lưới được cái gì thế?

Cái Nhất Minh dương dương đắc ý nói:

- Viên công tử, Tiêu cô nương anh em chúng tôi xuống sông bắt Bích Huyết Kim Thiềm định làm quà cho hai vị. Nào ngờ chẳng bắt được kim thiềm, lại có một người xông vào, trên đùi bị thương, miệng suýt xoa, chân khập khễnh. Thái Nhạc tứ hiệp nhìn lại hóa ra là Trác Thiên Hùng. Chúng tôi liền tung lưới bắt trói lão đem về đây.

Mọi người ai nấy vừa mừng vừa lo. Viên Quán Nam đưa tay vào hông Trác Thiên Hùng mò thử, quả nhiên lôi ra một thanh đoản đao, ánh sáng lóe mắt, bùn dơ không dính chính là thanh Ương đao thật.

Viên phu nhân cầm hai thanh Uyên Ương trong tay, thở dài:

- Hoàng đế Mãn Thanh nghe nói trong hai thanh đao này, có một bí mật vô địch thiên hạ, điều đó quả không sai, thế nhưng dẫu cho y có biết cái bí mật đó, có chắc gì làm được hay không? Xin các vị nhìn thử.

Mọi người xúm lại nhìn cho rõ, chỉ thấy Uyên đao trên lưỡi khắc hai chữ “Nhân giả”, thanh Ương đao có khắc hai chữ “Vô địch”. “Nhân giả vô địch[12]” đó là bí mật của hai thanh đao.

LỜI BẠT CỦA NGƯỜI DỊCH



Uyên Ương Đao của Kim Dung là một truyện ngắn – chỉ dài hơn Việt Nữ Kiếm –, và cũng là truyện ít nổi tiếng hơn cả. Chỉ một cuốn Kim Dung tác phẩm tập số 13[13]đã bao gồm ba truyện Tuyết Sơn Phi Hồ, Uyên Ương Đao và Bạch Mã Khiếu Tây Phong đủ hiểu cả ba truyện đều ngắn so với những bộ truyện dài của ông. Truyện ngắn này kết cấu rời rạc, không có gì đặc sắc và có lẽ vì thế mà ít ai biết. Mặc dầu Uyên Ương Đao được chính Kim Dung xếp vào một trong mười bốn bộ truyện của ông nhưng tầm vóc và nội dung đều kém xa những truyện khác. Có lẽ đây là một trong những tác phẩm đầu đời trong quá trình viết truyện kiếm hiệp của ông nên ông coi trọng nó hơn là vì giá trị thực sự.

Uyên Ương Đao được dịch do yêu cầu của một số bằng hữu muốn biết nó như thế nào và có lẽ không ít người thất vọng sau khi đọc truyện này.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tước hiệu đời Thanh Đa La Bối Lặc gọi tắt là Bối Lặc (phong cho tông thất và ngoại phiên, dưới Quận Vương một bậc)

[2] theo tướng pháp Trung Hoa, ai mặt nổi thịt bè bè thì tính tình hung dữ (diện nhục hoành sinh tính tất hung)

[3] Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng

[4] Thiên tử trọng anh hào, Văn chương giáo nhĩ tào. Vạn ban giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao... (thơ ngũ ngôn dạy cho trẻ con mới đi học)

[5] Trai tài gái sắc đáng giá như vạn hộc châu báu

[6] Trời se duyên kẻ tốt đẹp thành thân quyến với nhau

[7] Gió thổi tiếng ngọc chốn Dao Đài

[8] Trăng sáng chiếu vào quần áo trông như nhà vàng

[9] trai chưa lấy vợ

[10] cắt bộ ρᏂậи 🅢iиɧ ɖụ© để làm hoạn quan, tiếng văn vẻ

[11] Trịnh Hòa là một hoạn quan đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) từng nhiều lần giương thuyền đi các nước, được phong làm Tam Bảo Công (xem thêm Chiến Lược Mặt Biển của Trung Quốc của dịch giả)

[12] Người nhân đức thì không ai địch nổi

[13] Viễn Lưu, Đài Loan 1990