Chương 18: Câu chuyện thứ tư (1)



Những năm cuối đời Minh, thiên hạ đại loạn, thiên tai, khói lửa binh đao diễn ra liên miên, cuộc sống của lão bách tính điêu đứng vô cùng.

Tuyến phòng thủ Ninh Viễn Cẩm Châu ngoài thành bị đánh cho tan tác như một nồi cháo, triều đình không còn cách nào khác phải tăng các khoản thuế má để chi trả cho quân đội.

Do các khoản chi tiêu của triều đình quá lớn, bách tính lại không đủ sức cống nộp, dẫn đến giặc giã hoành hành khắp nơi, từ châu đến huyện, cảnh tượng nơi đâu cũng như gió mùa thu thổi quét lá khô, quan binh thì như ngọn cỏ nhỏ nhoi trước trận cuồng phong.

Tại Tứ Xuyên, bọn giặc gϊếŧ người không chớp mắt, người dân vùng này trăm kẻ không biết có sống nổi được một người hay không. Ở Hà Nam, lũ giặc còn cho mở cửa sông để nước tràn vào nuốt thành, hàng vạn người đã bị chôn ngập trong bùn cát. Kể từ ấy không còn trông thấy mặt trời nữa. Thiên Hạ không khác nào một chiếc chảo lửa, khắp nơi không lũ lụt thì lại hỏa hoạn.

Trung Quốc khi ấy, chỉ có hai tỉnh Giang Tây và Triết Giang còn tạm được cho là thái bình. Phần vì hai tỉnh này đều là nơi cất giữ ngân khố, kho lương của triều đình, tiền cống nộp của Hoàng đế Tông Trinh cũng hầu như chỉ dựa vào thuế má thu được của hai nơi này. Cho nên trước nay đều được triều đình cho đóng quân trọng yếu ở đây, hơn nữa hai tỉnh Giang Nam này xưa nay vốn có tiếng đông đúc trù phú, nếu nói đời sống của người dân sung túc yên ổn cũng không ngoa.

Đằng gia khi ấy là gia tộc lớn nhất nhì trong thành, tiền tài như nước. Đương gia của Đằng gia khi đó là Đằng Vinh, hết mực giữ tôn nghiêm gia giáo cho dòng tộc.

Ông ta có người con trai tên Đằng Tử Lý, là một thiếu niên anh tuấn, thông minh đĩnh ngộ, lại hoạt bát lanh lợi, có tài thơ phú.

Khách đến nhà mong được kết giao làm thông gia cứ nườm nượp không ngớt, nhưng Đằng Vinh không ưa, chỉ muốn Đằng Tử Lý chuyên tâm đọc sách.

Không may thời thế chiến loạn, giặc giã làm một trận đại phản kích hung hãn, tuy quan binh như rừng nhưng cũng không dám “giương” mình phòng ngự, thổ phỉ khắp nơi thừa cơ đang lúc chiến loạn ra sức vào thành gϊếŧ người cướp của, phóng hóa đốt nhà bất kể ngày đêm.

Với tình cảnh đó, dân chúng chỉ còn cách chuyển nhà chạy đến nơi khác tránh nạn, lương khố của Đằng gia cũng bị loạn dân vơ vét sạch, Đằng Vinh đành mang theo gia quyến tới huyện Trung Cốc xin nương tạm ở nhờ. Thân sĩ phú hộ nơi này thấy Đằng Vinh là người có tiếng tăm trong thiên hạ, cho nên cũng thu xếp cho họ mấy gian phòng để ở tạm, lương thực và nhu yếu phẩm cũng cung ứng đầy đủ không thiếu thứ gì.

Đằng Tử Lý vì vội vã chyển nhà nên không kịp mang theo sách vở, việc học hành tạm thời bỏ dở, hàng ngày chỉ biết ra ngoài thôn tản bộ giải sầu.

Trong thôn có người họ Vương, nhà đối diện với nơi Đằng Tử Lý ở nhờ, vợ của Vương ba mươi tuổi, đoan trang mặn mà hết mực, khác hẳn với những phụ nữ khác trong thôn. Họ có cô con gái tên Liễu Nhi, còn xinh đẹp hơn cả mẫu thân. Vẫn thường hay theo mẹ xay lúa trước sân nhà.

Một hôm Liễu Nhi cầm một cây chổi đi ngang qua trước cửa nhà Đằng Tử Lý, tuy mặc đồ vải thô đã sờn, cũng không có trang sức đắt tiền, vậy mà tóc búi cao, mắt mày thanh tú.

Đằng Tử Lý thoáng trông thấy đã bị cuốn hút ngay, ánh mắt dõi theo đến khi cô gái đi khuất hẳn rồi mới quay người vào trong nhà.

Sau khi về nhà thì trăn trở nhớ nhung mãi không thôi. Đến sáng thức dậy cũng chưa kịp rửa mặt đã vội ra ngoài cửa đứng đợi.

Sắp về trưa, cuối cùng cũng trông thấy Liễu Nhi đi qua cửa.

Đằng Tử Lý ngắm nhìn Liễu Nhi thật kỹ, thấy đôi bàn chân nàng nhọn như măng tre thì yêu thích lắm, đứng ngây người hồi lâu không rời mắt.

Mãi tới khi mẹ của Liễu Nhi là Vương Thị đi lại, thì khi ấy Đằng Tử Lý mới cảm thấy bối rối, rồi quay người bỏ đi trong tiếc nuối.

Vương Thị đã cảnh giác ý đồ của cậu ta, kể từ đó không để Liễu Nhi bước ra khỏi cửa, mọi chuyện trong nhà cần ra ngoài thì đều tự thân làm hết.

Đằng Tử Lý buồn bã vô cùng, trong lòng thầm thương trộm nhớ bóng hình Liễu Nhi, tình trong như đã mà không biết tỏ cùng ai.

Một ngày nọ, đang ngập ngừng tư lự trong sân nghe ve sầu kêu. Bỗng có vật gì đó rơi keng dưới chân, ghé mắt nhìn xuống, thì ra đó là một chiếc nhẫn bạc. Ngó nghiêng xung quanh, chỉ trông thấy Liễu Nhi đang đứng ngoài cửa vừa thỏ thẻ cười vừa chỉ tay về phía chiếc nhẫn dưới đất, như ra hiệu nhờ Đằng Tử Lý nhặt lên giùm.

Đằng Tử Lý hiểu ý, vội nhặt chiếc nhẫn lên đặt vào khấu áo, lúc ngẩng đầu lên nhìn thì nàng đã đi xa mất rồi.

Đằng Tử Lý u sầu không biết giãi bày cùng ai, vậy là xuất khẩu làm đôi câu thơ:

Nhẫn bạc như trăng khuyết

Trơ trọi giữa trời cao

Lạc xuống giữa nhân gian

Nhẫn bạc như tuyết trắng

Ta muốn hỏi trời xanh

Tấm lòng này biết ngỏ cùng ai…

Không lâu sau, giặc giã bị quan quân đàn áp, gia đình Đằng Vinh chuẩn bị trở về quê hương. Đã mua một chiếc thuyền lớn để trở người và hành lý, chỉ chờ gió thuận ngày đẹp là lên đường.

Đằng Tử Lý cả ngày đứng ngoài cửa nhà, rất muốn thổ lộ tình cảm với Liễu Nhi, vậy mà người đã như ngọn gió cuốn tới nơi nao.

Đến ngày phải lên đường, cánh buồm vải đã được căng lên đón gió, gia nhân của Đằng gia lũ lượt kéo nhau lên thuyền, buồm thuận chiều gió, chẳng mấy chốc mà đã đi xa hơn chục dặm. Đằng Tử Lý nhìn con nước tung trào không khỏi thở dài ảo não. Hận không thể chắp lên người đôi cánh bay vượt Trường Giang…

Vừa nghĩ tới đó, bèn cảm giác người nhẹ tênh như một chiếc lá, theo gió cuốn tới bờ phía bắc, đi về phía trước lại phát hiện đường đi đã không còn giống như lúc trước.

Hai bên đường cây cối um tùm, đi xuyên vào trong lại trông thấy có mấy căn nhà tranh, không gian tĩnh mịch không có lấy bóng người.

Đằng Tử Lý giục giã tiến đến gần căn nhà tranh, muốn xem xem bên trong có người ở hay không, tiện thể hỏi đường luôn.

Lại nghe thấy bên trong nhà có tiếng khóc ai oán não nùng, trong lòng Đằng Tử Lý sẵn đã mang nỗi u buồn, giờ lại nghe tiếng khóc thì lại cảm thấy sầu khổ vạn phần.