Đầu đuôi tại con mèo. Nhưng cũng tại trời bức nữa. Bức không chịu được.
Chị cu vừa ở trên khung cửi xuống. Anh cu vừa ở ruộng về. Hai người cùng mỏi mệt. Hai người cùng bứt rứt. Một người ngồi quạt phành phạch. Một người ngồi gãi cái đầu tổ quạ đến mấy tháng nay chưa gội. Chẳng ai buồn ăn cơm. Nhưng cái Viển thì lại muốn chóng xong việc để còn đi tắm. Nó lừa thằng cu ngủ. Nó bưng mâm cơm ra hè, đặt đấy. Rồi nó chạy vào mắc, rút một cái quần, một cái yếm, vắt lên vai, mải mốt đi ra ngoài cầu ao. Nồng nực thế này thì ăn không bằng tắm. Cứ để cho vợ chồng người ta ăn trước. Tí nữa về, có còn thì nó ăn, hết thì thôi. Cái bữa tối họa hoằn mới có. Ấy là khi nào cơm trưa chưa ăn hết, còn thừa lại. Đủ chia, thì mỗi người làm một vực. Chẳng đủ chia thì nhịn, cũng chẳng chết gì.
Lúc ấy chú mèo mới ở đâu lò dò đến. Chú lại gần mâm. Chú kêu meo meo. Chú lượn vòng quanh mâm một lát. Rồi chú trèo lên mâm. Anh cu trông thấy quát:
– Mèo! Đuổi nó đi! Con mèo!
Anh vừa quát vừa vỗ tay xuống hè bèn bẹt. Thằng cu giật mình, thét lên. Chị cu bực mình quá, quay ra trị chồng:
Gớm mồm với miệng gì mà toang toang như ngỗng đực. Làm thằng bé dậy.
Không thế để nó ăn hết, hả?
Có mốc gì mà nó ăn? Không trách được!…
Chị chạy vào rước thằng cu dậy. Trong nhà nực quá, chị ẵm nó ra ngoài hè. Nó chúi đầu vào ngực, mấp lấy đầṳ ѵú, day. Day mãi. Trời này mà cứ phải ôm lấy nó thì có bực mình không chứ? Chị thấy ngứa lung tung, khắp người. Chị lẩm bẩm trách chồng:
Cái giống người gì hơi một tí là oang oang như mõ ấy! Thằng bé đang ngủ mệt mà cũng làm nó dậy. Chỉ chết người ta thôi.
Anh tức lắm. Chỉ có thế mà chị lỉa rỉa đay nghiến anh mãi được. Có thứ người gì ấy lại lắm điều đến thế? Cái đầu anh càng ngứa dữ. Anh rứt từng mảng tóc đi…Giữa lúc ấy thì chú mèo thấy tình hình như đã yên ổn lại, lại lò dò đến, trèo lên mâm. Anh cu cười đắc chí, anh bảo vợ:
Kia kìa! Nó lại trèo lên “đầu lâu” kia kìa….Không muốn đuổi nó đi thì cứ để cho nó ăn cả đầu lâu, hoa cái nhà mày đi.
Chị cu to tiếng:
Ăn nói như cái đồ lục súc. Được rồi, không khiến đuổi. Để xem nó ăn gì nào?
Thì để đấy.
Anh nhìn con mèo, đợi. Nhưng cáu thật, con mèo không ăn gì thật. Thì có gì mà nó ăn? Cả mâm có một bát muối vừng. Nó ngửi một chút rồi lại lảng. Mèo không ưa muối vừng. Anh thầm mong cho nó đút đầu vào nồi cơm nguội. Nhưng niêu cơm nguội còn đậy vung. Mèo thất vọng, meo meo một lúc rồi buồn rầu lảng đi…Anh bẽ lắm. Anh nhìn trộm vợ. Chị không thèm nói nữa, nhưng vác cái mặt lên khinh bỉ chồng. Trông đã ghét, anh muốn tát vào cái mặt cong cớn của vợ anh vài cái. Nhưng lấy cớ gì mà tát nó? Nó đã câm họng rồi. Anh quả quyết lại mâm cơm. Anh hất con mèo một cái, nẩy ra tận đằng xa. Rồi anh xúc cơm, rắc muối vừng ăn. Anh cúi đầu ăn, mặt hầm hầm. Bởi vì anh còn tức lắm. Nhưng càng tức càng ăn khỏe. Tính anh thế. Không ăn, lấy sức đâu mà tức được? Đã tức thì phải ăn. Anh ăn ngoàm ngoàm. Trông thô bỉ quá. Rõ thật là cái vẻ của một người cục súc. Chị cu làm như không thèm nhìn đến, nhưng trông thấy tất cả. Chị lộn máu lên. Chị giận chồng chị quá. Cái anh chồng động lòng hả hê. Đích là nó cố ý trêu tức chị. Chị uất người, cổ chị có cái gì lấp hẳn. Thật ra thì nó chẳng động chạm gì đến thị. Nó đi ăn cơm kia mà!…. Chị trút giận vào đàn muỗi. Chị vừa chửi vừa phát vào bắp chân đen đét. Chị trút giận vào thằng cu…
Thằng cu lại ngủ rồi. Chị đem nó lừa vào võng. Cái Viển cũng tắm xong rồi nữa. Nó đang phơi quần. Anh cu thì quẳng cái bát, đôi đũa xuống mâm từ lúc nãy kia rồi. Bây giờ anh đang ngồi bắt tréo kheo, hất hàm lên, nghênh trời.
Chị cu lại lên mâm. Chị nhắc cái niêu nhẹ nhõm. Chị nghiêng nó ra ánh trăng, nhìn. Còn ba hột cơm ranh! Ăn chẳng bõ dính răng. Chị nguây nguẩy đứng lên, bảo Viển:
– Viển! Mày vét nốt mà ăn đi.
Viển tưởng chị nhường cho nó. Nó là con ở nhưng cũng ra phết lắm, không tẹp nhẹp, nhất là cái miếng ăn, miếng uống, dù trong bụng đói đến chết, ngoài mặt nó cũng làm ra không cần. Nó bảo:
Chị ăn đi. Tôi không đói.
Mày ăn đi.
Tôi không ăn ạ.
Không ăn thì đem trút xuống ao cho cá!
Anh cu biết ngay là vợ dỗi. Anh cười gằn, hỏi:
– Nào, có đứa nào ăn không nào?
Chị cu không thèm đáp. Cái Viển đoán là chị giận, vội lại vét nốt cơm ra bát…
Mời chị lại xơi nốt… Chị gắt:
Đổ té nó đi! Tao đã bảo…
Thì “choang” một cái, anh cu đã hất cái mâm ra ngoài giữa sân. Chị cu gào thật to:
Trời ơi là trời!…. Mày phá tao thế à? Từ sáng đến giờ, tao ngồi trầy trầy trên khung cửi, mới được chừng một đồng hào, mà mày phá tao một lúc một cái niêu, bốn năm cái bát…
Thằng cu trong nhà lại thét lên. Viền chạy vào, “rước” nó. Chị cu thì vừa nhảy loi choi, vừa vỗ tay đen đét, xỉa xói vào mặt chồng mà kể lể. Nhưng chị bỗng nhiên ngừng bặt…Có tiếng đấm đá nhau huỳnh huỵch. Rồi tiếng người đàn bà gào to hơn:
– Mày cứ đánh chết bà đi! Mày đánh chết bà xem nào! Mày không đánh chết được bà thì…
Anh cu đuổi. Chị vừa chạy quanh vườn, vừa kêu. Anh không đuổi nữa, chị cứ đứng ngoài vườn mà nhiếc mãi. Đến lúc mỏi miệng, không buồn nói nữa, chị về sân, thì chồng chị đã lăn ra hè, ngủ như chết từ bao giờ rồi, Viển và thằng cu cũng ngủ. Chị đi vào giường.
Đêm hôm ấy, trời nổi gió, rồi nổi mưa. Mãi đến lúc thấy nước hắt vào người, anh cu mới thức giấc. Anh vội vàng nhổm dậy, anh giụi mắt. Anh vào nhà. Một cái chớp lóe lên. Anh thoáng thấy cái Viển ôm con anh ngủ trên cái võng. Anh đưa võng cho con một cái. Viển ngủ mệt, không biết gì. Anh đứng tần ngần một lúc. Rồi anh rón rén đi lại giường…
…Sáng hôm sau, tiếng người láo quáo bên hàng xóm, làm chị cu giật mình, mở mắt ra. Chị hơi sửng sốt, trong nhà đã sáng. Chị ngóc đầu nhìn lại võng. Viển ôm con chị, miệng vẫn còn há hốc, xem chừng ngủ mệt. Chị lay đầu chồng, khẽ gọi:
Phải gió! Dậy đi!… Sáng rồi. Anh cu mở mắt ra. Chị giục:
Kìa, dậy đi!
Tạnh mưa rồi à?
Tạnh rồi! Dậy đi!
Yên đã nào!…
Dậy đi! Ra chõng kia mà nằm.
Anh mỉm cười. Chị hơi lẽn bẽn vừa phát khẽ vào lưng anh, vừa bảo:
Nỡm lắm! Có ra chõng mà nằm không? Cái Vển nó biết nó lại cười cho là trò trẻ. Mới giận nhau chập tối, nửa đêm đã lành…
Anh vẫn nằm, không nhúc nhích. Chị đành bước qua anh, ra chõng. Chị vừa vấn khăn vừa gọi:
Viển ơi! Viển! Không dậy à? Con gái gì mà ngủ trương lên đến tận nửa buổi chưa chán mắt. Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 431, ngày 19-9-1942