Quyển 1 - Chương 34: Vị khách hàng đầu tiên của Lão Bút Trai

Có bút tốt mực thơm, giấy đẹp nghiên quý, cảnh đêm thơ mộng, thị nữ thướt tha, trước mặt một chén trà ngon, bên bàn ba nén hương thơm, vầng trăng tròn treo ngoài cửa sổ, vén tay áo toàn tâm viết chữ, lúc ý tận ngẩng đầu búng nhẹ ngón tay, thanh phi kiếm mỏng manh không chuôi liền xé trời bay ra ngoài ngàn dặm, chặt bay đầu một tên đại tướng nào đó, đây chính là cảnh sống trong mơ của Ninh Khuyết.

Đêm đầu tiên trong căn nhà ở ngõ bốn mươi bảy, hắn cảm thấy mình đã đến rất, rất gần lý tưởng bản thân, tuy bút mực giấy nghiên toàn hàng phế phẩm biếu không, tuy cảnh đêm âm u mà không sáng sủa, tuy chỉ có nước lã không thấy trà ngon, bên bàn có bánh nướng cháo loãng cầm hơi chứ không phải hương trầm thơm ngát, tuy vầng trăng trốn đâu mất không đến bên khung cửa sổ, tuy cô thị nữ đã quá nhỏ quá đen lại quá thiếu xinh đẹp, tuy tu hành đối với hắn hiện vẫn còn là một mớ bòng bong thối hoắc không cách nào lần ra đầu mối...

Tuy có quá nhiều chữ tuy gắn chặt đằng trước, nhưng khi ngòi bút lông bay múa trên tờ giấy trắng, Ninh Khuyết vẫn cảm thấy hết sức hạnh phúc, thậm chí cảm thấy đề nghị bán chữ của Tang Tang thật là một ý nghĩ thiên tài.

Ở chốn Vị Thành lạnh lẽo tuy không quá nghèo khổ nhưng cũng khó coi là giàu có ấy, vật tư do bộ quân chuyển đến tịnh không có mấy thứ bút mực này nên trước đây muốn viết một tờ thư pháp phải bỏ ra không ít, mà giờ đây giấy bút đặt ngay trước mắt, sử dụng thoải mái, hơn nữa còn đổi được thành tiền, cũng không phải nghe tiếng cằn nhằn oán trách của Tang Tang bên tai, thử hỏi cuộc sống này còn gì sung sướиɠ hơn?

Cuộc sống khốn khó cực nhọc mỗi ngày dài tựa một năm, mà cuộc sống hạnh phúc thì thời gian cứ như bóng ngựa qua cửa sổ, lúc Ninh Khuyết ngẩng đầu, cầm bát nước mát uống đầy một bụng, xoa nắn cổ tay bả vai cho đỡ mỏi rồi tính đi nghỉ thì mặt trời đã chiếu đến bên cửa, xa xa thoảng nghe tiếng nước chảy, tiếng người bán hàng rong rao buổi sớm.

Viết trọn một đêm, những cuộn giấy đã chất thành đống bên cạnh Ninh Khuyết, trừ hai bức đầu tiên theo lối cuồng thảo để phát tiết tâm trạng, những bức sau đó hắn đều viết hết sức chính quy, viết theo kiểu sao cho Tang Tang thấy dễ bán nhất, trông đống giấy lộn xộn không có quy tắc, nhưng thực ra có đủ tranh treo dọc, hoành phi, tranh cuộn dài, thậm chí còn có một bức đại trung đường (loại tranh lớn treo giữa nhà), tuy vậy do chưa dán giấy bồi nên đám tranh lăn lóc trên bàn dưới chân nhìn chỉ to nhỏ dài ngắn khác nhau chứ không có gì đặc biệt.

Khổ luyện nhiều năm có thể viết ra vạn quyển, Ninh Khuyết luôn cực kì tự tin với chữ của mình, nhưng tiếc là không thể thi triển những thủ đoạn tâm đắc nhất của mình giữa chốn Trường An, lỡ như khách xem tranh hỏi năm Vĩnh Hòa thứ chín là năm nào, núi Cối Kê là ngọn núi ở đâu thì biết trả lời ra sao? Vì thế hắn đành chép một ít thơ phú đương thời, mấy dòng trong kinh thư đang lưu truyền rộng rãi, dẫu thế Ninh Khuyết vẫn tin chắc chỉ cần treo mấy bức tranh này lên tường, vô số quan lại quý tộc, văn sĩ nổi tiếng có con mắt thưởng thức thư pháp tinh tường sẽ nghe danh ùn ùn kéo tới.

- Ôi chao, chắc chỉ một hai ngày nữa cánh cửa này sẽ bị người ta đạp nát, xem ra phải chuẩn bị trước rồi.

Ninh Khuyết tự đắc nghĩ thầm, hắn vươn tay giật hết đống tranh cũ treo trên tường xuống như giật rác rưởi, định bảo Tang Tang đi tìm tiệm bồi giấy để sớm ngày treo những tác phẩm lớn của mình lên, ai dè quay lại đã thấy cô thị nữ nhỏ ôm gối ngủ khò trong góc nhà từ bao giở bao giờ.

- Đáng tiếc, đang định bảo cô đi mua hai bát mì chua cay nổi tiếng thành Trường An về nếm thử.

Hắn lắc đầu nhìn cô bé đang ngủ hết sức say sưa rồi lấy tấm áo khoác đắp lên người nàng, sau đó mở cửa bước ra, lần theo sự kêu gọi của mùi hành phi thơm phức và tiếng rao hàng lanh lảnh.

- Chú ơi, bao nhiêu tiền một bát mì vậy?

- ...

- Trời, sao đắt thế?

- ....

- Chú xem, cửa hàng cháu ở ngay phía kia, đều là láng giềng với nhau cả, chú tính rẻ rẻ một chút được không?

- ...

- Đúng rồi đúng rồi, là cửa hàng đó đó, cháu còn chưa kịp đặt tên.

- ....

- Vâng, đúng là đặt tên càng sớm càng tốt, còn làm bảng hiệu nữa chứ, nên lấy tên gì bây giờ nhỉ?

- ...

- À, phải rồi, là Lão Bút Trai.

..................................

Vì muốn lân la làm quen với người bán hàng hòng mua được hai bát mì chua cay hạ giá liền vô tư đặt đại một cái tên cho cửa hiệu, ai mà biết chuyện này dù có dễ tính đến đâu cũng hết nói nổi, ấy thế nhưng Tang Tang lại không hề có ý kiến gì, thậm chí nàng còn nghĩ chắc hẳn vì cái tên đó mà thiếu gia phải trăn trở rất nhiều năm.

Nói tóm lại, cửa hiệu này có một ông chủ kiêm người viết chữ, một cô thị nữ kiêm người chạy việc vặt, một cái tên hiệu kì quặc, cuối cùng đã xuất hiện tại ngõ bốn mươi bảy.

Điểm duy nhất khiến Ninh Khuyết không hài lòng với cửa hiệu của mình là nó cách tiệm bồi giấy quá xa, mà bồi cũng rất chậm, nhưng hắn không hiểu gì về chuyện đó nên đành chờ đợi hai ngày.

Vào ngày nọ, khi cơn mưa lại đổ xuống thành Trường An, một cửa hiệu trong ngõ bốn mươi bảy lặng lẽ khai trương. Ninh Khuyết mặc chiếc áo thư sinh màu xanh mới tinh, tay trái cầm bình trà bằng đất nung rẻ mạt, đứng sau cánh cửa ngôi nhà được phủ kín bằng tranh chữ, dường như hắn đang thấy tương lai nhiệt tình vẫy gọi, mà tương lai đó hết sức đẹp đẽ đáng yêu.

- Mưa xuân quý giá như dầu thắp, một dấu hiệu tốt đấy.

Hắn thong dong nhấp một ngụm trà, đứng trong hiên nhìn ngoài hiên mưa gió, nói giọng cảm khái:

- Hương trà khiến người ta say sưa, hương mực khiến người ta say sưa, thật có thể bảo rằng nói cười bàn nghiệp lớn cũng không khoái bằng một cơn say.

Gã thiếu niên mặt mày non choẹt diện bộ quần áo thư sinh, nhìn đi nhìn lại cũng không nặn ra được vẻ phóng khoáng tự nhiên, ngược lại trông khá khôi hài, thêm bình trà trên tay kiểu mấy ông già, dùng giọng điệu trải đời cảm thán phát ngôn một câu cũng đầy chất cụ non, thật vô cùng đáng yêu.

Ngoài mé hiên có người đang đứng tránh mưa, nghe thấy câu đó liền vô thức quay đầu nhìn Ninh Khuyết, sau mấy giây sững sờ liền phì cười. Đó là một người đàn ông độ tuổi trung niên, áo xanh sạch tinh, kiếm buộc ngang eo, trên khuôn mặt tuấn tú ẩn hiện mấy phần hào khí, nụ cười của hắn chỉ lóe lên trong chớ mắt nhưng dường như khiến cho bầu trời đầy mưa kia bỗng sáng hẳn lên.

Lúc này Ninh Khuyết mới nhận ra ngoài hiên có người, biết người ta nghe được câu nói cụ non của mình nên hơi bối rối, hắn ho khan hai tiếng rồi quay đầu nhìn bóng hoàng thành ẩn hiện trong mưa, bộ dáng như chưa có chuyện gì xảy ra vậy.

Người đàn ông trung niên dường như không thích diễn trò, hắn xoay người bước vào cửa hiệu, hai tay chắp sau lưng đi một vòng quan sát bốn vách tường, trong mắt hiện lên vẻ tán thưởng ngạc nhiên, có điều dường như không muốn móc hầu bao.

Đã mang tiếng là người đọc sách phải có chút ít phong độ của người đọc sách, Ninh Khuyết làm bộ không muốn hạ mình bắt chuyện với khách hàng, tuy người ta là vị khách đầu tiên của Lão Bút Trai, có ý nghĩa hết sức to lớn và mang tính lịch sử.

Người trung niên xem hết một lượt mới thong thả đến trước mặt Ninh Khuyết, mỉm cười nói:

- Ông chủ nhỏ...

Không đợi hắn nói hết câu, Ninh Khuyết cũng mỉm cười chỉnh lại:

- Xin hãy gọi ta là ông chủ, đừng vì ta nhỏ tuổi mà gọi là ông chủ nhỏ, cũng giống như ta sẽ không vì thanh kiếm bên hông ngài mà gọi ngài là kiếm khách.

- Được thôi, thưa ông chủ nhỏ. – Người trung niên cũng không thay đổi cách gọi, vừa cười vừa nói tiếp - Ta rất muốn biết tại sao cậu lại muốn thuê cửa hiệu đã suốt ba tháng không có ai chịu thuê này.

Ninh Khuyết đáp:

- Khu vực yên tĩnh, hoàn cảnh tốt, trước có nhà sau có sân, ta có lý do gì mà không thuê chứ?

Người trung niên lại nói:

- Ta chỉ muốn nhắc cậu một điều, cửa hàng tốt như vậy mà không có ai chịu thuê không phải vì người ta ngốc hơn cậu, mà bởi lẽ Thanh Vận Ti của bộ hộ muốn mở rộng kho hàng nên phủ Trường An luôn muốn thu hồi những cửa hiệu trên con đường này. Cậu cũng biết từ trước đến nay số tiền quan phủ bồi thường cực ít nên thuê cửa hàng ở đây cũng phải chịu rủi ro cực cao, lúc nào cũng có khả năng mất cả vốn lẫn lãi, cậu vừa bảo khu vực này yên tĩnh, lẽ nào không để ý mấy cửa hàng bên cạnh đều đang đóng của hết sao?

Ninh Khuyết hơi nhíu mày, nói:

- Sao ngài biết rõ chuyện này như vậy?

Người trung niên bình tĩnh trả lời:

- Rất đơn giản, toàn bộ số cửa hiệu hai bên đường này đều là tài sản của ta.