Ngay trong đêm hôm đó, ông Khiêm đã cho người thu dọn hết đống xác chết, cũng như rửa sạch máu me ở trên sân nhà chính. Nghe đâu chỉ để lại xác của dì Oánh và chị Lan, còn lại thì đều cho vào chiếu quấn lại và chất hết lên xe bò đem ra đồng chôn. Đám người người làm trong nhà cực kì nhanh nhẹn và cẩn thận. Nhà họ Mai xảy ra chuyện lớn như thế, mà hàng xóm láng giềng lại chẳng có một ai hay biết.
Sáng sớm hôm sau, tôi cùng thầy Minh đem theo một ít tiền vàng ra bãi tha ma đốt cho Thúy. Tôi muốn tạm biệt con bé lần cuối.
Giữa tháng mười tiết trời đã se lạnh, đứng ở bãi tha ma lại càng có cảm giác lạnh lẽo hơn. Ngồi bên cạnh mộ Thúy, tôi lặng lẽ cầm hộp diêm quẹt một cái rồi bỏ xuống nắm tiền vàng, nhờ có gió thổi mà lửa cháy rất to.
Thầy Minh cũng cầm một nắm tiền vàng thả vào đống lửa, khuôn mặt bà ấy trông tiều tụy hẳn đi. Đoán rằng bà ấy cũng như tôi, cả đêm hôm qua đều không ngủ ngon giấc, hễ cứ nhắm mắt lại là hình ảnh những cái xác người nằm tứ tung ở sân nhà chính lại hiện lên.
"Sáng nay tôi có loáng thoáng nghe được, ngày mai ông Khiêm sẽ làm đám tang cho dì Oánh. Thầy sẽ ở lại chứ?" Tôi hỏi.
Thầy Minh im lặng, một hồi sau mới gật đầu: "Tôi sẽ ở lại để tiễn nó một đoạn đường. Còn cô, cô có ở lại không?"
"Tôi thì không đâu. Thăm Thúy xong là tôi sẽ xin phép ông Khiêm cho tôi về nhà luôn. Tôi sợ mẹ tôi ở nhà lâu không thấy tôi về, bà lại lo lắng."
"Ừ, về nhà cho mẹ cô đỡ sốt ruột, với lại ở đây lâu để hàng xóm trông thấy lại sinh ra nhiều chuyện."
Tôi gật đầu đồng tình, rồi ngẩng mặt lên nhìn bà ấy: "Nếu thầy rảnh rỗi thì hãy thường xuyên đến nhà tôi chơi nhé!"
Thầy Minh híp mắt lại nhìn tôi chằm chằm: "Cô mời tôi về nhà, không sợ tôi nổi lòng tham trộm hết đồ đạc trong nhà đi à?"
Tôi phì cười trêu lại bà ấy: "Tôi biết nhà thầy ở đâu đấy nhé!"
"Cô đúng là càng lúc càng ranh ma. Tôi xin chịu thua." Bà ấy nói xong thì giả bộ lắc đầu bất lực.
Đốt vàng mã cho Thúy xong cái là tôi về nhà xin phép ông Khiêm liền. Ông ấy bảo sẽ cho người đưa tôi về, nhưng tôi đã từ chối. Nhà họ đang nhiều việc nên tôi cũng không muốn làm phiền.
Ngồi trong phòng sắp xếp đồ đạc cho vào túi vải, xong xuôi thì nhìn lại căn phòng một lượt. Trong lòng thầm nghĩ, sau này thật sự sẽ không bao giờ quay lại nơi này nữa rồi.
Ngoài cửa bỗng nhiên có tiếng gõ cửa, tôi bèn xách theo cái túi vải đi ra mở cửa. Đứng ở cửa là một cô gái trẻ, cô ấy trông thấy tôi liền cúi đầu chào:
"Con chào cô ạ!"
Tôi gật nhẹ đầu coi như đáp lại: "Ừ, có chuyện gì thế?"
"Dạ thưa cô, con có món đồ muốn đưa cho cô ạ." Nói rồi cô ấy chìa tay ra trước mặt tôi. Trong tay cô gái có hai cái kẹo sữa, tôi không hiểu bèn nhướn mày hỏi: "Ai đưa cho tôi thế?"
"Dạ thưa cô, trước cái hôm cô mất tích, cái Thúy có đến đưa cho con thứ này và bảo rằng nếu cô có về thì hãy đưa nó cho cô ạ."
Tôi kinh ngạc nhìn cô gái: "Thúy đã nói thế sao?"
"Dạ, Thúy còn nhờ con chuyển lời đến cô. "Nếu là con chim, chiếc lá. Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả. Ơn cưu mang của người ấy em nhất định phải trả, nhưng em xin được trả bằng cách khác."
Nói đoạn cô gái nhét hai cái kẹo vào tay tôi, rồi nở một nụ cười thật tươi: "Sau này chị nhớ phải thường xuyên tới thăm em đấy nhé!"
Nói dứt lời, cô gái liền cúi đầu chào tôi rồi chạy đi mất.
Tôi nhìn đăm đăm hai cái kẹo sữa trong trên tay mình. Một hồi lâu sau tôi dựa người vào cửa, rồi lặng lẽ rơi nước mắt. Hóa ra Thúy biết tôi có thể dùng máu để gọi anh Nghĩa tới cứu, nên thay vì gϊếŧ tôi rồi mới chôn thì nó lại chôn sống tôi. Tôi nắm chặt hai cái kẹo lại rồi đặt tay lên ngực nghẹn ngào nói: "Ừ, chị sẽ thường xuyên đến thăm em. Chị hứa đấy!"
Giữa trưa nắng, tôi đội nón và xách túi vải lặng lẽ đi ra hướng cổng chính. Ở đó thầy Minh và anh Nghĩa đã đứng đợi sẵn từ bao giờ.
"Sao mắt cô lại xưng vù như quả ổi thế kia?" Thầy Minh thấy mắt tôi đỏ hoe thì lên tiếng hỏi.
Tôi bèn xòe tay ra và cười khì khì: "Tôi nhận được quà tạm biệt nên có hơi xúc động ấy mà."
"Coi kìa! Sắp hai mươi tuổi đầu rồi mà còn khóc sưng mắt vì mấy cái kẹo!" Nói đoạn bà ấy đưa tay lên gãi cổ và hất hất cái cắm: "Ăn cũng được đấy, vừa dẻo lại vừa béo."
Thầy Minh vừa dứt lời là tôi liền cười phá lên. Rõ ràng là hai chị em ruột, nhưng dì Oánh thì đanh đá còn bà ấy lại rất hài hước và dễ mến. Đúng là một trời một vực mà.
"Ở đây tôi còn bận ít việc nên không đưa cô về nhà bên được. Thay vào đó cậu Nghĩa sẽ đưa cô về." Thầy Minh nói rồi móc từ trong túi ra một xấp lá bùa dúi vào tay tôi: "Đây là bùa trừ tà. Đi đâu cũng phải nhớ mang theo nó đấy!"
"Vâng, cảm ơn thầy." Tôi nhận lấy xấp lá bùa rồi nhét vào cái túi vải. Sau lưng bỗng dưng có cảm giác như ai đó đang nhìn mình, tôi bèn quay đầu lại nhìn thử, và bắt gặp một cái bóng nhanh chóng rụt người lại. Tuy không nhìn rõ lắm nhưng hình như người nọ là Khải... chắc là tôi nhìn nhầm rồi. Nghĩ vậy tôi bèn nhún vai rồi quay đi.
Tôi tạm biệt thầy Minh rồi nhanh chóng cùng anh Nghĩa lên đường. Dọc đường đi, hai chúng tôi có nói chuyện phiếm với nhau. Anh Nghĩa bảo, đợi khi đưa tôi về nhà xong, anh ấy sẽ về lại nhà mình để nhìn gia đình lần cuối, sau đó thì sẽ trở về nơi thuộc về mình. Sau này chỉ khi nào giỗ thì mới về, chứ không tùy tiện về nữa. Vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã đến cổng nhà tôi.
"Cảm ơn anh đã đưa tôi về nhà." Tôi nói.
Anh Nghĩa gật đầu, rồi đột nhiên đưa đặt lên đầu tôi. Bàn tay đó lạnh toát khiến cho tôi cứng đơ người, tôi ngơ ngác trợn mắt nhìn anh Nghĩa: "Sao, sao thế ạ?"
"Em cao lên nhiều rồi."
"... Không lẽ trước kia tôi và anh đã từng gặp nhau rồi ư?" Tôi nhanh chóng lục lại ký ức, nhưng nghĩ mãi mà vẫn chẳng nhớ ra là đã từng gặp nhau ở đâu.
Anh Nghĩa không đáp lời, mà chỉ lặng lẽ nhấc tay khỏi đầu tôi và chìa nó ra trước mặt: "Cái kẹo sữa năm đó em cho anh, anh không cẩn thận lỡ tay đánh rơi mất rồi. Em có thể cho anh cái khác không?"
Ký ức năm mười tuổi tưởng chừng như quên ấy, giờ phút này lại bất chợt ùa về một cách rõ ràng. Tôi đưa tay bụm miệng lắp bắp không thành lời: "Anh, lẽ nào, anh là..."
Anh Nghĩa mỉm cười gật đầu: "Rất vui vì được gặp lại em!"
Chẳng rõ vì sao hốc mắt tôi lại đỏ hoe. Anh trai tốt bụng làng bên năm nào đó, giờ đây thân xác lại nằm dưới đất lạnh lẽo, ngày qua ngày bị lũ giòi bọ cắn xé. Tôi lặng lẽ đặt một cái kẹo sữa vào tay anh Nghĩa. Không biết là buồn hay là thấy đáng tiếc cho người con trai ấy, mà bất giác nước mắt tôi đã trào ra.
"Đừng khóc." Anh Nghĩa nắm chặt cái kẹo trong tay, rồi nhìn tôi nở một nụ cười vô cùng ấm áp: "Sau này đừng vì ham chơi mà quên đường về nhà nữa nhé. Cảm ơn và... tạm biệt em!"
Anh Nghĩa vừa dứt lời, cái bóng trắng nhạt nhập nhằng vài cái rồi biến mất, ngay cả mùi đinh hương cũng bị cuốn vào trong gió, không để lại bất kì dấu vết gì. Tôi đứng ở đó, lẳng lẳng nhìn vào khoảng không trước mặt, nước mắt cứ ứa ra mà không chịu dừng lại.
Đằng đột nhiên có tiếng nói vang lên từ đằng sau: "Ngọc Nữ phải không con?"
Tôi bất giác quay người lại, vừa trông thấy mẹ tôi liền lao vào ôm chặt lấy bà, khóc run cả người. Mẹ tôi mặc dù không hiểu đầu đuôi thế nào, nhưng bà vẫn ôm lấy tôi rồi giơ tay vỗ nhẹ vào lưng tôi: "Đừng khóc. Con gái ngoan đừng khóc."
Gần ba tháng qua ở nhà họ Mai đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều, và cũng cho tôi nhận ra một vài thứ. Sự đố kị hay ghen ghét một ai đó sẽ chỉ khiến cho ta bị người khác lợi dụng mà thôi. Cũng như việc nuôi oán hận trong lòng hay thù hằn một ai đó, sẽ càng làm cho ta thêm đau khổ, và vòng luẩn quẩn đó sẽ chẳng bao giờ có điểm kết thúc.
Thử hỏi một kiếp người có được mấy cái mười mấy hai mươi năm? Cứ toan tính rồi lại toan tính, cuối cùng chỉ còn lại một nắm tro tàn.
Nguồn: Thơ của Tố Hữu