Quyển 4 - Chương 3: Chân tướng (1)



Tiết đại gia kết hôn lúc hơn 30 tuổi, hơn 40 tuổi mới có được một đứa con đầu lòng như mong đợi.

Ông đặt tên cho con trai là Tiết Tích, vì cuối đời mới có một mụn con nên vô cùng thương yêu. Nhưng không ngờ, đứa con trai đến muộn này lại khiến ông phải nếm những bi thương của trần gian. Khi Tiết Tích ra đời, vì điều kiện kinh tế quá kém nên vợ Tiết đại gia mắc phải bệnh khi ở cữ, sau đó phải làm lụng vất vả trong thời gian dài nên ôm bệnh mà qua đời khi Tiết Tích lên ba. Tiết đại gia cũng không suy sụp vì nỗi đau mất người bạn già, ông cho rằng ít nhất mình cũng còn Tiết Tích, ít nhất cũng còn có con trai sống với mình, hơn nữa, chỉ mới ba tuổi nhưng Tiết Tích đã bộc lộ sự thông minh lanh lợi của mình ở nhiều phương diện, khiến mọi người vô cùng yêu mến. Điều này như một liều thuốc tinh thần giúp Tiết đại gia có thể đảm đương vai trò cả cha lẫn mẹ, như một cỗ máy không hề biết ngừng nghỉ, lao động bạt mạng để nuôi nấng Tiết Tích dần dần lớn lên.

Khi lớn lên, Tiết Tích rất thông minh và hiểu chuyện, hắn cũng biết cha già rất vất vả, vì vậy, cho dù thành tích học tập ở trường rất xuất sắc nhưng vẫn kiên quyết bỏ học sau khi tốt nghiệp cấp hai, về nhà giúp Tiết đại gia cày cấy kiếm tiền nuôi gia đình. Tiết đại gia chứng kiến Tiết Tích càng ngày càng cao lớn, càng ngày càng trưởng thành, trong lòng cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy sự vất vả của mình không hề uổng phí, bởi vì phải lao động trong tình trạng vô cùng vất vả một thời gian dài, cơ thể ông nhanh chóng trở nên gầy còm và lom khom, trên khuôn mặt già nua đầy những nếp nhăn, vì thiếu dinh dưỡng mà tóc rụng dần khiến đỉnh đầu trọc lóc… Những điều này đã không còn quan trọng nữa, nó đều đáng giá cả!

Sau này, Tiết đại gia cảm thấy Tiết Tích vẫn còn trẻ mà lúc nào cũng ở trong nhà thì không tốt, nếu để lâu có lẽ gần như sẽ trở thành thằng ngốc cái gì cũng không biết mất. Ông cũng đã nhìn ra, mỗi khi Tiết Tích thấy lũ trẻ cùng lứa hễ cứ đến dịp năm mới lễ chạp là lại mặc những bộ đồ thời thượng, xách theo đủ thứ túi lớn túi nhỏ trở về từ thành phố lớn, bằng cái giọng thành thị nhưng vẫn mang theo âm hưởng thôn quê chúng say sưa kể về những ánh đèn rực rỡ về đêm lạ lùng trong thành phố, Tiết Tích luôn tràn ngập sự hâm mỗ, tràn ngập những khát khao vô tận.. Ở những thành phố lớn đó, nhà lầu san sát như rừng rậm, trên đường chỉ toàn những người ăn mặc chỉnh tề, bề ngoài bảnh bao, quần áo sạch bóng, ai cũng nho nhã lịch sự, cử chỉ phong độ, tao nhã như những thầy giáo trong trường vậy, nơi đó ô tô qua lại như mắc cưởi, mặt đất ở đó không nhiễm một hạt bụi, cho dù lăn mấy vòng trên mặt đất cũng không làm bẩn áo quẩn, không giống như ở nhà, tiện tay sờ liền thấy chỗ nào cũng đóng một lớp bụi… Tiết Tích đắm chìm trong tưởng tượng, thường xuyên ngơ ngẩn khi làm việc, những việc này đương nhiên Tiết đại gia nhận ra.

Vì vậy, ngay trong năm trước, khi Tiết Tích hai mươi ba tuổi, Tiết đại gia quyết định để con trai mình xông xáo thế giới bên ngoài, đồng thời mở mang kiến thức. Khi biết quyết định của cha, Tiết Tích đương nhiên vô cùng mừng rỡ, nhưng lập tức nghĩ đến việc mình vừa đi, cha già phải một mình làm những công việc nặng nhọc trong nhà, vì vậy hắn lại do dự. Mặc dù cha khăng khăng muốn hắn đi nhưng hắn vẫn quyết định từ bỏ, khi những người bạn vác hành lý trên vai chờ hắn cùng xuất phát, hắn kiên quyết quay trở về…

Về sau, hai cha con bàn bạc với nhau và tìm được một biện pháp để giải quyết.

Cách thôn Thanh Tuyền hơn mười dặm đường về phía tây chính là thị xã Mai Lĩnh (thôn Thanh Tuyền là một thôn thuộc thị xã Mai Lĩnh), trên đường phố của thị xã có một nhà máy nội thất cổ do người bản địa xây dựng, chẳng qua chỉ là tìm mua một ít đồ dùng cũ trong nhà ở nơi khác với giá rẻ rồi chở về nhà máy, sau một quá trình sửa chữa và trang trí qua loa liền thu được đồ nội thất cổ, đương nhiên chúng sẽ có mẫu mã phổ biến nhất, họ cũng tìm thợ mộc căn cứ vào khuôn mẫu có sẵn để bắt chước theo (1), hàng nhái được làm ra đều có mẫu mã giống nhau, sau khi trải qua phương pháp làm cũ đặc thù, cuối cùng hoàn tất việc làm giả đồ nội thất cổ.

Nó có tên là nhà máy nội thất Đỉnh Long, nói là nhà máy nhưng kỳ thật chỉ là một phân xưởng gia đình không hề có giấy phép đăng kí kinh doanh, cũng chẳng đăng kí mã số thuế, ông chủ của nhà máy tên là Triệu Đỉnh Long, là một người có đầu óc, có phương pháp làm việc nên dù nhà máy khá nhỏ nhưng lợi nhuận luôn ào ào chảy vào túi hắn, nghe nói hắn là người giàu nhất ở xã Mai Lĩnh, cả xã cũng chỉ có mình hắn có một chiếc Audi.

Biện pháp của Tiết Tích chính là trước tiên làm việc một thời gian ở nhà máy nội thất Đỉnh Long, nhận thức sơ bộ về xã hội này, đồng thời tiện thể kiếm một ít tiền mang về cho gia đình, điều quan trọng hơn là nơi này cách thôn Thanh Tuyền tương đối gần, bất cứ lúc nào cũng có thể về nhà giúp cha làm việc… Tiết đại gia cảm thấy rất hài lòng với ý kiến này của con trai, vì vậy hai cha con đã đến nhà máy nội thất Đỉnh Long để tìm Triệu Đỉnh Long, xin cho con trai mình ở lại nhà máy làm việc.

Triệu Đỉnh Long là một người hơn 40 tuổi, vóc dáng cao to lực lưỡng, để đầu trọc láng coong, hắn có một đôi mắt tam giác đúng tiêu chuẩn trông có vẻ rất hung hãn. Nhưng trái ngược với bề ngoài, tính tình của hắn rất tốt, khi nói chuyện khá nhiệt tình, khách sáo. Hết được mời thuốc rồi lại được mời trà khiến Tiết đại gia có cảm giác thụ sủng nhược kinh (2). Sau khi nghe xong mục đích của Tiết đại gia khi đến đây, hắn sờ sờ lên cái đầu trọc của mình, híp đôi mắt tam giác chằm chằm đánh giá Tiết Tích vài lần, sau đó nói với Tiết đại gia: “Lão Tiết, chắc ông cũng biết, công nhân trong nhà máy của tôi đều là những thợ mộc ít nhất đã ngoài bốn mươi tuổi, những người này cẩn thận, giàu kinh nghiệm, tay nghề cũng tốt, về phần người trẻ tuổi như Tiết Tích thì… Nói thật, tôi cũng chưa cần.”

“Không sao, chú Triệu. Cháu rất khỏe, cháu có thể dọn dẹp đồ đạc, có thể phụ một tay quét sơn, chà giấy nhám, cháu cũng không sợ bẩn, không sợ mệt…” Thấy Triệu Đỉnh Long có ý từ chối, Tiết Tích vội vàng mở miệng giải thích, tự mình cố gắng giành lấy cơ hội.

“Đúng đúng, hơn nữa thằng nhóc này học rất nhanh, chỉ cần dạy một lần là hiểu rồi, ông xem…” Tiết đại gia cũng cố cầu khẩn.

“Ha ha… không ngờ tiểu tử này thật hiểu chuyện.” Triệu Đỉnh Long sờ sờ cái đầu trọc của mình, vỗ đùi rồi đứng lên: “Được, tôi thích thằng nhóc này, coi như bồi dưỡng một phụ tá vậy. Vậy đi, lương mỗi tháng là bảy trăm, làm tốt sẽ có thêm tiền thưởng, thế nào?”

Đối với mức lương bảy trăm đồng, e rằng phần lớn thanh niên đều chẳng thèm ngó đến. Nhưng từ nhỏ đã sống ở vùng quê nghèo khổ, chưa bao giờ rời khỏi gia đình, Tiết Tích cho rằng cũng không tệ, vì vậy liền vội vàng chấp nhận, cũng tỏ ý có thể lập tức bắt đầu làm việc.

Sau khi nhìn con trai được công nhân dẫn ra ngoài làm việc, Tiết đại gia đi đến cạnh Triệu Đỉnh Long nịnh nọt hắn, như muốn năn nỉ hắn chiếu cố thêm cho Tiết Tích, đừng để thằng bé làm việc quá vất vả. Triệu Đỉnh Long tỏ ra mình là một người hào phóng, vỗ ngực thình thịch, “Lão Tiết, ông cứ yên tâm đi, đừng nói ở đây căn bản không có công việc gì quá nặng nhọc, cho dù có, chẳng lẽ tôi lại nỡ để một đứa nhỏ lần đầu tiên ra khỏi nhà phải làm hay sao? Cho dù phải tự thân làm, tôi cũng sẽ không để cháu làm đúng không? Yên tâm yên tâm, tôi sẽ đối xử với tiểu Tiết như con trai của mình vậy…

Thấy Triệu Đỉnh Long sảng khoái chấp nhận, Tiết đại gia cảm thấy yên tâm. Ông chân thành cảm ơn rồi chào tạm biệt Triệu Đỉnh Long, rời khỏi nhà máy nội thất để về nhà. Trên đường đi, ông cảm thấy trong lòng thanh thản, thoải mái hơn nhiều, con trai bảo bối của mình đã có thể làm thuê để kiếm tiền, thậm chí ông còn lên một kế hoạch, đợi khi nào con trai nhận được tiền lương tháng đầu tiên, hai cha con nhất định phải ăn mừng một bữa thịnh soạn mới được…

~~o0o~~

Chú thích:

(1) – Thành ngữ: Chiếu hồ lô họa biều - trông bầu vẽ gáo (ví với việc mô phỏng theo hình dáng bên ngoài)

Cố sự: Tống triều năm thứ nhất, Hàn lâm học sĩ Đào Cốc cho rằng lời văn của mình cao siêu, tài năng xuất chúng, muốn thể hiện để được thăng chức nên khuyến khích Tống thái tổ coi trọng nghề viết chữ. Triệu Khuông Dận cho rằng công việc của hắn chỉ là sao chép mà thôi, là y dạng họa hồ lô (đồ lên vật có sẵn mà ra hình vẽ), Đào Cốc không đạt được mục đích liền đề thơ lên tường: “Cứ cười Hàn lâm Đào học sĩ, mỗi năm y dạng họa hồ lô”.

(2) - Được sủng ái mà lo sợ; được nhiều người yêu thương vừa mừng lại vừa lo.