Chương 22

Ánh trăng vằng vặc soi sáng đêm thu, mà ánh mắt Từ Hách lại càng sâu hun hút và rực sáng hơn.

Hai thứ ánh sáng đẹp đẽ nhất trên đời đang giao thoa với nhau, có thể so sánh với khí chất thiên tiên cùng khói lửa nhân gian, khiến người ta có cảm giác như ảo như mộng.

Con ngươi thâm trầm của Từ Hách tựa như đoá hoa trong đầm nước, đuôi mắt vì tức giận mà hơi cong lên.

Mấy sợi râu ngắn dưới cằm được cắt tỉa gọn gàng, khiến hắn trông vừa đứng đắn vừa đào hoa, vừa thần bí lại vừa nguy hiểm.

Nguyễn Thời Ý quên trách móc hắn không mời mà tới, nàng cũng quên hỏi lần này hắn đến đây vì chuyện gì.

Cách một cái cửa sổ, hai người đối mặt với nhau một lúc lâu, cuối cùng Nguyễn Thời Ý nhỏ giọng nói: “Sao chàng lại biết được… mấy lời nói của cha con họ Hồng?”

“Ta lẻn vào Hồng phủ để nghe…”

“Lá gan chàng lớn quá rồi đó! Chàng không sợ bị…”

“Sợ cái gì?” Từ Hách hờn giận nói, “Hai cha con nhà kia tự nhận không ai có thể địch lại, không ai dám trêu chọc, cho nên ta chỉ đề phòng sơ suất; hơn nữa bọn hắn chỉ nhìn chằm chằm vào nàng, nào có thời gian rỗi mà để ý ngoài cửa sổ.”

“Vậy… vây nửa đêm chàng còn đến đây làm gì?” Cuối cùng Nguyễn Thời Ý cũng nhớ tới vấn đề quan trọng nhất.

Mặt mũi Từ Hách đầy vẻ vô tội, “Nàng để ta bồi tranh nhé! Bồi bo bằng lụa thì không khó, nhưng kỹ thuật bồi giấy lại hết sức phức tạp, chỉ cần hơi không cẩn thận là bức tranh sẽ không thể nào cứu vãn. Tuy ta không phải nghệ nhân bồi tranh, nhưng mấy ngày gần đây ta đã nghiên cứu và làm thành công được mấy bức rồi…”

Hắn nhìn quanh một lượt rồi hỏi dò: “Nàng đang vẽ tranh hả? Có muốn ta giúp đỡ không?”

Nguyễn Thời Ý đang bực mình vì chưa nắm bắt được cái hồn của bức tranh, nàng hờn giận nói: “Ta đã hứa sẽ tự mình vẽ, vì vậy không thể gian lận…”

“Ha ha, bọn họ yêu cầu hậu bối Từ gia tự tay vẽ tranh, mà nàng thì đâu tính là “hậu bối”, nàng rõ ràng là tổ tông!” Từ Hách chế nhạo hai câu rồi nghiêm túc hỏi, “Con cháu chúng ta thật sự không có ai biết vẽ tranh sao?”

Nguyễn Thời Ý chần chờ trong giây lát, sau đó nàng chậm rãi lắc đầu.

Đáy mắt Từ Hách thoáng qua vẻ tiếc nuối, “Nguyên nhân… là do ta?”

“Coi như vậy đi, chàng ngao du bốn phương để vẽ tranh, sau đó tai hoạ liên tiếp ập đến, vì thế ta mới bỏ vẽ, các con đâu còn tâm trạng muốn học vẽ tranh?”

Đáy mắt Nguyễn Thời Ý che giấu chột dạ.

Từ Hách nhảy vào trong phòng, hắn đi tới trước mặt Nguyễn Thời Ý rồi vươn hai tay về phía nàng, nhưng cuối cùng lại dừng giữa không trung.

Đôi mắt đen sâu thẳm bình tĩnh nhìn người trước mắt, sóng mắt hắn mềm mại dịu dàng như nước.

“Nguyễn Nguyễn, ta đã về.” Thật lâu sau, hắn mới nói ra một câu không đầu không đuôi.

Nguyễn Thời Ý biết rõ hắn có ý gì, mà nàng cũng không đành lòng dùng câu “cảnh còn người mất” để đả kích hắn, nàng vội vàng lảng sang chuyện khác: “Chàng có chắc chắn sẽ bồi tranh thành công không?”

“Ta phải mạo hiểm một lần.” Từ Hách nắm chặt tay, “Nếu như thuận lợi lấy được bức ở Hồng gia, chúng ta sẽ có trong tay ba bức, còn những bức khác thì không kịp nữa rồi! Thừa dịp Hoàng đế chưa lấy được bức Tình Lam, chúng ta phải tranh thủ thời gian xem cho rõ ngọn ngành.”

Nguyễn Thời Ý cũng sợ đêm dài lắm mộng, bọn họ không thể đợi được đến kỳ hạn “bốn mươi năm” của tổ phụ, vì thế nàng liền xoay người đi mở khoá hòm để lấy tranh.

Lúc Nguyễn Thời Ý quay lại đã thấy Từ Hách nhíu mày đứng trước bức tranh sơn thuỷ, nàng vội vượt lên trước mặt hắn và nói, “Chàng muốn cười thì cứ thoả thích cười.”

“Xa cách nhiều năm, chẳng lẽ ta trong ấn tượng của nàng không hề có điểm tốt hay sao?” Giọng điệu của Từ Hách tràn đầy buồn bã thê lương.

Nguyễn Thời Ý không trả lời, nàng đưa hai đoạn của bức « Vạn Sơn Tình Lam » vào tay Từ Hách, “Chàng rảnh rỗi như vậy thì đến Viện Thư Hoạ nghe ngóng tình hình đi, ta cũng sẽ thám thính từ những người mua tranh…”

“Nàng không đến Viện Thư Hoạ nữa hả?”

“Không phải chàng bảo ta đừng đến để chàng đỡ hoảng loạn hay sao? Bây giờ chính chàng lại thường xuyên chạy đến đây!”

“Ta vì di mệnh của tổ phụ nàng, chứ không phải … hoàn toàn vì nàng.”

Người nào đó đến chết vẫn thích sĩ diện, đúng là nghĩ một đằng nói một nẻo.

Nguyễn Thời Ý dần dần đã quen với dáng vẻ tỏ ra không quan tâm của Từ Hách, dù sao hành động trêu chọc của hắn đã hoàn toàn mâu thuẫn với lời hắn nói.

… Và nội tâm của nàng cũng cực kỳ mâu thuẫn.

Nàng biết không có chuyện “ân ái vợ chồng” như trong mong đợi của Từ Hách, nhưng nàng lại cảm thấy hắn đáng thương vô tội, cho nên không thể nhẫn tâm cự tuyệt hắn đến cùng.

Về phần Từ Hách, đúng là hắn rất muốn ở bên Nguyễn Thời Ý, nhưng sau những ngày chung đυ.ng thì hắn dần dần hiểu rõ biến hoá to lớn trong nội tâm nàng, chính vì thế hắn mới không dám ép buộc nàng quá mức.

Hai bên tiến thoái lưỡng nan nên chỉ mãi dậm chân tại chỗ, không tiến lên.

“Nguyễn Nguyễn, mấy cây bút này không thích hợp để vẽ tranh sơn thuỷ. Ngoài ra lúc nàng hạ bút, nàng phải chủ động dùng lực đi từ tổng thể và kết hợp với phương pháp tương ứng, đừng vội vàng vẽ chi tiết…”

Từ Hách thật sự không nhìn nổi nữa, hắn mở miệng hướng dẫn cho Nguyễn Thời Ý vài câu, dạy nàng cách chọn bút lông và cẩn thận uốn nắn tư thế cầm bút vẽ của nàng.

Giọng điệu Từ Hách vừa nhẹ nhàng vừa mang theo vẻ dỗ dành, giống như dạy bảo hài tử chưa vỡ lòng.

Hắn nghiêm túc đàng hoàng nắm lấy tay nàng, sau đó cầm bút chấm mực.

Trong phút giây ấy, Nguyễn Thời Ý dường như trở lại cái ngày mà Từ Hách trở thành môn hạ của Nguyễn gia.

Vẫn là mùi gỗ trầm hương trên người hắn giống như năm đó, mùi mực nước trong nghiên mực và mùi trầm hương thoang thoảng trong gió vây chặt lấy nàng, khiến nàng không thở nổi.

Điều hoàn toàn khác biệt so với trước đây chính là tay của hắn không còn nóng rực như xưa, hơi ấm ấy đã được thay thế bằng sự mát lạnh, chúng bao bọc lấy da thịt nóng hổi của nàng, ngược lại giúp cho tâm trạng nàng bình tĩnh, thoải mái hơn.

Ngực Từ Hách kề sát phía sau lưng Nguyễn Thời Ý, lực đạo trên tay hắn lớn hơn tay nàng rất nhiều, bút lông mạnh mẽ di chuyển hiện lên nét mực cứng cáp phóng thoáng.

Cảm nhận được toàn thân Nguyễn Thời Ý thả lỏng mặc cho mình nắm, Từ Hách liền vươn tay trái ra trước rồi nhẹ nhàng đè ép bụng dưới của nàng, giọng điệu mang theo bất mãn: “Nàng nhìn nàng đi! Ngay cả thở cũng không biết thở, khó trách tay run rẩy, nét bút thì rời rạc lỏng lẻo!”

Nguyễn Thời Ý vốn đang bực bội vì Từ Hách kề sát mình, giờ lại bị hắn bất ngờ sờ một cái, cả người nàng giống như bắt lửa, vẻ bình tĩnh trầm ổn xưa nay đều ném lên chín tầng mây.

Thấy tay hắn vẫn không dời đi, Nguyễn Thời Ý ngập ngừng nói: “Chàng động tay động chân làm cái gì?”

“Nàng suy nghĩ lung tung gì vậy?” Từ Hách nghiến răng nói, “Ta đang cố gắng hướng dẫn nàng dùng lực khi cầm bút, vậy mà nàng ngay cả cách hít thở như thế nào cũng quên rồi?”

Nguyễn Thời Ý định giải thích nàng không quen tiếp xúc quá gần với nam nhân, nhưng lại cảm thấy lời này quá khó thốt ra khỏi miệng, cuối cùng nàng chỉ khẽ cắn môi, không nói ra nửa chữ.

Từ Hách thấy Nguyễn Thời Ý im lặng hồi lâu, hắn phát hiện ra nàng hiện lên vẻ xấu hổ hiếm khi mới thấy.

Từ Hách đưa cánh tay ôm lấy eo nhỏ của Nguyễn Thời Ý, hắn cúi đầu phả hơi thở lên cần cổ thơm ngọt ngào của thiếu nữ, kí©h thí©ɧ cả người nàng run rẩy.

“Đâu phải chưa từng ôm nhau, nàng khẩn trương làm cái gì?” Hắn ngửi hương thơm trên người nàng, chóp mũi nghịch ngợm vuốt ve vành tai người trong lòng, “Lúc nào cũng luôn miệng nói mình là bà lão lớn tuổi… chẳng lẽ bà lão… cũng xấu hổ?”

“Vẽ… vẽ tranh đi! Ít … ít nói lời vô nghĩa…” Nguyễn Thời Ý hơi giãy ra.

“Ngay cả nói chuyện cũng lắp bắp rồi sao?” Từ Hách cong môi cười, “Nguyễn Nguyễn, nàng có từng nghĩ tới bản thân mình chưa chắc… tâm như giếng cạn, không hề rung động chút nào không?”

Nguyễn Thời Ý thẹn quá hoá giận, “Chàng không vẽ? Vậy thì lăn ra chỗ khác nhanh lên!”

“Nếu ta muốn ‘lăn’, vậy chắc chắn sẽ lăn cùng một chỗ với nàng… Úi!” Từ Hách bỗng nhiên bị ăn củi chỏ, hắn không nhịn được mà kêu đau, “Rồi rồi rồi! Ta không đùa nàng nữa là được chứ gì!”

Từ Hách sợ Nguyễn Thời Ý tức giận nên quyết định tạm thời thoả hiệp, hắn bắt đầu nghiêm túc hướng dẫn nàng phác thảo.

Nguyễn Thời Ý cố gắng kìm nén nỗi lòng, nàng tập trung cảm nhận lực đạo biến hoá trên cổ tay hắn và cả cách chuyển động ngắt nghỉ của bút lông trong tay.

Đầu bút lông giống như được kết nối với đầu quả tim, bút rung thì tâm động, bút chuyển thì tâm rời, mực nước cứ như vậy mà vẩy xuống.

Hàng ngàn hàng vạn nét mực trong tim dần dần hiện lên trên tờ giấy tuyên thành màu trắng.

Trăng đêm yên ắng lặn về phía tây, ánh nến lung linh nhảy nhót trong đêm tối, một đôi nam nữ đứng trước bàn đang kề sát vào nhau, phong cảnh sông núi dưới ngòi bút dần lộ rõ hình dáng.

Hai trái tim đã nửa đời chưa từng gần gũi nhau như lúc này, hắn mãnh liệt, nàng bồn chồn… cuối cùng chỉ có thể hoà làm một.

Vì muốn làm dịu bớt sự nóng bỏng nồng nàn vốn đã ngủ yên, Nguyễn Thời Ý cố gắng tập trung, nàng nhỏ giọng đặt câu hỏi: “Tam Lang, lúc trước chàng có nhắc đến ‘Băng Liên’, nó có liên quan gì… đến việc hai chúng ta sống lại?”

Động tác Từ Hách cứng đờ, hắn ra hiệu cho nàng để bút xuống.

Thấy Nguyễn Thời Ý thoát ra khỏi l*иg ngực mình mà vẫn còn hơi sợ hãi, ánh mắt Từ Hách lập tức tối đi.

“Năm ngoái…. Không phải, năm đó vì muốn nhìn thấy thác Băng Hoả, ta đã đến vùng đất tiếp giáp giữa Bắc Liệt quốc và tộc người Nhạn. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào tảng băng ở một góc nhất định, băng và ánh sáng kết hợp tạo nên khung cảnh đặc biệt tráng lệ, kỳ quan này chỉ có thể nhìn thấy vào hai ngày trong một năm.”

“Trong quá trình chờ đợi, ta tình cờ gặp một nam tử bị trọng thương. Yết hầu của người kia bị châm dài đâm xuyên qua, nói không ra lời. Ta không thể thấy chết mà không cứu, tuy nhiên người kia không sống nổi qua ngày hôm đó. Trước khi nam tử chết, hắn có chỉ tay về hướng một tảng băng và ta đã tìm thấy hai đoá Băng Liên ở phía sau.”

“Một đoá đã tàn lụi, bên trong rơi ra viên trân châu lớn tầm đầu ngón tay; đoá Băng Liên còn lại thì nở rộ, lớn hơn bàn tay một chút, cánh hoa mỏng như cánh ve, màu sắc óng ánh… Ta một lòng muốn mang về kinh thành tặng cho nàng, để nàng dùng làm mẫu mà vẽ hoa. Nhưng Băng Liên vừa rời khỏi băng tuyết liền héo úa xấu xí, ta cũng không thể làm gì khác.”

“Bởi vì sợ không kịp trở về lúc nàng lâm bồn, ta đã cho viên trân châu vào hộp rồi để thư đồng cầm về trước, ta có kế hoạch dùng một xe băng rồi tự mình làm hộ hoa sứ giả mang đoá Băng Liên về cho nàng…”

“Kết quả còn chưa ra khỏi núi tuyết, ta đã gặp một đội nhân mã vung đao tấn công về phía mình. Ta đoán đó là bọn thổ phỉ, vì thế cũng không kịp nghĩ nhiều, chỉ vội vàng cầm bọc hành lý và Băng Liên rồi thi triển khinh công xuôi theo vách núi cheo leo…”

Nguyễn Thời Ý lau mồ hôi: “Sau đó… chàng bị rơi xuống núi? Chàng có bị thương không?”

“Nguyễn Nguyễn, mấy chục năm rồi mà nàng vẫn còn quan tâm ta có bị thương hay không… khiến trong lòng ta rất vui vẻ.”

Từ Hách lén lút nắm tay Nguyễn Thời Ý, nét mặt hắn tươi cười như đoá hoa nở rộ vào ngày xuân, “Đúng lúc ấy ta gặp phải tuyết lở nên bị rơi vào trong cốc, bởi vì cẳng chân bị thương nên ta không thể dùng khinh công leo lên trên, ta chỉ có thể đi về phía đầu bên kia của cốc. Đi ba ngày ba đêm, ta vừa lạnh vừa đói và cũng đã ăn hết tất cả những gì có thể ăn, cuối cùng bất đắc dĩ mới phải ăn Băng Liên cho đỡ đói, ăn đến tận gốc với lá…”

“Thứ kia không hề dễ ăn, ta ăn xong chưa được bao lâu thì cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, cho nên ta đã dựa người vào gốc cây rồi ngủ thϊếp đi. Lúc tỉnh dậy thì cả người bị chìm sâu ở trong tuyết, trên đỉnh đầu là hai con mãnh khuyển hưng phấn le lưỡi… Chuyện về sau thì nàng cũng biết rồi đó.”

“Ta về kinh để hội ngộ với mọi người thì biến cố xảy ra, ta bình tĩnh suy nghĩ lại thì đoán có lẽ bản thân đã tìm được bảo vật trân quý mà không biết, cuối cùng còn ăn bậy ăn bạ… Cho nên ta mới hỏi nàng có phải nàng cũng từng ăn Băng Liên.”

“Ta chưa từng ăn.” Nguyễn Thời Ý mờ mịt lắc đầu.

Nàng chợt giật mình nhớ ra một chuyện, trên lưng cũng toát ra tầng mồ hôi mỏng, “Vừa nãy chàng nói hạt châu và Băng Liên được để cùng một chỗ phải không? Hạt châu kia bị tách khỏi Băng Liên nên chưa được mấy năm đã phai màu, ta còn âm thầm chế giễu chàng không có mắt nhìn, thế mà cũng mua phải hàng nhái…”

“Chẳng lẽ nàng… nàng tức đến nỗi ăn cả hạt châu?”

“Thật ra cũng không phải, ta cất hạt châu dưới đầu giường, một lần cất là ba mươi lăm năm. Mãi đến khoảng thời gian trước đây, vì không kiềm nổi nghi ngờ trong lòng nên khi màn đêm buông xuống, ta mới cầm hạt châu để dưới lưỡi. Kết quả không cẩn thận nuốt vào trong bụng, sặc đến nỗi nước mắt nước mũi đều chảy ra…”

Giờ Nguyễn Thời Ý mới hiểu ra — có thể đây mới là nguyên nhân chân chính khiến nàng cải tử hồi sinh, cải lão hoàn đồng!

Hai người bốn mắt nhìn nhau, vì câu chuyện ly kỳ này mà không khỏi kinh hãi.

Sau một lúc lâu, sắc mặt Từ Hách mới thoáng dãn ra, hắn nhếch miệng rồi dịu dàng phát ra tiếng.

“Nguyễn Nguyễn, nàng bỏ ra nửa đời người, dốc lòng giữ gìn món quà mà ta tặng, vậy sao nàng vẫn khăng khăng trong lòng không có ta?”