Đợi chờ

Liễu cẩn thận đưa Huyền vào tận giường trong, giúp cho nó nằm xuống cạnh em bé và đặt cái quạt vào tận tay cho nó. Chị lại trở ra giường ngoài. Quân, đứa con trai lên năm tuổi, nằm dạng chân tay, ngủ mệt, đầu hơi ngoẹo đi một chút, mặt nghiêng về phía cửa. Chị đi vòng về phía đầu giường, ngồi ghé xuống cạnh đầu con, đặt bàn tay lên trán nó. Trán và tóc Quân ướt đẫm mồ hôi. Chị vừa lẩm bẩm chửi yêu con, vừa lau mồ hôi và quạt cho con. Chị quạt cho con như vậy một lúc lâu, vừa quạt vừa nghĩ vẩn vơ. Những lúc được ngồi bên cạnh một đứa con này hay đứa con kia, bao giờ chị cũng muốn kéo dài ra không biết chán.

Nhưng chị ngáp. Gió hiu hiu lọt qua những kẽ mành, trải hơi mát len nhè nhẹ trên da thịt. Tuy cả ngày hôm nay, chị mới chỉ cuốc được vẻn vẹn vài luống đất, nhưng lục đυ.c chạy Tay ba bốn lần cũng đủ mệt nhoài rồi. Chị muốn ngả lưng một tí, nhưng rồi chống lại ý muốn ấy, bởi vì biết trước rằng bây giờ mà đặt mình xuống một lúc, thế nào cũng ngủ say như chết. Chị chưa thể ngủ. Tiện sáng trăng, chị muốn cuốc xong mảnh vườn trước cửa, vì ban ngày vừa làm vừa ngay ngáy lo Tây đến, không làm được mấy. Mà không cố làm thì lấy tiền đâu mà thuê người? Lấy gì mà nuôi con?

Chị tần mần vuốt tóc Quân một lúc rồi quả quyết đứng lên, vươn vai ngáp và ra sân. Trăng l*иg lộng. Trăng giãi bao la trên những khu vườn bằng phẳng như liền cả với nhau. Bóng chuối ngổn ngang. Những tàu chuối rườn rượt ánh trăng khẽ đu đưa uể oải. Ánh trăng và không khí bên ngoài làm chị tỉnh táo và khỏe khoắn. Chị nhanh nhẹn đi lại chỗ cái cuốc dựa vào cây na cầm lại chỗ vườn đang cuốc dở, bắt đầu chăm chúi cuốc. Những nhát cuốc đều đặn vang như tiếng “sụt” gọn và ngon xớt. Những tiếng cuốc khác đáp lại ở bên vườn hàng xóm, như những tiếng vang. Lắng nghe còn những tiếng khác xa hơn. Thì ra ở chung quanh người ta cũng đang cuốc vườn đêm. Cả làng chẳng ai chịu thua ai. Ai cũng cố lợi dụng tuần trăng để làm bù vào thì giờ phải chạy Tây, bù cả cho những người vì việc nước mà đi vắng. Chị mỉm cười, nghĩ đến một lúc này ai cũng nói: “Tăng gia sản xuất!”… Sản xuất! Sản xuất! Những tiếng cuốc xa tấp tới như vọng lại những tiếng trong lòng chị. Đêm tĩnh mịch. Những tiếng cuốc mỗi lúc một rõ thêm. Trăng từ từ lên cao.

Trăng đã lên cao lắm. Đêm về khuya càng vắng lặng. Người ta nghe rõ cả tiếng rì rầm của lá tre. Tiếng cuốc thưa dần. Nó tắt ở vườn này rồi tắt ở vườn kia. Giấc ngủ lan tràn, trải rộng dần và đè nặng trĩu xóm làng, tĩnh mịch. Vài tiếng cuốc lẻ tẻ còn sót lại. Liễu đã ngáp mấy lần. Cái cuốc bắt đầu loạc choạc. Nhưng vẫn còn tiếng cuốc ở vườn bên cạnh. Liễu nhất định chưa chịu đi nghỉ. Người ta không có con thơ, ban ngày có thể làm tận đến lúc chắc chắn là có Tây đến mới cần chạy trốn. Liễu những ba con, cùng bé cả. Chị phải chạy sớm hơn mọi người. Công việc ban ngày chẳng bao nhiêu, chị phải cố kéo lại bằng cách làm khuya hơn người khác. “Rồi ban ngày ngủ”, chị tự nhủ như vậy.

Tiếng cuốc ở vườn bên tắt nốt. Tay Liễu rã rời thêm. Mỗi lần cất cuốc lên, chị phải vận động cả người. Người chị cũng đã thành một cái gì nặng trĩu, chị phải lấy sức ra mà lay động. Giấc ngủ đè nặng trên mi mắt chị. Bóng tối lẩn vào trong đầu chị. Tiếng cuốc rời rạc của chị vang lên khó nhọc và cô độc quá. Không còn gì vây bọc chị, nâng đỡ và kí©h thí©ɧ. Một mình sao người ta yếu đuối và buồn nản thế!

Trăng đã đứng đỉnh đầu. Những bụi chuối, bụi tre như ngủ gục trên cái bóng của chúng đã thu gọn lại.

Liễu thở hổn hển, xách cái cuốc về. Ngồi xuống đầu hè nghỉ một lúc cho ráo mồ hôi, rồi chị lấy quần áo đi ra sân tắm. Nước làm cho chị nhẹ nhõm và khoan khoái lại.

Về đến sân, chị nghe thấy tiếng người hát nho nhỏ từ ngoài ngõ đưa vào.

Chiều về trên cánh đồng xanh

Có nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù,

Từ ngày chinh chiến mùa thu…

Chị nhận ra ngay là Nhàn. Nhàn hay hát những câu ấy quá đến nỗi Liễu chỉ nghe mà cũng thuộc. Tiếng hát êm êm ngân trong đêm khuya và trong lòng Liễu. Nhàn thấy Liễu cởi trần đứng ở sân, ngạc nhiên hỏi:

Chị chưa đi ngủ kia à?

Chưa, vừa cuốc vườn xong

Hoan hô phụ nữ tăng gia sản xuất!

Cô con gái đang tuổi ngổ ngáo, reo lên to quá

Liễu ra hiệu tay, ngăn lại.

Khẽ mồm chứ. Cô ả! Để cho con người ta ngủ. Nhàn chợt nhớ ra.

Chết thật! Tôi vô ý quá. Cháu nó chịu ngủ với chị nó, hở chị?

Cũng phải chịu chứ! Thời kháng chiến này mà không thế thì chết đói… Bây giờ mới tan học kia à?

Tan lâu rồi. Nhưng em còn phải đi khai hội nên đến bây giờ mới về.

Bàn gì mà khuya thế?

Định chương trình thi đua ái quốc.

Nhàn nhìn kỹ Liễu, nắm lấy cổ tay chị.

Bà chị tôi lớp này đen mà gầy lắm. Trông già sọm hẳn đi khéo ông anh tôi về không nhận nữa thì nguy đấy.

Liễu cười

– Tôi ba con rồi, chả sợ. Nhưng cô chưa chồng thì mới lo!

Nhàn thẹn đu đưa tay Liễu

– Em cũng chả lo!

Liễu nhìn Nhàn âu yếm. Nhàn là vợ chưa cưới của em trai Liễu. Chính Liễu mối manh. Sắp cưới nhau thì súng nổ. Đường vào du kích rồi vào vệ quốc, đi ra mặt trận suốt từ hồi ấy…

Nhàn hỏi:

Anh có thư về không chị?

Nhà tôi đi xa không bao giờ viết thư về. Nhàn nhìn Liễu như ái ngại, rồi buột miệng.

Anh gan quá!

Liễu mỉm cười. Chị biết rằng Nhàn cũng hiểu lầm chồng chị. Kiện, chồng Liễu được mọi người mến phục, nhưng ai cũng hơi phàn nàn anh hững hờ với vợ con. Người ta cho rằng anh ở tỉnh thành lâu, thích con gái tân thời, chê vợ vì vợ quê mùa. Thật ra thì không ai yêu vợ bằng Kiện.

Đời làm vợ của Liễu khổ cực rất nhiều, nhưng chị vẫn coi mình sung sướиɠ hơn người vì được chồng quý mến. Chưa bao giờ Kiện nói nặng Liễu nửa lời.

Còn Liễu, Liễu chẳng được hiểu rõ lắm những công việc của chồng, nhưng chị yêu tính nết và phục tư cách của chồng, chị tin chồng nên chồng làm việc gì chị cũng cho là phải. Chị yêu những cái chồng yêu và ghét những cái chồng ghét. Chị không bao giờ đòi hỏi chồng điều gì, mà cũng không bao giờ ngăn cản chồng điều gì cả.

Súng nổ được độ một tuần, Kiện ở tỉnh về. Trái hẳn lại với mọi lần, anh trốn lủi tất cả các anh em đồng chí ở làng. Sợ họ biết anh về mà kéo đến tìm anh. Anh bảo Liễu: “Tôi muốn dành cho chúng mình vài ngày hoàn toàn riêng của chúng mình”. Kiện sắp đi xa. Anh biết rằng kháng chiến sẽ rất gian nan. Có thể rằng giặc sẽ tràn đến làng. Giặc sẽ phá làng. Liễu sẽ phải đem con đi tản cư xa. Rời vườn ruộng, không quen buôn bán, trong tay không có một đồng vốn liếng, một thân một thân đàn bà với ba đứa con thơ, rồi Liễu sẽ ra sao? Anh trông thấy tất cả những nỗi đau đớn khổ cực, nguy nan đang chờ vợ con anh. Nhưng đoàn thể gọi anh đi. Đoàn thể – đó là một cái gì đó rất thiêng liêng đối với anh. Anh sống chết với nó. Không bao giờ anh từ chối nó một điều gì. Nước nhà đang cần đến những bàn tay, những hy sinh.

Hy sinh không phải là không đau đớn. Đêm hôm ấy, sau khi ba đứa con đi ngủ cả rồi, Kiện và Liễu nằm sát đầu nhau trên một gối, thức gần hết cả đêm để chẳng nói gì nhiều lắm. Liễu đã nhận thấy cả lòng yêu tha thiết của chồng đối với mình. Đêm từ biệt ấy, chị vừa sung sướиɠ vừa buồn rũ rượi. Tiếng súng từ đằng xa vọng lại lúc mau lúc thưa. Nằm sát bên chồng nghe tiếng súng, chị thấy cùng với hơi nóng của chồng thấm sang người chị, một cảm giác êm đềm và ảo não. Ôi chao! Hạnh phúc có thể rất dễ dàng. Nhưng bàn tay tàn nhẫn của những kẻ lòng tham không đáy đã chụp xuống những cuộc đời và đã gây ra tủi nhục, đau đớn, chia lìa, chết choc! Chưa bao giờ Liễu hiểu rõ như lúc này, câu nói hằn học của chồng vẫn nói với chị xưa: “Chưa đuổi cổ được thằng Tây ra khỏi đất này, thì hãy khoan nói đến hạnh phúc. Đời người dân mình chỉ là đời con chó”.

Kiện rầu rầu bảo Liễu: “Lấy tôi, mình thật khổ. Những lúc điêu đứng nguy nan nhất, những lúc mình cần đến sự giúp đỡ của tôi nhiều nhất thì tôi lại để mặc mình bơ vơ với lũ con thơ. Mình có giận tôi không?”. Liễu không nói gì, chỉ âu yếm vuốt tóc chồng. Và Kiện cười buồn, bảo tiếp: “Kháng chiến thành công, nếu còn sống về làng này tìm nhau nhé?”. Liễu hé trông thấy cả một cảnh chia lìa tan tác. Chị lạnh người. Chị muốn khóc òa lên, nhưng cố nghiến răng không khóc. Kiện nhè nhẹ nắm lấy bàn tay chị, như những ngày mới cưới. Họ gục mặt vào nhau mà ngủ.

Hôm sau Kiện ra đi. Anh tránh nhìn các con. Liễu biết rằng anh sợ khóc. Liễu cũng không khóc, chị tươi cười, chế giễu chồng: “Bộ áo rét của anh tã lắm rồi. Mặc vào trông già hẳn đi”. Nhưng chồng đi được một lúc thì chị xua lũ con đi chơi, ngồi khóc. Nhớ lại phút chia ly ấy, Liễu nghẹn ngào.

Nhàn càng tưởng chị uất ức vì chồng, an ủi.

Thôi bây giờ chịu khổ, bao giờ độc lập tha hồ mà sung sướиɠ. Độc lập thì anh ấy làm to lắm. Liễu lắc đầu.

Cũng chẳng làm gì mà to. Độc lập rồi, vợ chồng lại gặp nhau làm ăn dễ dàng hơn, con cái được học hành. Tôi chỉ mong ước thế thôi, nhà tôi cũng không ưa danh vị, chỉ thích sống xuềnh xoàng. Tôi cũng thế.

Độc lập rồi, anh lại về làng làm việc vậy. Có anh đứng ra, kiến thiết tha hồ chóng.

Liễu và Nhàn cùng nhớ lại những buổi sáng trăng xưa anh chị em tụ tập ở cái sân này nói chuyện. Kiện phác những việc sẽ làm: “Xây một cái cổng ở chỗ giáp làng Sơn, cứu được non một trăm mẫu ruộng, mỗi năm lợi cho làng được hàng chục vạn đồng. Không cờ bạc, khao vọng, ma chay phí phạm, lại chịu khó làm ăn hợp lý, lợi dụng từng cái đầm cái ao, chỗ thả cá, chỗ thả sen, giồng nhãn khắp vệ đường, khuếch trương việc trồng bông kéo sợi, mấy lúc làng mình khá? Chỉ ba năm. Nhất định tất cả những đường làng này đều lát gạch. Trường học phải làm thêm hai cái nữa. Chúng mình phải có câu lạc bộ, thư viện ra hồn. Phòng thông tin phải có máy vô tuyến điện… Hợp tác xã của chúng mình lúc ấy to lắm nhé!”.

Nhàn chép miệng.

Mẹ cha thằng Tây! Chúng nó chỉ muốn bóp cổ chúng mình cho chúng mình không sao ngóc đầu lên được. Nhưng ai người ta chịu nó?

Như trả lời vào đúng câu của Nhàn, tiếng súng và lựu đạn bỗng nổ ran. Nhàn reo lên.

Đã bảo mà! Chắc lại du kích làng ta. Các anh ấy bây giờ đánh khá lắm rồi. Liễu bảo:

Cố đánh làm sao cho tan hẳn vị trí của nó đi, để chúng mình đỡ phải chạy, làm được nhiều hơn nữa.

Rồi nó cũng phải đi. Thấy các anh ấy nói lúc này ta chú ý diệt các đồn lẻ của Tây, giai đoạn thứ hai rồi, chị ạ.

Tuy chẳng hiểu rõ thế nào là giai đoạn thứ hai, Liễu cũng mừng. Ta đã đi được một đoạn đường rồi.

Liễu thấy cuộc kháng chiến của nước nhà gần thắng lợi hơn một bước.

Khổ thật, nhưng rồi cũng quen đi, Nhàn ạ. Sáng sớm mai lại chạy. Đêm nay mà nó chết mấy chục thằng thế nào sáng mai cũng lên đấy khủng bố. Lại đến đốt mấy cái nhà nữa là cùng thôi chứ gì! Bây giờ đốt, người ta ít cần… Đi ngủ chứ, cô?

Vâng, đi ngủ để mai dậy sớm. Chị nhớ đánh thức em nhé. Ít lâu nay, đổ đốn ra, hay ngủ mệt.

Nhàn chỉ còn có bà ngoại già ngót tám mươi đi tản cư hẳn không về. Mình Nhàn ở nhà trông coi vườn đất. Đêm nào Nhàn cũng sang ngủ nhà Liễu, vừa để cho có bạn, vừa để giúp đỡ Liễu những khi cần chạy. Hai người vào nhà. Trăng chênh chếch ngả bóng trên nửa ngoài mấy cái giường. Liễu trông thấy Huyền, đứa con gái lớn ngủ gục mặt vào em, khẽ kêu lên.

Con đĩ! Sao nó lại gục mặt vào con tôi thế này? Bức chết thôi! Nhàn cũng chạy lại xem, khẽ cười hi hí

Để tôi ẵm nó ra giường này cho

Nhàn luồn tay xuống bên dưới gáy và đùi Huyền nhấc nó lên đem ra giường giữa.

Ối chà! Cháu tôi nặng quá! Bao giờ có chồng cho cô ăn trầu? Liễu cười, mắng yêu Nhàn

Rõ chán! Cô hãy hỏi cái thân cô ấy!

Chị gục vào hôn con, má chạm vào cái áo sơ mi rách của chồng. Cái áo lụa mềm nhũn, mát rượi da tay Liễu. Từ khi chồng đi vắng, chiếc áo sơ mi cũ ấy không đêm nào rời Liễu.

Chị nhắm hai mắt lại, nựng con

Thương con tôi quá! Con tôi phải ngủ với nó từ chập tối đến giờ. Mẹ bỏ con đi mất. Mẹ hư quá! Bố thằng Tây làm khổ con!

Chị ôm chặt thằng bé vào sát ngực. Hình ảnh Kiện tươi cười hiện ra… Ngày thắng lợi! Ngày độc lập! Chị như trông thấy một thằng bé lon xon chạy ra đón bố! Và Kiện reo lên: “A ha! Con tôi đã nhớn thế này rồi kia?”.

Những hình ảnh đẹp đẽ ấy chập chờn trong đầu chị đi vào giấc mơ.

1948

In trong tập Đôi mắt