Từ lúc có ý thức, trí nhớ của nàng luôn là những buổi tối ngóng trông của di nương.
Chỉ đến khi nàng đói không chịu nổi mà kêu khóc thì mới bắt đầu ăn cơm, đương nhiên thức ăn đã không còn nóng và thơm như lúc vừa dọn lên.
Sau đó dần dần di nương sẽ chán chường, rồi vị phụ thân kia lại đến cùng ăn cơm, ở lại một tối, ánh sáng trong mắt di nương lại bừng lên.
Rồi lại chờ đợi, rồi lại thất vọng, lại hy vọng… Cứ như vậy!
Di nương luôn ôm nàng kể cho nàng nghe phụ thân nàng là quan tri phủ oai phong cỡ nào, đã cứu di nương khỏi bọn sơn tặc trên núi ra sao.
Người còn vô cùng tốt bụng, cứu xong thì mang về phủ nạp làm di nương.
Lúc nhỏ nàng cũng nghĩ vậy.
Nhưng lớn dần nàng hiểu nhiều hơn.
Trong phủ ngoài vị chủ mẫu nàng phải gọi là mẫu thân nhưng luôn không thèm nhìn nàng thì còn có hai di nương khác, mỗi người cũng sinh cho quan tri phủ một đứa con gái.
Chủ mẫu có hai con trai và một con gái.
Hậu viện luôn tràn đầy tiếng cười nói, nha hoàn gã sai vặt tới lui, nhưng là chính viện.
Nàng và di nương chỉ là hai con kiến hôi nhỏ bé, không được xuất hiện trong những bữa tiệc.
Cái tên của nàng, Trần Thanh Thanh, đoán chắc cũng là do vị phụ thân kia tùy tiện lấy khi nàng được bế đến trước mặt.
Ừm, có khi hôm ấy bà đỡ bế nàng mặc áo quần màu xanh.
Nàng làm rất tốt lời di nương dạy. Nhưng lúc nhìn di nương uống thuốc bổ chưa xong đã hộc máu thì nàng hoảng sợ rồi.
Di nương của nàng là con gái một đại phu trong làng, dù y thuật không gọi là cao minh nhưng từ khi nàng còn nhỏ đã dạy nàng rất nhiều về thảo dược, nàng không tin bà không biết trong thuốc bổ có độc.
Vậy mà vẫn uống ngày này qua ngày khác, lúc hộc máu thì cũng chỉ còn chút hơi sức nắm tay nàng mỉm cười:
“Sau khi ta đi, con phải khóc thật nhiều vào, bám chặt lấy chân phụ thân con mà khóc”
Hóa ra sau khi quá nhiều thất vọng, bà ấy muốn dùng cái ch/ế/t của mình để khiến vị phụ thân kia để ý đến nàng, muốn nàng được hưởng nhiều quyền lợi hơn, muốn đẩy nàng về phía vị chủ mẫu kia, để nàng được làm đích nữ.
Nhưng bà nhầm rồi, quá nhầm rồi!
Sau khi di nương mất, chủ mẫu vì quá đau lòng mà ngã bệnh không thể đích thân đưa tiễn.
Các vị di nương khác, người thì con bệnh người thì bản thân bệnh.
Tóm lại tan sự chỉ có quản gia đứng ra xử lý qua loa, di nương bị sơn tặc bắt đi, người nhà đều đã mất nên cũng không có ai đến dự.