Chương 2-1: Xác suất của duyên phận (1)

Giữa biển người thiên sơn vạn thủy, rồi ta cũng sẽ tìm được tình yêu đích thực. Nghe câu nói này, cảm thấy xác suất của nó sao nhỏ quá, giống như Trương Ái Linh từng nói: “Giữa nghìn vạn người, gặp được người mà ta muốn gặp, giữa nghìn vạn năm, trên con đường thời gian dài bất tận không sớm cũng không muộn, ta tình cờ gặp nhau.”

1

Tạm biệt thời trung học, Tô Nhất bước chân vào cuộc sống mộng mơ sau cổng trường đại học.

2001 là năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Trung Quốc hừng hực tiến vào kỉ nguyên của công nghệ điện tử. Mạng Internet bùng nổ và không ngừng được nâng cấp, Mp3 thế chỗ cho những chiếc máy nghe đĩa CD, phim truyền hình Hàn Quốc cũng nở rộ, Tình yêu trong sáng và Trái tim mùa thu đã khiến làn sóng phim Hàn trào dâng mãnh liệt.

Những nhân vật nữ trong phim Hàn Quốc đều rất đẹp, ăn mặc gọn gàng, sành điệu, trang điểm nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, và có những nụ cười đẹp đến say lòng người. Họ không bao giờ to tiếng hay cãi vã, cho dù có tức giận đến cỡ nào cũng không bỏ qua phép lịch sự với người khác. Đúng là hình mẫu thục nữ lí tưởng!

Học theo phong cách của những nữ diễn viên Hàn Quốc, Tô Nhất cũng xuất hiện trong trường đại học với hình ảnh vô cùng thục nữ. Thời trung học, vì cứ bị Chung Quốc quấy rầy nên hình tượng thục nữ của cô bị phá vỡ. Những năm đại học này, cô muốn xây dựng lại hình thượng yêu kiều ấy.

Mái tóc dài chấm lưng, đen bóng thướt tha, gương mặt trái xoan, cặp mắt to tròn, làn da trắng mịn và đôi môi nhỏ nhắn như trái anh đào, ngoại hình của Tô Nhất rất được mọi người yêu thích. Cô thích mặc đồ màu trắng và thường xuất hiện trong khuôn viên trường với những chiếc váy liền trắng muốt. Có chàng trai hâm mộ phải thốt lên: “Thật chẳng khác nào làn mây trắng lướt qua.”

Trong khuôn viên trường đại học, chúng ta hẳn cũng từng gặp người như vậy. Cô ấy (anh ấy) giống như một gợn mây trên bầu trời, đôi lúc xuất hiện làm tim ta rung động.

Trong sống sinh khoa Trung văn, những cô gái đoan trang thục nữ rất nhiều nhưng nổi trội hơn cả có hai người, họ được công nhận là có vẻ đẹp cổ điển và được mệnh danh là “tuyệt đại song kiều”1. Tô Nhất là một trong số đó, người thứ hai là bạn cùng lớp, cùng phòng kí túc với cô, Đường Thi Vận.

1. Tên một tiểu thuyết kiếm hiệp của Cổ Long.

Đường Thi Vận, cái tên mới nghe đã thấy toát lên sự cổ điển. Cô là người gốc Thành Đô, cha mẹ đều thuộc tầng lớp trí thức cao, cùng làm việc trong một viện nghiên cứu. Từ nhỏ, cô đã được nuôi dạy rất nghiêm khắc cầm kỳ thi họa thứ gì cũng giỏi. Đừng nghĩ đây chỉ là câu nói dùng để ca ngợi những cô gái khuê các trong truyện cổ, không còn thích hợp trong xã hội hiện nay.

Đường Thi Vận biết gảy đàn tranh; chơi cờ vây; viết thư pháp, khải, thảo, lệ, triện, cả bốn loại chữ đều biết, tranh quốc họa, sơn thủy hay hoa cỏ chim muông đều tinh thông. Một hình ảnh tài nữ như vậy chẳng khác nào một viên ngọc Hòa thị2 giữa thời đại công nghệ thông tin của thế kỷ XXI.

2. Tên một loại ngọc quý hiếm ở Trung Quốc thời xưa.

So với Đường Thi Vận giỏi cầm kỳ thi họa, Tô Nhất cảm thấy nét đẹp thục nữ cổ điển của mình như một sự giả mạo. Cầm kỳ thi họa, cô chỉ biết mỗi “thi” đó cũng là do may mắn hồi nhỏ bị mẹ ép học mà có được. Thư pháp tự cổ không phân phái cho nên sau khi học thư pháp, cô cũng biết cầm bút lông chấm mực tàu vẽ vài đường.

Tranh sơn thủy của cô có thể che mắt người ngoại đạo nhưng đánh chết cũng không dám đem ra so bì với tác phẩm của Đường Thi Vận. Đàn sáo thì cô chưa bao giờ động tới, cờ cũng chỉ đυ.ng đúng một lần, lại là cơ hội do Chung Quốc ban cho.

Chung Quốc không phải là người có tố chất chơi cờ, bản tính của cậu sao có thể phù hợp để chơi cờ cho được?

Tất cả cũng do bố cậu nhìn không ra điều đó. Nghe nói lần nào trong lớp học đánh cờ, mặt mũi cậu cũng âu sầu ảo não, có lần vì quá hăng điều binh khiển tướng đuổi gϊếŧ trên bàn cờ, cậu đã cùng đối thủ của mình khua đao múa kiếm đánh nhau thật. Đây chính là điểm mạnh của cậu! Kẻ điều binh khiển tướng đuổi gϊếŧ cậu trên bàn cờ thì ở ngoài đời bị cậu đánh cho tơi bời hoa lá. Bao nhiêu lần ông Chung phải đi tìm gặp người ta để xin lỗi thì bấy nhiêu lần Chung Quốc bị phạt quỳ ở ban công.

Tô Nhất nhớ có lần Chung Quốc đang quỳ ngoài ban công, cô đã cố ý cầm một miếng dưa hấu thật to chạy ra ban công nhà mình đứng ăn ngon lành để chọc tức cậu.

Nào ngờ, từ ban công bên kia, cậu nhổ một bãi nước bọt trúng vào miếng dưa. Quá ghê tởm, cô ném thẳng cả miệng dưa hấu vào người cậu. Không biết lấy gì để đáp trả, cậu tiện tay vớ luôn hộp cờ ném sang, những quân cờ rào rào đổ ụp vào người cô.

Đây cũng là ấn tượng duy nhất của Tô Nhất về cờ vây cũng tại kẻ thù không đội trời chung là Chung Quốc đã ném những quân cờ vào người cô. Ghét ai ghét cả đường đi lối về, không có lửa thì làm sao có khói, từ đó trở đi, tất cả những thứ có liên quan đến chữ “cờ”, cô đều không thèm để ý.

Thế là cầm kỳ thi họa, Đường Thi Vận dẫn đầu, nhan sắc của cô ấy cũng chẳng kém cạnh gì Tô Nhất. Nước da trắng trẻo mịn màng, dáng người thướt tha uyển chuyển, mái tóc đen dài thường được tết lại rồi thả lệch một bên vai, khuôn mặt trái xoan cùng đôi mắt bồ câu mang vẻ đẹp nhẹ nhàng mà cổ điển.

Mỗi khi liếc nhìn, đôi mắt ấy như toát lên một sự hấp dẫn, mê hoặc đến khó tả.

Không giống như Tô Nhất, Đường Thi Vận thích mặc đồ màu xanh lam.

Những chiếc áo váy xanh đậm và xanh nhạt đều thanh khiết như bầu trời vừa được gột rửa sau cơn mưa. Hỏi vì sao cô thích màu lam đến vậy, cô mỉm cười, nói: “Vàng, đen, lam, lục, đỏ, ngũ đại quốc sắc của Trung Quốc, tôi thích nhất màu lam.”

Nghe thấy lời này, Tô Nhất lại càng thêm xấu hổ. Mấy nghìn năm nay ở Trung Quốc, màu trắng bị coi là hiếu phục, chỉ có những nước không có tập quán này mới coi nó là biểu tượng đẹp đẽ của sự thuần khiết. Những tác giả truyện ngôn tình của Hồng Kông và Đài Loan bị ảnh hưởng lớn bởi phong cách phương Tây nên thường thích xây dựng hình tượng nữ chính với những chiếc váy màu trắng thướt tha, mà cô thì mê mặc đồ trắng là vì vậy. Đường Thi Vận với bộ đồ màu xanh truyền thống của Trung Quốc hiển nhiên càng làm nổi bật lên nét cổ điển của mình, so với Tô Nhất thì đúng là hơn hẳn.

Tổng hợp tất cả, mặc dù cũng được cùng Đường Thi Vận mệnh danh là “tuyệt đại song kiều” của cả khoa nhưng thực ra trong tâm Tô Nhất đã tự xếp mình ở sau Đường Thi Vận.

Là hai gương mặt mới sáng giá của khoa Trung văn, Tô Nhất và Đường Thi Vận đương nhiên được không ít người theo đuổi.

Trong khoa, ngoài khoa, cùng khóa, khác khóa, các anh chàng cứ lần lượt tìm tới, dùng đủ các chiêu trò tán tỉnh.

Trên lớp, có nam sinh giúp chiếm ghế hàng đầu; trong thư viện, lại có anh chàng truyền thư tay; ở căn tin, một vài anh kiếm cớ bắt chuyện; về kí túc thì điện thoại gọi đến liên tục... Được hết chàng này đến chàng khác theo đuổi khiến Tô Nhất cảm thấy rất tự hào và vô cùng mãn nguyện. Dĩ nhiên cô không bộc lộ ra, cho dù có tự hào, thích thú thế nào đi chăng nữa, lúc nào cô cũng giữ một nụ cười dịu dàng và khiêm tốn, biến mình thành một cô gái rất có chừng mực và khí chất.

Dù nam sinh theo đuổi khá nhiều nhưng chưa một ai lọt được vào mắt xanh của Tô Nhất. Mà người cô đang để ý lại không hề mảy may đến tìm cô. Sự đời là vậy, những thứ có sẵn trong tầm tay lại chẳng phải thứ mình muốn.

Người lọt vào mắt xanh Tô Nhất là Khang Tử Cần, sinh viên năm hai khoa Máy tính. Cô đối với anh ta có thể nói là tình yêu sét đánh.

Khang Tử Cần khá điển trai, vóc người cao lớn lực lưỡng như một cây ngô đồng Pháp. Anh ta là kiện tướng trên sân vận động, lần đầu Tô Nhất nhìn thấy anh ta là ở sân bóng rổ. Động tác bay người ném rổ của anh ta chẳng khác nào chim ưng bay lượn, khi trái bóng chuẩn xác rơi vào rổ cũng là lúc trái tim mười tám của cô tan chảy.

Những câu chuyện tình yêu học đường vẫn luôn giản đơn như vậy đấy, một hành động, một ánh mắt, hay một nụ cười... đều có thể làm rung động trái tim những chàng trai, cô gái. Chỉ một thoáng động lòng, tất cả những giai điệu lãng mạn của tình yêu như tiếng sáo vi vυ"t giữa hoàng hôn trên thảo nguyên, tạo nên một bản concerto du dương, trầm bổng.

Trước đây, vì lúc nào cũng bị Chung Quốc ném bóng rổ vào người nên Tô Nhất chẳng ưa gì những anh chàng chơi bóng rổ. Nhưng Khang Tử Cần lại phá bỏ được thành kiến do Chung Quốc gây ra, để lại một ấn tượng đẹp trong lòng cô.

Tô Nhất đã thích Khang Tử Cần từ cái nhìn đầu tiên, đáng buồn là anh ta không để ý đến cô. Trong bộ váy trắng thướt tha, đứng bên sân bóng rổ bụi mù, các chàng trai quanh đó cho dù đang đứng trong sân hay ngoài sân cũng phải hướng ánh mắt về phía cô, duy chỉ có Khang Tử Cần là không như vậy.

Nhưng khi Đường Thi Vận đi qua, ánh mắt Khang Tử Cần lại lập tức dõi theo. Còn cô ấy cứ đi không ngoảnh lại, đôi mắt bồ câu tĩnh lặng như mặt hồ không chút gợn sóng.

Đường Thi Vận đã có bạn trai, nghe nói họ là thanh mai trúc mã, anh chàng hiện là nhân tài của một học viện quân sự nào đó. Ông trời thật là thiên vị.

Trong khung ảnh đặt bên gối của cô là tấm hình chụp chung của hai người.

Chàng trai đó mặc một bộ quân phục, lông mày lưỡi mác, mắt sáng như sao, trông cũng khá điển trai.

Đường Thi Vận miệng cười hạnh phúc, tựa đầu vào vai anh ta. Đúng là một cặp trai tài gái sắc.

Tô Nhất thực sự rất ngưỡng mộ. Cô cũng có “thanh mai trúc mã” của mình đấy chứ! Nhưng thanh mai trúc mã của Đường Thi Vận tốt bao nhiêu thì cái tên Chung Quốc suốt ngày lại chỉ biết tìm cô gây sự. Cứ nghĩ đến là lại muốn tức điên.

Mà bực hơn, Khang Tử Cần, người lọt vào mắt xanh của cô, lại chỉ để ý Đường Thi Vận.

Lúc nào cũng vậy, tôi thích anh, anh lại thích cô ta, cô ta lại thích chàng trai khác. Tình yêu đôi lúc thật như mớ bòng bong, cứ rối vào với nhau. Giống như cái cây trong bài thơ Cây nở hoa của Tịch Mộ Dung, trái tim Tô Nhất sau khi chứng kiến thái độ thờ ơ của Khang Tử Cần bỗng trở nên hoang vu tiêu điều.

Trái tim của Khang Tử Cần cũng là cây, nhìn theo bóng hình Đường Thi Vận mà như cánh hoa tàn đang rơi rụng.

Nghe nói, mỗi người đều phải trả sạch mối nợ tình kiếp trước, dùng sự đau khổ của kiếp này để bù đắp cho những người từng đau khổ vì mình. Tô Nhất nghĩ có lẽ cô đến đây là để trả nợ cho Khang Tử Cần, còn anh ta, cũng đang phải trả nợ Đường Thi Vận. Họ đều đang đau khổ vì một người chẳng có chút tình cảm với mình.

Nhưng sao Đường Thi Vận không phải trả nợ tình?

Cuộc sống tình cảm của cô ấy thuận buồn xuôi gió vậy, không lẽ chưa từng đau khổ vì ai? Tô Nhất hết sức tò mò vì chuyện này nhưng cũng không muốn đi tìm lời giải đáp, cuối cùng cũng chỉ thốt lên rằng: “Cô ấy thực là tốt số!”