Chạm máy mới cái là Tô Phi tuân thủ lời hứa ngay, hùng hục tăng ca cả tối.
Đến cả Lina còn không nỡ nhìn tiếp, cười ra chiều bất đắc dĩ: "Reid chỉ nói vậy thôi mà Fly. Cậu mới về từ Los Angeles, mệt thì đi nghỉ đi đã."
Ai ngờ cậu chàng Punk mắt sáng quắc, ôm máy tính không chịu buông: "Mệt á? Không đâu! Em không mệt tẹo nào!"
Lina: "..."
Mà chẳng lạ gì cái mức độ mê mẩn và phát cuồng của Tô Phi, bởi chiếc máy tính Phục Thành và Trác Hoàn mua tặng cậu ta có tổng giá trị hơn 300,000. Và bất ngờ thay, quà Lina và chú Joseph tặng cũng đắt tiền hơn những món quà sinh nhật trước đó nhiều.
Bởi đây là lễ trưởng thành tròn 18 tuổi.
Phục Thành nhìn bóng lưng Tô Phi, cười tủm tỉm: "Từ hôm nay, cậu ấy là người lớn thật rồi."
Chú Joseph nháy mắt ra phía cậu chàng: "Uống rượu được rồi."
Trác Hoàn cười khẩy: "Cậu ta cũng hay uống rượu mà."
Chú Joseph nhún vai: "Thì có thể uống rượu một cách chính đáng rồi."
Lina mỉm cười: "Chú Joseph yêu dấu ạ, nếu trong đầu chú có thể nhớ mấy thứ ngoài rượu bia ra thì cháu nghĩ sẽ hay hơn đó? Ví dụ như... có thể đỗ bằng lái xe chẳng hạn?"
Chú Joseph đáp bằng giọng bình tĩnh: "Trong đầu chú chỉ có mỗi hai thứ. Một là rượu."
Phục Thành tò mò: "Thứ hai là gì hả chú?"
Chú Joseph than thở: "Là, làm sao để được uống loại rượu ngon hơn nữa!"
Ai nấy đều phì cười.
Lễ trưởng thành của cậu chàng Punk chỉ là một điều ngoài ý muốn, tuy thành viên UAAG nhớ sinh nhật cậu chàng và cũng tặng quà hẳn hoi, nhưng dạo này bận việc thật, thành ra chưa kịp tổ chức long trọng thì đã phải vùi đầu vào đầu việc mới rồi.
Phục Thành tiếp tục lặn xuống biển cùng với đội lặn hòng tìm kiếm hai hộp đen khác hãy còn chìm dưới đó. Theo tính toán của Trác Hoàn, hai hộp đen có thể nằm ở ngay phần đáy phụ cận xác máy bay, bị vùi sâu dưới lớp bùn cát.
Trác Hoàn: "Theo yêu cầu của TSO-C51*, hộp đen McFly F485 sử dụng hợp kim titan, khi sóng bán sin ở cả ba trục chịu chấn động mạnh, gia tốc đạt đỉnh tại ít nhất là 4300 g*, khoảng thời gian duy trì không thể nhỏ hơn 7.7 ms. Căn cứ từ địa điểm rơi của hộp đen đã tìm thấy, chắc hẳn hai hộp đen khác nằm trong phạm vi đường kính 3 km. So..."
(*TSO (Technical Standard Order) Lệnh Tiêu chuẩn Kỹ thuật là một tiêu chuẩn hiệu suất tối thiểu do Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ ban hành đối với các vật liệu, bộ phận, quy trình và thiết bị cụ thể được sử dụng trên máy bay dân dụng. *4300 g: Chữ g ở đây không phải đơn bị gram mà là đơn vị gia tốc trọng trường. Trong vật lý học, gia tốc trọng trường là gia tốc do lực hấp dẫn tác dụng lên một vật. Bỏ qua ma sát do sức cản không khí, theo nguyên lý tương đương mọi vật nhỏ chịu gia tốc trong một trường hấp dẫn là như nhau đối với tâm của khối lượng. Tại các điểm khác nhau trên Trái Đất, các vật rơi với một gia tốc nằm trong khoảng 9,78 và 9,83 m/s2 phụ thuộc vào độ cao (và còn do Trái Đất không là khối cầu hoàn hảo cũng như vật chất phân bố không đều bên trong), với giá trị tiêu chuẩn chính xác bằng 9,80665 m/s2. Các vật có mật độ nhỏ không chịu cùng gia tốc như các vật nặng hơn do lực đẩy nổi và sức cản không khí tác động vào.
*Đơn vị ms ở đây có khả năng là millisecond.) Lawrence Hall: "So?"
Trác Hoàn: "Nên là, cứ đi tìm đi."
Trong môi trường dưới biển sâu hun hút thiếu ánh sáng, muốn tìm ra hai hộp đen cũng là một chuyện khá hóc búa đối với công ty trục vớt. Tuy nhiên, lần này, kể cả anh Lawrence hay cả đội trục vớt dưới cấp anh ta cũng tràn trề niềm tin.
Phục Thành cũng cảm thấy kinh ngạc trước việc này.
Lawrence mỉm cười với anh: "Phục thân mến ạ, cậu đang ngạc nhiên là vì sao chúng tôi lại lạc quan đến vậy phải không? Hãy tin tôi đi, nếu cậu đã trải nghiệm cuộc tìm kiếm vô mục đích suốt năm năm ròng rã – Ba năm trước là FAA đổ tiền vớt, hai năm sau là Reid và tôi hợp tác – Trải qua những năm tháng ấy mà rồi vẫn tìm ra nó, cậu sẽ có cảm giác rằng, trên đời này quả thật có những kì tích. Chỉ cần cậu không mất hi vọng, vẫn vững chí cố gắng, thì một ngày nào đó, những gì cậu luôn đợi mong sẽ đến ngay trước mắt cậu."
Công ty trục vớt chia thành hai bộ phận.
Một bộ phận tiếp tục vớt xác máy bay. Họ tạo một thùng nước lớn dưới đáy biển, muốn vớt cả thân xác khổng lồ của máy bay một cách toàn vẹn, cố hết sức để không phá hủy xác nó.
Một bộ phận vẫn đang lùng sục những hộp đen hãy còn mất tích.
Đương nhiên, ngoài vụ này ra thì Trác Hoàn, giáo sư Vật lý đại học Tokyo Tsuna Teiichi, giáo sư Robert Gatsby của đại học California cùng với hơn hai mươi nhà Vật lý học, nhà động lực học đại dương, chuyên gia trên lĩnh vực động lực học chất lưu toàn thế giới đang liên tục tính ra địa điểm rơi cụ thể của Rogge 318.
Đến thời điểm hiện tại, tuy đã tìm thấy chiếc máy bay này rồi, nhưng người ta vẫn chưa biết nó rơi ở đâu.
Biết vị trí rơi chính xác của nó, dù cho chỉ là một phạm vi đại khái thì cũng có thể tìm ra tình hình thời tiết lúc nó rơi xuống.
Tai nạn hàng không là bi kịch được tạo nên từ vô số sự trùng hợp.
Từ khi được ghi chép lại đến nay, bóng dáng của thời tiết ác liệt luôn ẩn hiện đằng sau đa số vụ tai nạn máy bay.
Tháng 3 năm 2022, cuối cùng, hơn hai mươi nhà Vật lý học ưu tú đã hợp tác tính ra địa điểm rơi đại khái của Rogge 318. Đó là ở vịnh Bristol thuộc eo biển Bering. Ngay sau ngày công bố phạm vi tai nạn, NTSB tức khắc liên hệ với các Tổng cục Khí tượng của một số quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Nga,... để thu thập thông tin khí tượng chuẩn nhất ở thời điểm đó.
Trong phòng họp, Lovince đứng trước màn hình chiếu, dùng tay chỉ một bức ảnh luồng khí xoáy nhỏ màu trắng, nói bằng giọng nghiêm túc: "Lúc xảy ra sự cố, ở nơi nằm chếch về phía Nam vịnh Bristol 30 hải lý, có hai khối không khí va chạm vào nhau, hình thành một cơn xoáy thuận nhỏ* trên biển."
(*Trong khí tượng học, xoáy thuận (còn gọi là xoáy tụ) là khối không khí lớn xoay quanh một vùng áp suất thấp mạnh. Xoáy thuận được đặc trưng bởi gió xoáy vào trong và xoay quanh một vùng áp suất thấp.) Ai nấy tức thì cúi đầu lật xem tài liệu trên tay mình.
Lovince trưng nét mặt nghiêm trọng: "Đó là số liệu cụ thể mà Tổng cục Khí tượng Nga đo được. Mọi người cũng biết rằng cơn xoáy thuận này không được thể hiện rõ lắm trên ảnh khí tượng, nhưng nhờ sự phát triển của khoa học kĩ thuật, là một trong những máy bay chở khách tiên tiến nhất, McFly F485 sở hữu khả năng kĩ thuật mà có thể phát hiện xoáy thuận." Nói xong, gã nhìn về phía Trác Hoàn.
Trác Hoàn nhíu mày, im lặng đảo mắt quanh những con số khí tượng này.
Nhân viên đội khai thác mặt đất của McFly mở lời: "Phải, F485 lắp hệ thống kiểm tra khí tượng tiên tiến nhất. Nó có thể kiểm tra được cơn xoáy thuận mờ này."
Lovince im lặng, đoạn nhìn Trác Hoàn: "Reid à, tôi nghĩ có lẽ giờ đã tìm ra nguyên nhân máy bay ban đầu đột nhiên rẽ phải rồi."
Ai nấy đều đang đợi Trác Hoàn đưa ra quyết định.
Mãi sau, Trác Hoàn mới quay đầu nói với Levi Andrew đang ngồi hàng ghế đầu đối diện bên tay phải: "Máy bay McFly cung cấp đã ở trong kho. Hãy ra lệnh cho phòng mô phỏng sự cố của NTSB tiến hành thí nghiệm trên máy bay thật đi."
Levi Andrew suy nghĩ một lát rồi nghiêm túc nhìn hắn và hỏi: "Patrick này, ngay cả cậu cũng không thể nắm chắc, rằng với khoảng cách 30 hải lý này, hệ thống tự động tuần tra của McFly F485 có thể tự động quyết định chuyển hướng hay sao?"
Đôi mắt Trác Hoàn sầm xuống, thốt từng chữ một: "Nó là trí năng nhân tạo, phán đoán của nó chưa bao giờ là phán đoán của tôi."
Ba hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới hiện nay chế tạo các máy bay chở khách không phải để làm việc thiện tích đức, mà là để bán được máy bay. Mà muốn bán được máy bay, muốn chiếm lĩnh thị trường bằng mọi giá thì chắc chắn phải có ưu thế bán nhỉnh hơn.
Chỉ có ba loại ưu thế bán của máy bay chở khách.
Thứ nhất, cũng là quan trọng nhất: Giảm chi phí chuyến bay, tăng sức chứa. Hiểu một cách đơn giản nhất là giàn khung máy bay càng nhẹ thì chi phí chuyến bay càng thấp. Có thể bỏ ra khoản phí tổn ít hơn, vận chuyển hành khách nhiều hơn dĩ nhiên sẽ được các hãng hàng không ưa chuộng hơn.
Thứ hai, quá trình lái tiện hơn, trải nghiệm lái tốt hơn. Đó là hướng cải tiến tự động hóa của hàng không dân dụng hiện tại. Airbus luôn là hãng nổi bật nhất trên lĩnh vực hệ thống máy tính điều khiển lái, trong khi McFly cũng nhờ chiếc F485 vượt thời đại mà chính thức chiếm lĩnh một phần thị trường.
Thứ ba, máy bay giá rẻ. Máy bay giá càng rẻ, đương nhiên sẽ càng được các công ty hàng không yêu thích.
Tất nhiên McFly F485 không phải loại máy bay giá rẻ, nhưng chi phí bay của nó có thể nói là thấp nhất trong tất cả các máy bay chở khách thân rộng hiện giờ. Trác Hoàn đã dẫn dắt cả đội thiết kế của McFly, dùng một phương thức khó tin nổi để ép chi phí bay của nó đến một mức mà người ta thấy nghẹt thở. Nghe nói sau khi McFly F485 ra mắt thành công, Boeing và Airbus đã tức tốc thay đổi yêu cầu về chi phí máy bay chở khách mới của mình, yêu cầu các nhà thiết kế phải lấy McFly F485 làm tiêu chuẩn.
Ngoài ra, ai cũng biết McFly F485 còn đồng thời là chiếc máy bay mà toàn thể phi công hàng không dân dụng khắp toàn cầu muốn điều khiển nhất, không-có-một-trong.
Thế mạnh của nó nằm ở hệ thống tự động gần như toàn năng.
Đương nhiên Trác Hoàn biết McFly F485 sẽ thay đổi và tự động sửa lại thiết lập lái trước thời tiết ác liệt ở tình huống nào. Thế nhưng, ngay cả hắn cũng không dám chắc chắn nó có thay đổi dưới tình huống nhất định nào hay không.
Hắn trao cho nó trí tuệ cao siêu.
Và nó, cho đến nay vẫn chưa bao giờ khiến người ta phải thất vọng.
Ngoại trừ lần này, và cũng là lần duy nhất.