Dịch: Mộ Quân
Vương Đại Trung nói ra tên lão Ngô làm tôi tí thì trượt chân.
Quẹo cua hơi gắt à!!
Vẫn biết lão Ngô có nhiều bí mật nhưng không nghĩ tới ổng giấu một bí mật to như vầy.
Tôi đã đi cả quãng đường dài, băng ngang huyện Tân Giang, vượt qua huyện Cao Tân, xuyên từ đông sang tây thành phố, còn xém bỏ mạng trong nhà trọ khủng bố kia, chỉ vì mục đích tìm vị tài xế thứ tư. Kết quả thì sao? Rốt cuộc người tôi cần tìm lại đang ở tại điểm xuất phát, là người mà hầu như ngày nào tôi cũng thấy ấy!
Vương Đại Trung thấy tôi như hóa thành tượng đá ở một bên, ông ta tiếp tục nói:
"Anh em, trên đời này chắc chỉ còn có anh biết chuyện này thôi. Nếu như chú đi hỏi lão Ngô thì ổng sẽ biết ngay là anh tiết lộ. Vậy anh sẽ..."
Tôi gật đầu như cái máy.
"Vương đại ca yên tâm đi. Sao em có thể làm thế. Anh đã khẳng khái nói cho em biết. Em xem anh như ân nhân của em vậy."
Vương Đại Trung lúc này mới thở phào một hơi.
"Mười năm trước xảy ra ba vụ tai nạn liên tiếp, không ai thoát chết. Đám tài xế bọn anh liền tập hợp lại phản ánh sự việc lên trên thành phố, nhưng không ai giải quyết. Hợp tác xã hết cách chỉ đành tiếp tục bố trí tài xế cho tuyến 13."
"Thế lão Ngô lái được bao lâu?"
Vương Đại Trung ngẩng đầu, trán nhăn lại cố gắng nhớ lại kí ức mười năm trước.
"Sau khi lão Ngô nhận tuyến 13 trở thành tài xế thứ tư, thì một đám tài xế cũ bọn anh không hiểu sao bị ép nghỉ việc hết. Nên rốt cuộc lão Ngô lái được bao lâu anh cũng không rõ."
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
"Ép thôi việc? Công ty mình còn có chế độ này nữa à!"
Vương Đại Trung vừa cười vừa trả lời:
"Chế độ đâu ra. Đây là thủ đoạn. Tuyến xe quỷ quái đó chết nhiều người thế, sao không sinh ra tin đồn này nọ trong công ty cho được. Cuối cùng chả biết đắc tội nhân vật lớn nào. Trong vòng một tuần, nguyên đám bị đuổi hết."
Vương Đại Trung kể xong đoạn này thì vỗ vai tôi, bảo:
"Tụi anh bị đá hết, chỉ có mỗi lão Ngô trụ lại. Nên người anh em à, bối cảnh của lão Ngô không đơn giản đâu, chú tốt nhất đừng có kiếm chuyện với ông ta."
Những lời nhắc nhở này của Vương Đại Trung gợi mở cho tôi khá nhiều vấn đề. Tuy không lấy được đáp án mà mình mong muốn nhưng chuyến đi này cũng không phải không có thu hoạch.
Nói chuyện phiếm với Vương Đại Trung thêm mấy câu rồi tôi và lão Lưu chào tạm biệt.
Vừa ra khỏi sân một đoạn, Vương Đại Trung lại đuổi theo chúng tôi.
"Người anh em, anh không thể để chú đi phí công một chuyến. Có bí mật này anh muốn kể cho chú nghe. Ở thôn Đường Oa Tử có một người tên là Quan Quân. Người này với lão Ngô là kẻ thù truyền kiếp, đấu đã với nhau không biết bao nhiêu năm mà nói. Nếu chú muốn tìm hiểu chuyện của lão Ngô, thì cứ đi kiếm Quan Quân mà hỏi là tốt nhất."
******************
Về lại nhà trọ, lão Lưu cứ trầm mặc như đang hồi tưởng lại cái gì.
"Lão Lưu, ông nghĩ gì thế?"
Lão lắc đầu, nói:
"Vương Đại Trung nhắc tới người tên Quan Quân này ta thấy quen quen, hình như đã nghe ở đâu rồi."
Tôi than nhẹ rồi nói:
"Khỏi nghĩ nữa, đến thẳng thôn Đường Oa Tử tìm hắn là xong việc."
Lão Lưu gác gậy cạnh giường, trầm giọng bảo:
"Thôn Đường Oa Tử này nếu không bị buộc phải đi thì tốt nhất đừng bén mảng. Nơi đó không ưa người ngoài."
Tôi không để bụng, cười hì hì đáp lại:
"Không ưa người ngoài thì vẫn phải đi thôi. Lại nói, chỗ này như thế nào cũng không có khả năng khủng bố hơn Hổ Yêu Sơn được."
"Được, muốn đi thì đi đi. Bất quá ta cảnh báo trước. Thôn Đường Oa Tử khá phức tạp, đừng tùy tiện tin ai cả."
Lão Lưu nói câu này xong, trở người ngủ luôn.
Tôi vẫn nằm thao thức trên giường, nghĩ về lão Ngô, cảm giác người này quả nhiên không đơn giản.
Vụ đồng hồ quỷ lần trước náo động cả tỉnh thành, mấy ông lãnh đạo ở công ty bị cách chức sạch sẽ. Nhưng người nắm quyền lực thực sự là lão Ngô thì lại chả mất cọng lông nào, toàn thân rút lui.
Hậu thuẫn của ông ta đúng thật hơi bị dày!
Trời vừa hửng sáng, tôi và lão Lưu liền bắt chuyến xe sớm nhất quay về công ty. Trên đường đi chúng tôi đã bàn bạc xong xuôi, quyết định tuần sau cùng đi thôn Đường Oa Tử tìm Quan Quân.
Đến nơi, vừa vào cổng tôi đυ.ng ngay lão Ngô, ông ta đứng từ đằng xa nhìn tôi, mới đầu thì chau mày, sau lại đột ngột giãn ra một nụ cười.
"Cậu em, đi chơi về rồi hả! Tôi nghe nói cậu lại tự phát ngày nghỉ cho mình phải không?"
Gặp lão Ngô lúc này, tâm tình của tôi vô cùng phức tạp, nhưng cảm giác chủ đạo vẫn là khinh bỉ cùng căm ghét.
Ông ta là tài xế thứ tư, hẳn là rõ ràng hơn ai hết tuyến xe này nguy hiểm cỡ nào. Thế mà vẫn cứ kéo tôi xuống nước!
"Đi đám cưới thôi."
Tôi càng nhìn ông ta càng thấy phiền chán, không muốn phí lời liền bịa đại một lý do xong đi về phía kí túc xá.
Lão Ngô thấy tôi thái độ, ông ta đuổi theo phía sau chửi ỏm tỏi.
"Bố mặc kệ". Tôi thầm mỉa, cứ thế bước tiếp.
Mới mấy ngày không gặp thôi mà cu Sáu nó đã tròn ra một vòng.
Thấy tôi quay về cu Sáu cứ mồm năm miệng mười đòi nhậu nhẹt đón gió tẩy trần các kiểu. Tôi cười cười đáp ứng rồi gọi điện cho Bạch Phàm hẹn tối nay cùng đi ăn.
Cũng may lần này cô ấy không dẫn theo Thang Nghiêu. Ba chúng tôi được bữa tưng bừng náo nhiệt ra trò.
Ăn xong cả bọn đi tản bộ tiêu cơm. Tôi và Bạch Phàm đi đằng trước. Cu Sáu làm bóng đèn theo sau.
Tôi chợt nhớ ra Bạch Phàm lớn lên ở thôn Đường Oa Tử nên quay sang cô ấy hỏi thăm tình hình.
"Bạch Phàm, anh hỏi em cái này. Thôn của em có ai gọi là Quan Quân không?"
Bạch Phàm ngẫm nghĩ rồi lắc đâu:
"Em không biết. Trong thôn có mấy nhà họ Quan nhưng em chưa nghe nói có người tên Quan Quân."
Trả lời xong Bạch Phàm hỏi lại tôi:
"Sao thế? Người này là ai vậy?"
"Không có gì. Anh có chút việc, mấy hôm nữa sẽ đi thôn Đường Oa Tử một chuyến."
Bạch Phàm nghe tôi bảo muốn đến thôn Đường Oa Tử, cô liền thay đổi sắc mặt.
"Thôn em không hoan nghênh người bên ngoài. Em khuyên anh không có việc gì thì đừng đi lung tung."
Lại là không hoan nghênh người ngoài?
Không khác mấy với lời dặn dò của lão Lưu.
Tôi cố ý giả vờ không để tâm. Đột nhiên nhớ tới cô gái váy đỏ, tôi lại hỏi:
"Đúng rồi, người tên Thang Nghiêu lần trước em dẫn tới ấy, sau hôm anh nhắn với em, em có còn liên lạc với cô ta không"
Bạch Phàm ung dung trả lời:
"Đương nhiên là có rồi. Tụi em là chị em tốt mà!"
Tôi hết hồn vội nhắc nhở cô:
"Bạch Phàm, có mấy chuyện anh không tiện nói thẳng với em nhưng mà em phải tin anh. Trong thời gian em đi công tác, Thang Nghiêu này không phải là Thang Nghiêu em biết trước đây đâu."
Bạch Phàm ngẩn ngơ, cười phá lên:
"Anh nói gì nghe ảo vậy. Đừng có thần thần bí bí hù dọa em."
Tôi còn muốn nói chuyện nhưng Bạch Phàm lại không muốn nghe, cô đã rảo bước chân phăm phăm một mình đi tới trước.
Mấy ngày đi huyện Khai Phát, đều là cu Sáu thay tôi chạy xe. Tối nay ngồi vào ghế, đặt tay lên vô lăng, tôi cứ có cảm giác lạ lẫm thế nào.
Chiều đi xưởng giấy vẫn như cũ, khá đông thôn dân lên xe. Tôi vẫn đang để trong lòng chuyện đi thôn Đường Oa Tử, nên tranh thủ lúc này muốn tìm hiểu thêm thông tin từ mấy người thôn dân.
Gần ghế lái nhất là một người phụ nữ trung niên đang địu một đứa bé.
Tôi liếc mắt nhìn qua, rồi vừa cười vừa mở đầu câu chuyện:
"Hôm nay chị buôn bán thế nào?"
Người phụ nữ nhướn mày, giọng không vui vẻ cho lắm:
"Tàm tạm."
Tôi thấy người này hình như đang khó ở, nên tôi thôi luôn, tập trung lái xe.
Đợi đến trạm cuối, bà con lục tục xuống xe hết, tôi mới phát hiện chỗ người phụ nữ vừa nãy, có rơi một cái túi vải có hoa văn màu đỏ.
Túi vải này trông khá xinh xắn, miệng túi đang được cột chặt lại. Tôi cũng không có ý định mở ra làm gì, chỉ nắn bóp sờ thử mấy cái, có vẻ giống một đoạn cành cây.
Mấy đêm tiếp theo tôi đều lái xe trong tâm trạng mơ màng về người tên Quan Quân, sốt ruột quá nhịn không được tôi phải hấp tấp tìm lão Lưu thúc giục lão mau mang tôi đi thôn Đường Oa Tử.
Lão Lưu chịu không nổi sự lì lợm đeo bám của tôi, cuối cùng hạ quyết định đi liền ngay lập tức.
Đường Oa Tử là một thôn rất có tiếng về rau xanh trái cây các loại ở thành phố chúng tôi. Quanh thôn là hằng hà sa số đất ruộng trồng rau, vườn cây ăn quả bao la bát ngát.
Khác hẳn với ở Hổ Yêu Sơn, trên đường mòn vào thôn, bọn tôi gặp rất nhiều thôn dân, ai nấy đều niềm nở chào hỏi bọn tôi.
Tôi cười cợt đẩy vai lão Lưu:
"Lão Lưu, ông khẳng định là chưa từng tới đây hả? Thôn dân người ta nhiệt tình như vầy, chỗ nào là không ưa người lạ chứ!"
Lão Lưu vẫn đeo bộ mặt nặng như chì.
"Ta chưa tới, chỉ nghe nói thôi."
Do lần trước tôi lỡ ngộ hại thôn trưởng ở Hổ Yêu Sơn, nên lần này nói kiểu gì đi nữa tôi cũng không đồng ý tìm thôn trưởng thôn Đường Oa Tử.
Bọn tôi thương lượng qua lại xong quyết định tìm một hộ nông gia có nhà cửa lớn một chút, biếu người ta ít tiền rồi xin trọ lại, tiện thể được thì hỏi thăm tin tức của Quan Quân luôn.
Ngay đầu đường bọn tôi nhìn thấy một căn nhà có ba gian rất lớn được lợp ngói toàn bộ, bèn đi qua bắt chuyện ướm lời xin ngủ nhờ, không ngờ chủ nhà rất hào phóng, vui vẻ đồng ý ngay tắp lự.
Hộ nhà nông này là một gia đình rất đông đúc, tam đại đồng đường, từ đời ông đến đời cháu. Thời điểm ăn cơm, người trong nhà bê một cái bàn tròn lớn ra đặt giữa sân, mọi người quây quần chen chúc cạnh nhau vô cùng náo nhiệt.
Tôi và lão Lưu theo ăn chực, cũng được họ nhét vô một góc. Thấy nhà có khách nên vị chủ nhà lại làm thêm mấy món đồ ăn.
Ngồi vào bàn, tôi đột nhiên chú ý đến người ngồi đối diện chính là người phụ nữ làm rơi túi vải đỏ trên xe tôi mấy ngày trước.
Tôi vui vẻ chào hỏi chị ta rồi nói:
"Trùng hợp ghê, mấy hôm trước vừa gặp chị trên xe này. Không ngờ giờ lại cùng ngồi ăn một bàn."
Chị ta cũng cười cười nhìn tôi, trả lời:
"Thế hử? Đầu tui lơ mơ lắm, không nhận ra cậu. Cậu cũng mần ruộng ở chỗ ni hả? "
Tôi lắc đầu, nói:
"Không phải. Tối mấy hôm trước chúng ta ngẫu nhiên gặp mặt trên xe buýt đấy. Chị quên rồi hả? Chị đứng bên cạnh tôi ấy."
Tôi vừa dứt lời, cả bàn bỗng im lặng, thậm chí có người đang gắp rau đưa lên miệng cũng đứng hình.
Tất cả đều đưa mắt nhìn sang tôi.
Một người đàn ông lên tiếng:
"Chú em nhìn nhầm người rồi. Em gái tui suốt ngày cắm mặt ngoài rẫy, đâu ra thời gian mà đi xe buýt."
Câu này rót vô đầu tôi một mớ dấu hỏi. Tôi hay quên thật, nhưng không đến nỗi mắc chứng mù mặt. Người phụ nữ này rõ ràng mấy hôm trước có đi xe, sao giờ lại chối đây đẩy.
Tôi đặt chén cơm xuống, rút cái túi vải màu đỏ ra rồi nói:
"Chị không phải vào thành phố bán rau quả sao? Lúc xuống xe còn đánh rơi cái túi này."
Trên mặt người phụ nữ tràn đầy sự mờ mịt, chị ta nhìn tôi rồi cầm lấy cái túi, xem qua rồi nói:
"Cái túi này đẹp phết, nhưng nó không phải của tui nha."
Chị ta vừa nói vừa tháo sợi dây buộc miệng túi ra.
Miệng túi vừa mở, một vật thuận theo chiều dốc rớt ra khỏi túi.
Cả bàn người sợ hãi chạy tứ tán.
Một đốt tay người!!