Chương 1: Phi Tuyết Cung Hàn lệnh
Gã đã mười sáu tuổi.
Với niên kỷ như thế, gã nghĩ, không có lý do gì để gã phải nhất nhất chấp nhận mọi cách giải thích của sư phụ gã, một lão đạo sĩ lỗ mũi trâu luôn nói dối không biết ngượng mồm.
Càng ngẫm nghĩ càng minh bạch, gã xăm xăm quay trở lại thảo lư, nơi gã vì giận dỗi vừa bỏ đi, sau một lúc lâu thuyết phục nhưng vẫn không được sư phụ gã thuận tình.
Bước vào căn thảo lư đã quá cũ nát, cảnh tượng đập vào mắt làm gã tăng thêm quyết tâm. Bởi vì sư phụ gã rõ ràng đang ngồi xếp bằng, một cách ngồi mà đã lâu lắm rồi, gã vẫn còn nhớ, khi gã hỏi, sư phụ gã đã giải thích đó là lối ngồi để dưỡng thần luyện nội công, cũng là lối ngồi mà bất luận ai muốn có bản lĩnh võ công cao thâm đều phải ngồi tương tự.
Gã cố tình nện những bước chân rõ mạnh, cố tình cho sư phụ gã biết gã đã quay trở lại, gã đã nhìn sư phụ gã đang làm gì, vậy thì sư phụ gã đừng hòng nói dối gã như sư phụ gã từng nói dối.
Đôi mắt nhắm hờ của sư phụ gã từ từ hé lộ, một ánh mắt nghiêm khắc mà suốt từ bé đến tận giờ hễ nhìn thấy là gã phải phập phồng lo sợ.
Vẫn chưa hết, cùng với ánh mắt đó, sư phụ gã cũng mở miệng. Và cứ y như rằng, lần nào cũng như lần nào, sư phụ gã không mở miệng thì thôi, một khi đã mở miệng, điều này thật kỳ lạ khiến gã không sao hiểu nổi, bất kỳ lời nói nào của sư phụ gã đều như biết rõ mọi ý nghĩ của gã, thuất suốt tâm tư gã, khiến gã đôi lúc phải chối quanh vì không muốn nhìn nhận mọi điều sư phụ gã nói đều đúng.
Như lần này chẳng hạn, sư phụ gã ung dung hỏi :
- Ngươi bảo ngươi bỏ đi không bao giờ quay lại, nhưng chỉ mới đó ngươi đã thay đổi ý định, phải chăng ngươi đã tìm được phương cách, bắt ta phải chỉ dạy võ công cho ngươi?
Với ý định sẵn có, gã thủng thẳng đáp :
- Bảo có cách thì không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, do đệ tử lo nghĩ cho sư phụ nên cảm thấy không thể bỏ đi như thế này.
Sư phụ gã nheo mắt :
- Ngươi lo nghĩ cho ta? Ta nghe không lầm chứ?
Gã bấm bụng ngồi xuống trước mặt sư phụ, một điều mà trước nay gã chưa khi nào dám :
- Sư phụ không nghe lầm đâu. Đệ tử lo cho sư phụ thật, lo nhiều hơn sư phụ nghĩ là khác.
Sư phụ gã nhếch môi :
- Ngươi lo cho ta ra sao nào?
Gã làm ra vẻ nghiêm trọng :
- Đệ tử lo sẽ làm tổn hại đến uy danh của sư phụ.
Sư phụ gã bật cười :
- Làm tổn hại đến uy danh ta? Ta làm gì có uy danh mà sợ ngươi làm tổn hại?
Gã thoáng giật mình. Nhưng kịp nghĩ lại gã bảo :
- Uy danh của một người luyện võ. Nhất là sư phụ có bản lĩnh cao thâm, đương nhiên uy danh đó không phải nhỏ.
Sư phụ gã trầm giọng :
- Có khá nhiều điều ta mong ngươi phải hiểu cho minh bạch. Thứ nhất, ta tuy có từng luyện võ nhưng chỉ đủ để phòng thân, chưa bao giờ ta tự phụ là người có võ học uyên thâm. Thứ hai, đối với giới giang hồ ta chỉ là hạng vô danh. Và vì là hạng vô danh nên ta không hề có uy danh như ngươi cố tình đề cao. Điều thứ ba, hà... hà...
Sau vài tiếng cười kẻ cả, có vẻ đã biết hết những ý định của gã, sư phụ gã từ tốn nói tiếp :
- Vì ta không hề có uy danh nên ngươi đừng bao giờ nghĩ hễ ngươi bỏ đi và bị hết người này đến người khác hϊếp đáp là ngươi sẽ làm tổn hại đến uy danh của ta, đó là điều ta không hề quan tâm. Vậy cho nên, muốn nói thế nào thì nói, ta vẫn chưa bao giờ có ý định chỉ dạy chút võ công của ta cho ngươi. Còn gì nữa không?
Cũng câu hỏi cuối cùng tương tự, gã biết đó là cách sư phụ muốn gã đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, đừng quấy rầy sư phụ gã nữa, đừng hỏi han gì nữa.
Vả lại, gã thầm chán nản, gã còn gì để nói một khi mọi suy nghĩ của gã đều bị sư phụ gã quá thần thông quảng đại đã biết thấu suốt cả rồi. Như vậy, toan tính của gã một lần nữa phải thất bại.
Do đã quá nhiều lần chịu thất bại, nên lần này thật dễ hiểu nếu gã có phản ứng.
Gã bật thét, chính gã cũng không ngờ gã dám thét như vậy :
- Tại sao sư phụ cứ khăng khăng không chịu truyền thụ võ công cho đệ tử? Là sư phụ nghĩa là gì nếu đệ tử không được tiếp nhận chân truyền của sư phụ? Chưa hết, sư phụ cứ nghĩ đi, đệ tử còn phải minh bạch thân thế, phải biết thân sinh phụ mẫu là ai? Và nhỡ như đệ tử có thù nhân, thù nhân đó là người đã hãm hại thân sinh phụ mẫu của đệ tử, đệ tử biết lấy gì để báo thù nếu không có chút võ học?
Sư phụ nhìn gã không chút xót thương :
- À! Thì ra ngươi nghĩ ngươi có kẻ thù, ngươi nghĩ ngươi có hai đấng sinh thành đáng gọi là thân sinh phụ mẫu nên ngươi cứ nằng nặc đòi ta chỉ dạy võ học cho ngươi? Nghe đây, nếu ta cho ngươi biết sự thật, nếu hai điều đó hoàn toàn không đúng với tưởng tượng của ngươi, việc học võ công ngươi còn có nghĩ đến nữa không?
Rốt cuộc cũng có chút kết quả, gã nghĩ, gã không ngờ gã liều lĩnh gào thét như vậy lại giúp gã biết về thân thế. Gã thoáng lặng người :
- Sự thật như thế nào sư phụ?
Sư phụ gã nhếch môi cười buồn :
- Mười sáu năm trước, lúc ta có dịp vân du Giang Nam. Khi đó tiết trời giá lạnh khác thường khiến quan đạo hầu như không có lấy một bóng người.
Sư phụ gã như chìm đắm vào dĩ vãng :
-...
Cảnh quang hoàn toàn phủ trắng tuyết, lạnh đến nỗi ta phải náu thân dưới một cội cây và nhập định, tìm chút ấm áp cho bản thân. Bất chợt ta nghe thấy tiếng bước chân người tiến lại gần... mở mắt ra ta nhìn thấy một đôi phu phụ. Họ đến gần ta, lúc đó ta chỉ nghĩ họ cần tìm một chỗ để tránh tuyết rơi. Nhưng không phải, họ đến gần ta và nhìn ta bằng ánh mắt cầu khẩn. Mãi một lúc sau, khi thấy phụ nhân chìa cho ta xem một tiểu oa nhi hãy còn đỏ hỏn, cái lạnh đã khiến đứa bé phải thϊếp đi trong mê mệt, ta mới biết tại sao họ lại có ánh mắt cầu khẩn đó.
Nghe đến đây gã giật mình :
- Sư phụ muốn nói đứa bé đó chính là đệ tử? Và đôi phu phụ kia chính là...
- Không sai! Họ là song thân của ngươi. Cả hai, nhất là mẫu thân ngươi, cứ nài nỉ thật khẩn thiết, xin ta hãy nhận nuôi đứa bé thay họ.
Gã bật kêu :
- Không thể có chuyện này! Họ không phải song thân của đệ tử. Bằng không, họ đâu nỡ đành lòng xa lìa cốt nhục của chính họ?
Sư phụ gã lừ mắt :
- Thoạt đầu ta cũng nghĩ như ngươi. Nhưng bằng vào kinh lịch ta từng trải. Ta tin chắc ngươi chính là cốt nhục của họ. Bằng chứng ư? Thì đây, mẫu thân ngươi đã tuôn không biết bao nhiêu lệ thảm khi giải thích rằng vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng nên không thể cưu mang ngươi thêm được nữa.
Gã bỗng lạnh giọng :
- Họ là hai nhân vật võ lâm?
Sư phụ gã bĩu môi :
- Ta biết ngươi muốn nói gì! Sai rồi! Cứ theo tiếng bước chân của cả hai mà nói, mẫu thân ngươi là người chưa từng luyện võ. Riêng phụ thân ngươi, cước bộ tuy có vững hơn nhưng ngoài chuyện đó ra không còn dấu hiệu nào khác cho thấy phụ thân ngươi là nhân vật võ lâm. Như vậy, một là ngươi không hề bị bọn võ lâm dùng thủ đoạn độc ác là bắt cóc đi. Hai là họ vì lâm phải nghịch cảnh nào đó, vì không muốn giữ ngươi nữa nguyên là kết quả của một mối tình vụиɠ ŧяộʍ, họ buộc phải tìm cách tống khứ ngươi.
Gã hoàn toàn tuyệt vọng :
- Vậy đệ tử chỉ là một đứa bé sinh ra không phải lúc nên không được thừa nhận?
Phản ứng của gã khiến sư phụ gã dẫu sao vẫn là một đạo sĩ phải có chút mủi lòng :
- Chuyện này thời nào cũng có, đâu đâu cũng có, nào phải chỉ riêng ngươi chịu bất hạnh này? Huống chi dẫu sao ngươi cũng tốt phúc hơn nhiều đứa trẻ khác, không được bất kỳ ai cưu mang như ta đã cưu mang suốt mười sáu năm ròng rã.
Gã hít vào một hơi :
- Chỉ vì thế, vì đệ tử vừa sinh ra đã có lai lịch bất minh, sư phụ không truyền thụ võ công lại cho đệ tử?
Sư phụ gã cười khẩy :
- Ta không truyền vì có ba nguyên nhân. Và ba nguyên nhân này không hề có liên quan đến thân thế hay lai lịch bất minh của ngươi.
Gã nghi ngờ :
- Có những ba nguyên nhân ư?
Sư phụ gã gật đầu :
- Nguyên nhân thứ nhất, theo nghiêm lệnh của sư môn, ta không được bộc lộ sở học. Nguyên nhân thứ hai, cũng là theo nghiêm lệnh của sư môn, ta không được thu thêm truyền nhân thứ hai...
Gã cướp lời :
- Nghĩa là sư phụ đã từng có một truyền nhân? Người đó là ai?
- Ngươi chỉ biết có là đủ. Còn nguyên nhân thứ ba...
Gã lại cướp lời vì không cam tâm chịu đủ như sư phụ gã vừa bảo :
- Nếu sư phụ thật sự đã có một truyền nhân, sao suốt từ bé cho đến giờ, đệ tử vẫn chưa một lần nhìn thấy vị truyền nhân đó xuất hiện, chí ít là thăm qua sư phụ?
Sư phụ gã vẫn quả quyết :
- Tại sao ta phải giải thích cho ngươi rõ nguyên nhân? Chính vì ngươi luôn có thái độ như vậy nên ta phải nghĩ đến nguyên nhân thứ ba để không bao giờ chỉ dạy võ học cho ngươi.
Gã xịu mặt :
- Vậy nguyên nhân thứ ba là gì?
- Là ngươi quá ngỗ nghịch. Ngươi thử nhớ lại đi, có bao giờ ta bảo ngươi làm việc gì mà ngươi chịu làm ngay chưa? Đó là chưa kể ngươi không hề có tính nhẫn nại, cứ làm một nửa bỏ một nửa. Người như ngươi ta chỉ dạy võ công cũng vô ích.
Gã đứng bật dậy :
- Không phải đệ tử không nhẫn nại. Chỉ tại sư phụ không thuận tình chỉ dạy võ học cho đệ tử, cứ luôn cự tuyệt thành ý của đệ tử.
Sư phụ gã chợt thở dài :
- Tính khí ngươi vẫn vậy. Thôi ngươi đi đi. Ta có nói đến khô cả cổ ngươi vẫn không thể nào hiểu. Nói tóm lại, ta sẽ không bao giờ chỉ dạy cho ngươi. Đi đi! Đi đi!
Nhưng gã vẫn đứng bất động :
- Thế còn tính danh của đệ tử? Song thân đã không nhận đệ tử, không lẽ đến tính danh họ cũng không ban cho?
Sư phụ gã lặng người nhìn gã một lúc lâu. Mãi sau đó sư phụ gã mới chịu cất tiếng như không muốn nhìn gã rơi vào tuyệt vọng :
- Trước lúc quay lưng bỏ đi, với tâm trạng của người còn nấn níu tia hy vọng, mẫu thân ngươi có dặn ta hãy gọi ngươi là Tư Không. Ta nghĩ đó là đại tính của ngươi.
Gã lẩm nhẩm :
- Tư Không... Tư Không...
Một nụ cười có phần nào hòa dịu chợt xuất hiện trên môi miệng sư phụ gã :
- Nếu ngươi không phản đối ta đặt thêm cho ngươi một chữ Bạch. Chữ Bạch này xem ra rất phù hợp với hoàn cảnh xuất thân của ngươi, cũng là đúng với cảnh ngộ của ngươi vào lúc này.
Hai mắt gã chợt đỏ hoe :
- Tư Không Bạch? Bạch là trắng cũng hàm nghĩa là không? Không thân thế, không lai lịch? Tuy cũng có song thân như bao người nhưng đối với đệ tử có cũng như không.
Sư phụ gã nhắm mắt lại :
- Ngươi hiểu như thế là tốt! Ít ra ngươi không để bao chữ nghĩa ta dạy ngươi đi từ tai này sang tai nọ rồi biến mất. Cũng tốt, cũng tốt!
Sau vài lần lặp đi lặp lại hai từ sau cùng với âm thanh dần nhỏ đi, gã biết, sư phụ gã bắt đầu rơi vào trạng thái nhập định như gã thường thấy.
Gã quay lưng bước đi, dáng người thất vọng. Cứ như ba chữ Tư Không Bạch kể từ lúc này trở đi sẽ đeo đẳng gã, làm nặng trĩu từng bước chân của gã...
* * * * *
Gã vẫn quay lại căn thảo lư.
Sau hai ngày và một đêm, đi lang thang khắp miền sơn dã, bước chân quen thuộc đã buộc gã phải quay lại chốn này, là nơi mười sáu năm qua đã ràng buộc gã với một người không hề thân thuộc. Và danh nghĩa sư đồ giữa gã và sư phụ chỉ là danh hư nghĩa rỗng không. Rỗng như tên gọi của gã vậy: Tư Không Bạch.
Tuy nhiên, tâm trạng hoàn toàn trống rỗng bỗng biến mất khỏi gã.
Gã kinh ngạc: thường nhật vào giờ này ở căn thảo lư phải có ánh đèn leo lét. Vì hoàng hôn đã buông xuống từ lâu, sư phụ gã đâu có khi nào chịu để căn thảo lư tối om om như thế này?
Gã hồ nghi: Hay vì ngỡ gã đã bỏ đi, sư phụ gã do không còn gì để nấn ná nên cũng lẳng lặng ly khai chốn này?
Gã thất vọng: vậy là hết, tình cảnh gã bây giờ thật đúng với ba chữ Tư Không Bạch. Đến chút danh nghĩa sư đồ, dù chỉ là thứ danh nghĩa hư ảo, ngay lúc này gã cũng không còn nữa.
Sau cùng, sự tuyệt vọng lên đến tột đỉnh, không thể kiềm nén được nữa, gã bật gào lên :
- Sư... phụ...
Vừa gào gã vừa chạy xộc vào căn thảo lư.
Trời đã tối, gã không nhìn thấy gì.
Gã sờ soạng ở một góc thân thuộc, luống cuống tìm vật đánh lửa.
Gã bật lên.
Xoạch...
xoạch...
Do đang trong tâm trạng bối rối cùng cực, gã phải đánh lửa đến lần thứ năm hay thứ bảy gì đó mới có thể thắp cháy đĩa đèn dầu lạc vẫn may còn đầy dầu.
Gã đưa mắt nhìn quanh, chủ ý là chỉ muốn nhìn lại cảnh quang đã quá thân quen với gã suốt mười mấy năm qua.
Thế nhưng, cảnh được gã nhìn thấy trước tiên lại là cảnh mà gã không thể nào ngờ đến.
Sư phụ gã đang ngồi tĩnh tọa, cũng ở một chỗ quen thuộc, nhưng lần này cách ngồi của sư phụ làm gã giật mình.
Trước hết, sư phụ gã không ngồi thẳng lưng như mọi lần. Vì đầu của sư phụ gã chẳng hiểu sao lại cúi gập xuống, để cằm tỳ hắn hào phần ngực.
Kế đó là thần thái bất động kỳ quặc của sư phụ gã, một sự bất động chưa hề có ở sư phụ gã. Bất động đến nỗi sư phụ gã cam chịu ngồi mãi trong bóng tối, không thèm thắp đèn lên như mọi khi.
Sau cơn giật mình, với cảm giác thoạt đầu mơ hồ nhưng bây giờ đã trở nên quá rõ, gã tiến lại gần, vừa tiến vừa khẽ gọi :
- Sư phụ? Sư phụ?
Dù kêu khẽ hay thét to, phản ứng của sư phụ gã vẫn là câm lặng, đủ cho gã hiểu, sư phụ gã đã là một cái xác vô hồn.
Nỗi bi thương tràn ngập lòng gã. Người thân duy nhất còn lại của gã giờ đã hóa ra người thiên cổ.
Đời người ai cũng một lần chết. Tuy biết như vậy nhưng gã không thể không bi thương.
Không những thế, gã còn thấy áy náy hối hận. Phải chăng sư phụ gã vì cũng có cảm nhận rằng gã hiện giờ là người thân duy nhất, việc gã buồn bã bỏ đi đã gây một đả kích cực lớn cho sư phụ gã và hậu quả là sư phụ gã do không chịu nổi nên phải chết?
Với tâm trạng này, suốt đêm đó gã gục khóc bên thi thể sư phụ.
Trong khi lo hậu sự cho sư phụ, gã phát hiện một điều làm gã kinh nghi đó là thi thể sư phụ sao cứ cóng lạnh như bị vùi trong băng.
Gã nghĩ đành rằng tiết trời giờ vẫn đang đông nhưng nếu bảo vì thế sư phụ phải lạnh cóng thì quả là điều bất hợp lý.
Nghi hoặc thì vẫn nghi hoặc nhưng rốt cuộc cũng đến lúc gã đặt thi thể sư phụ vào mộ huyệt.
Cạch!
Cùng với tiếng động khẽ, một vật sáng lấp lánh bỗng từ người sư phụ gã rơi ra, nằm lồ lộ trên nền đất đọng tuyết.
Gã cau mày nhìn vật đó :
- Phi Tuyết Cung Hàn lệnh?
Bối rối, gã đặt thi thể sư phụ gã vào mộ huyệt sau đó mới thò tay nhặt vật đó.
Gã nhìn không lầm.
Vật nọ hình vuông vức, vừa bằng lòng bàn tay, bên trên có khắc ghi đúng năm chữ gã vừa nhìn thấy.
Gã lật mặt sau và phải tiếp tục cau mày :
- Những họa tiết này dường như là bức đồ hình của một khu vực nào đó? Phải chăng đó là nơi xuất xứ sư môn của sư phụ?
Nói đến xuất xứ sư môn, trong lòng gã thắc thỏm lo âu. Gã nói đến lời sư phụ gã, nghiêm lệnh của sư môn, như sư phụ gã nói, rất nghiêm khắc. Như vậy, nếu gã chưa từng được sư phụ thu nhận làm truyền nhân, lệnh bài này có lẽ gã không nên giữ.
Tương tự, dù ở mặt sau dù có đủ mọi họa tiết như đồ hình dẫn đến một khu vực nào đó, có lẽ phải là địa điểm tọa lạc của sư môn của sư phụ gã, gã không nên ghi nhớ và cũng không nên tự dẫn xác đến làm gì. Vì biết đâu, gã làm như thế là tự chuốc hoa. vào thân?
Gã ném bỏ mảnh lệnh bài vào mộ huyệt, định vùi cùng với thi thể sư phụ gã.
Nhưng gã bỗng thay đổi ý định.
Dẫu sao, đó là di vật duy nhất của sư phụ gã, gã nên giữ lại âu cũng là lưu lại ít kỷ niệm về sư phụ gã.
Gã nhặt lại, cất vào bọc áo.
Vùi lấp xong thi thể sư phụ, gã quay lại làm nốt công việc cuối cùng, là phá hủy căn thảo lư, nơi gã và sư phụ đã từng lưu ngụ.
Nhìn lại khung cảnh giờ đã trở nên trống vắng, gã cười chua chát :
- Sư phụ nói không sai. Tư Không Bạch ta giờ trở nên người vô thân vô thế, không nơi lưu ngụ, cũng không có lấy một mẩu hành trang vào đời. Lần đi này có lẽ không bao giờ ta còn dịp quay trở lại. Sư phụ! Đệ tử xin vĩnh biệt sư phụ...