Hôm ấy, cụ Bá ông quả quyết mở ví tiền để trả cho anh lái cɧó ©áϊ giấy bạc một đồng. Cụ sung sướиɠ cực điểm vì rằng con Vện mà cụ mới mua đấy, theo ý cụ, là một con chó có... dị tướng: béo tốt, chân thấp, mồm và tai vừa nhọn vừa ngắn, mặt trùn trùn gẫy gập như mặt giơi, lông đã hung hung lại có vằn đen như lốt hùm.
Cụ đã khoe với cả xóm rằng ai nuôi được thứ chó ấy ắt sẽ có nhiều dịp phát tài - giống chó cũng có tướng như giống người, mà con Vện của cụ thì lại quý hơn các thứ chó huyền đề hoặc là tứ túc mai hoa vì nó có tướng ngũ đoản.
*
* *
Chẳng hiểu cụ Bá xem tướng con Vện có đúng hay không! Sau khi có nó ba bốn ngày, chưa cho cụ được dịp phát tài đâu, nó đã vồ lấy ống chân cụ Bá bà mà ngoạm luôn cho một ngoạm. Tuy rằng mấy cái răng ngập vào thịt cũng không sâu cho lắm, nhưng cụ bà bị toạc mất hai tấc váy lĩnh: cái triệu chứng hao tài!
Có lẽ tướng ngũ đoản cũng chẳng đáng quý bằng cái váy lĩnh nên chi cụ ông, mặc dầu đã hết sức can ngăn và hạch lại cụ bà rằng "Mới thả cũi nó một ngày nó chưa quen hết người trong nhà, ai bảo bà đã đi về khuya lại không đánh tiếng", cụ cũng chẳng giựt nổi của cụ bà cái đòn ống to tướng lúc ấy cứ giáng xuống lưng con Vện như mưa...
- Này cắn trộm! Này phản chủ với bà!
- ẳng ẳng ẳng ẳng!
Con Vện trong lúc chịu đòn, chỉ biết kêu có thế, nước mắt chảy ra ràn rụa, trông cũng đáng thương hại lắm.
Thất bại trong cuộc làm thầy kiện cho con chó có dị tướng ấy, cụ Bá ông hậm hực mất đến vài ngày, và khách hàng của cụ, từ đó cũng phải một phen kệch. Bốn chiếc răng nanh chẳng dám dùng đến nữa, từ đấy, hễ thấy người lạ mặt, con Vện chỉ đành gừ gừ một cách cho phải phép, hay là, quá lắm, cũng chỉ đến gâu gâu rất suông. Cái bực tức ấy thật chẳng khác gì cái bực tức của những ông quan viên nào đi che tàn, xuống xóm những tưởng sẽ được hưởng thế nọ... thế này, mà kỳ chung chỉ được có một chầu chay thôi vậy!
*
* *
Vẫn biết cắn là một tính thiên bẩm của loài chó thật song le, bất cứ lần nào, hễ Vện ta vừa rụt chân, rụt cổ, ngứa mồm nhe nanh, hừ một cái, là tức khắc bị những người suỵt suỵt ầm lên, cho nên nó nghĩ ngay đến cái đòn ống, lại cho rằng sự mình bị quát mắng là một điều áp chế, nó chui ngay vào gậm phản mà nằm rồi nhìn thế sự bằng cặp mắt bàng quan. Nếu nó biết nói, ắt nó đã làm một câu: "Chặc! Thì ông mặc kệ".
Dần dần, nó chỉ biết đến bữa thì ăn, ăn xong tìm chỗ nào cao ráo, ít ruồi, ít muỗi, đánh một giấc, cái đầu đặt giữa hai chân trước như người nào đến cái tuổi mũ ni che tai... Nhưng mà các cụ nhà ta đã bảo rằng nhàn cư vi bất thiện.
Cứ ngày nào cũng đủ hai bữa, sáng ngủ đến 9 giờ mới dậy, buổi trưa nào cũng la siết1 một giấc, cuộc đời như vậy cũng tẻ ngắt. Vện ta phải nghĩ đến cách tán gái cho qua thời giờ. Đã không phải vất vả đến thân lúc nào lại được ăn chơi mặc thích, Vện càng ngày càng béo tốt, lông cứ mượt mà như nhung. Trông cũng có vẻ công tử bột lắm. Bộ mã đã bảnh bao cố nhiên trên đường tình dễ đắc thắng: cái tiếng chơi bời của Vện chỉ trong ít lâu đã lừng lẫy cả xóm: Vện đã nặn thêm ít nhiều xuất đinh cho cái "xã hội có mõm" và hễ cứ nhà nào có cɧó ©áϊ là phải thấy tiếng "quấy khóc" của đàn chó con lau nhau. Thì ra Vện cũng có số đào hoa như Người vậy.
*
* *
Nếu có ai được mục kích công tử Vện tán gái thì mới rõ tâm lý phụ nữ, với những cái thế lực của những bộ mã giẻ cùi.
Không có mùi soa nhưng lại thích cái mốt quay quay mùi soa đằng sau gái nó là cái mốt của bọn đệ tử đảng "Càn Long" ở Hà thành, trước mặt gái, Vện ta cũng vẫy cho đuôi luôn luôn phe phẩy, loanh quanh vài vòng thè lưỡi, ghé mũi, hết sức bầy tỏ tấm lòng khuyển mã, ấy chỉ có thế mà các "tiểu thư" Vàng, Bông, Cún, Mực, cô nào dữ và "lắm điều" vào bậc nhất, và có răng nanh nhọn nhất, cũng không nỡ cự tuyệt con... người có duyên một cách lạ ấy, cũng cảm ngay. Thật vậy, Vện chẳng bị tẽn hoặc bị cự tuyệt bao giờ.
Trò đời vẫn thế: thấy ai hơn mình là phải ghen ghét. Những chó vô duyên khác thường họp đàn họp lũ nhau rồi đến tận nhà cụ Bá gây sự với Vện luôn thôi! Không hề gì, cũng là hạng "có một vài miếng" nên Vện cũng chẳng sợ. Lắm khi một mình cự địch với ba bốn cũng vẫn thắng trận như thường. Cho nên từ các cô êu đài các đến các cô êu nghèo hèn, không một "mẻng" nào mà lại thoát cái phong tình của Vện. Không phải con chó ấy tham lắm, nhưng những khi chim chuột những hạng không có nhan sắc, dễ thường nó muốn thực hành cái lý thuyết: Mùi nhang đã trải, mùi dầu thử chơi! Nói cho đúng ra, Vện lại còn muốn được đời khen mình là yêu bình dân, vì sự thực thì Vện cũng có óc "hoạt đầu" dữ lắm.
*
* *
Nhưng mà có một lần, cái đàn những anh tình địch của Vện đông quá; dễ đến mười mõm ấy; thảy đều vây quanh lấy Vện mà vồ, mà nhá, khiến cho, không chống cự nổi nữa, Vện phải hộc tốc chạy về nhà, chui tọt vào gậm giường đứng giữ thế thủ cẩn thận rồi nhe nhanh gừ gừ ra ý thách:
- Chúng mày có giỏi, vào đây với ông!
Đàn kia.. không có con nào dám vào, chỉ đứng ngoài mà gầu gầu rầm lên ra ý chửi bới và văng tục.
Thật cũng chẳng may cho Vện quá, vì ngày hôm ấy cụ Bá có giỗ tổ, giữa lúc ấy lại nhằm lúc cụ bà đương xới cơm cúng, và cụ ông đương kính cẩn khấn khứa trước bàn thờ.
Bỗng dưng thấy tiếng chó sủa kinh thiên động địa, nhìn ra lại thấy toàn một lũ "đầu trâu mặt ngựa" đương đứng xúm nhau giữa cửa để chõ mõm vào mà tự do chửi rủa tàn tệ, mà dưới gầm thì là Vện, biết ngay lại chuyện ghen tuông chi đó, bực mình và sợ bất kính trong lúc cúng tế, cụ Bá ông quên cả chân mình đương có bít tất bông trắng nõn, nhẩy ngay xuống đất vớ cái lau màn, ra dẹp tan lũ "ưng khuyển" rồi mới quay vào giọt cho Vện một trận không tiếc tay.
Thói thường chó đen giữ mực, Vện cũng chẳng chừa.
*
* *
Đêm ấy, một đêm giăng thanh gió mát, nhân khi cao hứng, Vện phá rào chui ra ngoài đi với tình nhân. Giữa lúc hai bên chỉ non thề biển nặng lời trên con đường nhỏ giáp với lũy tre quanh làng nó cũng là một thứ "con đường Cổ Ngư"(1) chẳng hạn, thì một chú Cược thừa cơ chui qua cái chỗ hở ở giậu, vào sân tự do lấy mất cái chậu thau đồng.
------------------------------------------------
- Tên cũ của đường Thanh Niên (Hà Nội) bây giờ. ------------------------------------------------
Thấy sột soạt tiếng động lúc trộm đã chui ra, cụ Bá gọi Vện mãi chẳng thấy đâu, phải lật đật ra sân soi thì... hỡi ơi nông nỗi!
Cách đấy vài phút, Vện lại chui qua lỗ hổng mà vào, hai mắt lấm lét nhìn trộm chủ, ra vẻ lo sợ chẳng hiểu đương đêm soi đèn và gọi mình làm gì thế kia... Thấy Vện có vẻ khả nghi, cụ Bá nhìn đến hàng rào rồi thất kinh chạy đến chỗ hổng. Rành rành một mảng lông mắc gai theo cái triều lưng của Vện lúc chui ra vẫn còn sờ sờ ở đó, cụ biết ngay ra là thủ đoạn của Vện, là nhờ Vện thì chú Cược mới được thừa cơ!
Giữa lúc cụ đương tiếc đứt ruột, cô Khoang, một con chó trông có quý tướng lắm, tứ túc mai hoa, "gót sen đẹp nõn", thật đáng gọi là... hoa khôi của làng êu, cũng chui qua giậu mà vào. Cô vào gừ gừ một câu nũng nịu những tiếng oanh thỏ thẻ muốn đại khái nói; "Giữa lúc này, gió mát trăng thanh mà chàng nỡ bỏ em, vậy thì chàng không coi cái ái tình cao thượng của đôi ta ra sao nữa ư?" Còn Vện giữa lúc ấy đã là một kẻ phạm nhân, mà cũng cứ tự do mơn trớn tình nhân, không coi mặt cụ Bá vào đâu sất cả!
Chẳng thèm nghĩ đến "cặp uyên ương" cụ Bá bèn lấy gậy vụt cho cả đôi một cách phàm phũ. Giận đến cực điểm, lại đau đớn về nỗi mắc lừa cái tướng ngũ đoản, cụ quả quyết chỏ tay lên vầng giăng mà thề độc: hễ có khách là trị tội, bắt Vện phải chịu... giềng hình!
*
* *
Khách lại là chúng tôi.
Muốn an ủi cụ Bá, chúng tôi phải nói chế đi rằng:
- Chó ngũ đoản chẳng hiểu có lợi gì cho người nuôi không, nhưng mà chén thì kể cũng đường được.
Trong lúc giốc bầu say tỉnh, chúng tôi chợt nhớ đến lúc con chó Khoang sang xem cuộc hành hình người yêu của nó. Ôi, thật là một sự chung tình đáng làm gương cho giai nhân tài tử ở đời soi chung!
Thấy con Vện bị trói chặt bốn chân, tiết ở cổ ứa ra như suối, con Khoang vẫn cứ chạy quanh cái chỗ gớm ghiếc ấy để liếʍ vào mình mẩy con Vện ra ý thương xót. Còn Vện thì nước mắt ràn rụa, khóc như một người thật. Nếu biết nói như người, hẳn nó đã nói: "Em ơi, anh chết vì em đấy! Thôi cũng là dịp cho anh tỏ dạ hy sinh tính mệnh để phụng sự ái tình!".
Nhưng những tư tưởng tốt đẹp ấy chỉ được phô diễn bằng mấy tiếng:
- ẳng ẳng ẳng ẳng!
Đông Dương tạp chí,
số 20; ngày 25.9.1937