Ở ngoài sân, thi thể cậu Cả được bọc trong một cái chiếu mới tinh, chỉ để hở phần đầu và phần chân. Hai bàn chân cậu ấy tím ngắt, gương mặt cũng trắng bệch. Chị Lan sửng sốt quỳ dưới đất, chị ấy đưa tay vuốt nhẹ gò má cậu Cả, chẳng mấy chốc nước mắt đã rơi lã chã:
"Cậu ơi! Cậu làm sao thế này? Người cậu lạnh quá, cậu mở mắt ra nhìn em đi!" Bàn tay chị Lan run lẩy bẩy, như không tin đây là sự thật.
Đám người làm vây quanh ai nấy đều cúi đầu lau nước mắt. Ông Khiêm đứng nhìn thi thể cậu Cả đăm đăm, một hồi sau ông ấy hướng đám người làm, hỏi:
"Ai là người đưa thằng Cả về đây?"
Một người trong đám người làm thấp thỏm lên tiếng:
"Thưa ông, là một gã tiều phu ở làng bên ạ! Gã mang củi trên núi xuống làng bán, lúc đi qua con đê thì tình cờ trông thấy xác cậu Cả nổi phềnh dưới sông, gã trông thấy đáng thương bèn đưa lên xe bò, rồi hỏi thăm làng xóm nửa ngày thì tìm được tới nhà mình ạ."
Ông Khiêm gật gù rồi cho gọi gã tiều phu vào, gã tiều phu lom khom đi vào, sau đó chậm rãi thuật lại sự việc cho ông Khiêm nghe. Trong cuộc nói chuyện của hai người họ, tôi loáng thoáng nghe được vài mấu chốt quan trọng. Lúc gã tiều phu kia trông thấy cậu Cả là vào khoảng giữa trưa, khi ấy là cả người và xe đều rơi xuống sông, đoán chừng xe của cậu ấy bị trệch bánh rồi lao xuống sông, sau đó thì bị mắc kẹt và không ngoi lên được.
Ở bên này chị Lan ôm xác cậu Cả khóc lạc cả giọng. Ngọc Mai thì đứng nhìn cái xác với ánh mắt vô hồn, còn Khải quỳ dưới đất cúi gằm mặt xuống, hai tay cậu ấy nắm chặt lại. Nhìn Khải quật cường như thế làm tôi nhớ đến cái ngày cậu ấy lén lút ngồi khóc trong phòng. Tôi đè nén cảm giác áy náy xuống, quay qua gật đầu với thầy Minh, sau đó tôi giơ tay bẹo mạnh vào eo mình, rồi đi đến quỳ xuống cạnh thi thể cậu Cả, ngậm ngùi rơi nước mắt.
Một lát sau thi thể cậu Cả được đưa lên nhà chính, người làm thay quần áo mới và cẩn thận đặt cậu ấy trên giường, chờ đợi đến giờ niệm là cho vào quan tài.
Bên ngoài, cờ tang trắng đen bay phấp phới, bầu không khí vô cùng ảm đạm. Trên người tôi mặc một bộ đồ màu trắng và buộc khăn tang trên đầu, tôi đứng ở ngoài sân ngửa mặt nhìn lên trời. Chốc chốc lại có vài người làm đi qua, tôi mang máng nghe được những lời xì xèo to nhỏ của bọn họ.
"Cậu Cả chết mà ông Khiêm lại không cho người gọi cậu Hai về, cũng chẳng thông báo với họ hàng. Thậm chí còn đóng cổng không tiếp khách nữa, đúng là kì lạ!"
"Ôi trời! Thế thì bà không biết rồi, hôm nọ tôi nghe bà Bện nói ông Khiêm bị người ta rủa cho chết vợ chết con, ông Khiêm sợ đến tai làng xóm láng liềng nên mới không dám cho người ngoài vào nhà đấy."
"Khϊếp, ai mà lại độc mồm độc miệng thế cơ chứ!"
"Ôi dào, không có lửa làm sao có khói. Nếu ông Khiêm không làm gì trái với lương tâm thì đời nào người ta lại rủa độc như thế! Bà thấy có đúng không nào?"
"Bà nói chí phải!"
Đám người làm trong nhà đều truyền tai nhau rằng lời nguyền rủa đã linh ứng, khiến ai nấy đều ghê sợ.
Giờ lành đã tới, kèn trống nổi lên át hết cả tiếng khóc. Tôi ngồi trong phòng cùng Ngọc Mai và chị Lan. Nghe tiếng chị Lan khóc mà tôi thấy thương tâm.
Chị Lan gục mặt vào cỗ quan tài, cả người chị ấy vô lực: "Cậu ơi! Em gọi cậu khản cổ mà cậu không thưa, cậu bỏ em đi rồi cậu ơi!"
"Tám năm đầu ấp tay gối cậu ơi! Giờ cậu đi rồi, em biết phải sống làm sao? Em biết phải nương tựa vào ai đây."
Tôi tiến lên ôm lấy vai chị Lan, vỗ vai an ủi chị ấy vài câu: "Xin chị nén đau thương! Để cậu Cả trông thấy chị đau khổ thế này, làm sao cậu ấy có thể yên lòng mà đi được đây."
Chị Lan mền người dựa vào tôi, chị ấy đưa tay vuốt ve cỗ quan tài nấc nghẹn: "Chị có lỗi với cậu ấy, lấy nhau tám năm mà không sinh cho cậu ấy được đứa con nào, ấy vậy mà cậu ấy chưa từng một lần trách mắng chị, thậm chí ngần ấy năm cũng không lấy thêm vợ lẽ. Chị tự thấy mình không xứng với lòng tốt của cậu ấy."
"Con cái là lộc trời cho, không đẻ được nào có sai. Cậu Cả yêu thương chị là phước chị được hưởng, chị đừng cảm thấy hổ thẹn!"
Chị Lan đưa tay bụm miệng rồi khóc ưng ức.
Đám ma kéo dài suốt một ngày một đêm, nguyên thời gian đó nhà họ Mai đóng cổng im lìm. Đám tang cậu Cả chỉ có những người trong nhà tham gia và lo liệu, ngoài ra không có một người họ hàng cũng như làng xóm nào đến viếng.
Tờ mờ sáng ngày hôm sau.
Thầy Minh nằm trăn trở trên giường, vở mình mấy cái sau đó thì ngồi dậy.
"Thầy không ngủ được à?" Tôi ngồi cạnh cửa sổ, thấy bà ấy dậy bèn lên tiếng hỏi.
"Lạ chỗ tôi không ngủ được.Thế còn cô thì sao? Không ngủ lát lại không có sức đưa cậu Cả ra đồng."
"Tiếng kèn trống ồn quá, tôi không ngủ nổi!"
Thầy Minh gật đầu tỏ ý đồng tình.
Ngoài cửa có người gõ cửa, tôi nói vọng ra: "Vào đi."
Cửa mở ra, Thúy chậm chạp đi vào.
"Thầy, chị, ông chủ kêu em đến gọi hai người dậy ạ."
Tôi đứng dậy để Thúy bám tay vào mình: "Đến giờ đưa cậu Cả ra đồng rồi à?"
"Dạ, chị với thầy chuẩn bị dần dà đi cho kịp giờ ạ." Thúy ôm lấy cánh tay tôi, vùi mặt vào dụi qua dịu lại.
Sắc mặt Thúy nhợt nhạt, quầng thâm hiện rõ dưới mí mắt, chắc đêm qua con bé đã thức trắng đêm để trông coi chị Lan.
Tôi đưa tay xoa nhẹ đầu Thúy: "Ừ, chị với thầy đi chuẩn bị ngay đây."
Lễ đưa tang diễn ra vào lúc bảy giờ sáng.
Ngoại trừ ông Khiêm phải ở lại nhà cùng với Thúy và vài người làm, còn lại mọi người đều tham gia lễ đưa tang cậu Cả.
Dọc đường đi, người trong xóm ai ai cũng nhìn, người thì giơ tay chỉ chỏ, người lại chẳng ngại mà nói to.
"Nhà họ Mai này lại có người chết, nghe đâu lần này là cậu Lớn đấy!"
"Gớm thật! Nhà này tạo cái nghiệp gì mà chết những hai thằng con trai."
"Lại chả gớm! Hôm qua tôi đi ngang qua nhà họ, thấy cửa đóng chặt, nhà có đám tang mà lại khóa trái cửa, rõ là kì lạ."
"Ôi trời, lẽ nào cái chết của cậu Lớn nhà họ Mai có vấn đề nên phải dấu đi chăng?"
Trong lúc gia đình nhà họ Mai bối rối, chẳng ai còn hơi sức mà để ý đến những lời đàm tiếu này.
Tại bãi tha ma. Chị Lan đau đớn nhìn quan tài cậu Cả nằm dưới hố chôn.
"Cậu chờ em nhé!" Chị Lan chua xót bốc từng nấm đất thả xuống cỗ quan tài.
Khải cũng lặng lẽ đẩy từng mảng đất lớn xuống hố, gương mặt cậu ấy tiều tụy. Xuyên suốt đám tang Khải chưa từng rơi một giọt nước mắt nào, thế nhưng tôi biết cậu ấy rất đau khổ và cậu ấy chỉ đang cố kiềm nén lại mà thôi.
Ở bên này, tôi với Ngọc Mai thắp hương cho dì Liên và anh Nghĩa. Quỳ trước mộ dì Liên, Ngọc Mai bỗng bật khóc ưng ức. Giờ phút này cô ấy nức nở như một đứa trẻ.
Xung quanh đột nhiên nổi gió, trong làn gió mát trộn lẫn mùi nhang và mùi bùn đất, quanh quẩn nơi đầu mũi tôi.
Chôn cất cậu Cả xong xuôi, tôi cùng thầy Minh và Thúy dìu chị Lan về trước, Khải cùng vài người làm ở lại thu dọn đồ đạc sau đó mới về.
Trời vừa nhá nhem tối cái là tôi với thầy Minh cùng bốn người làm trong nhà bí mật chia nhau đi ra cánh đồng, sau đấy chúng tôi tụ tập lại ở gần bãi tha ma, trực sẵn đợi người.
Một lúc lâu sau, ngoài cánh đồng đang tối mịt bỗng xuất hiện ánh đèn lập lòe, người nọ cầm theo cái đèn pin nhỏ nhanh chóng đi vào bãi tha ma. Đợi người nọ vào đó được khoảng 10 phút, bốn người đàn ông trẻ khỏe nằm sấp người bên cạnh tôi, đột ngột lao nhanh đến đánh úp người nọ. Người nọ đột nhiên bị túm lấy thì hoảng hốt kêu lên:
"Bỏ bà ra! Chúng mày là ai, sao lại bắt bà?"
Trông thấy sự việc đã thành, tôi với thầy Minh cũng nhổm người dậy và đi nhanh đến chỗ người nọ.
"Dì Oánh, dì trốn kĩ thật đấy!"
Dì Oánh ngước mặt lên, ngay lập tức bà ta trợn tròn mắt lắp bắp nói: "Ngọc Nữ, mày... mày làm gì ở đây?"
"Đương nhiên là để bắt mày rồi!" Thầy Minh từ sau lưng tôi đi lên, dưới ánh đèn pin gương mặt bà ấy trông vô cùng nghiêm trọng: "Tao tưởng mày chỉ biết nghĩ cho bản thân mình thôi, không ngờ là mày còn quan tâm đến con cái của mày cơ đấy."
Bà ấy nói lời mỉa mai, nhưng trên gương mặt lại chẳng có nét chế giễu nào.
Dì Oánh trông thấy thầy Minh nhưng lại không hề có vẻ gì là ngạc nhiên, dường như sớm đã biết thầy Minh đang ở nhà ông Khiêm rồi. Đúng như dự đoán, có kẻ nào đó đang âm thầm qua lại với bà ta.
Dì Oánh nghiến chặt răng, đối thầy Minh chất vấn: "Chị làm gì con trai tôi rồi? Đang yên đang lành tại sao nó lại chết?"
"Ai nói với mày là nó chết rồi?"
Nói đoạn thầy Minh hất cầm với bốn người đang giữ dì Oánh nói: "Hai người ở lại giữ nó, hai người còn lại qua đào mộ cậu Cả lên đi."
Hai người đàn ông gật đầu rồi cầm lấy xẻng bắt đầu đào mộ. Dì Oánh nghe thầy Minh nói vậy thì vẻ mặt khó hiểu nhìn bà ấy:
"Ý chị là sao? Thằng Bính chưa chết, thế tại sao lại...!"
Nói tới đây, dì Oánh như sực ra điều gì đó, thế rồi bà ta lấy sức vùng vẫy hòng muốn thoát ra. Đáng tiếc dì Oánh sức yếu nên không thể vùng ra được, bà ta bất lực nhìn chúng tôi và chất vấn:
"Chỉ vì muốn bắt tôi, mà các người cả gan đem đứa con trai còn sống sờ sờ của tôi chôn xuống dưới đất như thế kia! Lão Khiêm mà biết được, thể nào cũng xé xác các người cho mà xem."
Thầy Minh chép miệng cắt ngang lời dì Oánh:
"Mày khỏi phải lo, lão Khiêm sớm đã biết rồi! Lão đang ở nhà đợi bọn tao mang mày về kia kìa."