Chương 12

Mỗi ngày, Khương Cảnh sẽ có một khoảng thời gian ngắn được ở riêng với ngài. Ấy là khi chuẩn bị nước tắm.

Bà Phúc Loan đã giảng giải cặn kẽ quy trình, nên Khương Cảnh có thể tự mình điều chế hương liệu. Ngài bắc một cái ghế gỗ, ngồi bên cạnh, nhìn y giã quế trong chiếc cối đá nho nhỏ. Cả hai người không ai nói với ai câu nào, chỉ chuyên tâm làm việc của mình. Sau cùng, ngài bất chợt hỏi, "Quế này còn nhiều lắm không?"

"Thưa, còn nhiều ạ. Bà Loan đưa tới mấy bao, chỉ để dùng cho việc tắm rửa."

Trịnh Hiệu Tích gật đầu, tỏ ý đã hiểu. Khương Cảnh trút bột quế vào hỗn hợp đã làm xong từ trước. Khi trộn xong, Khương Cảnh như có như không nhìn tới Trịnh Hiệu Tích. Y cầm một con dao, cắt vào cổ tay, để máu chảy xuống chiếc bát đựng hương liệu.

Máu tươi vừa rơi xuống, một mùi thơm nồng sực lên. Cái mùi này khiến cho người ngửi cảm thấy vô cùng đau đầu. Nhưng chỉ qua mấy phút, lại tản bớt trong không khí, chỉ còn hương thơm nhè nhẹ. Trịnh Hiệu Tích nhìn cổ tay chằng chịt vết cắt của Khương Cảnh, không nói gì. Cũng như rất nhiều lần trước đó, ngài đã chứng kiến người được chọn trích máu để "nuôi" mình. Ngay cả ý niệm hỏi Khương Cảnh "có đau không" cũng không hề xuất hiện trong đầu Trịnh Hiệu Tích. Ngài cho rằng, ấy là điều đương nhiên.

Con người, không ai muốn làm kẻ máu lạnh vô tình. Nhưng khi đã bị tách rời khỏi hoàn cảnh thông thường trong một thời gian dài, tính tình cũng sẽ vô hình trung bị bóp méo. Trịnh Hiệu Tích chính là một minh chứng. Khương Cảnh hiểu điều này, nhưng y cũng không ý kiến.

Y chỉ biết, Trịnh Hiệu Tích mỗi ngày đều tắm nước có trộn với máu của mình. Đây là cách để người và thần hình thành liên kết với nhau. Tuy Khương Cảnh không hiểu rõ, nhưng y đoán rằng chuyện này có liên quan tới chuyện giúp ngài về trần. Cứ tưởng tượng những giọt máu kia hòa vào trong nước, vuốt ve da thịt ngài, đi vào những nơi sâu kín nhất của ngài, là y đã cảm thấy mãn nguyện.

Y không rõ ngài có thấy được, y đã giống như đám con nhang đệ tử kia, tôn thờ ngài rất mực rồi hay không. Y chỉ biết mình khao khát ngài. Nhiều đêm, Khương Cảnh choàng tỉnh mà mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Y bắt đầu muốn hát những bài hát giao duyên, cốt là để xoa dịu trái tim rừng rực lửa nóng của mình. Khương Cảnh không hiểu vì sao lại thế. Y nghĩ rằng người mà mình đem lòng yêu mến, đáng ra phải là cậu Mân kia. Thế nhưng, người xuất hiện trong những giấc mơ của Khương Cảnh, lại là ngài.

Khương Cảnh bắt đầu nghĩ, có lẽ không phải long mạch chạy trong đất, tới Triêu Tịch thì bị gãy; mà ở Triêu Tịch, vốn dĩ ngay từ đầu đã không hề có long mạch. Bầu không khí của cái làng quỷ quái này cứ nhăm nhe nuốt chửng lấy con người, gặm nhấm suy nghĩ và trí óc người ta. Sự tồn tại của cộng đồng khiến họ nghĩ rằng mình vẫn ổn, nhưng thực ra ai nấy đều đã phát điên.

Không gian bị đóng kín(*), lại chẳng hay biết bên ngoài trời trăng thế nào. Suy nghĩ về thế giới bên ngoài - thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu một cách rất bất ngờ, nhưng lại nhanh chóng bị xua đi. Khương Cảnh hoảng hốt với ý nghĩ, Triêu Tịch này được dựng lên vì cái gì, và vì sao nó vẫn còn tồn tại. Đêm nọ, y lôi cái túi nhỏ mà chị Hồng đưa cho mình vào cái ngày bị bắt, mới nhận ra bên trong chẳng có muối hay gạo nào, mà chỉ có một dúm đất khô cằn.

Đó giống như một sự trấn an xảo trá. Khương Cảnh chợt nghĩ, liệu bao nhiêu người biết, thứ ở trong cái túi được phát mỗi tháng Bảy âm kia là đất cát vô tri? Hay họ vẫn cứ an tâm tin rằng nó sẽ giữ cho họ an toàn?

Khương Cảnh ngẩng đầu, thấy Trịnh Hiệu Tích đang nhìn mình. Một đôi mắt màu nâu rất đẹp, trong sáng không nhiễm bụi. Ma lực của Trịnh Hiệu Tích không hiểu là do bẩm sinh đã có, hay là vì mấy trò yêu ma quỷ quái kia tác động, mà khiến ai nhìn vào cũng nảy sinh cảm giác muốn quỳ xuống tôn thờ.

Hẳn nào, cậu Mân lại si mê ngài tới vậy.

"Sắp đến giờ cậu Mân tới rồi, ngài nên về phòng đi thôi." Khương Cảnh nhỏ giọng nhắc nhở. Trịnh Hiệu Tích lại bỗng rầu rĩ không vui.

"Ta không muốn gặp hắn."

Có lẽ, Trịnh Hiệu Tích chỉ ước thời gian ngừng lại mãi, để có thể trốn trong góc bếp này. Không phải gặp Mân Doãn Kỳ, không phải vướng vào mấy nghi thức quỷ quái kia.

"Cậu rất yêu ngài mà."

Hiếm khi có dịp được cùng Trịnh Hiệu Tích dông dài, Khương Cảnh cũng không ngại kéo dài thêm đôi ba câu.

"Ta chỉ ước hắn có thể buông tha ta."

"Ngài không nên nói thế, giả như cậu nghe thấy..."

Tới đây, Khương Cảnh bỗng im bặt. Từ đôi mắt trong vắt của Trịnh Hiệu Tích, một dòng nóng ấm chảy ra.

"Ta... ta cảm thấy rất đau..."

Không ít lần Trịnh Hiệu Tích kêu đau. Mỗi khi giao hoan với cậu Mân, ngài cũng sẽ vừa khóc vừa kêu. Hoặc như khi ngồi bên gương đồng, chỉnh trang lại khuôn mặt, thi thoảng Khương Cảnh sẽ thấy ngài nhíu chặt đôi mày. Ngài đau tới mức, hai cánh môi cũng trở nên trắng bệch, khiến cho người ta không khỏi xót xa.

Lúc đầu Khương Cảnh nghĩ, ngài vì bị cậu Mân làm quá dũng mãnh nên thụ thương. Nhưng bây giờ, xem ra là không phải.

Khương Cảnh lẳng lặng nhìn Trịnh Hiệu Tích vừa lau nước mắt vừa lẩm bẩm.

"Ta luôn không hiểu vì sao hắn lại làm như thế. Mấy chục năm rồi, giày vò ta còn chưa đủ hay sao... Sao không để ta chết luôn đi, ta..."

Khương Cảnh biết tiếp theo Trịnh Hiệu Tích sẽ nói gì. Y có thể đoán được.

"Khương Cảnh, ngươi giúp ta được không? Để chúng ta đều được tự do..."

Không biết ngài đã nói câu này với bao nhiêu người rồi? Khương Cảnh tự hỏi. Nhưng chắc chắn một điều, người mù kia cũng đã từng được ngài ngỏ lời như thế. Người mù đó đã nhận lời ngài. Chính vì vậy, y mới bị móc mắt ngay khi còn sống.

Dù đã biết trước kết cục của mình, thế nhưng ma xui quỷ khiến thế nào, Khương Cảnh vẫn tiến tới, cầm lấy tay ngài. Tay của Trịnh Hiệu Tích so với Khương Cảnh bé lắm. Y có thể nắm gọn nó trong tay. Khương Cảnh nhìn vào dung nhan thơ ngây của Trịnh Hiệu Tích, nhỏ giọng chấp thuận.

"Được."



Ngoài thời gian quấn quýt bên Trịnh Hiệu Tích, Mân Doãn Kỳ dành phần lớn thời giờ trong biệt phòng.

Biệt phòng nằm sâu trong nội phủ, được ngăn cách với bên ngoài bằng một cánh cổng sắt nặng trịch. Không ai được phép vào đây, nên lá cây rụng đầy lối đi cũng không có người tới quét dọn, đành để chúng tự mình phân hủy vào trong đất. Mân Doãn Kỳ thực ra không để ý lắm việc này. Cái mà hắn lưu tâm, chính là căn phòng sau cánh cổng kia.

Đằng sau cổng sắt là một hành lang dài. Phía cuối hành lang lại có một tòa viện nho nhỏ, khóa ba lớp xích. Mân Doãn Kỳ rút chìa khóa, lần lượt mở từng ổ khóa một. Cửa vừa đẩy ra, đã ngửi thấy mùi trầm hương ấm áp. Bên trong đốt nến sáng trưng. Bốn chiếc lư hương lớn đặt ở bốn góc phòng. Sát tường kê giá sách, tủ thuốc, mấy thứ đồ gỗ linh tinh... Ngoài ra còn có mấy chậu cây nhìn có vẻ cũ kĩ. Thực vật im lặng sinh trưởng trong bóng tối, vươn rễ dài ngoằng, bám lên cửa sổ, che khuất ánh sáng. Chính giữa phòng đặt một lò luyện đan, đang đốt lửa bên trong. Đứng cách bốn bước chân vẫn có thể cảm giác được nhiệt độ nóng rực.

Nếu như lắng tai nghe, có thể nhận ra, ngoài âm thanh phừng phừng của lửa cháy, còn có tiếng như là gào khóc cầu xin. Những tiếng này có thể nghe được rõ lắm, mà tất cả đều phát ra từ cái lò luyện kia. Chúng nó đang hét rằng, "xin cậu", "lạy cậu", khẩn cầu xin được chết.

"Nhưng các ngươi đều chết rồi kia mà." Mân Doãn Kỳ mỉm cười, tay không gõ gõ vào lò luyện, tạo thành âm thanh "đang đang" vui tai. Dù mặt đồng bên ngoài nóng rẫy bởi nhiệt độ từ trong, nhưng Mân Doãn Kỳ lại chẳng mảy may ảnh hưởng. Hắn vòng qua lò luyện, đi tới tủ gỗ, mở ra ngăn thứ nhất. Trong đó có rất nhiều lọ sứ nhỏ cỡ hai ngón tay, được sắp xếp ngay ngắn. Mân Doãn Kỳ tùy ý chọn một lọ, mở nắp đổ ra ngoài. Bên trong là một viên thuốc hình tròn, màu nâu sậm. Nhìn như một vị thuốc bổ.

Mân Doãn Kỳ nuốt vào.

Khoảnh khắc viên thuốc kia trôi qua cổ họng, hắn lại phải chịu đựng cảm giác quen thuộc đó. Nói là quen thuộc, nhưng lần nào Mân Doãn Kỳ cũng cảm thấy ghê tởm. Trong đầu hắn vụt qua bao nhiêu bóng ma quá khứ. Về con đường nhộn nhịp của làng Triêu Tịch. Về một đứa trẻ bẩn thỉu lăn lộn trên đất, trên môi vẫn nở nụ cười tươi rói. Về một người phụ nữ yên lặng ngồi dệt vải. Một loạt âm thanh cũng đồng thời sống dậy, đánh úp vào não bộ khiến hắn chao đảo. Mân Doãn Kỳ nghe thấy tiếng cười, tiếng khóc. Và tiếng nguyền rủa. Kẻ đó nguyền rằng hắn sẽ chết không toàn thây, sẽ bị ném xuống vạc dầu dưới địa ngục, vĩnh viễn không thể siêu sinh.

Tất cả những kí ức đó không thuộc về Mân Doãn Kỳ, mà thuộc về một người khác.

"Người" mà hắn vừa nuốt xuống dạ dày.

Sau một hồi lâu, Mân Doãn Kỳ mở mắt. Hắn cảm thấy người khỏe hơn rất nhiều. Nếp nhăn lờ mờ bên khóe mắt cũng biến mất không vết tích. Nếu như nhìn qua dung mạo tươi trẻ này, người ta sẽ vẫn đắm chìm trong ảo tưởng rằng cậu Mân vừa mới đôi mươi. Nhưng kì thực, Mân Doãn Kỳ đã bước qua tuổi ba mươi từ lâu rồi.

Đầu hắn vẫn ân ẩn đau. Ấy là di chứng của việc nuốt "linh", hậu quả của việc làm chuyện đại nghịch bất đạo. Nhưng hắn chẳng thể quản nhiều chuyện như thế. Nếu Mân Doãn Kỳ không dùng chúng, hắn sẽ phải tuân theo sinh – lão – bệnh – tử của người bình thường. Dần dần già đi, dần dần trở nên xấu xí.

Sao có thể như thế được. Trong khi, Hiệu Tích của hắn vẫn luôn trẻ đẹp thế kia.

Ổn định xong, Mân Doãn Kỳ lại đi về phía bàn. Trên bàn có một lò luyện rất nhỏ, chỉ bé chừng hai bàn tay. Lửa cháy âm ỉ. Bên trong có tiếng khóc tấm tức. Mân Doãn Kí dán sát má vào, thủ thỉ an ủi, "Hiệu Tích à Hiệu Tích, đừng khóc nữa."

"Đau quá... Mân Doãn Kỳ, tôi đau quá..." Âm thanh kia nức nở, như đã đến cực hạn. Mân Doãn Kỳ lại kiên nhẫn giảng giải, "Lúc đầu khi hồn phách bị tách ra, sẽ đau như thế. Nhưng không sao, dần rồi sẽ quen mà."

Rồi hắn hưng phấn hẳn, bắt đầu kể lể, "Bà Loan và ta đã tìm ra cách rồi. Hiệu Tích à, chịu khó một thời gian nữa, chỉ một thời gian nữa thôi..."

"Mân Doãn Kỳ, anh luyện tôi thành đan đi, được không?... Tôi không chịu nổi nữa." Âm thanh kia run rẩy cầu xin, chẳng ngờ lại khiến Mân Doãn Kỳ phật ý. Hắn lạnh mặt mà rằng, "Sao được? Ta hao tâm khổ tứ để tìm cách nuôi dưỡng hồn phách cho em, lí nào lại..."

Rồi lại thở dài, lại nỉ non.

Biệt phòng không một bóng người. Chỉ nghe tiếng khóc lóc của oán hồn bị nhốt trong lò luyện, tiếng gió thổi qua đám lá cây xào xạc, tiếng quạ kêu lúc có lúc không. Mân Doãn Kỳ ôm lấy lò luyện kia, mặc cho hai tay mình bị nhiệt độ hun bỏng rát.

"Nếu như Hiệu Tích yêu ta, thì có phải tốt hơn nhiều rồi không..."



Mân Doãn Kỳ muốn thay đổi phương pháp níu kéo Trịnh Hiệu Tích, không phải là không có lí do.

Vì vào ngày hai mươi tháng Bảy âm này, trên "người" Trịnh Hiệu Tích bắt đầu xuất hiện hiện tượng hoại tử.

Giống y như những năm trước.



Tháng diễn ra hèm của làng Triêu Tịch sắp kết thúc.

_

(*) Đặc trưng của làng Việt Nam thời xưa là không gian "nửa kín nửa hở".